Ý nghĩa cách xưng hô “tôi” và “ta” của Thanh Hải trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.
Thanh hải viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” khi đang nằm trên giường bệnh. Dù đang ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn tâm niệm gắn kết cuộc đời mình với cuộc đời chung của dan tộc, của đất nước trước và sau khi chết. Tâm nguyện ấy thể hiện rõ ràng ở cách nhà thơ dùng đại từ xưng hô “tôi” và “ta” trong bài thơ.
“Tôi” là đại từ nhan xưng ngôi thứ nhất, mang tính cá thể riêng biệt. “Ta” là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, mang ý nghĩa là chúng ta, là tập thể chung. Thanh Hải có sự chuyển đổi từ cách xưng hô “tôi” ở đầu bài thơ sang “ta” ở gần cuối bài thơ là một dụng ý nghệ thuật.
Ở đầu bài, nhà thơ xưng “tôi”, hết sức khiêm nhường:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Đến gần cuối bài thơ, nhà thơ chuyển sang xưng “ta” đầy tự hào:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Điều ấy thể hiện dụng ý nghệ thuật của nhà thơ trong sự vận động mạch cảm xúc và tư tưởng của bài thơ. Chữ “tôi” trong câu “Tôi đưa tay tôi hứng” biểu hiện một cái tôi cụ thể, rất riêng của nhà thơ trong sự nâng niu, trân trọng vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân. Ở đây, nếu dùng đại từ “ta” sẽ mất đi vẻ đẹp khiêm nhường – một cái “ta” có vẻ phô trương, làm mất đi giọng tâm tình đằm lắng của bài thơ.
Chữ “ta” trong hàng loạt hành động: “ta làm…”, “ta nhập…”, “ta xin hát…” được gợi sắc thái trang trọng, thiêng liêng của một lời nguyện ước. Hơn nữa, đại từ “ta” sẽ tạo được sự lan tỏa và đồng cảm của mọi người – tác giả nói thay cho nhiều cái “tôi” khác. Cái “chúng ta” là sự cộng hưởng, chia sẻ, đóng góp phần tinh túy nhất mỗi cái “tôi”. Điều độc đáo là chữ “ta” này vẫn mang một giọng điệu nhỏ nhẹ, khiêm nhường, đằm thắm của cái “tôi” Thanh Hải.