Phân tích ngắn gọn Chiếc thuyền ngoài xa

phan-tich-ngan-gon-chiec-thuyen-ngoai-xa

I. Mở bài:

Nguyễn Minh Châu (1930-1989), là nhà văn quân đội, sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông được coi là người mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học từ sau năm 1975. Ở giai đoạn trước, ông là ngòi bút có khuynh hướng lãng mạn, sử thi. Ở thời kì sau, ngòi bút của ông chuyển sang đề tài thế sự, quan tâm tới đời sống của con người trong đời thường với những vấn đề về đạo đức, về triết lí nhân sinh.

Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm (1983) khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua, đất nước trở lại với cuộc sống đời thường. Nhiều vấn đề của đời sống văn hóa nhân sinh mà trước đây do hoàn cảnh chiến tranh chưa được chú ý, nay được đặt ra.

– Tác phẩm nằm trong xu hướng nghệ thuật chung của văn học thời kỳ đổi mới: Hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người đời thường.

II. Thân bài:

1. Ý nghĩa nhan đề.

– Đầu tiên đó là chiếc thuyền có thật trong cuộc đời, nơi có đôi vợ chồng nghèo, vất vả, lam lũ quanh năm nhưng không nuôi nổi đám con đông đúc.

– Chiếc thuyền ngoài xa còn là biểu tượng ẩn dụ cho nghệ thuật trên đại dương của cuộc sống, đó là thứ nghệ thuật đạt tới sự toàn mĩ và thánh thiện đến mức mà chiêm ngưỡng nó, người nghệ sĩ thấy tâm hồn mình được thanh lọc.

Như vậy, chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa nhưng cuộc đời thì lại rất gần.

2. Tình huống truyện.

a. Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện

* Ở ngoài bãi biển:

– Phát hiện 1: Chiếc thuyền ngoài xa.

+ Vẻ đẹp bức tranh.

+ Cảm xúc của nghệ sĩ Phùng.

+ Hành động của Phùng.

– Phát hiện 2: Chiếc thuyền vào bờ.

+ Hình ảnh người đàn bà.

+ Hình ảnh người đàn ông đánh vợ.

+ Hình ảnh Phùng + thằng Phác.

+ Người đàn bà khóc.

* Trong toà án huyện là nghịch lí.

– Dáng vẻ, điệu bộ người đàn bà.

– Lời lẽ, giọng điệu trong khi nói chuyện với Phùng, Đẩu.

– Cách lí giải thể hiện sự sâu sắc, thấu hiểu, từng trải của người đàn bà.

b. Ý nghĩa tình huống truyện.

* Qua 2 phát hiện:

– Giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật: Cái bên ngoài chưa hẳn là bản chất thật bên trong, nhiều khi còn đối lập với phẩm chất bên trong.

– Thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật về trách nhiệm người nghệ sĩ: Không nên tách rời nghệ thuật với cuộc đời, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật. có can đảm, và biết trăn trở về con người.

* Qua câu chuyện ở tòa án:

– Qua người đàn bà: Chịu nhiều thua thiệt, éo le của số phận nhưng ở chị vẫn ngời lên chất ngọc là người đàn bà từng trải sâu sắc, thấu hiểu các lẽ đời, vị tha, nhân hậu, bao dung, biết chắt chiu từng niềm vui nho nhỏ để làm nên ý nghĩa cuộc đời.

* Qua nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu:

– Là những người chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu vì sự sống của dân tộc, trở về với cuộc sống đời thường, vẫn say mê khám phá cái đẹp, đấu tranh với cái ác.

– Hiện thực trớ trêu, đầy nghịch lí của cuộc đời đã giúp cho họ nhận thức được những chân lí, những lẽ đời sâu sắc.

3. Nhân vật nghệ sĩ Phùng.

a. Lai lịch xuất thân.

– Phùng cũng từng là người lính, anh đã từng lăn lộn trong chiến trường, đã từng vào sinh ra tử.

– Hòa bình lập lại, anh về làm tại phòng văn hóa thông tin của huyện.

b. Hai phát hiện của Phùng.

