xay-dung-de-thi-yeu-cau-cua-theo-chuong-trinh-2018

Xây dựng đề thi yêu cầu của theo Chương trình 2018

Xây dựng đề thi yêu cầu của theo Chương trình 2018

Cách tiếp cận của chương trình Ngữ văn 2018 rất khác với chương trình truyền thống. Nhìn vào chương trình  truyền thống, người ta thấy ngay là mỗi lớp dạy những tác phẩm, tác giả, những đơn vị tiếng Việt nào…  Trong khi nhìn vào chương trình 2018, chỉ thấy nêu mỗi lớp cần đạt được yêu cầu nào về năng lực đọc hiểu, viết và nói – nghe; không thấy nêu tên các tác phẩm, tác giả cụ thể cần học cho mỗi lớp.

Chương trình truyền thống là chương trình nội dung (nêu nội dung HS cần học). Chương trình 2018 là chương trình năng lực (nêu năng lực HS cần có)…  Nếu không nghiên cứu và tiếp cận chương trình các nước tiên tiến, sẽ thấy khó hiểu và vô lí.

Nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn về chương trình, liên quan đến việc làm ma trận đề kiểm tra môn Ngữ văn cuối kì, cuối năm, cuối cấp: ra đề cần dựa vào yêu cầu của chương trình, nhưng đọc chương trình thì lúng túng, chưa rõ mỗi lớp phải kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu qua những thể loại và kiểu văn bản nào ?

Có thể hiểu như sau:

1) Yêu cầu đọc hiểu trong chương trình mỗi lớp với mỗi loại văn bản (văn học, nghị luận và thông tin) đều được nêu với 4 mục:

a) Đọc hiểu nội dung;

b) Đọc hiểu hình thức;

c) Liên hệ, so sánh, kết nối;

d) Đọc mở rộng.

Để làm ma trận cho bài kiểm tra cuối kì, cuối năm, trước hết GV cần chú ý mục b) đọc hiểu hình thức. Vì chính mục này CT quy định các thể loại và kiểu văn bản cần dạy cho HS cách đọc hiểu. Ví dụ: với Lớp 8 có yêu cầu: “Nhận biết được một số yếu tố của truyện cười, truyện lịch sử như: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, ngôn ngữ” thì nghĩa là có thể kiểm tra về truyện cười, truyện lịch sử.

2) Tuy nhiên cần lưu ý, về thể loại văn bản, chương trình quy định: mỗi lớp đều phải học truyện và thơ nói chung ( không phân biệt thể loại, tiểu loại). Ngoài thơ và truyện nói chung, CT mỗi lớp có thêm một số thể loại quen thuộc của văn học. Ví dụ với CT lớp 8:

– Về đọc truyện, bên cạnh truyện cười và truyện lịch sử như trên đã nêu, chương trình còn có yêu cầu: “Nhận biết và phân tích được cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến”. Đây chính là yêu cầu cho truyện nói chung, không phân biệt tiểu loại hay thời kì mà chỉ cần chú ý những văn bản có cốt truyện đơn tuyến và đa tuyến.

– Về thơ, bên cạnh yêu cầu: “Nhận biết được một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật Đường…” chương trình còn có yêu cầu: “– Nhận biết và phân tích được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục, mạch cảm xúc”. Yêu cầu sau chính là yêu cầu về thơ nói chung; không phân biệt tiểu loại hay thời kì, giai đoạn nào mà chỉ chú ý những bài thơ có từ ngữ, hình ảnh, bố cục và mạch cảm xúc rõ ràng, độc đáo… để dạy cho HS cách đọc thơ nói chung.

3) Như thế khi làm ma trận đề kiểm tra, đánh giá cho một lớp nào đó, người ra đề cần chú ý cả 2 loại: truyện, thơ nói chung và thể loại truyện, thơ đặc thù được nêu rõ tên thể loại ở chương trình mỗi lớp. Không phải chỉ có thể loại nêu rõ tên mới là thể loại cần kiểm tra. Ví dụ với lớp 9, để xây dựng ma trận cho kì thi cuối năm hoặc vào lớp 10, ngoài các thể loại đặc thù như truyện thơ Nôm, truyện truyền kì, truyện trinh thám,… còn cần chú ý cả truyện nói chung, trong đó có truyện hiện đại ( truyện ngắn hoặc trích đoạn tiểu thuyết). Tương tự như vậy, ngoài các thể loại như: thơ song thất lục bát, thơ tám chữ (do tích hợp với yêu cầu tập làm thơ 8 chữ ở phần viết) mà còn có thơ nói chung trong đó có thơ tự do hoặc các thể thơ khác nhau, miễn là tập trung làm rõ yêu cầu “Nhận biết và phân tích được nét độc đáo về hình thức của bài thơ…”.

4) Cũng giống như các tác giả SGK nêu các câu hỏi hướng dẫn HS đọc hiểu mỗi văn bản; sau khi xác định các thể loại cần kiểm tra trong từng lớp, GV khi ra đề cần cài đặt các yêu cầu “đọc hiểu nội dung” và “liên hệ, kết nối, mở rộng” đã nêu trong chương trình thành các câu hỏi kiểm tra năng lực đọc hiểu. Ví dụ: đề lớp 8, sau khi đưa văn bản ngữ liệu là một đoạn/ bài thơ, thì nêu câu hỏi đọc hiểu xoay quanh yêu cầu: “Nhận biết và phân tích tình cảm, cảm xúc,… của người viết thể hiện qua văn bản”. Đây chính là 1 yêu cầu đọc hiểu nội dung; hoặc câu hỏi từ yêu cầu “liên hệ, kết nối, mở rộng” như: “Nêu những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm hoặc cách sống của bản thân sau khi đọc bài thơ.”… Tóm lại, khi nêu các câu hỏi đọc hiểu văn bản văn học theo 1 thể loại nào đó, GV cần chú ý cả 3 yêu cầu cần đạt nêu trong CT, trừ yêu cầu đọc mở rộng. Yêu cầu này chỉ nhằm khuyến khích HS đọc thêm ở nhà. Văn bản nghị luận và văn bản thông tin cũng như vậy.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang