Vẻ đẹp bức tranh mùa xuân trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
- Mở bài:
Mùa xuân vốn là một đề tài lớn trong thi ca từ xưa đến nay. Có thể nói, trong sự nghiệp của mình, nhà thơ nào cũng có ít nhất một lần viết về mùa xuân. Mùa xuân là mùa của cây xanh trái ngọt, cỏ tươi hoa thắm, bầu trời lồng lộng sáng trong. Mùa xuân là mùa của tình yêu nồng thắm, mùa của lễ hội tưng bừng, rộn rã. Tuy viết ít trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, với Mùa xuan nho nhỏ nhà thơ Thanh Hải cũng đã kịp để lại một bài thơ xuân nồng ấm yêu thương, đóng góp một sắc màu nhỏ nhỏ trong bức tranh mùa xuân rộng lớn của nền thi ca dân tộc.
- Thân bài:
Mở đầu bài thơ, hiện lên một bức tranh mùa xuân đầy sắc màu và âm thanh hòa quyện trong đất trời đang rừng rực sức sống. Hình ảnh thơ chuyển đổi lần lượt theo cái nhìn của nhà thơ. Không gian thay đổi từ thấp lên cao, từ gần ra xa, xa dần đến mờ khuất. Hình ảnh thơ Thanh Hải không có gì mới lạ, không rực rỡ nhưng đã thu hút được cái nhìn của người đọc. Sự bình dị khiến người ta chú ý. Đầu tiên là hình ảnh bông hoa tím biếc giữa dòng sông xanh:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”.
Không quá đột ngột nhưng sắc tím hoa lục bình lập tức tạo cho bức tranh một cái nền hòa dịu, đượm chút u buồn. Từ “mọc” làm cho ý thơ mạnh mẽ nhưng không làm sao tránh được sự đơn độc của “một bông hoa tím biếc”. Câu thơ làm ta chợt nhớ đến bài hát “Hoa Tím Lục Bình” của Bích Tuyền:
“Ϲó một loài hoa buồn trôi lững lờ
Theo nước hững hờ xuôi mãi về đâu
Vẫn trôi trôi chẳng hết sầu
Nên loài hoa ấу đượm màu tím thương.
Ϲó một loài hoa vừa trôi vừa nở
Em lấу chồng rồi anh ở vậу thôi
Nữa mai thương đứng nhớ ngồi
Biết loài hoa ấу vừa trôi vừa buồn”.
Hoa lục bình nở quanh năm, đâu chỉ riêng gì mùa xuân. Nhưng trong bức tranh xuân ấy, nó góp một sắc màu thầm lặng, nhỏ bé. Hoa lục bình tím nhạt theo kiểu sắp tàn phai, không kiêu kì, không rực rỡ. Giữa bức tranh mùa xuân xanh bất tận, nó lại càng lẻ loi vô cùng.
Từ “một bông hoa” đã nói lên tất cả. Dường như nó đang cố sức bung nở tận cùng. Cố dâng hiến hết cho đời nguồn sinh lực cuối cùng trước khi đi vào tàn héo. Sự lẻ loi, hiu hắt, đượm buồn chứ không phải là điểm nhấn đầy nghệ thuật như cành lê trắng trong thơ Nguyễn Du:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Phải chăng, qua bông hoa lục bình tím biếc ấy, Thanh Hải muốn nói đến đời người, kiếp người trong cõi phù sinh mênh mang. Dòng sông xanh ấy hay chính là dòng đời chuyên chở bao cuộc đời người. Bông hoa hay chính là kiếp người nhỏ bé, nổi trôi. Hoa chỉ nở có một lần rồi đi vào luân hồi chuyển biến. Hai từ “tím biếc” khiến người đọc có cảm giá nao nao. Tím biếc là tím rực rỡ, tím tận cùng. Cái đẹp đang ở thời kì huy hoàng, rực rỡ nhất. Nghĩa là nó sắp tàn phai, tạo nên cảm giác tiếc nuối vô cùng.
