Vẻ đẹp Kinh Bắc trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm
- Mở bài:
Bên kia sông Đuống là tác phẩm xuất sắc của nhà thơ Hoàng Cầm. Tin giặc Pháp chiếm đóng bên kia sông Đuống đến với Hoàng Cầm vào một đêm tháng tư năm 1948 làm ông bàng hoàng, đau đớn. Ngay trong đêm, cảm xúc ấy được tuôn chảy vào bài thơ Bên kia sông Đuống dưới nhiều sắc thái: buồn đau, nhớ nhung, tự hào, tiếc nuối, căm hờn, ước mơ. Và từ dòng cảm xúc chân thành hiện hữu lên vẻ đẹp về một thế giới Kinh Bắc.
- Thân bài:
Từ những dòng thơ đầu Anh đưa em về sông Đuống, hình ảnh sông Đuống nổi bật lên trong không gian tâm tưởng:
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Con sông quê hương với bờ cát trắng phẳng lỳ từ quá khứ xa xưa chảy về hiện tại là một dòng sông trữ tình, lấp lánh lung linh, sống động, êm đềm, thơ mộng. Nhìn xa có dáng nghiêng nghiêng. Dáng nghiêng nghiêng ấy là một phát hiện, độc đáo của Hoàng Cầm. Ông đã đưa vào thơ hình ảnh một con sông như bao con sông khắp mọi miền quê, vừa có một dáng vẻ yêu kiều, duyên dáng không thể trộn lẫn.
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Nhà thơ ngược dòng thời gian về với ký ức để sống lại ngày xưa với bên kia sông Đuống một thuở bình yên. Vậy là một thế giới Kinh Bắc dường như hiện ra sắc nét trong hoài niệm của ông. Thế giới ấy có truyền thống văn hoá lâu đời mang vẻ đẹp cổ kính được thể hiện đậm nét trước hết ở nền nghệ thuật dân gian với tranh làng Hồ đậm sắc màu dân tộc:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Những bức tranh dân gian với đề tài bình dị, thân thuộc không thể thiếu được vào dịp tết đến xuân về. Tranh lợn gà, đánh đu, hứng dừa, đám cưới chuột, tranh Bà Trưng cưỡi voi ra trận, Phù Đổng thiên vương Những bức tranh ấy sáng bừng trên giấy điệp trên nền giấy dó láng một lớp điệp mỏng làm nền, được chắt luyện từ vỏ sò tạo nên nhiều màu sắc lóng lánh, tươi vui, rực rỡ Tất cả làm sáng bừng lên một hồn quê, tình quê. Đó là bức quốc hoạ của dân tộc, là ước mơ về cuộc sống hạnh phúc thanh bình không chỉ của người dân Kinh Bắc mà còn là của dân tộc.
Dòng hoài niệm còn đưa người đọc về miền quê Kinh Bắc Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên. Mảnh đất ấy có bề dày lịch sử: có mộ Kinh Dương Vương, nơi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, Lý Thường Kiệt đuổi quân Tống trên sông Cầu. Còn là miền đất cổ kính có bề dày văn hoá qua các triều đại Lý, Trần, Lê; là đất học mà câu đồng dao đã khắc ghi.
Vẻ đẹp thế giới Kinh Bắc còn gắn với những hội hè đình đám vào mùa xuân. Theo tương truyền, truyện Tấm Cám được truyền miệng từ vùng đất này đã ghi lại cảnh vui tươi của ngày lễ hội mùa xuân. Hội hè mang đến niềm háo hức, vui tươi bởi mùa màng tốt tươi, bởi trai thanh gái lịch được gặp gỡ, giao duyên, hẹn hò với nhau qua điệu hò dân ca của liền anh, liền chị. Người con gái quan họ đã không là một đêm hội rồi tan, một canh rồi lặn, mà nó đọng lại trong triệu triệu hồn người. Phải chăng đó là hạt cát được cấy vào lòng con trai đáy biển để rồi trở thành viên ngọc trai lấp lánh bảy sắc cầu vòng.
Những làn điệu dân ca Ngồi tựa mạn thuyền, Đến hẹn lại lên, Bèo dạt mây trôi đã làm say lòng người. Lễ hội là các trò vui chơi hết sức phong phú như đánh đu, thổi cơm, đấu vật… Phần lớn các trò chơi đều xuất phát từ ước vọng thiêng liêng của người lao động: cầu mưa, cầu phồn thực, sức khoẻ
Đậm nét trong nỗi nhớ về Kinh Bắc, xứ sở của ngàn năm văn vật là con người ở vùng quê này. Chỉ mấy câu thơ thôi mà Hoàng Cầm gợi được cái hồn cốt của con người nơi đây: Những nàng môi cắn chỉ quết trầu/ Những cụ già phơ phơ tóc trắng/ Những em sột soạt quần nâu. Vẻ đẹp của con người Kinh Bắc vừa thực, thân quen vừa như tự xa xưa. Những môi cắn chỉ, làm nên cái duyên mặn mà, nồng nàn, gợi cảm trên đôi môi của thiếu nữ đang độ xuân thì. Hình ảnh cụ già phơ phơ tóc trắng mang một vẻ đẹp như những ông tiên, ông bụt đi ra từ những câu chuyện cổ tích. Ở đó chứa đựng bao ước mơ khát vọng đời đời của người lao động. Những em sột soạt quần nâu gợi tả niềm vui, niềm háo hức của trẻ thơ được mặc những bộ quần áo mới còn nguyên cái màu hồ của người thợ nhuộm để đến với hội hè đình đám.
Đó còn là những người dân làng Hồ với những người dăng tơ, những nàng dệt sợi gắn liền với sinh hoạt nhộn nhịp, họp chợ đông vui, lễ hội tưng bừng. Hiện lên lung linh trong nỗi nhớ ấy là cô gái Kinh Bắc đẹp như mộng như mơ nhưng cũng rất chân thực, rất duyên dáng, rất tình tứ:
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng.
Những cô gái làng quan họ thường chít khăn mỏ quạ, tạo cho khuôn mặt hình búp sen. Khuôn mặt của cô hàng xén răng đen gợi vẻ tươi hồng, thơm mát như búp sen mới nở ban mai còn động sương tinh khiết. ẩn hiện trong khuôn mặt kín đáo, duyên dáng ấy là hàm răng đen nhưng nhức hạt na khi nở nụ cười thì tưởng đâu như mùa thu toả nắng, vừa thực vừa hư. Chỉ cảm qua thơ đã thấy nao lòng. Đó là một cách nhìn, cách cảm rất riêng của Hoàng Cầm càng làm lung linh thêm vẻ đẹp thế giới Kinh Bắc:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
- Kết bài:
Có thể nói, với Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm đã đưa vào bài thơ cả một thế giới Kinh Bắc với con người, cảnh vật và đời sống văn hoá một cách vừa sống động, chân thực vừa lung linh, huyền diệu. Thế giới Kinh Bắc đã làm nên vẻ đẹp thẩm mỹ của bài thơ Bên kia sông Đuống. Nếu thơ ca là tiếng vọng của lòng người vào năm tháng, để thương để nhớ cho đời thì Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm đã vượt qua thử thách thời gian để đến với mỗi chúng ta hôm nay.