»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận tùy bút “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân
- Mở bài:
Nguyễn Tuân là một trong những tác giả lớn nhất của văn học Việt Nam hiện đại với những thành tựu xuất sắc trong cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau 1945. Sáng tác của Nguyễn Tuân mang phong cách riêng độc đá. Trong đó nổi bật chất tài hoa, uyên bác. Là một nghệ sỹ suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân thường khám phá thế giới ở phương diện văn hóa, thẩm mỹ, khám phá con người ở vẻ đẹp tài hoa nghệ sỹ. Tùy bút Người lái đò Sông Đà thể hiện rõ ràng phong cách nghệ ấy của ông.
- Thân bài:
Người lái đò sông Đà in trong tập “Tùy bút Sông Đà” (1960) gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ. Tác phẩm là bức tranh sinh động, hấp dẫn về cảnh và người ở Tây Bắc. Tác phẩm là kết quả ngọt ngào sau chuyến đi thực tế ở Tây Bắc 1958, chứng kiến thực tế xây dựng cuộc sống mới ở vùng núi cao đã đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo cho Nguyễn Tuân.
Tùy bút viết về người lái đò trên dòng sông Đà vùng Tây Bắc. Ông lái đò gần bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, tinh nhanh. Trong vòng mười năm, ông xuôi ngược sông Đà hơn một trăm lần. Cuộc vượt thác của ông với sóng nước sông Đà vô cùng gian nan nhưng cũng rất oanh liệt. Ông lái đò với tư thế hiên ngang, ung dung, tự tin, gan dạ đã chiến đấu dũng cảm với thủy trận, thạch trận sông Đà như một nghệ sỹ tài hoa, tài tử. Hình ảnh ông lái đò nổi bật giữa trời mây non nước sông Đà.
- Phân tích nhân vật người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
- Phân tích tính cách con sông Đà trong Người lái đò sông Đà của tác giả Nguyễn Tuân
- Phân tích cuộc ác chiến giữa người lái đò và dòng sông trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
Cũng qua tùy bút, tác giả cho người đọc thấy được tác phẩm là một khảo cứu về thiên nhiên, địa lý… của sông Dà. Một con sông vừa hung bạo dữ dội, vừa trữ tình nên thơ; đồng thời tác giả cũng thể hiện niềm tin vào tương lai tươi đẹp khi sông Đà đem tiềm năng phục vụ cuộc sống mới.
Tác phẩm thể hiện tình cảm gắn bó thiết tha của Nguyễn Tuân với sông Đà và với những con người lao động vừa dũng cảm tuyệt vời, vừa tài hoa nghệ sĩ sống trên dòng sông này; đồng thời thể hiện niềm tin của tác giá với cuộc sống mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.
1. Hình tượng sông Đà.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, con sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác mà rất sinh động như một sinh thể. Hình tượng sông Đà hiện lên với hai nét tính cách trái ngược nhau đó là một sông Đà hung bạo và một sông Đà thơ mộng, trữ tình.
a. Một dòng sông hung bạo, dữ dằn:
Bằng sự am hiểu sâu sắc của mình về sông Đà, tác gỉa đã khắc họa rõ nét hình ảnh về một dòng sông hung bạo thông qua những hình ảnh so sánh sinh động.
– Lời đề từ: “Chúng thủy giai Đông tẩu. Đà Giang độc Bắc lưu” (Các con sông đều chảy về hướng Đông. Chỉ có sông Đà một mình chảy về hướng Bắc) phần nào cho thấy một con sông khác thường, phá cách, bứt phá không chịu tuân theo dòng chảy chung…
Sông Đà hung bạo dữ dội ở dòng chảy độc đáo, bất thường, nhiều thác ghềnh, ở đá dựng vách thành, ở hút nước trên sông, ở sóng gió gầm rống cuồn cuộn, ở trùng vi thủy trận, thạch trận trên sông Đà.
– Dòng sông hung dữ ở những quảng hẹp nhiều thác ghềnh… gây cảm giác ớn lạnh.
– Dòng sông có những xoáy nước nguy hiểm…
– Dòng sông với những bãi đã ngầm như thạch trận…
– Thác sông Đà hết sức dữ dội, chỉ nghe âm thanh cũng đủ thấy tâm địa độc ác khó lường… Tất cả những gì thuộc về Đà giang đều khủng khiếp “nước xô đá, đá xô sóng… suốt năm”.
