Ý nghĩa nhan đề và lời đề từ bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”
Ý nghĩa nhan đề:
Đàn ghi ta là một loại đàn có sáu dây, mặt cộng hưởng hình thắt cổ bồng, trên có lỗ thoát âm. Ghi ta không chỉ là nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha mà còn được coi là biểu tượng cho nền nghệ thuật ở đất nước này. Không phải ngẫu nhiên mà nó còn được gọi là Tây Ban cầm.
Gar-xi-a Lor-ca (1898-1936) là nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia nổi tiếng người Tây Ban Nha. Ông vừa là một nhà hoạt động xã hội có tiếng trong cuộc đấu tranh chống lại mọi thế lực phản động ở xứ sở bò tót vừa là người khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Lor-ca cũng là người nghệ sĩ có những quan niệm nghệ thuật mới mẻ và tiến bộ. Sự nghiệp nghệ thuật của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ Tây Ban Nha.
Đàn ghi ta của Lor-ca được coi là biểu tượng cho nghệ thuật của Lor-ca, cho những cách tân nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ tài danh này. Và trên hết, nó chính là hiện thân của Lor-ca.
Nhưng nhan đề còn là một phần của sinh thể tác phẩm sản phẩm tinh thần của người nghệ sĩ. Cùng với tác phẩm, nó bộc lộ tưởng nghệ thuật của người viết. Đàn ghi ta của Lor-ca, do đó, không chỉ là dòng tưởng niệm mà Thanh Thảo muốn dành cho Lor-ca với tất cả lòng kính trọng mà còn cách phát biểu quan niệm nghệ thuật của nhà thơ : nghệ thuật phải sáng tạo, nghệ thuật phải không ngừng đổi mới.
Ý nghĩa lời đề từ:
Lời đề từ của bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” cũng là di chúc của Lor-ca “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Đây là câu nói nổi tiếng của Lor-ca trước khi từ biệt cõi đời. Câu nói trước hết thể hiện tình yêu say đắm với nghệ thuật, với quê hương xứ sở của nhà thơ. Tuy nhiên, Lor-ca không phải là người nghệ sĩ sinh ra để nói những điều đơn giản và một nhà thơ như Thanh Thảo (luôn khước từ lối biểu đạt dễ dãi) cũng không chấp nhận những cách nói giản đơn. Cho nên, câu nói của Lor-ca còn có một thâm ý khác.
Lời đề từ hàm chứa ý nghĩa và tư tưởng lớn xuất phát từ tư tưởng của nhà văn Boóc-ghết. Boóc-ghết là nhà văn vĩ đại nhất, trở thành “biểu tượng văn hóa” của dân tộc Ác-hen-ti-na. Năm 1963, một nhà thơ Ba Lan tên là Gôm-brô-vich, khi chia tay các nhà văn trẻ Ác-hen-ti-na (các nhà văn thế hệ đàn em của Boóc-ghết) để đi Châu Âu, đã đứng trên boong tàu và hét lớn : “Hỡi tuổi trẻ, hãy giết chết Boóc-ghết”. Câu nói của Gôm-brô-vich tưởng như đùa cợt nhưng lại chứa đựng một thông điệp tối quan trọng đối với tất cả những ai muốn sáng tạo cái mới. Thông điệp ấy là : bạn hãy dũng cảm vượt qua các thần tượng cũ để làm nên cái mới. Một khi bạn đã làm xong việc của mình và sức sáng tạo đã hết, bạn phải biết lui vào quá khứ để những thế hệ mới tự do làm cái mới, đừng để cái bóng của mình đè mãi xuống tương lai.
Với tư cách là một nhà cách tân nghệ thuật, Lor-ca nghĩ rằng đến một ngày nào đó thơ ca của ông cũng sẽ án ngữ, ngăn cản sự sáng tạo nghệ thuật của những người đến sau. Vì thế, nhà thơ đã căn dặn các thế hệ sau : hãy “chôn” nghệ thuật của ông (cùng với ông) để bước tiếp. Đây có lẽ là ý nghĩa sâu xa trong lời đề từ của bài thơ.
Một cách hiểu khác, Lor-ca với tư cách là một nghệ sĩ chân chính và là một trong những tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha. Trước một Tây Ban Nha – dưới sự cai trị của chế độ độc tài – đã trở nên phản động về chính trị và già cỗi về nghệ thuật, Lorca đã nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh với mọi thế lực áp chế, đòi quyền sống chính đáng đồng thời cũng khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong lĩnh vực nghệ thuật. Lorca đã tự nguyện làm người du ca đi lang thang với cây đàn ghita hát lên những bài ca lãng tử, dùng tiếng đàn giãi bày nỗi đau buồn và niềm khát vọng yêu thương của nhân dân. Ông đã bị chế độ phản động cực quyền thân phát xít bắt giam và bắn chết. Cái chết thảm khốc của Lor-ca đã dâng lên một làn sóng phẫn nộ hết sức mạnh mẽ trên thế giới với bè lũ Phrăngcô. Tên tuổi của Lorca trở thành biểu tượng chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hoá dân tộc và văn minh nhân loại.
Ra đi khi sự nghiệp đấu tranh còn dang dở, Lor-ca hi vọng rằng ở nơi tăm tối, ông vẫn tiếp tục chơi đàn, tiếp tục lấy tiếng đàn cổ vũ cho cuộc đấu tranh chống áp bức của dân tộc mình. Có thể,dựa trên ý nghĩa đó, Thanh Thảo đã khắc họa thành công hình tượng Lor-ca từ nhiều góc độ: hào hùng mà mềm mại, đa tình mà bi tráng.
- Ý nghĩa lời đề từ bài thơ Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)
- Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo
- Cảm nhận về hình tượng Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca
- Ý nghĩa hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca
- Tham khảo:
Câu 1: Trình bày những hiểu biết của anh (chị) về ý nghĩa nhan đề bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo?
- Đàn ghi ta (hay còn gọi là Tây Ban cầm) là nhạc cụ truyền thống của đất nước Tây Ban Nha. Nhan đề bài thơ gợi liên tưởng đến nền nghệ thuật của đất nước TBN.
- Đàn ghi ta gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Lor-ca. Vì vậy, hình ảnh đàn ghi ta ở nhan đề bài thơ tượng trưng cho khát vọng sáng tạo nghệ thuật của Lor-ca.
- Nhan đề như một lời khẳng định của nhà thơ Thanh Thảo: Đàn ghi ta của Lor-ca. Điều đó phần nào cho thấy niềm ngưỡng mộ và tấm lòng đồng cảm của Thanh Thảo đối với người nghệ sĩ thiên tài.
Câu 2: Anh (chị) hiểu như thế nào về câu thơ đề từ trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.
- Đàn ghi ta (hay còn gọi là Tây Ban cầm) là nhạc cụ truyền thống của đất nước Tây Ban Nha. Sau khi chết, Lor-ca muốn được chôn cùng với cây đàn, điều đó cho thấy tình yêu đất nước của người nghệ sĩ.
- Cây đàn ghi ta còn gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Lor-ca. Câu thơ đề từ vì thế còn thể hiện tình yêu nghệ thuật và khát vọng cách tân nghệ thuật của Lor-ca.
- Ngoài ra, câu thơ đề từ cũng có thể là lời nhắn nhủ của Lor-ca đối với những người làm nghệ thuật: hãy biết sáng tạo để đem đến những cái mới cho nghệ thuật.