Phân tích bữa cơm ngày đói trong Vợ nhặt của Kim Lân

phan-tich-bua-com-ngay-doi-trong-vo-nhat-cua-kim-lan

I. Mở bài:

– Vợ nhặt là truyện ngắn hiện thực xuất sắc của nhà văn Kim Lân viết về nạn đói năm 1945. Thông qua các nhân vật Tràng, bà cụ Tứ và chị dâu, nhà văn Kim Lân không chỉ tái hiện một cách sinh động không khí oi bức. Sự ngột ngạt, trì trệ của nạn đói cũng đã tô đậm thêm vẻ đẹp của tình yêu thương và sức sống mãnh liệt bên trong con người.

– Một trong số những chi tiết ấn tượng, ý nghĩa nhất của truyện ngắn Vợ nhặt là chi tiết về bữa cơm ngày đói với sự xuất hiện của món cháo Cám.

II. Thân bài:

– Hoàn cảnh ra đời: Tác phẩm có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết nên truyện ngắn Vợ nhặt. Tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn là một trong những thành công của tác phẩm để “Vợ nhặt” bám rễ vào đời, nở hoa trong trái tim, tâm hồn của người đọc biết bao thế hệ.

– Tình huống truyện: Qua một tình huống truyện tưởng chừng đơn sơ nhưng Kim Lân đã mở ra biết bao điều đáng suy ngẫm về cuộc sống này. Đó là tình huống anh cu Tràng nhặt được vợ giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói. Tình huống truyện độc đáo, éo le, đầy thương cảm, thể hiện tài năng của ngòi bút Kim Lân.

Bối cảnh truyện là nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết. Cái chết hiện hình tạo nên một không khí ảm đạm, thê lương được tác giả tái hiện trong tác phẩm.  Người chết như ngả rạ, không sáng nào người làm đồng người đi chợ không gặp 3,4 cái thây nằm còng queo ở ngoài đường. Những đoàn người đói từ mạn Thái Bình, Nam Định, đầu đội chiếu, bồng bế, dắt díu nhau trông xanh xám như những bóng ma, ngổn ngang khắp lều chợ. Tiếng quạ kêu thê thiết, tiếng hờ khóc của gia đình có người chết và không khí vẩn lên mùi gây của xác người chết… Nạn đói hoành hành dữ dội khiến khoảng cách giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

– Trong bối cảnh ấy, nhân vật Tràng xuất hiện là anh nông dân có ngoại hình xấu, thô kệch với các nét tả hai mắt ti hí, gà gà. cằm bạnh, thân hình to lớn vập vạp, thô kệch… Nói như Đỗ Kim Hồi thì anh cu Tràng là “một nhân dạng mà hóa công gọt đẽo sơ sài”. Nghề nghiệp của Tràng là kéo xe thóc thuê cho liên đoàn. Tính cách của Tràng lại không bình thường, có phần ngố nghếch, dở hơi. Hắn có thói quen vừa đi vừa lảm nhảm những điều mình nghĩ, bị bọn trẻ trêu chọc chỉ ngửa cổ cười hềnh hệch. Cách ăn nói của tràng thì cộc cằn, thô lỗ. Hắn nói với người đàn bà những câu, từ như “làm đếch gì có vợ”, “rích bố cu”; khi bị bọn trẻ trêu chọc: “bố ranh”, “mẹ bố chúng mày”…

– Đã vậy, gia cảnh nghèo, là dân ngụ cư. Thế mà chỉ bằng vài câu đùa tầm phơ tầm phất trong 2 lần gặp gỡ mà anh cu Tràng vốn ế vợ bỗng dưng có vợ quá dễ dàng. Rồi hắn đưa vợ về nhà giữa những lời xì xầm, ái ngại của những người dân trong xóm ngụ cư. Đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ diễn ra trong không gian đặc quánh mùi chết chóc và tiếng hờ khóc tỉ tê của những gia đình có người mất. Buổi sáng sau đêm tân hôn, tâm trạng của Tràng, người đàn bà và bà cụ Tứ đều có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Họ đều có ý thức xây đắp gia đình và đầy hi vọng vào tương lai. Họ cùng tham gia vào việc thu dọn, quét tước nhà cửa với cùng một ý nghĩ lạc quan “Hình như, ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Đoạn trích sau đó đã tiếp tục câu chuyện bằng hình ảnh bữa cơm ngày đói.