Nhận xét: Khi miêu tả vẻ dữ dội của sông Đà, Nguyễn Tuân đã sử dụng những hình ảnh mới mẻ táo bạo, những so sánh liên tưởng hết sức bất ngờ khiến con sông Đà trở thành kẻ thù số một của con người. Thậm chí Nguyễn Tuân còn so sánh nó với loài thủy quái. Ông vận dụng sự uyên bác của mình để tô đậm tính cách của con sông Đà.
Trí tưởng tượng phong phú, so sánh nhân hóa độc đáo, ngôn ngữ điêu luyện giàu góc cạnh và vận dụng hàng loạt giác quan nghe, nhìn, cảm. Nguyễn Tuân miêu tả con sông Đà như loài thủy quái khiổng lồ vừa nham hiểm, vừa hung bạo luôn sẵn sàng dìm chết người lái đò.
=> Nhà văn ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ, bí ẩn của thiên nhiên vùng Tây Bắc, khơi gợi khát vọng khám phá kiếm tìm.
b. Một dòng sông thơ mộng, trữ tình:
Sông Đà trữ tinh, thơ mộng ở dáng vẻ dịu dàng, thơ mộng như một thiếu nữ kiều diễm với mái tóc dài “Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình…”, “Sông Đà như một áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn vạn sải”. Sông Đà tráng lệ ở vẻ đẹp màu sắc biến đổi kì ảo theo mùa của nước sông Đà, ở vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên, tĩnh lặng đầy gợi cảm quyến rũ của bờ sông, bến sông, cảnh vật và thú rừng ven sông…
– Vẻ đẹp của sông Đà được cảm nhận trong thời gian vận động 4 mùa với màu nước thay đổi: màu xanh ngọc bích, lừ lừ chín đỏ như mặt người bầm đi vì rượu bữa.
– Dòng sông đẹp ở đôi bờ hoang dại.
– Sông Đà còn đẹp ở phương diện chất thơ Đường thi.
– Sông Đà còn được cảm nhận như một cố nhân.
Với cái nhìn ở nhiều góc độ, nhiều thời gian khác nhau, Nguyễn Tuân đã làm hiện lên một con sông rất đỗi trữ tình nên thơ nên họa và nó làm thức dậy lòng yêu vẻ đẹp của giang sơn Tổ quốc.
Nhận xét: Từ cái nhìn của Nguyễn Tuân về sông Đà ở hai chiều hùng vĩ dữ dội và thơ mộng trữ tình, Nguyễn Tuân đã cho thấy tấm lòng yêu nước và cũng là dịp để Nguyễn Tuân bộc lộ phong cách tài hoa, uyên bác của mình. Cũng qua hình tượng con sông Đà, Nguyễn Tuân đã cho thấy sự khảo cứu công phu của mình về dòng sông…
Nguyễn Tuân sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật so sánh nhân hóa đặc sắc, với những liên tưởng kì thú , Nhà văn đã miêu tả con sông Đà thật trữ tình thơ mộng gợi nhớ đến những câu thơ Đường Thi cổ kính, đến tứ thơ trữ tình của Tản Đà. Nhà văn ca ngợi vẻ đẹp hoang sơ, gợi cảm và quyến rũ của thiên nhiên Tây bắc như một công trình nghệ thuật của tạo hóa.
Có thể thấy, hình ảnh Sông Đà được miêu tả dưới nhiều góc độ thể hiện chất tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Hai vẻ đẹp trái ngược của con sông tạo nên ấn tượng nơi người đọc, đồng thời cũng thể hiện tình yêu mến thiết tha của ông với sông Đà.
2. Hình tượng người lái đò.
a. Một con người lao động mạnh mẽ, thuần phác.
Ông lái đò được miêu tả như một người lao động trí dũng, một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác sông Đà.
– Ông lái đò sinh ra gắn bó với dòng sông Đà. Tuổi ngoài 70 nhưng thân hình vẫn vạm vỡ như chất sừng mun, giọng nói vẫn khỏe, cặp mắt vẫn tinh tường. Có thể nói ông lái đó là con người của sông nước.
