Cảm nhận vẻ đẹp truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

cam-nhan-ve-dep-truyen-ngan-chiec-thuyen-ngoai-xa

Cảm nhận vẻ đẹp truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

“Chiếc thuyền ngoài xa” là câu chuyện buồn của một gia đình người dân hàng chài bất hạnh qua sự quan sát của Phùng – người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Với cái nhìn đa chiều, sắc sảo đã giúp nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận ra đường đến với hạnh phúc của con người có biết bao điều may rủi, khó lường. Ở đó, họ không được nâng đỡ bằng sức mạnh của siêu nhiên như trong truyện cổ tích, không được bảo vệ bằng sự lý tưởng hóa, lãng mạn hóa như trong các sáng tác văn học trước thời kỳ đổi mới.

Chính gánh nặng mưu sinh, gánh nặng cơm áo gạo tiền đã giam hãm đôi vợ chồng người dân hàng chài trong cảnh tối tăm, đói khổ, bấp bênh. Điều ấy khiến người chồng trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo. Người vợ vì thương con nên nhẫn nhục, cam chịu sự ngược đãi của chồng mà không hề biết việc làm ấy đã làm tổn thương tâm hồn ngây thơ của các con. Còn cậu con trai vì thương mẹ nên thù địch với bố, nhưng rồi liệu rằng trong tương lai cậu có thể sống khác bố mình hay cũng chỉ là một bản sao – cũng tàn tệ, vũ phu như bố?

Đến với con người bằng trái tim yêu thương, sự khao khát thấu hiểu và chia sẻ, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thổi vào những trang văn của mình nỗi day dứt cho những mảnh đời bé nhỏ. Họ phải nhẫn nại, chấp nhận một cuộc sống khổ đau với biết bao bi kịch, nghịch lý không đáng có. Đồng thời nhà văn còn bộc lộ một cái nhìn ấm áp, nhân hậu, sự trân trọng, nâng niu vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, sự bao dung và can đảm của người đàn bà hàng chài. Đó không phải là vẻ đẹp chói sáng, hào hùng mà là những “hạt ngọc khuất lấp”, lẫn trong lấm láp đời thường.

Qua tác phẩm, nhà văn muốn bày tỏ quan niệm của mình: Tình yêu nghệ thuật của người nghệ sĩ vừa là niềm hân hoan say mê, vừa là nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh.

Biểu hiện thứ nhất của giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu là sự đồng cảm, xót thương của nhà văn đối với cuộc đời người dân lao động sau chiến tranh. Người nghệ sĩ Phùng với nhiệm vụ và niềm đam mê nghệ thuật đã quay trở lại vùng biển – vồn là chiến trường cũ của anh thời đánh Mỹ để thực hiện một bức ảnh cho tờ lịch tháng 7 năm sau: Cảnh thuyền đánh cá thu lưới vào lúc bình minh. Vận may đã mỉm cười với nhà nhiếp ảnh khi anh bắt gặp một cảnh tượng “trời cho” tuyệt đẹp: cảnh thuyền biển trong sương sớm, giống như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Chính cái vẻ “toàn bích” ấy khiến anh cảm thấy “cái đẹp chính là đạo đức” thanh lọc tâm hồn và làm cho con người thánh thiện hơn.

Nhưng một cảnh tượng ngang trái quá phũ phàng đã xảy ra khi chiếc thuyền đẹp như trong mơ ấy đâm thẳng vào bờ, ngay chỗ nhà nhiếp ảnh đứng. Còn đâu cái màu trắng pha hồng của bức tranh toàn bích khi đôi vợ chồng người hàng chài bước ra từ con thuyền ấy. Chưa nhìn thấy người, đã nghe thấy tiếng quát: “Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy là tao giết cả mày đi bây giờ”. Và rồi họ xuất hiện trước mắt anh là một người đàn bà xấu xí, thô kệch, mặt chi chít những nốt rỗ, dáng vẻ “mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới”. Còn người đàn ông thì có thân hình đặc trưng của người dân chài “tấm lưng rộng, mái tóc tổ quạ, chân đi chữ bát, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống đầy vẻ độc dữ”.

Khi người đàn bà đứng lại, người đàn ông “lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay”, lồng lên như một con thú dữ, hắn “rút trong người chiếc thắt lưng, quật tới tập vào người đàn bà, vừa quật hắn vừa nguyền rủa: Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Lão chồng vũ phu ấy đang “trút cơn giận như lửa cháy” vào người vợ đáng thương, tội nghiệp. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, là người trụ cột trong gia đình nghèo đông con: “cả gia đình đặng một sắp con trên dưới chục đứa, sống chen chúc nhau trên chiếc thuyền nhỏ trôi dạt trên biển; nhiều lúc biển động thì cả tháng trời vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng chấm muối” đã khiến người đàn ông vốn “hiền lành không bao giờ đánh ai” nay trở thành người đàn ông vũ phu, thô bạo. Những người đàn ông chỉ biết cắm đầu ra biển, vật lộn với sóng gió, lúc không thể chịu đựng được họ chỉ biết hoặc uống rượu, hoặc đánh vợ, nhưng lão chồng chị lại không biết uống rượu, đã có lúc người đàn bà ấy ước: “Giá mà lão uống rượu thì tôi đỡ khổ…”. Nên lão đánh vợ không phải vì thù ghét vợ, mà đó là cách duy nhất hoặc không tìm ra cách nào khác để giải tỏa.