Bữa cơm ngày đói thảm hại.

Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ là một chi tiết đặc sắc vừa tái hiện chân thực tình cảnh khốn cùng của người nông dân trong hoàn cảnh nạn đói hoành hành, vừa mang một giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Thông thường bữa cơm ngày đầu tiên đón con dâu về sẽ rất quan trọng vì nó thể hiện được sự gắn kết của con dâu với nhà chồng. Nhưng với gia đình Tràng thì bữa cơm đầu tiên ấy lại vô cùng đơn giản đến thảm hại “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Chỉ với những chi tiết đơn giản nhưng Kim Lân đã khắc họa được sự khủng khiếp của nạn đói lúc ấy. Lúc này ăn chỉ để sống qua ngày, con người đang cố gắng giành lấy chút sự sống mong manh từ tử thần. Bữa cơm được chuẩn bị vô cùng sơ sài đến thảm hại, chắc hẳn chúng ta ai cũng biết với bữa cơm như vậy thì sao mà ăn ngon lành cho được nhưng ở đây cả gia đình Tràng đều ăn rất ngon lành. Có lẽ ai cũng hiểu được hoàn cảnh lúc này nhưng họ cố nén cảm xúc trong lòng và cố tỏ ra vui vẻ để động viên nhau, làm động lực giúp nhau vượt qua hoàn cảnh khốn cùng này.

Nhưng những tiếng cười cũng như niềm hy vọng mong manh của cả gia đình nhanh chóng bị dập tắt vì “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn”. Dường như đã liệu được tình huống này sẽ xảy ra người mẹ nghèo khó với tấm lòng nhân hậu, thương người và hết mực thương yêu con đã “lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà cụ vừa khuấy khuấy vừa cười: chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Tuy nói là chè khoán nhưng thật sự đó là nồi cháo cám chát xít, vốn là không phải thức ăn dành cho con người. Với hình ảnh nồi cháo cám, ta càng thấm thía hơn cái thực trạng tàn khốc của nạn đói 1945 và tội ác tàn bạo của phát xít và tay sai đẩy những con người khổ cực ấy vào tình cảnh khốn cùng.

Phẩm chất của người lao động trong nạn đói.

Nhưng cũng chính bữa ăn ngày đói ấy đã làm ngời lên được những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, họ bị bần cùng hóa nhưng không hề tha hóa. Trái ngược với những thứ đơn sơ, với cái đói cái nghèo là không khí đầm ấm trong bữa ăn “Cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Nhà văn đã cho chúng ta thấy trong hoàn cảnh khốn cùng, người lao động đang cố gắng giành giật lại từng chút sự sống từ bàn tay của tử thần. Hơn nữa, trong gian khổ nhưng họ vẫn có nhau, vẫn lạc quan và vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Những phẩm chất tốt đẹp đó thể hiện rõ ở cả ba nhân vật mà trước hết là nhân vật bà cụ Tứ.

* Bà cụ Tứ.

Vượt qua mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hà khắc và hoàn cảnh nghèo khó bà cụ Tứ vẫn đón nhận, cảm thông và yêu thương cô con dâu mới, gia đình họ vô cùng hòa hợp, hạnh phúc. Cũng chính vì thế mà trong bữa cơm “Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà… Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”.Những câu chuyện bà nói đều là những chuyện tốt đẹp sau này, đều nói về tương lai tươi sáng đầy hy vọng phía trước.

Khi bê nồi cháo cám ra để ăn nào đâu bà cụ Tứ không biết nồi cháo cám kia chát xít chẳng hề ngon lành gì nhưng bà vẫn bảo “ngon đáo để cơ”. Bà nói vậy là vì bà đang cố động viên con mình cũng như con dâu vượt qua hoàn cảnh khó khăn lúc ấy. Ta cảm thấy như bà mẹ già đang cố kìm nén những cảm xúc tủi hờn nhất, những nỗi lo lắng khôn nguôi về tương lai vào tận sâu trong lòng để cười mà động viên các con: “Cám đấy mày ạ”, “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”, gieo vào lòng các con mình niềm hy vọng sống và vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Càng xót xa ta lại càng nhận ra bà cụ Tứ quả thật là một người mẹ nhân hậu, đảm đang, hết mực yêu thương con, sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Hơn thế nữa, chẳng phải ngẫu nhiên mà Kim Lân lại để người mẹ ở cái tuổi xế chiều ấy là người lạc quan nhất, luôn đon đả kể chuyện vui và luôn động viên, gieo hy vọng vào lòng các con mình. Bởi lẽ, một người gần đất xa trời như bà cụ Tứ mà còn khát khao sống mãnh liệt đến như vậy thì những người trẻ hơn sẽ lấy đó làm động lực mà tiếp tục nuôi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Bà cụ Tứ chính là người thắp lửa, giữ lửa, và truyền ngọn lửa khát khao sống, khát khao thoát khỏi đói nghèo, khát khao tự do đến với các con cũng như những người khác.