Có thể nói, đó chính là tâm trạng chân thật của Thanh Hải khi ông đang nằm trên giường bệnh. Khi sắp lìa xa cuộc đời mà những trăn trở vẫn còn khiến nhà thơ ham sống tận cùng. Ông còn muốn tiếp tục được cống hiến, được tươi xanh, được tô điểm cho cuộc đời đẹp đẽ này dù rất thầm lặng. Chính khát vọng ấy đã làm cho câu thơ trở nên ấn tượng. Lói thơ giản dị, không có gì cầu kì, thủ pháp đảo ngữ tinh tế khiến cho hình ảnh thơ nổi bậc trên nền cảnh rộng lớn.
Từ dưới mặt đất, dường như để thoát ra khỏi sự ám thị ấy, nhà thơ ngước nhìn lên bầu trời cao và không khỏi ngỡ ngàng:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”.
Tiếng chim chiền chiện vút tận trời xanh, khuấy động không gian trầm lắng. Tiếng chim lảnh lót, thanh cao thả vào không gian thứ âm thanh mê hoặc đầy quyến rũ. Nếu ở đồng quê, mấy ai không biết đến loài chim này. Đó là “ca nữ” của bầu trời cao. Với thân hình nhỏ bé nhưng tiếng hót lại rất thanh. Chim chiền chiện thường bay vút lên bầu trời cao. Cánh chim bay lên cao mãi cho đến khi hình bóng nó chỉ còn bé xíu và cất cao tiếng hót. Tiếng hót vang dội khắp đất trời, khiến cho muôn loài im tiếng, cỏ cây tĩnh lặng lắng nghe khúc nhạc xuân đầy khí thế.
Nó hót bằng tất cả sinh lực mình. Có khi như gào thét giận dữ. Có khi như líu ríu tâm tình. Có khi lại gắt gỏng, chua ngoa. Tiếng chim vang vọng hòa thắm bức tranh xuân. Âm thanh réo rắt kết nối vạn vật lại với nhau trong khúc ca cuồng say bất tận.
Nghe tiếng chim hót nhà thơ tự hỏi “hót chi mà vang trời”. Thi sĩ vừa khâm phục vừa cảm thương cho chàng ca sĩ ấy. Làm sao để lí giải niềm say mê ấy. Kể cả anh chàng nghệ sĩ đồng quê kia cũng không thể cho một câu trả lời vừa ý.
Qua hình ảnh con chim chiền chiện, Thanh Hải nhẹ nhàng gửi đến người đọc một thông điệp rằng đã dâng hiến thì không cần biết tạo sao và vì sao. Chỉ đơn giản là hãy sống và cống hiến cho cuộc đời những tinh anh của mình. Sống là tận lực dâng hiến. Dù là rất nhỏ bé, dù là rất bình thường nhưng không bao giờ là vô nghĩa.
Mỗi cá nhân đều biết sống vì cuộc đời, tận lực vì cuộc đời thì cuộc sống sẽ thêm tười xanh, tràn đầy ý nghĩa. Mỗi một mùa xuân nhỏ hòa quyện lại với nhau sẽ làm nên mùa xuân lớn của đất trời. Như bông hoa lục bình kia, lẻ loi mà tươi thắm. Như con chim chiền chiện kia, cô độc mà nồng nhiệt đến tận cùng. Bất giác, nhà thơ như rơi vào thế giới của nhiệm màu. Cả thế giới hòa đọng trong tiếng chim, buông lơi khắp bầu trời:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Từ “hứng” được dùng thật đắc địa. Tiếng chim chiền chiện giờ đây như hiện hình thành từng giọt âm thanh rơi khiến ta có thể bắt lấy, có thể hứng lấy được. Tiếng chim chiền chiện như kết tụ sắc xuân, khí xuân, tình xuân thành giọt ngọt dâng lên cho trời đất đang trong kì chuyển hóa siêu năng.