Biểu hiện thứ hai của giá trị nhân đạo mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện trong tác phẩm của mình là nhà văn phê phán, lên án hành động vũ phu, thô bạo, nạn bạo hành trong gia đình hàng chài nói riêng và những gia đình đang rơi vào hoàn cảnh như vậy nói chung. Người đàn ông hàng chài vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ vừa là thủ phạm gây nên biết bao nỗi đau khổ cho những người thân trong gia đình ông. Những uẩn ức, áp lực trong cuộc sống mưu sinh không được giải tỏa khiến người chồng cùng quẫn và tha hóa, từ “gã con trai hiền lành”, lão trở thành kẻ vũ phu, đánh vợ không thương tiếc.

Hành động “đánh vợ” của người đàn ông hàng chài cần phải lên án, dù có trăm ngàn lí do để giải thích, bào chữa hay ngụy biện: Do cuộc sống quá khốn khổ, gia đình quá nghèo, quá nhiều áp lực, do lão thất học… để mà cảm thông nhưng cũng không thể tha thứ cho thói bạo hành trong gia đình được.

Qua nhân vật người đàn ông hàng chài và hành động đánh vợ như cơm bữa “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ lên án thói vũ phu, báo động về tình trạng bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng mà còn đi thẳng vào góc khuất của cuộc sống và tính cách, tình cảm của con người để tìm ra trong những cái ta đang lên án, có những điều rất cần sự cảm thông. Nhà văn chỉ rõ, cái ác không phải là bản chất mà nó nảy sinh từ bi kịch không lối thoát của con người. Hoàn cảnh xấu có thể làm con người ta thay đổi, bị tha hóa như người đàn ông này: Từ một người “hiền lành không bao giờ đánh ai” mà lão trở thành kẻ vũ phu, thô bạo, đánh vợ một cách dã man, cũng chỉ vì gánh nặng cuộc sống mưu sinh.

Khám phá con người trong mối quan hệ đa chiều, trong cuộc sống mưu sinh không hề thi vị, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra những nhọc nhằn bất trắc và cả những vẻ đẹp lẫn trong cái lấp lánh đời thường – cái mà ông đã từng gọi là “những hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Ông phát hiện ra từ trong tăm tối vẫn lấp lánh những vẻ đẹp tâm hồn sáng lên ở “Chiếc thuyền ngoài xa” là vẻ đẹp của tình người sâu sắc, tình mẫu tử thiêng liêng trong gia đình hàng chài.

Trong hình ảnh người mẹ, đằng sau vẻ xấu xí, thô kệch của người đàn bà hàng chài là sự nhẫn nhịn, cam chịu tới mức đáng trách cùng bao phẩm chất tốt đẹp. Khi bị người chồng vũ phu đánh một cách dã man, người đàn bà ấy không hề kêu ca, không chống trả, không chạy trốn mà đứng yên để chồng đánh. Vì chị hiểu rằng, “đánh vợ” là cách duy nhất để chồng giải tỏa những áp lực của cuộc sống mưu sinh, của gánh nặng cơm áo gạo tiền, của người trụ cột trong gia đình. Khi để thằng con trai chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, nó đã giành chiếc thắt lưng “vũng chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực của cha mình”, chị đã “ôm chầm lấy nó rồi chắp tay vái con” để con không một lần phạm “đạo làm con”. Chị không khóc và chưa bao giờ khóc khi bị chồng hành hạ, nhưng đã khóc khi để con tổn thương.

Chị thương con, xót chồng, muốn tạ tội với con, muốn nó hiểu được những góc khuất trong cuộc đời và đừng căm thù bố, cũng đừng trở nên độc ác như bố. Ngoài tình thương bao la dành cho các con, chị còn là người phụ nữ vô cùng sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời. Khi được tòa giải quyết cho ly hôn người chồng vũ phu, chị chắp tay van xin: “Quí tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Sống với một kẻ vũ phu “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, vậy mà người phụ nữ ấy chỉ một mực van xin đừng bắt mình bỏ chồng. Tại sao vậy? Tại vì chị hiểu nguyên nhân làm lão chồng chị thay đổi tính tình để mà tha thứ, để mà xót thương, nhẫn nhục.