* Tràng.

Không chỉ bà cụ Tứ mà đoạn trích còn cho thấy thái độ của anh Tràng và người vợ nhặt khi ăn cám. Khi Tràng gợt một miếng cháo cám bỏ vội vào miệng “Mặt hắn chum ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”. Qua đây ta thấy anh Tràng là một người vô cùng khéo léo trong cách ứng xử. Mặc dù có hổ thẹn vì không lo được cho vợ một bữa cơm đón dâu đầy đủ nhưng anh cũng hiểu được hoàn cảnh mà không một lời oán than.

* Người vợ nhặt.

Còn với người vợ nhặt, ta thấy được sự chuyển biến trong tính cách của thị vô cùng rõ ràng. Ta không còn thấy một người đàn bà “chỏng lỏn”, “đanh đá”, “chua ngoa” và “cong cớn, sưng sỉa” khi nói chuyện với anh Tràng, ta không còn thấy người đàn bà bỏ hết cả sự duyên dáng và danh dự vì miếng ăn mà “cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc” trong ngày anh Tràng đưa thị về làm vợ. Mà thay vào đó là một người đàn bà hiểu chuyện: khi nhận bát cháo cám từ tay mẹ chồng “người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tốt lại. Thị điềm nhiên và vào miệng”. Ta thấy được thị là người dâu hiền, vợ thảo, hiểu chuyện, rất tế nhị và biết chấp nhận và cảm thông với gia đình chồng mà không một lời kêu ca, đồng cảm và sẵn sàng đồng cam cộng khổ cùng nhà chồng trong lúc khó khăn.

Dù các nhân vật cố che giấu sự bẽ bàng để giữ không khí gia đình, để động viên nhau cùng vượt qua khó khăn nhưng nhà văn Kim Lân xuất phát từ sự đồng cảm, chia sẻ đã nhận ra và thể hiện một cách tinh tế sự hờn tủi trong bề sâu tâm hồn họ. Đó là từ đó, trong bữa cơm không ai nói thêm câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần với “một nỗi tủi hờn len vào tâm trí của mọi người”. Dù họ vẫn chấp nhận, cam chịu, nén những tủi nhục vào bên trong chứ không một lời ca thán nhưng ý nghĩa hiện thực của tác phẩm vẫn bộc lộ một cách rõ nét. Chi tiết bữa cơm ngày đói có ý nghĩa phản ánh hiện thực tàn khốc của nạn đói năm 1945. Từ đó, lên án tội ác tàn bạo của bọn phát xít và tay sai. Chúng bắt người dân ta phải nhổ lúa trồng đay, triệt đường sống của người nông dân lương thiện. Chúng khiến người dân ta sống cũng như chết, sống lay lắt, vất vưởng như những thây ma ngoài đường, phải bồng bế dắt díu bỏ quê mà đi, khiến nhân dân ta phải ăn cháo cám, thứ thức ăn của gia súc, thậm chí có nhà còn không có cám mà ăn. Sự thật tàn khốc ấy, thời nay không ai trong số chúng ta lại có thể tưởng tượng ra.

Chi tiết tiếng trống thúc thuế.

