Thời điểm ra đời của truyền thuyết
Truyền thuyết Việt Nam ra đời và phát triển trong thời đại anh hùng Việt Nam, thời đại mà những yếu tố xã hội – lịch sử của nó mang đặc trưng chung của thời đại anh hùng trong lịch sử nhân loại: Đó là thời kỳ con người bứt ra khỏi đời sống dã man, bước vào chế độ văn minh đầu tiên. Thời kỳ được đánh dấu bằng những chiến công lao động và những biến đổi xã hội sâu sắc, nên còn được gọi là thời kỳ của “thanh kiếm sắt, cái cày và cái rìu bằng sắt”. Ở Việt Nam, nó được đánh dấu bằng sự kết thúc của thời kì tiền sử, sự khởi đầu của thời kì sơ sử, với sự hình thành của nhà nước Văn Lang đầu tiên, thuộc thời kì văn hoá kim khí mà đỉnh cao là văn hoá Đông Sơn.
+ Việc sử dụng công cụ kim loại được coi như một cuộc cách mạng kỹ thuật. Đồ đồng cực kỳ phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, thể hiện trình độ cao về kỹ thuật chế tác và năng khiếu thẩm mỹ dồi dào của chủ nhân nó như những chiếc rìu, lưỡi cày đồng, xẻng, cuốc đồng, dao gặt… Công cụ sản xuất vô cùng phong phú và tiến bộ đã dẫn đến thành quả lao động được nâng cao, đời sống con người được cải thiện. Bên cạnh nhu cầu ăn, ở, người ta đã có nhu cầu thẩm mĩ, không chỉ là ăn no mặc ấm mà còn là ăn ngon, mặc đẹp, và sinh hoạt tiện lợi. Con người đã phần nào khám phá một số bí ẩn của thiên nhiên để phục vụ cộng đồng: sản xuất một số cây trồng theo mùa vụ, tìm ra một số giống cây quý, nhiều giống lúa nước và chế biến một số món ăn từ gạo…
+ Nhu cầu mở rộng thêm các vùng định cư và sản xuất, khai thác thêm các thị trường mới để trao đổi sản phẩm, khám phá đất hoang… ngày càng dâng cao trong cộng đồng. Chiến tranh giữa các bộ tộc xảy ra liên miên nhằm xâm lấn đất đai, mở rộng địa bàn, thôn tính lẫn nhau (dẫn đến sự hình thành nhà nước đầu tiên). Các bộ lạc có xu hướng: hoặc là thâu tóm lẫn nhau hoặc đoàn kết để chống lại các bộ lạc lớn mạnh khác.
+ Hoàn cảnh đó đã tạo nên một Không khí hào hùng cho thời đại mà Ăngnghen nhận xét là: “thời đại mà mỗi thành viên nam giới của bộ lạc đến tuổi thành niên đều là những chiến binh…”. Các thành viên trong cộng đồng có điều kiện bộc lộ phẩm chất anh hùng của mình, ý thức về lịch sử, dân tộc, chủ quyền lãnh thổ được nuôi dưỡng. Xuất hiện các cá nhân anh hùng và tập thể anh hùng. Và truyền thuyết ra đời nhằm tôn vinh sức mạnh, phẩm chất người anh hùng của mình, cộng đồng của mình.
Tóm lại: Thời đại truyền thuyết: Đó là bước tiến vọt từ đồ đá sang đồ đồng sắt, từ hái lượm săn bắt sang trồng trọt lúa nước và định cư nông nghiệp, từ lối sống thô sơ đến sự ra đời của “nghề khéo” và “của ngon vật lạ”, từ mẫu hệ sang phụ quyền, từ bộ lạc sang liên minh bộ tộc và nhà nước phôi thai, tóm lại từ dã man sang văn minh, ở trên vùng châu thổ sông Hồng. Và nếu như thần thoại ra đời từ nhu cầu nhận thức của người nguyên thuỷ thì truyền thuyết ra đời từ nhu cầu tôn vinh, nhu cầu được tự hào về những chiến công vĩ đại cả về làm ăn, cả về chiến đấu của con người thời đại anh hùng.