Người phụ nữ ấy có thể tự giải thoát khỏi bi kịch gia đình bằng cách li hôn với chồng, nhưng chị đã coi bất hạnh của mình là lẽ đương nhiên. Bởi cuộc sống mưu sinh trên biển không dễ dàng gì, cần phải có người đàn ông chèo chống lúc phong ba bão tố, cùng nhau làm ăn nuôi lớn đàn con “đặng một sắp trên dưới chục đứa”. Chị gắng quên đi chuỗi ngày cực nhọc, lam lũ kiếm sống mà chắt gạn niềm vui hiếm hoi như châu ngọc “ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái sống hòa thuận, vui vẻ, vui nhất là khi nhìn thấy đàn con được ăn no”.

Hơn ai hết, chị hiểu đời, thấm thía những nhọc nhằn của kiếp người, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với người chồng khốn khổ và ý thức được thiên chức làm mẹ là phải hi sinh cho con cái: “Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không sống cho mình”. Và chị còn sâu sắc hơn thế, khi nghĩ: Bất kỳ một cuộc hôn nhân tan vỡ nào thì người buồn đau nhất chính là những đứa con. Đứa có bố thì không có mẹ, đứa có mẹ thì không có bố, chia đàn xẻ nghé. Một gia đình muốn hạnh phúc, trước tiên phải là một gia đình đầy đủ các thành viên dù đâu đó trong gia đình vẫn còn nhiều khiếm khuyết.

Chính lời giãi bày chân tình mà sâu xa, hàm chứa tình mẫu tử thiêng liêng và sự hi sinh đến tận cùng của người mẹ khốn khổ như là “một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu của vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”. “Cái vừa mới vỡ ra” trong đầu Đẩu chính là vấn đề cấp bách của xã hội mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đưa vào tác phẩm của mình như một lời cảnh báo: Đó là nghịch lý của đời sống, những nghịch lí mà con người dẫu có biết cũng buộc phải chấp nhận.

Bởi “lòng tốt” của Phùng và Đẩu muốn giải quyết ly hôn cho người đàn bà hàng chài thoát khỏi người chồng vũ phu là đáng quý nhưng chưa đủ; “luật pháp” là cần thiết nhưng cần phải đi vào đời sống. Cả “luật pháp” và “lòng tốt” đều phải được đặt trong hoàn cảnh cụ thể, không thể áp dụng cho mọi đối tượng và muốn con người thoát khỏi khổ đau, tăm tối cần có những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là những thiện chí hoặc các lý thuyết sách vở xa rời thực tiễn. Từ các nhân vật trong truyện, nhà văn càng khắc khoải hơn với câu hỏi: Làm thế nào để những phẩm chất con người không bị chà đạp? Đâu là cuộc sống bình yên cho những người phụ nữ lao động nghèo khổ? Đâu là tương lai được sống trong yêu thương cho những đứa trẻ? Con mắt lo âu đầy trách nhiệm của nhà văn còn hướng vào thằng bé Phác, cậu bé sẽ trở thành con người thế nào nếu môi trường sống không được thay đổi theo chiều hướng tích cực?

Dù không đồng tình với cách bảo vệ mẹ của nó, song hình ảnh thằng Phác vẫn khiến ta xúc động trước tình thương yêu mẹ dạt dào. Mặt khác, nhân vật này làm ta trăn trở đau xót: Phác còn quá nhỏ để nhận ra mình đang lấy cái ác để chống lại cái ác. Nhà văn như muốn nhắc nhở: Người lớn đừng gieo vào những trái tim non dại gai nhọn và nọc độc của sự tàn bạo, hận thù! Chớ để lòng trẻ thơ mang vết sẹo đau thương, bởi “chỉ có yêu thương mới tạo ra sự tử tế, còn bạo lực chỉ tạo ra bạo lực mà thôi”.

Đấy cũng là sự “vỡ ra” của nghệ sĩ Phùng về “độ chênh” giữa cái “đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” mà anh vừa hân hoan thu vào ống kính với cuộc sống nhọc nhằn không một chút thi vị của gia đình hàng chài. Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” giống như một sự gợi ý về khoảng cách, cự li ngắm nhìn đời sống mà người nghệ sĩ cần coi trọng. Khi quan sát từ xa, người ta không thể thấy hết những mảng tối, những góc khuất, những bi kịch đang diễn ra với những con người đang sống bên trong con thuyền đẹp đẽ, mĩ miều kia. Nghệ thuật mà không vì con người thì chỉ là thứ nghệ sĩ “vô ích”. Người nghệ sĩ khi thực sự sống với cuộc sống, thực sự thấu hiểu con người thì mới có những sáng tạo nghệ thuật có giá trị đích thực góp phần cải tạo cuộc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.