* Phùng – một trái tim nghệ sĩ nhạy cảm, thăng hoa, say mê trước cái đẹp (Phát hiện 1):

– Phùng là người say mê nghệ thuật, có trách nhiệm với công việc: Sẵn sàng bỏ cả vài tuần để đi săn lùng một bức ảnh đẹp, loay hoay suốt mấy ngày vẫn chưa tìm được bức ảnh ưng ý.

– Cảm xúc của nghệ sĩ Phùng:

+ Tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm với cái đẹp: Trong một thoáng nhìn anh đã phát hiện ra cảnh đắt trời cho để chớp lấy, “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, một vẻ đẹp toàn bích.

– Vẻ đẹp bức tranh:

+ Đó một “bức hoạ” diệu kì mà thiên nhiên, cuộc sống đã ban tặng cho con người.

+ Đứng trước một sản phẩm nghệ thuật tuyệt tác của hoá công, người nghệ sĩ trở nên “bối rối” và “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.

+ Chưa hết, trong giây lát, người nghệ sĩ còn “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.

– Hành động của Phùng:

* Phùng – một trái tim nghệ sĩ luôn trăn trở về thân phận con người về cuộc đời (Phát hiện 2)

– Hình ảnh người đàn bà.

– Hình ảnh người đàn ông đánh vợ.

– Hình ảnh Phùng + thằng Phác.

– Người đàn bà khóc.

– Trước cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài, lúc đầu Phùng kinh ngạc tột độ: “chỉ biết há mồm ra mà nhìn”, nhưng sau đó đã vứt máy ảnh xuống chạy nhào tới. Khi chứng kiến thêm một lần nữa, Phùng đã can ngăn, rồi bị thương phải vào viện điều trị.

– Khi nghe câu chuyện của người đàn bà, trăn trở, ám day dứt trong lòng cho số phận những gia đình giống như gia đình Phác, anh xách máy ảnh đi lang thang.

* Nhận xét: Mặc dù chưa quen nghịch lí trong cuộc đời nhưng trong anh vẫn là phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ căm ghét những bất công, sẵn sàng hành động vì lẽ công bằng.

– Phùng chứng kiến cảnh lão đàn ông vũ phu trên chiếc thuyền chài đánh vợ một cách tàn bạo. Người vợ thì nhẫn nhục chịu đựng. Phùng “kinh ngạc”, “há mồm ra mà nhìn” và anh đã “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”.

– Sở dĩ nghệ sĩ Phùng trở nên như vậy là vì anh không thể ngờ rằng đằng sau cái vẻ đẹp diệu kì của tạo hoá kia lại có cái ác, cái xấu đến không thể tin được.

→ Với trái tim nghệ sĩ, Phùng đã thức tỉnh. Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật cuộc đời thì lại rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, đừng mượn danh nghệ thuật mà vô trách nhiệm vơí cuộc đời.

c. Phùng – là nhân vật tự ý thức qua câu chuyện với người đàn bà ở tòa án.

– Ban đầu, Phùng là người nghệ sĩ có thái độ dễ bằng lòng, nhìn đời bằng con mắt đơn giản một chiều (nghĩ đơn giản rằng những kẻ đi theo ngụy là xấu “lão ta hồi 75 có đi lính ngụy không?”), không sẵn sàng đối mặt với nghịch lí cuộc đời.

– Phùng cảm thông cho số phận của người đàn bà hàng chài, cuộc đời và câu chuyện của chị ở tòa án đã giúp Phùng vỡ lẽ ra nhiều điều, anh biết chấp nhận những điều nghịch lí ở đời.

– Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng cũng cảm thấy hết sức bức bối khi nghe người phụ nữ van xin vị chánh án đừng bắt chị phải li hôn với người chồng vũ phu.

– Những lời nói chẳng dễ nghe chút nào của người đàn bà hàng chài khiến cho Phùng phải suy nghĩ. Phùng không thể hiểu cái lí của sự cam chịu ở những con người phải sống trong vòng vây của cái đói nghèo, lạc hậu, của cuộc sống nhọc nhằn.

– Qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài Phùng cũng nhận ra người đồng đội cũ-chánh án Đẩu cũng có lòng tốt giống anh, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng chánh án Đẩu chưa thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân. Lòng tốt là đáng quý nhưng chưa đủ.

– Thông qua những cảm nhận của Phùng, nhà văn gửi đến người đọc những nhận thức sâu sắc về cuộc đời, về nghệ thuật: Cần phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều để phát hiện ra bản chất sau vẻ đẹp của hiện tượng

4. Nhân vật người đàn bà hàng chài

a. Lai lịch, xuất thân.

– Nguyễn Minh Châu đã để người đàn bà xuất hiện trên trang viết của mình khi mang một số phận, hẩm hiu, đau khổ, bi kịch đến tội nghiệp.

– Gia đình nghèo lại còn đông con, thuyền thì chật,…Bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ thường xuyên cứ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

b. Tên, ngoại hình.

– Tên: Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, hầu như người đọc không hề được biết đến tên gọi của người đàn bà tội nghiệp ấy, Nguyễn Minh Châu đã gọi một cách phiếm định: Khi thì gọi là người đàn bà hàng chài, lúc lại gọi mụ, khi thì gọi chị ta…

– Ngoại hình: Người đàn bà hàng chài có thân hình xấu xí tàn tạ “trạc ngoài 40, một thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”.

c. Tính cách, phẩm chất.

– Một người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục.

+ Chị lặng lẽ để cho chồng đánh: Lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy, dùng cái thắt lưng quật tới tấp lên lưng người đàn bà

+ Bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ: Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cứ khi nào lão thấy khổ quá là lại xách chị ra đánh, như là để trút giận, với lời lẽ cay độc”.

+ Người đàn bà ấy nhẫn nhục, cam chịu, thầm lặng chịu đựng mọi đau đớn tất cả vì những đứa con.

– Sống rất sâu sắc, giàu lòng tự trọng, từng trải, thấu hiểu lẽ đời:

+ Được mời đến tòa án huyện để giải quyết việc gia đình, lúc đầy chị ta rụt rè, tìm một góc tường ở chốn công đường kia để ngồi.

+ Cái sự thâm trầm trong thấu hiểu lẽ đời dường như chị chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bên ngoài. Khi được đề nghị giúp đỡ thì: “Xin các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu”; “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó”.

+ Nguyễn Minh Châu đã dụng công nhấn vào sự thay đổi ngôn ngữ và tâm thế của người đàn bà hàng chài. Ban đầu, khi gặp chánh án Đẩu, chị còn xưng “con” và có lúc đã van xin, “con lạy quý tòa”…“Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”.

+ Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, người đàn bà hàng chài kia đã chấp nhận đau khổ, coi nỗi khổ vận vào đời mình như một lẽ đương nhiên. Chị sống cho con chứ không phải là sống cho mình. Đó là một cách ứng xử rất nhân bản.

– Là một người phụ nữ thương chồng, thương con vô bờ bến, vị tha và giàu đức giàu đức hy sinh:

+ Chị thấu hiểu nguyên nhân vì sao chồng lại trở nên như thế.

+ Đặc biệt ở người đàn bà là chị cũng đã vẫn giữ trong tâm hồn mình ngọn lửa của hi vọng, của niềm tin để thắp lên hạnh phúc mỏng mạnh. Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: “vui nhất là lúc ngồi nhìn con tôi chúng nó được ăn no”; “trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”.

+ Ở đây, lẽ đời đã chiến thắng. Người lao động lam lũ, nghèo khổ không có uy quyền nhưng có cái tâm của một người thương con, thấu hiểu lẽ đời cũng là một thứ quyền uy có sức công phá lớn. Nó đã làm chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng thức nhận được nhiều điều.

+ Hạnh phúc với người đàn bà hàng chài kia thật giản dị mà không kém phần sâu sắc. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.

→ Trên trang viết của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài là hiện thân của tình yêu thương, đức hi sinh, sự nhẫn nhục của người phụ nữ. Qua người đàn bà hàng chài, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.

5. Nhân vật người đàn ông hàng chài

a. Lai lịch xuất thân

– Trong tác phẩm, người đàn ông hàng chài là nhân vật xuất hiện không nhiều trên trang văn. Hình như ông ta chỉ xuất hiện hai lần: Lần thứ nhất, dưới đôi mắt của Phùng khi chứng kiến cảnh đánh vợ tàn bạo của hắn và lần thứ hai là qua lời kể của người đàn bà (vợ hắn) ở tòa án huyện mà ta biết về lai lịch và nguyên nhân của sự bạo hành kia.

– Trước bảy nhăm, người đàn ông này không đi lính ngụy mà trốn quân dịch cho nên cuộc sống của hắn nghèo khổ, túng quẫn và gặp người đàn bà hàng chài nên vợ nên chồng.

b. Ngoại hình.

– Chỉ bằng vài nét miêu tả ngoại hình về gã đàn ông hàng chài, khi chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ, nhà văn đã cho ta biết được cuộc sống đói nghèo, lam lũ, chật chội quẩn quanh hằn in lên dáng vẻ khắc khổ của ông ta:

+ “Lưng rộng và cong như một chiếc thuyền”.

+ “Mái tóc tổ quạ”.

+ “Chân đi chữ bát, bước từng bước chắc chắn”.

+ Hàng lông mày cháy nắng”.

+ “Hai con mắt độc dữ”….

Chính hoàn cảnh sống đó đã làm cho ông ta thay đổi tâm tính trở thành kẻ vũ phu và coi cái việc đánh vợ như một sự giải tỏa nỗi ẩn ức, bế tắc trong lòng mình.

c. Lời nói và hành động bạo hành của người đàn ông hàng chài.

– Lời nói cộc cằn, hung dữ như quát đối với vợ: “Cứ ngồi yên đấy. Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”. Đó là lời nói của một kẻ gia trưởng tự cho mình cái quyền được hành hạ người khác, cứ mở miệng ra là đòi giết, là muốn người ta chết…Đó đâu phải là lời của một con người với một con người mà hình như đó là âm thanh của một loài dã thú.

– Hành động đánh vợ của gã đàn ông diễn ra một cách thô bạo “lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa….chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy…quật tới tấp vào lưng người đàn bà”.

– Đi đôi với hành động trên là những lời chửi mắng độc địa của ông ta về người vợ “lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”.

– Sự tàn độc của gã đàn ông thuyền chài không phải thỉnh thoảng mới xảy ra mà nó diễn như cơm bữa: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn”.

– Đọc những trang văn của Nguyễn Minh Châu viết về người đàn ông thuyền chài, ai cũng đều căm ghét cái thói vũ phu, đánh đập tàn bạo vợ con của hắn. Nhưng không đơn giản, ông ta còn là một kẻ đáng thương. Tất cả biến thành phẫn nộ vì bế tắc, cùng đường, thể hiện bằng ngôn ngữ của chiếc thắt lưng da. Đánh vào lưng vợ, lão như đánh vào một cái gì đó vô hình, đánh vào cái mà vì nó mà hắn khổ.

→ Qua nhân vật người đàn ông thuyền chài, Nguyễn Minh Châu cũng muốn gởi đến chúng ta một thông điệp: Trước mọi sự vật, hiện tượng nói chung và cuộc sống con người nói riêng, chúng ta cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Đúng như tác giả đã từng tâm sự: Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử.

III. Kết bài:

– Thành công về nghệ thuật: Tình huống truyện độc đáo, “tình huống nhận thức”, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về chân lí đời sống, chân lí nghệ thuật. Ngôi kể, điểm nhìn nghệ thuật sắc sảo, đa diện. Lời văn giản dị mà sâu sắc. Tác phẩm có lối kết cấu đa văn bản, nhiều từng ý nghĩa.

– Ý nghĩa văn bản: Qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với những cảnh đời, những thân phận trớ trêu, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống đồng thời gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về nghệ thuật: Nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời; người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách giản đơn, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.