– Ông là người hiểu sâu rộng về dòng sông. Tâm hồn, tính cách hồn hậu, giàu kinh nghiệm, hiểu biết tường tận luồng lạch trên sông Đà. Sông Đà đối với ông như một thiên trường anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những dấu chấm dấu phảy.
– Ông có trình độ lái đò hết sức điêu luyện và là vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệp. Giờ đây khi đã rời xa nghề chèo đò nhưng ông vẫn hoài niệm về những ngày tháng gian nan mà vui vẻ đó.
b. Một con người mưu trí, dũng cảm, tài hoa.
– Người lái đò bước vào cuộc vượt thác giống như vị chỉ huy bước vào trận đánh. Phải đặt nhân vật vào trong môi trường chiến trận mới có thể bộc lộ hết phẩm chất của người lái đò…
Cuộc chèo đò vượt qua ba trùng vi (vòng vây nước) thác nước được miêu tả như cuộc chiến đấu sinh tử của ông lái đò với sóng nước. Mỗi trùng vi vượt qua bộc lộ những phẩm chất của ngươi lao động tài trí (Hiên ngang, dũng cảm, tự tin, thông minh, táo bạo, nắm rất chắc từng đoạn sông Đà để chinh phục).
– Mỗi phòng tuyến kẻ thù có cách phục kích riêng với nhiều chiến thuật khác nhau đòi hỏi người lái đò phải tỉnh táo, bình tĩnh ứng phó…
– Người lái đò cưỡi lên sóng như là cưỡi hổ, như thuần phục một con ngựa bất kham. Có lúc ông lái đè sấn lên những ngọn sóng, có khi phải chặt đôi con sóng ra mà tiến, khi phải giữ chặt cuống lái, khi thì lái miết không ngưng nghỉ… khâm phục trước tài nghệ của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã gọi là tay lái nở hoa.
– Sau khi vượt qua ba vòng vây nước sinh tử, ông lái đò trở về với vẻ đẹp khoan thai nghệ sĩ, trở về phong thái ung dung, khiêm nhường, bình dị của người lao động.
Nhận xét:
– Trong cuộc vượt thác của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã sử dụng hàng loạt những động từ mạnh để tạo nên một không khí chiến trận của những kẻ ngang tài ngang sức. Nhưng cuối cùng chiến thắng thuộc về người lái đò. Sự uyên bác của Nguyễn Tuân đã có dịp thể hiện rõ qua những đoạn văn miêu tả cuộc vượt thác. Nguyễn Tuân cũng đã thể hiện cái nhìn mới về người anh hùng. Ông lái đò giống như dũng tướng xung trận, thể hiện vẻ đẹp oai phong của người lao động, biết làm chủ và chế ngự thiên nhiên.
– Thông qua việc miêu tả chân dung ông lái đò, Nguyễn Tuân muốn nêu lên vấn đề: chủ nghĩa anh hùng ở ngay trong cuộc sống của con người hàng ngày phải vật lộn với thiên nhiên vì miếng cơm manh áo, ở ngay trong những người lao động bình thường.
– Tác phẩm thể hiện tình cảm yêu mến, cảm phục và niềm tin chân thành của Nguyễn Tuân vào con người và cuộc sống mới.
– Tác phẩm thể hiện sự uyên bác, tài hoa tinh tế và lãng mạn của Nguyễn Tuân khi “Nhìn sông Đà bằng trái tim của nhà thơ và đôi mắt của họa sĩ”.
– Người lái đò sông Đà đã thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nét tài hoa thể hiện qua ngôn ngữ, hình ảnh, câu văn sáng tạo mới mẻ, vốn từ vựng phong phú, ngôn ngữ chính xác…
- Kết luận
Tùy bút “Người lái đò sông Đà” là một bút kí tài hoa. Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và con người lao động, thể hiện cái tôi tài hoa, cái tôi hòa nhập và sở trường viết tùy bút của Nguyễn Tuân. Qua việc khắc họa vẻ đẹp đa dạng của con sông Đà hung bạo và trữ tình, gắn với hình ảnh giản dị và kì vĩ của người lái đò, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu, sự đăm say trước thiên nhiên và con người lao động trên miền Tây Bắc của đất nước.