Tội ác của bọn thực dân phát xít còn được nhà văn Kim Lân thể hiện rõ hơn qua chi tiết tiếng trống thúc thuế. Giữa lúc người nông dân đã rơi vào cảnh cùng quẫn, đã ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa lúc bao nhiêu người dân vô tội đã bị chết đói mà bọn thực dân, phong kiến vẫn không ngừng áp bức, bóc lột. Giữa lúc mẹ con Tràng đang ăn miếng cháo cám chát xít, nghẹn bứ trong miệng, giữa lúc đàn quạ loài chim ăn xác chết lượn thành từng đám trên bầu trời như những đám mây đen mà ngoại đình làng vẫn vang lên những tiếng trống thúc thuế dồn dập, vội vã. Chi tiết này cho thấy bọn thực dân, phong kiến hoàn toàn vô cảm với tình cảnh bi thảm của người nông dân. Chúng chỉ biết làm thế nào để áp bức, bóc lột người nông dân một cách thậm tệ nhất. Tội ác ấy của chúng chính là giọt nước tràn li để người nông dân không thể cam chịu mà phải vùng lên đấu tranh được thể hiện qua chi tiết dự báo cuối truyện.

Kết thúc truyện trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đoàn người chạy trên đê Sộp và đằng trước là ngọn cờ đỏ bay phấp phới. Như vậy, chi tiết tiếng trống thúc thuế đã góp phần thể hiện sự logic trong mạch truyện, thúc đẩy câu chuyện tiếp tục phát triển. Qua đó, tác phẩm đã phản ánh rõ hiện thực cuộc sống của người nông dân lúc trước cách mạng tháng Tám để dẫn đến lối kết thúc có hậu phản ánh đúng những đặc điểm của văn học cách mạng.

Mặt khác chi tiết tiếng trống thúc thuế còn giúp bộc lộ rõ hơn vẻ đẹp của nhân vật Bà cụ Tứ. Trước câu hỏi của người con dâu là “Trống gì đấy, u nhỉ?”, lời đáp của bà cụ “Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ…” cho thấy là người từng trải, người mẹ già ấy như nhìn thấy tình cảnh thê thảm trước mắt. Vậy nên Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc. Hình ảnh ấy cho thấy tấm lòng người mẹ thương yêu và lo lắng cho các con, đồng thời, thấy được sự hi sinh của bà cụ Tứ luôn giấu đi những tủi hờn cho riêng mình. Người mẹ nghèo ấy mang phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam một lòng thương chồng, thương con, giàu đức hi sinh và lòng vị tha, cao thượng.

Đánh giá:

– Nghệ thuật: Bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn: bữa cơm đón dâu thảm hại chỉ với niêu cháo lõng bõng cùng nồi cháo cám chát xít. Kết hợp với nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật chân thật, sinh động với cách miêu tả tâm lí sắc sảo, tinh tế cũng như ngôn ngữ trần thuật mộc mạc, giản dị, chắt lọc, có sức gợi cảm cao Kim Lân đã tạo nên một đoạn văn thật chân thật và nhiều ý nghĩa.

– Giá trị hiện thực và tư tưởng nhân đạo:

+ Người đọc hiểu rõ hơn về tình cảnh nghèo đói, khốn khó của đồng bào ta trong nạn đói 1945. Từ đó, tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến đã gây ra nạn đói thê thảm, khủng khiếp trong lịch sử, đẩy người nông dân vào bước đường cùng.

+ Mặt khác, trong cảnh chết chóc nghèo đói, người ta đoạn trích vẫn làm ánh lên tình người, tình yêu thương và lòng ham sống vô bờ bến. Tưởng chừng như đang trong bờ vực của cái chết lắt lay, người ta chỉ nghĩ đến những thống khổ nhưng không, ở đây người đọc vẫn bắt gặp tình thương của một người mẹ dành cho con, tình cảm của người vợ dành cho chồng và trách nhiệm của một người chồng dành cho gia đình của mình.

+ Và nhà văn bằng sự đồng cảm, chia sẻ cũng hướng con người đến một tương lai hạnh phúc và no đủ hơn.

III. Kết bài:

Hình ảnh bữa cơm ngày đói mà đặc biệt là nồi cháo cám đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Qua chi tiết bữa cơm ngày đói, nhà văn Kim Lân không chỉ lên án tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật mà còn thể hiện sự trân trọng với những vẻ đẹp đáng quý của con người, đó là tình thương, là khát khao hạnh phúc và sức sống mãnh liệt. Trong cơn nguy khốn nhất, dù bị nạn đói vắt kiệt sự sống thì những con người vẫn luôn lạc quan, họ đùm bọc, nâng đỡ nhau và cùng hướng về tương lai tốt đẹp với một niềm tin mãnh liệt.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.