Bùi Giáng và triết lý hẻm cùng

Bùi Giáng và triết lý hẻm cùng

Có một ngày, thi sĩ Bùi Giáng đã viết:

“Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình, người đi lại lang thang
Ghì giữ mãi ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì thẹn với truông ngàn”.

Xưa Bùi Giáng đã đi khắp nẻo Sài Gòn. Chẳng ai biết ông đi để làm gì. Dù ngày nắng hay ngày mưa, người ta cũng thường thấy một lão già đầu đội nón rách, tay kẹp bọ gì đó cứ đi trên đường phố không biết về đâu. Đôi khi, người ta cũng thấy Bùi Giáng trong một buổi trưa nắng gắt, đứng ở ngã tư đường, miệng thổi còi, tay ra hiệu lệnh điều khiển giao thông. Người ta nói ông bị điên nhưng thực tế ông đâu có điên, ông đang “hí” đời đấy.

Tôi cũng thử một lần như Bùi Giáng, tìm dấu chân xưa nơi chốn địa đàng. Thử lang thang qua mấy dặm Sài Gòn. Ngược con dốc hứng chiều rơi cổ tháp. Chẳng thấy vui đâu, chỉ thấy buồn ơi là buồn. Mà cũng lạ, tôi thường hỏi Bùi Giáng xưa có buồn không? Người ta chỉ biết gặp ai cũng cười. Gặp bằng hữu ông rộn ra nói chuyện này, chuyện nọ, ít khi thấy ông than vãn hay ca cẩm điều gì. Mà đôi khi ông có chửi. Ông chửi đứa này không biết văn chương. Chửi đứa kia còn bập bẹ nói tiếng Việt mà đòi bình thơ Pháp, hay diễn dãi cái triết lý Tây phương. Có lẽ, ông đã giấu nỗi buồn ở đâu đó, lâu rồi quên mất. Giờ thì mỗi ngày ông phải đi để tìm lấy nó về?

Và nữa, có khi nào Bùi Giáng đi vào con hẻm cùng sao không thấy ông nói gì về nó hết. Sài Gòn này thì thiếu gì hẻm cùng. Cứ hễ từ đường lớn rẽ vào là gặp. Cuộc đời cũng như con đường vậy, anh cứ đi, cứ đi cho đến khi nào hết đường thì dừng lại. Có thể là dừng lại mãi mãi, cũng có thể là dừng lại rồi đi tiếp. Ta chưa bao giờ thấy Bùi Giáng dừng lại. Ông mãi đi, mãi đi, đi hết ngày này qua đêm khác. Đi trên cõi tục ông không chịu, ông muốn đi trên cõi tiên, một mình một cõi. Và cuối cùng ông đi mất.

Bùi Giáng đã để lại cho đời hàng ngàn bài thơ bất hủ và nhiều tập phê bình, dịch thuật xuất sắc. Ông đi là để sống, đi là để viết. Ông vừa đi vừa viết. Ông hăm hở đi qua cuộc đời như một kẻ mộng du. Cứ đi trong ngạo nghễ, rồi bỗng một ngày ông đối diện với con hẻm cùng. Ông đứng lại nhìn ngắm và suy nghĩ rất lâu, rất lâu. Bất chợt ông phá lên cười lớn: “Không ngờ một bức tường nhỏ lại có thể ngăn cách được cả hai thế giới”.

1 bình luận trong “Bùi Giáng và triết lý hẻm cùng”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang