»» Nội dung bài viết:
6 chi tiết nghệ thuật cần ghi nhớ khi ôn tập truyện ngắn “Chí Phèo”
1. Bối cảnh xã hội trong truyện ngắn Chí Phèo.
Xã hội Chí Phèo là một xã hội thối nát. Người dân Việt Nam phải chịu thảm họa một cổ ba tròng(thực dân-phong kiến-phát xít). Cuộc sống khốn khổ ấy không chỉ riêng Nam Cao phản ánh mà còn được các nhà văn hiện thực lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… khai thác. Tình cảnh của người nông dân chịu muôn vàn thứ thuế.
Hàng trăm thứ thuế vô lí, cay nghiệt đó đã xô đẩy một bộ phận người nông dân vào bước đường cùng không lối thoát. Họ phải tồn tại bằng con đường tha hóa.Bằng chứng đau lòng cho quá trình áp bức đó là trên hai triệu đồng bào ta chết đói vào cuối năm 1944 đầu năm 1945. Thực trạng đó hoàn toàn khác xa với tính ưu việt của xã hội ta hiện nay. Từ đó giáo dục cho học sinh thấy được: xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại một bộ phận rất nhỏ tha hóa nhân cách nhưng nguyên nhân là do ăn chơi sa đọa, lười nhác, không có ước mơ hoài bảo… Sự tha hóa đó hoàn toàn mang tính chủ quan của cá nhân và khác với cảnh ngộ của Chí Phèo (cần lí giải mục đích đóng thuế xưa và nay).
2. Nguồn gốc sinh ra của nhân vật Chí Phèo.
Chí Phèo sinh ra vốn đả vô thừa nhận – con hoang – không nguồn gốc. Chí Phèo được người làng chuyền tay nhau nuôi. Nhưng lớn lên vẫn là một chàng trai giàu mơ ước và khát vọng hạnh phúc. Khát vọng đó thật bình dị. Bình dị thật dễ thương. Chí ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải.Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Nhưng ước mơ đó của Chí chẳng bao giờ thực hiện được. Xã hội cũ không cho phép nên cố tình xô đẩy người nông dân lương thiện vào bước đường cùng. Chí Phèo vô cớ bị bắt vào tù. Đó chính là tấn bi kịch đau xót nhất của người nông dân trước cách mạng.
(so sánh với cô nhi trong xã hội ta ngày nay, các cháu bé mồ côi được xã hội quan tâm giúp đỡ, được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc nuôi dưỡng…)
3. Chí Phèo sau khi ra tù, hắn hoàn toàn trở thành một thằng người tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính.
Chế độ nhà tù của xã hội Chí Phèo là vậy. Nhà tù đáng lẽ phải khôi phục lại những cuộc đời lầm lỗi giúp họ hoàn lương. Nhưng nhà tù của thực dân phong kiến lại biến những những con người lương thiện thành kiếp quỹ dữ. Điều đó hoàn toàn khác biệt với chế độ nhà tù của chúng ta ngày nay là giáo dục con người-những kẻ lầm đường lạc lối sớm được hoàn lương.
4. Cuộc gặp gỡ định mệnh của Chí Phèo và thị Nở.
Đây là chi tiết nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn. Nhờ chi tiết nghệ thuật này mà người đọc thấy được phần người trong Chí trỗi dậy mạnh mẽ. Những ngày tháng triền miên say và sống trong kiếp quỷ dữ dường như đã chết nhường chổ cho những trăn trở suy tư,những dằn vặt trong cõi lòng, những ước mơ và khát vọng…
Tuy nhiên khi dạy học chi tiết này, thiết nghĩ giáo viên không nên quá sa đà kể lể chi tiết về mối tình Chí Phèo-thị nở. Nếu quá sa đà thì vô hình trung lại bóp méo tác phẩm Chí Phèo thành đôi lứa xứng đôi và phản tác dụng giáo dục. Không khéo lại trở thành “kinh nghiệm”cho một số đối tượng học sinh sau này bị tiêm nhiễm, đầu độc qua hành động của Chí Phèo.
5. Chí Phèo tìm đến nhà và giết bá Kiến.
Chí Phèo giết Bá Kiến không đơn thuần là mâu thuẫn cá nhân mà đó là mâu thuẫn xã hội – mâu thuẫn đối kháng giai cấp-mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ phong kiến và nông dân. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, giai cấp bị trị muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn thì họ không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh tiêu diệt kẻ thù để tự giải phóng mình.
6. Chí Phèo tự sát trong tuyệt vọng khốn cùng.
Con người ta sinh ra là để được hưởng cuộc sống mà thượng đế đã ban cho. Sống không chỉ đơn giản là tồn tại mà còn phải sống đẹp, sống có ích, có danh dự, có ước mơ hoài bảo. Chúng ta không chỉ sống cho mình mà còn sống cho người khác. Vì vậy sự sống là vô cùng đáng quý.
Chỉ có những thằng khùng, những kẻ thiếu suy nghĩ mới tự sát. Những hành động ngu ngốc đó sẽ để lại nỗi đau suốt đời cho những người thân thích còn sống… Tuy nhiên hành động tự sát của Chí Phèo thì hoàn toàn ngược lai. Chí đã bị xã hội đoạn tuyệt. Chí Phèo bế tắt trước cuộc đời. Rõ ràng, hắn không còn một lối thóat nào khác ngoài con đường tự sát. Chí Phèo chết để được sống lại kiếp người. Chí không muốn sống tiếp cuộc sống quỷ dữ để gieo tai họa cho đời. Vì vậy cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa tố cáo xã hội sâu sắc và hoàn toàn khác với cái chết của những kẻ nông nỗi dại dột hay liều lĩnh bị xã hội tố cáo (liên hệ với một số trường hợp tự tử trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay nhằm giáo dục học sinh).