Chỉ một từ “hứng” thôi, nhà thơ đã “bắt” mùa xuân trên tay, nắm giữ lại cái dòng chảy của tạo hóa. Câu thơ khẳng định tư thế chủ động làm chủ cuộc đời của con người. Ông muốn ôm vào lòng tất cả cái say mê, cái quấn quýt, cuồng nhiệt của cuộc đời đang trải rộng ra trước mắt, muốn làm chủ quy luật của đất trời, giữ mãi cái tươi canh của mùa xuân cho cuộc đời này.
- Kết bài:
Không dụng công, không ẩn ý, cứ tự nhiên, Thanh Hải đã lặng lẽ tô thắm cho mùa xuân, kí thác vào đó tâm tư. Ông luôn muốn mình là “một mùa xuân nhỏ nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời” những tinh anh, mật ngọt, góp sức làm nên mùa xuân lớn của đất trời, của đất nước. Đó là một khát vọng cao đẹp, sáng ngời lí tưởng cách mạng, thật đáng trân trọng biết bao.
Bài tham khảo:
Cảm nhận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
- Mở bài
Thanh Hải là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ cách mạng miền nam. Thơ ông chân thật, bình dị, đôn hậu và chân thành. Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải. Sau năm 1975, thơ ông càng chín hơn. Bài “Mùa xuân nho nhỏ” (1980, làm trên giường bệnh trước khi mất không lâu) là thành công tiêu biểu hơn cả.
- Thân bài:
Thiên nhiên mùa xuân vốn thường mang lại cho con người niềm vui rộn ràng và sức sống tươi trẻ, sự tin yêu vào cuộc sống. Mở đầu bài thơ là cảm xúc của tác giả về mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, vũ trụ. Đó là bức tranh mùa xuân ở Cố đô Huế dịu dàng, tươi mát và tràn đầy sức sống:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Chỉ bằng một vài nét phát họa đơn sơ tác giả dựng lên trước mắt người đọc một bức tranh mùa xuân nên thơ, dịu mát với những đường nét, màu sắc hài hòa tươi sang. Một dòng sông trong xanh mát rượi, màu xanh của sự sống, của ước mơ, hòa bình, khát vọng. Màu xanh ấy luôn mang đến cho con người cảm giác trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống. Trên cái nền của dòng sông xanh tươi, mát rượi ấy bỗng xuất hiện một bông hoa tím biếc nhẹ nhàng trôi. Màu tím nên thơ dịu dàng, nhẹ nhàng, đằm thắm, thủy chung, son sắt đợi chờ. Màu tím đặc trưng của vùng đất cố đô, của quê hương xứ sở, gợi lên trong lòng người biết bao tình cảm mến yêu, lưu luyến.
Động từ “mọc” được đặt ở đầu câu như nhấn mạnh sự xuất hiện của loài hoa đang nhẹ trôi giữa dòng sông xanh mát. Sự xuất hiện ấy tuy nhỏ bé nhưng là dấu hiệu của một sự sống đang hiện hữu, đang khoe hương sắc làm đẹp cho cuộc đời. Ở đây, sự phối hợp màu sắc rất nên thơ, thanh tao, nhã nhặn. Tác giả sử dụng những gam màu nhạt, nhã nhặn để tạo nên một bức tranh mùa xuân nên thơ, dịu mát. Và trong bức tranh mùa xuân trong trẻo, tươi mát ấy tác giả bỗng nghe thấy tiếng hót véo von lảnh lót của loài chim chiền chiện:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Tiếng chim hót thánh thót vang vọng cả đất trời làm cho lòng người cũng xôn xai tưng bừng rộn rã. Từ cảm thán “ơi” kết hợp với cụm từ nghi vấn “hót chi”, một cách nói rất Huế thể hiện tâm trạng mừng vui, say sưa ngây ngất, sự giao hòa của con người với vẻ đẹp thiên nhiên, của mùa xuân sự sống.
Những giọt sương đêm còn đọng trên cành lá hay là giọt mưa xuân từ trên bầu trời thánh thót rơi. Cũng có thể đó là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện kết tụ lại mà tác giả ngỡ như là những giọt nước lấp lánh sắc màu cứ rơi, rơi mãi tưởng chừng không dứt.
Sự chuyển đổi từ thính giác sang thị giác, xúc giác một cách tinh tế, đầy sang tạo. Tiếng chim vốn là âm thanh của tạo hóa mà con người chỉ có thể cảm nhận bằng đôi tai, bằng thính giác. Nhưng qua cách cảm nhận của tác giả trong một phút giây thăng hoa của tâm hồn nghệ sĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, vũ trụ thì tiếng chim ấy lại hóa thành từng giọt long lanh có hình khối màu sắc khiến ta có thể nhìn thấy và đưa tay hứng lấy từng giọt âm thanh khi từng tiếng ca trong trẻo của một loài chim đang cất cao giọng hót đón chào bình minh buổi sớm. Cách hiểu ấy tuy có phần cầu kì nhưng không kém phần thú vị làm cho hình ảnh nên thơ trở nên độc đáo, sáng tạo đến vô cùng.
Không gian mùa xuân cao rộng nên thơ, dịu mát, trong sáng, tươi đẹp, mà không buồn bã u ám. Con người đang nằm trên giường bệnh, trong những ngày sắp lìa đời vậy mà nhìn ra cảnh vật bên ngoài vẫn thấy tươi đẹp, nên thơ, đáng yêu, đáng trân trọng.
Hình ảnh “tôi đưa tay tôi hứng” gợi lên thái độ nâng niu, trân trọng hiện thực cuộc sống tươi đẹp xung quanh mình. Đó là tình yêu đời, yêu cuộc sống nồng nàn tha thiết mà ngay giữa lúc yếu đuối nhất vẫn hết sức nồng nhiệt.
Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời vũ trụ tác giả suy ngẫm về mùa xuân của đất nước, của con người hôm nay:
“Mùa xuân người cầm sung
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.”
Điệp từ “mùa xuân” nhấn mạnh không khí mùa xuân tràn ngập khắp nẻo đường. Mùa xuân tươi đẹp, hiền hòa, nên thơ, trong sáng nhưng người lính vẫn phải ra đi cầm sung bảo vệ quê hương đất nước. Nhưng có hề chi,người lính vẫn nhận ra mùa xuân vẫn theo anh trên khắp mọi ngã đường. Trên lưng anh là những chồi non lộc biếc vừa mới nhú, là những cành lá ngụy trang đang reo vui trong chiều gió. Anh ra đi trong không khí màu xuân của đất nước, trong trạng thái yêu đời, phấn chấn, trong niềm tin vào tương lai, vào ngày mai tất thắng của dân tộc.
Đối với người ra đi, không khí mùa xuân hiện lên trong hình ảnh “lộc giắt đầy trên lưng” . Những chồi non lộc biếc thì đối với người ở lại, với nhiệm vụ dựng xây đất nước. Không khí mùa xuân lại còn hiện lên qua hình ảnh “Lộc trải dài nương mạ”. Những cánh đồng bao la, bát ngát trù phú trải rộng tới chân trời với những bông lúa còn non, xanh tươi mơn mởn như hứa hẹn một mùa bội thu, một cuộc sống no ấm, đủ đầy sẽ đến.
Điệp từ “tất cả” kết hợp với các từ láy “hối hả”, “xôn xao” nhấn mạnh một không khí khẩn trương, nhiệt tình chiến đấu và lao động dựng xây quê hương đất nước sau những năm tháng đánh Mĩ ác liệt của toàn dân tộc.
Dù đang nằm trên giường bệnh mà tác giả vẫn cảm nhận được nhịp sống hối hả khẩn trương, sự chuyển mình, sự hồi sinh của quê hương đất nước. Hàng trăm hàng vạn con người đang bắt tay vào công cuộc xây dựng nước nhà, hàn gắn những vết thương chiến tranh, đưa nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển. Điều đó chứng tỏ con người ấy vẫn luôn gắn bó, hướng lòng mình vào tương lai, vận mệnh của đẩt nước, không có một phút nào không nghĩ về tổ quốc, quê hương. Âm điệu khổ thơ nhanh gọn, tươi vui có gì đó thúc giục lòng người, tái hiện những bước chân rầm rập náo nức của toàn dân hướng về phía trước.
Và trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của những ngày dựng xây đất nước, của một sự sống đang được hồi sinh tác giả bỗng suy nghĩ về đất nước của những năm tháng đã qua:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”
Bốn nghìn năm dựng xây đất nước là bốn nghìn năm văn hiến. 4000 năm ta đã đánh bại biết bao kẻ thù xâm lược làm nên những chiến thắng vẻ vang. Nhưng đó cũng là một bốn nghìn thời gian dài với biết bao những gian lao vất vả, những đau thương mất mát, biết bao gia đình phải sống trong cảnh chia lìa tan nát vì bom đạn kẻ thù.
Thế nhưng dù trong gian khổ khó khăn, trong đau thương mất mát con người Việt Nam vẫn không cúi đầu khuất phục, đất nước vẫn tồn sinh sau những biến cố thăng trầm của lịch sử. Niềm tự hào về quê hương, đất nước, một đất nước với bề dày lịch sử bốn nghìn năm chống giặc ngoại xâm hào hùng, chói lọi:
“Đất nước của những người con gái, con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép”.
(Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)
So sánh đất nước như những vì sao cứ đi lên phái trước là một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp nói lên niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai, vào sự phát triển của đất nước. Niềm tin ấy không huyền hồ, mộng ảo mà bắt rễ sâu xa từ trong hiện thực chiến đấu gian khổ song rất đỗi hào hùng của cả một dân tộc chua bao giờ khuất phục trước kẻ thù trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước. Niềm tin ấy xuất phát từ tấm lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết, từ những ước mơ, khát vọng cao đẹp của tác giả về tương lai đất nước huy hoàng, xán lạn.
Chính niềm tin tưởng ấy và tình yêu dạt dào vào cuộc sống tươi vui, cuối bài thơ, tác giải thể hiện nguyện ước chân thành và lẽ sống cao đẹp, muốn được hóa thân thành một phần thiêng liêng của đất nước:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.”
Điệp từ “ta làm” kết hợp với những lời thơ chân thành tha thiết từ chính trái tim như nhấn mạnh khát khao cống hiến những gì đẹp nhất của cuộc đời mình dù là nhỏ bé cho quê hương đất nước, cho cuộc đời chung muôn sắc muôn màu của hồn thơ Thanh Hải. Một cành hoa, một con chim nhỏ bé vô cùng nhưng vẫn có thể làm đẹp cho cuộc đời bằng tiếng hót véo von trong trẻo gợi lên trong lòng người bao niềm hân hoan khoái lạc, bằng sắc hoa tươi thắm, bằng hương thơm nồng nàn lan tỏa khắp không gian.
Đẹp vô cùng khi được làm một loài chim một cành hoa như thế giữa chốn nhân gian và ngay cả khi sự sống của đời người cũng thu hẹp trong một nốt trầm của một bản nhạc muôn điệu đa cung bậc của cuộc đời. Sự sống ấy cũng vô cùng đáng quý, đáng trân trọng vì nó đã góp phần làm đẹp cho cuộc đời này. Những vần thơ chân thành tha thiết ấy của Thanh Hải gợi cho chúng ta nhớ đến giai điệu của bài hát Tự nguyện:
Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa tối sẽ làm một đóa hướng dương
Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương
Hoặc những vần thơ của Tố Hữu khi bàn về lẽ sống cống hiến cao đẹp ở đời:
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
(Khúc ca xuân – Tố Hữu)
Xin tạm biệt cuộc đời yêu quý nhât
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gởi bạn đời, tro bón đất
Sống là cho và chết cũng là cho.
(Tạm biệt – Tố Hữu)
Từ khổ 1 sang khổ 4 là một sự chuyển đổi từ cái tôi say sưa ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời tạo hóa thành cái “ta” vừa bộc lộ khát vọng của chính tác giả vừa thể hiện tâm niệm của tất cả mọi người. Cái “ta” ấy là tiếng nói của cái tôi nói thay cho tất cả mọi người, nói cái riêng mà vẫn có cái chung, xưng ta mà không hề cao giọng, không quá đề cao cá nhân mình mà ngược lại rất chân thành tha thiết.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Mùa xuân mà tác giả nói đến đây không phải là mùa xuân của tự nhiên, của thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới mà là mùa xuân của đời người, là con tim là khối óc, là những điều tươi đẹp nhất mà con người cống hiến cho nhân dân, cho đất nước để cùng với mọi người làm nên mùa xuân của dân tộc.
“Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời” là một cách nói vô cùng khiêm tốn và rất đỗi trân trọng thể hiện ước vọng dâng hiến cuộc đời nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung rộng lớn, cho mùa xuân của đất nước thêm muôn phần tươi đẹp, cho sự sống mãi tràn đầy bất diệt của nhà thơ Thanh Hải.
Và đối với Thanh Hải sự đóng góp ấy, sự cống hiến ấy là bất kể thời gian, tuổi tác:
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
“Tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc” là hai hình ảnh hoán dụ, tượng trưng cho hai giai đoạn khác nhau của một đời người. Tuổi hai mươi là những năm tháng hoa niên căng đầy nhựa sống mà nói như Tố Hữu:
Hai mươi tuổi tim đang rạt rào máu
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Những năm tháng trẻ trung, sung mãn, sức sống tràn đầy, con người có thể làm biết bao những điều tốt đẹp cho cuộc đời, cho quê hương, đẩt nước. Nhưng thế giới bên ngoài với bao điều mới lạ, hấp dẫn luôn vẫy gọi, con người phải biết chiến thắng những ham muốn tầm thường ích kỷ, những đam mê bồng bột của tuổi trẻ để nghĩ tới một lẽ sống cao đẹp hơn, thiêng liêng hơn; hãy đem hết tài năng, trí tuệ, và sức trẻ của mình âm thầm lặng lẽ xây dựng quê hương đất nước. Và ngay cả khi tuổi già tóc bạc, con người vẫn phải giữ mãi cho mình niềm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống, phải biết vượt lên sự già yếu bệnh tật để tiếp tục cống hiến, tiếp tục sống những ngày tháng có ích cho cuộc đời này.
Điệp từ “dù là” lập đi lập lại hai lần như nhấn mạnh cái ý thức sống có ích, sống cống hiến cho cuộc đời không kể ngày tháng. Từ già đến trẻ, cả một đời người là cả một sự cống hiến không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Hay nói khác đi con người sống là phải cống hiến, cống hiến cả một cuộc đời mình vì nhân dân, vì quê hương đất nước, vì tất cả mọi người. Một lẽ sống vô cùng cao đẹp, đậm chất nhân văn mà có lẽ suốt cả cuộc đời mỗi người chúng ta cần phấn đấu thực hiện để cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
Sau khi trút hết những dòng suy tư thầm kín tác giả khe khẽ hát lên những làn điệu của quê hương mình:
“Mùa xuân ta xin hát
Câu nam ai, nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền xứ Huế.”
Dùng những hình ảnh thơ giản dị đời thường nhưng giàu ý nghĩa tượng trưng thể hiện sự chân thành, tha thiết khát vọng sống cao đẹp có ích của tác giả. Thể thơ 5 chữ gắn liền với những làn điệu dân ca mang âm hưởng dịu dàng tha thiết, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của cảm xúc, chất nhạc. Cấu từ bài thơ chặt chẽ: mùa xuân của thanh niên, của đất nước, đời người, góp phần vào mùa xuân lớn của dân tộc. Giọng thơ thể hiện đúng tâm trạng của tác giả.
- Kết bài:
Bài thơ bắt đầu từ những cảm xúc trực tiếp hồn nhiên, trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên, từ đó mở rộng cảm nghĩ về mùa xuân đất nước. Kết thúc bài thơ là sự trở về với những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương,đất nước qua điệu dân ca xứ Huế. Mùa xuân nhỏ nhỏ là một khúc ca vui mà Thanh Hải đã kịp để lại cho cuộc đời ngay trước khi đi về nơi vĩnh hằng.