truyen-cuoi-dan-gian-la-gi

Truyện cười là gì?

Truyện cười.

I. Khái niệm truyện cười.

Truyện cười (còn gọi là truyện tiếu lâm) là một lĩnh vực truyện kể dân gian rộng lớn, đa dạng, phức tạp bao gồm những hình thức được gọi bằng những danh từ khác nhau như truyện tiếu lâm, truyện khôi hài, truyện trào phúng, truyện trạng, giai thoại hài hước. Tiếng cười trong sinh học mang tính bản năng, vô thức phát ra do phản ứng của cơ thể một cách đơn thuần. Trong khi, tiếng cười tâm lý xã hội biểu thị thái độ, bộc lộ tư tưởng, tình cảm con người. Tiếng cười tâm lý xã hội có hai loại nhỏ: tiếng cười tán thưởng và tiếng cười phê phán.

Tiếng cười tán thưởng biểu thị niềm vui, sự yêu mến. Tiếng cười phê phán biểu thị sự khinh ghét, sự phủ nhận.

Tiếng cười phê phán là cái cười trong truyện cười. Cái cười phát ra từ cái đáng cười. Cái đáng cười chứa đựng cái hài hiểu theo nghĩa triết học, nghĩa là có mâu thuẫn bên trong. Đó là mâu thuẫn giữa cái xấu và cái đẹp, giữa hình tượng và ý niệm, giữa sinh động và máy móc.

Truyện cười dân gian là một thể loại truyện dân gian chứa đựng cái hài, dùng tiếng cười làm phương tiện chủ yếu để thực hiện chức năng phê phán, châm biếm, đả kích cái xấu xa và mua vui giải trí.

II. Đặc điểm truyện cười.

– Đặc điểm chung của truyện cổ dân gian là ngắn gọn, nặng về lí trí, có kết cấu chặt chẽ và kết thúc đột ngột, bất ngờ. Nội dung của truyện cười có các mục đích:

+ Mua vui giải trí: nhằm mục đích giải trí là chủ yếu, song nó cũng có tính chất phê phán nhẹ nhàng những thói xấu của người bình dân, những lầm lẫn, hớ hênh, những tình huống trớ trêu: (Tay ải tay ai, Thấy dễ mà thèm, Ăn vụng gặp nhau…) như các giai thoại về Bác Ba Phi

+ Phê bình giáo dục: phê bình thói hư tật xấu của người chung quanh trong xã hội đương thời: Hội sợ vợ, Lợn cưới áo mới, Sợ quá nói liều…

+ Châm biếm, đả kích: vạch trần cái ác, cái xấu có tính bản chất của giai cấp thống trị, lãnh đạo. Truyện trào phúng đả kích từ vua chúa, quan chức đến địa chủ cường hào, thầy đồ, thầy chùa, thầy pháp, thầy lang, nhà giàu mới, ông bà chủ, sếp… (Quan huyện thanh liêm, Thần bia trả nghĩa, Nó phải bằng hai mày, Nam mô… boong, Thầy đồ liếm mật, Chỉ có một con ma…). Hệ thống truyện trạng (tiêu biểu là truyện Trạng Quỳnh, truyện ông Ó), Ba Giai Tú Xuất,…

– Truyện cười thường khai thác những mâu thuẫn trái tự nhiên những hành động kệch cỡm, rởm đời hay dốt nát trong cuộc sống. Truyện thường ngắn nhưng chặt chẽ, ít các chi tiết rườm rà, mâu thuẫn phát triển nhanh và kết thúc bất ngờ. Truyện cười mang ý nghĩa giải trí và giáo dục.

– Ngoài tiếng cười, nó tập trung phê phán những thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân, vì thế mới có ý kiến cho rằng, truyện cười không chỉ là sản phẩm của óc khôi hài mà còn là một thứ vũ khí đấu tranh đắc dụng của nhân dân ta.

III. Phân loại truyện cười.

Có thể chia truyện cổ dân gian Việt Nam thành hai loại hình chính: truyện cười kết chuỗi và truyện cười không kết chuỗi.

1. Truyện cười kết chuỗi.

– Truyện cười kết chuỗi là những mẩu giai thoại hài hước xoay quanh một nhân vật có thực hoặc được coi là có thực (như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai, Tú Xuất,…).

– Loại truyện này nở rộ ở nước ta trong thời kỳ phong kiến suy tàn (từ khoảng giữa thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX), tiêu biểu nhất là hai hệ thống (hai chuỗi) truyện về hai “ông trạng” : Trạng Lợn và Trạng Quỳnh.

2. Truyện cười không kết chuỗi.

– Truyện cười không kết chuỗi là những truyện cười có kết cấu hoàn chỉnh, tồn tại độc lập mang tính chất phiếm chỉ (chỉ chung, không có tính xác định cụ thể về thời gian, địa điểm, nhân vật).

– Các nhân vật ở loại truyện này thường chỉ được giới thiệu về thành phần, địa vị xã hội, giới tính chứ không có tên riêng (như anh lính hầu, anh đây tớ, quan huyện, thầy đề, lí trưởng, nhà sư, thầy đồ, chàng rể, bố vợ, mẹ chồng, nàng dâu,…), có khi nhân vật chỉ được gọi tên bằng một tính cách (ví dụ: anh mê ngủ, anh sợ vợ, chị hay ăn quà, anh chàng lười,…).

– Truyện cười không kết chuỗi (hay truyện cười phiếm chỉ) ở nước ta rất phong phú, đa dạng, gồm nhiều tiểu loại khác nhau, như :

+ Truyện khôi hài (hay hài hước): tiếng cười có tác dụng mua vui là chủ yếu, không hoặc ít có tính chất phê phán đả kích (ví dụ : truyện Ba anh chàng ngủ mê, truyện Tay ải tay ai,…).

+ Truyện trào phúng (hay châm biếm): chứa đựng tiếng cười có nội dung phê phán, đả kích mạnh mẽ (ví dụ : truyện Lạy cụ đề ạ, truyện Phú hộ ngã sông, truyện Nam mô boong,…).

+ Truyện tiếu lâm (theo nghĩa hẹp): là những truyện cười dân gian mang yếu tố tục, có tác dụng gây cười mạnh mẽ (ví dụ: truyện Đỡ đẻ giỏi nhất đời, truyện Đầy tớ,…)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang