ve-dep-con-nguoi-va-thien-nhien-trong-tap-tho-nhat-ki-trong-tu-cua-ho-chi-minh

Vẻ đẹp con người và thiên nhiên trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh

Vẻ đẹp con người và thiên nhiên trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh

1. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, quan niệm mỹ học của văn chương thời trung đại lấy thiên nhiên làm trung tâm, thiên nhiên luôn luôn được đặt ở vị trí chủ thể trong quan hệ với con người. Con người là tiểu vũ trụ lọt thỏm vào giữa đại vũ trụ núi non, sông nước hùng vĩ. Hình ảnh con người chỉ có chức năng làm tôn thêm cái bát ngát, hùng vĩ của tự nhiên.

Bước tời Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

(Qua đèo ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

Trong thơ của Hồ Chí Minh, chặng hạn bài Mộ, con người là trung tâm của mối quan hệ ấy. Hồn thơ được cất lên từ chính hình ảnh của những con người bình dị trong cuộc sống. Không dừng lại ở đó, ẩn đằng sau hình tượng bầu trời và mặt đất của bài thơ Mộ, vẫn thấp thoáng hình ảnh một người tù-chiến sĩ vượt qua cảnh ngộ bức bối khổ đau trên con đường áp giải để nâng tâm hồn mình rung động với thiên nhiên buổi chiều.

Mộ

Phiên âm:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.

Dịch thơ:

Chiều tối

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.

Bài thơ có hai bức tranh. Bức tranh thiên nhiên về cảnh chiều tối với hình ảnh cánh chim bay đến rã rời đang tìm về tổ ấm, với hình ảnh đám mây lẻ loi trôi chậm giữa bầu trời chiều. Bức tranh con người với công việc lao động bình dị vất vả nhưng vẫn có nét ấm cúng. Đọc đến hai câu cuối bài thơ, tưởng đâu không gian thu hẹp dần, con người sẽ bị mất hút trong màn đêm đậm đặc. Nhưng không phải như vậy, hình ảnh cô gái xay ngô chuẩn bị cho buổi tối, những vòng cối quay mãi, quay mãi cho đến lúc dừng lại thì “lô dĩ hồng” – lò đã rực sáng. Bình về chỗ này, nhà thơ Hoàng Trung Thông có viết “Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vật vã, sự nặng nề đã diễn tả trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của một cô em sau khi xay xong ngô tối”.

Đến đây, bức tranh về trời mây đã nhường hẳn cho bức tranh sinh hoạt gần gũi và ấm áp trên mặt đất. Hình ảnh hiện lên ở trung tâm bài thơ lúc này là hình ảnh người thiếu nữ ở sơn thôn đang lao động bên bếp lửa gia đình.

Cũng trong ngoại cảnh ấy, ngày xưa Bà Huyện Thanh Quan đã viết lên những câu thơ mang thoáng thương thân, chạnh nghĩ về mình “Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta”. Hồ Chí Minh đã vượt lên trên điều đó, mà nếu như tác giả Nhật ký trong tù có nói về điều đó thì cũng là lẽ thường tình. Mà không như vậy, Bác gần như quên đi những nỗi đau khổ tột cùng của riêng mình, để trìu mến với từng cánh chim trời, từng áng mây trôi, để rung động chia sẻ với những gió sương mưa nắng của những người dân bình thường mà Bác chưa hề quen biết. Từ đó, ta mới thấy rằng trong Nhật ký trong tù nói chung và Mộ nói riêng, trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, con người là chủ thể, con người là trung tâm trên cả hai bình diện nhân vật trong tác phẩm và con người ở ngoài đời.

Khi tiếp cận với những bài thơ sau: Tẩu lộ (Đi đường), Tảo giải (Giải đi sớm)… Chúng ta sẽ thấy con người là trung tâm trong mối quan hệ với thiên nhiên.

Nét nổi bật của thơ ca cổ điển cả Trung Quốc và Việt Nam là cái nhìn “vũ trụ” đối với con người và cuộc đời. Con người luôn được đặt trong các mối quan hệ nhân sinh cụ thể. Trong các mối quan hệ đó, nổi trội lên mối quan hệ hài hòa tương cảm với thiên nhiên, con người sống giữa cỏ cây, núi sông, trời đất. Vì vậy, khi khí khái thì đội trời, đạp đất, chọc trời khuấy nước; khi uất hận thì hỏi trời xanh, tạo hóa; khi thế cùng thì gửi tâm sự vào kiếp sau. Lối tư duy này làm cho hiện thực xã hội lịch sử cụ thể bị trừu tượng đi, còn các hình ảnh thiên nhiên thì chứa đầy ý nghĩa tượng trưng thâm thúy. Trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh còn giữ lại lối tư duy này. Chính điều này làm cho Hồ Chí Minh mang cốt cách của nhà hiền triết phương Đông. Bên cạnh nét kế thừa cái cũ Hồ Chí Minh còn mang đến nét mới. Trong mối quan hệ với thiên nhiên, con người không dừng lại ở sự giao cảm hài hòa với thiên nhiên mà tiến lên bước nữa, con người là chủ thể, con người có ý nghĩa gần như quyết định, cải tạo thiên nhiên. Đó chính là nét hiện đại mà thơ Hồ Chí Minh mang lại cho đời.

2. Chất thép trong Nhật ký trong tù.

Trong những trang cuối của tập thơ Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh có làm bài thơ “Khán “thiên gia thi” hữu cảm” như sau:

Phiên âm:

Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong;
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
Thi gia dã yếu hội xung phong.

Dịch thơ:

Cảm tưởng đọc “Thiên thi gia”

Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Bài thơ trên thể hiện quan điểm của Bác về hai vấn đề: tình cảm thiên nhiên trong thơ và lập trường của người cầm bút trong thời đại mới. Theo Người cái mới cần phải đưa vào trong thơ thời đại là tinh thần chiến đấu, tinh thần cách mạng, là chất “thép”. Mà sau này Bác đã nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Chất thép ở đây chúng ta hiểu trên hai phương diện. Thứ nhất là từ phía người cầm bút phải có ý thức dùng ngoài bút để đấu tranh chính trị vì mục đích hướng tới cái tốt, cái thiện. Thứ hai là từ phía nhân vật trữ tình trong thơ đó là ý chí nghị lực dũng khí để vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt và khắc phục hoàn cảnh của một con người vĩ đại. Trong bài viết này, chúng tôi thiên về tìm hiểu tinh thần thép ở góc độ nhân vật trữ tình trong thơ. Chúng tôi chọn hai tác phẩm sau đây để hiểu rõ hơn về tinh thần thép trong Nhật ký trong tù.

Sơ đáo Thiên Bảo ngục

Phiên âm:

Nhật hành ngũ thập tam công lí,
Thấp tận y quan, phá tận hài;
Triệt dạ hựu vô an thụy xứ,
Xí khanh thượng tọa đãi triều lai.

Dịch thơ:

Ngày cuốc năm mươi ba cột số,
Ướt đầm mũ áo, rách bươm giày;
Thâu đêm lại chẳng nơi yên giấc,
Ngồi trấn cầu tiêu, đợi sáng ngày.

Bài thơ nói về sự việc Bác bị giải tới nhà lao Thiên Bảo. Trong ngày đó, Người phải đi bộ năm mươi ba cây số, quần áo đẫm ướt, dưới chân đôi giày bị rách nát, chỗ ngủ không có, Người chỉ còn một chỗ duy nhất có thể đặt chân lên: cái hố xí. Bài thơ có bốn câu, trong đó có ba câu rưỡi là nói đến sự việc diễn ra trong ngày. Nếu dừng lại ở đây chưa thể gọi là thơ hay được. Đến ba chữ “đợi ngày mai” (đãi liêu trai) thì mới thật là thơ. Bởi ở đó thể hiện một tâm hồn lạc quan, niềm vui sống ở ngày mai. Con người không vì bị rơi vào hoàn cảnh bĩ cực mà bi quan chán nản. Tuy thân ở trong tù nhưng cánh mộng lại bay trong trời tự do. Niềm tin, lí tưởng vào ngày mai được đặt lên trên hiện thực đen tối, bẩn thỉu. Vẻ đẹp của nhân vật được thể hiện ở ý chí ấy, tinh thần ấy.

Bạn đọc cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tinh thần thép ấy trong những tác phẩm sau: Bán lộ tháp thuyền phó ung (Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh), Tự miễn (Tự khuyên mình), Vãng Nam Ninh (Đi Nam Ninh), Văn thung mễ thanh (Nghe tiếng giã gạo)…

Không chỉ nói ý chí, nghị lực vượt lên trên hoàn cảnh mới là thép. Chất thép còn thể hiện ở bút pháp trữ tình, bản chất chiến sĩ lồng trong hình ảnh thi sĩ. Bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) là ví dụ tiêu biểu.

Phiên âm:

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

Dịch thơ:

Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Một không gian nhà tù tràn ngập ánh trăng chỉ tiếc không có hoa và rượu cho cảm hứng được trọn vẹn. Người tù nhìn trăng qua khe cửa của nhà lao và trăng cũng như có tâm hồn “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Nội dung toàn bộ tác phẩm là chừng đó. Vậy chất thép ở đâu? Không có hình ảnh mảy may nói đến người chiến sĩ, đến chất thép gì cả nếu như người đọc chỉ dừng lại ở bên ngoài câu chữ. Đặt nhân vật trong hoàn cảnh bị xiềng xích, muỗi, rệp, ghẻ lở, đói, lạnh… mà con người vẫn thả hồn lên với trăng và hồn thơ lại bay bổng. Thép ở chỗ: ung dung tự tại, hoàn toàn đứng trên gian khổ. Gian khổ, thử thách đến mấy vẫn không vướn víu nổi hồn thơ. Thép là ở đó!

Nói như Nguyễn Đăng Mạnh: “… cái phong thái ung dung tự tại của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên kia thực ra cũng là một phương diện của chất thép, chất cách mạng trong thơ Hồ Chí Minh, theo ý nghĩa chặt chẽ, chính xác của khái niệm này”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang