»» Nội dung bài viết:
Từ hiểu biết về Truyện Kiều, hãy làm rõ ý kiến: “Máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”
Khi bàn về Truyện Kiều của Nguyễn Du, Mộng Liên Đường chủ nhân cho rằng: “Máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”.
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của mình về Truyện Kiều, em hãy làm sáng tỏ điều đó.
- Mở bài:
Truyện Kiều là kiệt tác văn học của thiên tài Nguyễn Du và của nền văn học dân tộc. Yêu tố làm nên giá trị Truyện Kiều không chỉ ở tài nghệ thi ca, số phận con người mà còn ở tấm lòng của thi hào dành cho con người và cuộc đời. Đọc Truyện Kiều ta như thấy “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột” (Mộng Liên Đường chủ nhân)
- Thân bài:
Ý kiến trên thể hiện nỗi xót thương của Nguyễn Du cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh – một phương diện chủ yếu trong chủ nghĩa nhân đạo của ông.
Truyện Kiều là tiếng lòng xót thương cho cuộc đời đầy bi kịch của Kiều:
Kiều vốn là một cô gái tài sắc vẹn toàn lại bị lừa gạt và bị bán vào lầu xanh, phải chấp nhận cuộc đời đắng cay, tủi nhục. Nàng vì chữ hiếu đã phải hi sinh mối tình đầu đẹp đẽ, trong sáng và thơ mộng của mình với Kim Trọng, phải chịu cảnh lưu lạc, rời bỏ cuộc sống “êm đềm trướng rủ màn che”.
Số phận bạc mệnh của Kiều vừa đau xót cho bản thân mình, vừa đau xót cho tình yêu dang dở, vừa đau xót vì phải xa lìa người thân. “Truyện Kiều” chính là tiếng nói thương cảm, là tiếng khóc đau đớn trước số phận bi kịch của con người. Thúy Kiều là nhân vật mà Nguyễn Du yêu quý nhất. Khóc Thúy Kiều, Nguyễn Du khóc cho những nỗi đau lớn của con người : tình yêu tan vỡ, tình cốt nhục lìa tan, nhân phẩm bị chà đạp, thân xác bị đày đọa…
- Phân tích cảnh ngộ và tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích
- Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Kiều qua đoạn thơ: “Kiều càng sắc xảo mặn mà...”
- Chứng minh nghệ thuật tả người bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Truyện Kiều là tiếng nói lên án, tố cáo, đấu tranh đòi quyền sống cho con người:
Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công tàn bạo, là lời tố cáo xã hội phong kiến chà đạp quyền sống của con người, đặc biệt là những người tài hoa, người phụ nữ. Đó còn là bản án tố cáo các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến, từ bọn sai nha, quan xử kiện, cho đến “họ Hoạn danh gia”, “quan Tổng đốc trọng thần”, rồi là bọn ma cô, chủ chứa,… đều ích kỉ, tham lam, tàn nhẫn, coi rẻ sinh mạng và phẩm giá con người.
Xã hội phong kiến bất công không trân trọng tài sắc của con người, đặc biệt là người phụ nữ (“Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “Chữ tài liền với chữ tai một vần”). Đồng tiền tác oai tác quái làm lung lạc lòng người khiến cho kiều bị biến thành một món hành không hơn không kém. Đồng tiền đã làm tha hóa con người, vì tiền con người sẵn sàng giẫm lên lương tâm con người và xóa mờ công lí.
Kiều rơi vào lầu Ngưng Bích trước hết bởi tên quan xử kiện “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”; Mã Giám Sinh, Tú Bà cũng vì tiền mà đẩy Kiều vào lầu xanh; tài sắc như Kiều cũng chỉ là một món hàng để người ta “Cò kè bớt một thêm hai/Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.
Truyện Kiều đề cao con người từ vẻ đẹp hình thức, phẩm chất đến những ước mơ, những khát vọng chân chính.
Hình tượng nhân vật Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, hiếu hạnh đủ đường là nhân vật lí tưởng, tập trung những vẻ đẹp của con người trong cuộc đời. Dù lưu lạc trong nhân gian đến mười lăm năm và ném trải không biết bao nhiêu tủi nhục, Thúy Kiều vẫn giữ vững niềm tin đối với gia đình. Tình yêu của nàng đối với Kim Trọng trong chừng áy năm vẫn không hề mòn khuyết. Tuy cuối cùng không thể tái hợp nhưng tấm lòng của Kiều dành cho Kim hết sức nồng nàn.
“Truyện Kiều” còn là bài ca về tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy, là giấc mơ về tự do và công lí.
Bước chân “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều đến với Kim Trọng đã phá vỡ những quy tắc thánh hiền về sự cách biệt nam nữ. Qua hình tượng Từ Hải, Nguyễn Du gửi gắm ước mơ anh hùng “đội trời đạp đất” làm chủ cuộc đời, trả ân báo oán, thực hiện công lí, khinh bỉ những “phường giá áo túi cơm”.
Nhận định trên hoàn toàn đúng đắn, đã chỉ ra được một phương diện chủ yếu của giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó là nỗi xót thương cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh, đặc biệt là người con gái tài sắc như Kiều.
Truyện Kiều đã phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, khi mà chế độ phong kiến đang suy thoái đã bộc lộ đầy đủ tính chất mục nát, vô nhân, và các tầng lớp nhân dân đã bị dồn đến bước đường cùng. Cảm hứng hiện thực của tác phẩm được kết tinh vào nhân vật trung tâm Thúy Kiều tài sắc và đa nạn.
Xây dựng hình tượng Thúy Kiều và nhiều nhân vật bất hạnh khác trong tác phẩm, tác giả một mặt đã thể hiện lòng thương vô hạn đối với các nạn nhân; đồng thời đã tố cáo, lên án và phản kháng mạnh mẽ mọi thế lực bạo tàn chà đạp lên thân phận con người, nhất là người Phụ nữ. Điều đó đã đưa tinh thần nhân đạo của thời đại lên đỉnh cao mới. Đọc Truyện Kiều, ta như thấy “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”.
- Kết bài:
Nguyễn Du đã viết truyện Kiều bằng cả tâm hồn mình, bằng tất cả tình yêu thương đối với con người và cuộc đời. Học giả Phạm Quỳnh từng nhận định: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Với giá trị tồn chứa trong mình, Truyện Kiều xứng đáng là một viên ngọc sáng ngời, là một di sản quý báu của nền văn hóa Việt Nam.
- Cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích
- Cảm nhận bức chân dung tuyệt sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều
- Qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm, hãy phân tích nỗi thương nhớ của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích