Đất nước hòa quyện gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân, đất nước làm nên cuộc sống Nhân Dân, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với Đất Nước trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

dat-nuoc-hoa-quyen-gan-bo-sau-sac-trong-cuoc-song-hang-ngay-cua-nhan-dan

Đất nước hòa quyện gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân, đất nước làm nên cuộc sống Nhân Dân, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với Đất Nước trong đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

42 câu đầu trong đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) đã góp phần lí giải một trong những bình diện đầu tiên của tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân, đó là quan niệm: Đất nước hòa quyện gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân, đất nước làm nên cuộc sống Nhân Dân, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với Đất Nước.

1. Những cảm nhận sâu sắc về đất nước trong mối quan hệ gắn bó với cuộc sống Nhân Dân.

Đất Nước được hiểu là một nơi cư trú của một cộng đồng dân tộc có cương giới,  lãnh thổ riêng, có sự gắn kết sâu sắc với nhau về văn hóa, phong tục, tập quán, có tiếng nói, ngôn ngữ riêng, có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời.

Tùy theo từng thời kì lịch sử, Đất Nước được định nghĩa theo những cách quan niệm khác nhau, đất nước có thể thiêng liêng khi đó là nơi Nam đế cư, đất nước có thể hiểu ra trong những khái niệm trừu tượng nhưng trong đoạn đầu của Bình Ngô đại cáo thế kỉ XV với nền văn hóa đã lâu, núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác…. Văn học hiện đại cũng được tạo ra một khoảng cách sử thi thiêng liêng, tôn kính để chiêm ngưỡng Đất Nước thông qua những hình ảnh kì vĩ, mang đậm tính biểu tượng, Đất Nước có thể huy hoàng khi Rũ bùn đứng dậy sáng lòa, Đất Nước cũng có thể đẹp lung linh, kì ảo, xa vời trong so sánh: Đất nước như vì sao – Cứ đi lên phía trước (Thanh Hải)….

Trong đoạn đầu, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đến một cách cảm nhận mới mẻ, vừa thấm thía xúc động về Đất Nước trong mối quan hệ với cuộc sống Nhân Dân, trong đó, những khái niệm trừu tượng, những tiêu chí thiêng liêng định hình lên Đất Nước đã được nhà thơ thể hiện qua những hình ảnh cụ thể và bình dị, quen thuộc và gợi cảm, những hình ảnh luôn thường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân.

Câu thơ mở đầu đưa đến một cảm nhận ấm áp về sự hiện hữu của Đất Nước đối với mỗi con người:

“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi”

Ta là một khái niệm mơ hồ, không xác định, đó có thể bất cứ người Việt Nam nào, trong bất cứ thời điểm nào, là chúng ta hôm nay, là con cháu sau này, là cha ông hàng ngàn năm trước…, cứ mỗi người Việt Nam sinh ra là ngay lập tức được bao bọc và nâng niu, được nuôi dưỡng và che chở trong chiếc Nôi lớn lao, ấm áp, thân yêu, đó là Đất Nước. Đất Nước luôn có từ lúc trước đó, như từ thuở khai sinh lập địa, đón đợi những con dân Việt.

Với việc điệp lại liên tiếp những thành tố Đất, Nước cũng như từ ghép Đất Nước trong cả đoạn thơ, tác giả đã đưa đến một cảm giác rất rõ rệt: Đất Nước không ở đâu xa lạ, Đất Nước luôn gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đất nước có mặt ở mọi nơi, hiện hữu trong mọi hình hài dù là con người với ông bà cha mẹ, với anh và em, dù là cảnh vật với sông núi biển khơi, Đất Nước có thể hữu hình với cái kèo cái cột, hạt gạo, miếng trầu hay vô hình sau những nghĩa tình của muối mặn gừng cay, sau những nhớ nhung của đôi lứa khi khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất….

Trong đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước không được định nghĩa trong khái niệm xa xôi, trừu tượng mà hiện ra qua những chi tiết đời thường, gần gũi và bình dị của cuộc sống Nhân Dân, trong sự xưa cũ vô cùng của thời gian, năm tháng. Mỗi câu thơ đều chứa đựng một ý, một tứ nào đó của ca dao, thành ngữ, tục ngữ, một hình ảnh quen thuộc nào đó của truyền thuyết, thần thoại, cổ tích. Những chất liệu của văn hóa dân gian qua sự chọn lọc tinh tế của nhà thơ hiện đại đã làm hiện ra những phong tục, những thói quen sinh hoạt hàng ngày như miếng trầu bây giờ bà ăn hay hình ảnh tóc mẹ thì bới sau đầu, thói quen đặt tên con một cách mộc mạc theo những sự vật, vật dụng hàng ngày quen thuộc để cái kèo cái cột thành tên; trong những ngôi nhà tranh với trong hạt gạo một nắng hai sương xay giã giần sàng….; truyền thống đánh giặc ngoại xâm trong hình ảnh cây tre là làng Gióng, văn hóa ứng xử trong đạo lí nghĩa tình của mẹ cha gừng cay muối mặn…Tất cả những hình ảnh gần gũi bình dị ấy đều đưa người đọc lên tưởng đến một phương diện nào đó của Đất Nước, đều là sự thể hiện sâu đậm, lâu bền nhất những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, lịch sử của Đất Nước khiến cho cái vĩnh hằng của Đất Nước luôn tồn tại, luôn hiện hữu trong cái hàng ngày của cuộc sống mỗi con người.

Qua những cảm nhận có vẻ như tản mạn, tùy hứng của cuộc trò chuyện tâm tình, qua những hình ảnh gợi nhắc tới tục ngữ, ca dao, thần thoại, cổ tích… nhà thơ đã đưa người đọc dần đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc thấm thía: Đất Nước có một lịch sử lâu đời, Đất Nước không hề xa lạ hay trừu tượng, Đất Nước là những gì gần gũi, thân yêu vô cùng luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đất nước làm nên vóc dáng hình hài, làm nên tâm hồn, cốt cách, làm nên lối sống, lối nghĩ của mỗi con người, Đất Nước làm nên cuộc sống Nhân Dân.

2. Đất Nước là gì?

Bên cạnh những cảm nhận sâu sắc về Đất Nước trong mối quan hệ gắn bó với cuộc sống Nhân Dân, nhà thơ còn đặt Đất Nước trong cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp, nhiều chiều, nhiều phương diện để có thể trả lời thấu đáo câu hỏi: Đất Nước là gì?

Trước hết, Đất Nước được đặt trong chiều dài miên viễn của thời gian lịch sử.

Sau lời khẳng định tự hào vào ấm áp Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi, cảm giác về lịch sử lâu đời của Đất Nước được tô đậm hơn trong sự khám phá: Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể. Ngày xửa ngày xưa là câu mở đầu quen thuộc trong truyện cổ tích – thế giới cổ tích là thế giới vô cùng xa xăm trong tâm thức con người, vậy mà trong thế giới ấy, Đất Nước của chúng ta đã hiện hữu, tưởng như Từ có vũ trụ – Đã có giang san (Trương  Hán Siêu).

Đất Nước như đã có từ thuở hồng hoang trong những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của mẹ từ sử thi Đẻ đất đẻ nước, từ Sự tích trăm trứng, truyền thuyết về An Dương Vương hay Sơn tinh Thủy tinh…. Nhắc tới ngày xửa ngày xưa cũng là những cách lí giải hồn nhiên của dân gian về sự hình thành và phát triển Đất Nước, về quá trình dựng nước và giữ nước, qua đó, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cha ông, về bề dày lịch sử của một đất nước bốn ngàn năm.

Những cụm từ liên tiếp lặp lại từ đầu tới cuối đoạn thơ: Đất Nước đã có rồi…Đất Nước bắt đầu…Đất Nước lớn lên…Đất Nước có từ ngày đó… đã gợi ra chiều dài thăm thẳm của lịch sử Đất Nước trong quá trình hình thành và phát triển. Lời khẳng định: Đất Nước có từ ngày đó…tiếp tục đưa đến cảm nhận về lịch sử lâu đời của Đất Nước. Ngày đó là một khái niệm thật mơ hồ về thời gian, tính chất mơ hồ không xác định khiến sự ra đời của Đất Nước càng trở nên xa xăm. Ngày đó cũng là ngày xửa ngày xưa, khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc, khi tóc mẹ thì bới sau đầu, khi cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn…, câu thơ đã giúp người đọc nhận ra Đất Nước bắt đầu, Đất Nước lớn lên…Đất Nước hình thành và phát triển chính từ những phong tục tập quán, những truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Nếu sự nối tiếp các triều đại, các chế độ mới chỉ cho thấy bề mặt của lịch sử Đất Nước thì chính những phong tục tập quán mới thực sự chỉ ra chiều sâu văn hóa – lịch sử, nền tảng vững chắc của Đất Nước.

Thời gian lịch sử của Đất Nước trước hết hiện ra trong những huyền thoại đẹp đẽ và bay bổng về buổi đầu lập nước khi:

Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Đây là một huyền thoại đầy ý nghĩa đem lại niềm tự hào về lịch sử xa xăm vô cùng của Đất Nước, niềm tự hào về dòng dõi con Rồng cháu Tiên, huyền thoại gợi niềm thương mến, ấm áp về nghĩa tình đồng bào thiêng liêng, ruột thịt. Thời gian lịch sử của Đất Nước cũng hiện ra qua những câu thơ gợi nhớ về truyền thống Vua Hùng Vương và ngày giỗ Tổ, câu chuyện về chú bé làng Gióng cầm gậy tre đánh giặc, câu chuyện về lớp lớp những thế hệ người Việt Nam với Những ai đã khuất trong quá khứ, Những ai bây giờ trong hiện tại, mai này con ta lớn lên trong tương lai. Những thế hệ người Việt Nam ấy cứ nối tiếp từ đời này sang đời khác:

Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau…,

Nguyễn Khoa Điềm đã làm hiện lên trong suy tưởng của người đọc một chiều dài thời gian đằng đẵng của lịch sử Đất Nước. Qua đó, Đất Nước được cảm nhận như một sự thống nhất, hài hòa các phương diện văn hóa, lịch sử, đạo lí… vừa cao cả, thiêng liêng vừa gần gũi gắn bó với cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân. Những giá trị tinh thần bền vững như lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí bất khuất kiên cường đánh giặc ngoại xâm, đạo lí thủy chung tình nghĩa, truyền thống nhân ái…, những giá trị vật chất quý giá của Đất Nước như ngôi nhà, cánh đồng, hạt lúa được hình thành, nuôi dưỡng, được bảo vệ, giữ gìn qua các thế hệ đã tạo nên sự gắn kết giữa quá khứ hiện tại và tương lai. Vậy là nếu nhìn từ bình diện thời gian, có thể thấy Đất Nước hình thành và phát triển qua cuộc chạy tiếp sức lớn lao, vĩ đại, vĩnh hằng của các thế hệ người Việt Nam trong triều đại của lịch sử dựng nước và giữ nước.

Không tách rời khỏi thời gian, Đất Nước đồng thời được đặt trong chiều rộng mênh mông của không gian địa lí.

Không gian nguồn cội đầu tiên thuở lập nước là không gian nơi chim về, Rồng ở, nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ, Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Câu chuyện về Bố Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con, năm mươi theo cha xuống biển, năm mươi theo mẹ lên núi, khai phá, xây dựng, lập nước…khiến cho núi rừng sông biển không đơn thuần chỉ là cảnh sắc thiên nhiên mà là những không gian thiêng liêng, gần gũi trong tâm thức người dân Việt, trở thành chứng tích của tổ tiên xa xăm, trở thành nguồn cội ấm áp, thân yêu cho tình nghĩa đồng bào.

Đất Nước cũng là Nơi dân mình đoàn tụ, là không gian sinh tồn của đồng bào dân tộc, là ngôi nhà lớn của đại gia đình người Việt qua bao thế hệ với Những ai đã khuất, những ai bây giờ, là nơi dân Việt Hằng năm ăn đâu làm đâu cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ. Không chỉ hiện ra trong những không gian lớn lao kì vĩ với núi rừng sông bể, Nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc… con cá ngư ông móng nước biển khơi, Đất Nước còn hiện hữu gần gũi thân yêu trong những lũy tre làng, những mái nhà tranh…

Trong đoạn thơ đầu, quấn quýt đan xen với từ ghép Đất Nước, với các thành tố Đất và Nước là các danh từ chỉ những người thân yêu ruột thịt trong gia đình, điều đó khiến Đất Nước thực sự trở thành một không gian ấm áp, bình yên với ông bà cha mẹ, cháu con. Và trong cảm nhận của tuổi trẻ, của anh và em, Đất Nước cũng là một cõi thơ mộng ngọt ngào với những không gian tuyệt diệu dành cho tình yêu đôi lứa:

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.

Mái trường nơi anh học, dòng sông nơi em tắm, giếng nước gốc đa nơi ta hò hẹn…, những không gian chứa đựng bao tình thương nỗi nhớ ấy đều là sự hiện hữu cụ thể nhất, gần gũi nhất của những giá trị tinh thần, đạo lí góp phần làm nên Đất Nước, những nghĩa tình không phải chỉ của anh và em trong hiện tại mà còn của bao thế hệ đã qua trong quá khứ, bao thế hệ sắp tới trong tương lai.

Đất Nước còn hiện ra trong những không gian thân thuộc mà hào hùng của làng quê Việt khi những rặng tre đằng ngà, những ao đầm làng Gióng, những đá Vọng Phu…đều trở thành dấu tích oanh liệt và đau thương của những cuộc chiến tranh vệ quốc để lại trên thân mình  Đất Nước. Đất Nước cũng là không gian lao động với những cánh đồng  mênh mông của nền văn minh lúa nước, nơi bao thế hệ người Việt một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng làm nên hạt lúa.

Qua sự dẫn dắt của nhà thơ, người đọc nhận ra một điều giản dị và sâu sắc: Nhìn ở bình diện không gian, Đất Nước là nơi những thế hệ người Việt Nam sinh ra, lớn lên, “yêu nhau và sinh con đẻ cái”, lao động dựng xây chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Trên chiều rộng của không gian địa lí, chiều dài của không gian lịch sử. Đất Nước được cảm nhận như sự thống nhất của các phương diện văn hóa, truyền thống, phong tục, đạo lí…

Qua việc khai thác ý nghĩa các thành tố Đất và  Nước cũng như từ ghép Đất Nước trong các mối quan hệ giữa thời gian và không gian, giữa lịch sử và địa lí, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái hằng ngày và cái vĩnh hằng…; bằng những chất liệu của văn hóa dân gian từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ, từ thần thoại, truyền thuyết, cổ tích… tới những thói quen trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, Nguyễn Khoa Điềm đã làm hiện lên hình ảnh Đất Nước với nghìn năm văn hiến, với truyền thống yêu nước và ý chí bất khuất kiên cường đánh giặc ngoại xâm khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc, với truyền thống lao động cần cù, chăm chỉ khi làm ra hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng, với truyền thống đạo lí của những con người nhân hậu thủy chung tình nghĩa luôn dặn nhau “tay bưng chén muối đĩa gừng/ gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau”, với những thuần phong mĩ tục đẹp đẽ, thiêng liêng từ miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu nên dâu nhà người đến lời nhắc: Dù ai đi ngược về xuôi- Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba…

Cần cù trong lao động dựng nước, dũng cảm kiên cường trong những cuộc chiến tranh giữ nước, nhân hậu nghĩa tình trong ứng xử của cuộc sống hằng ngày đó là chiều sâu văn hóa tạo nên nền tảng vững chắc cho một Đất Nước.

3. Đất Nước trong mỗi con người và lời nhắc nhở trách nhiệm của mỗi con người với Đất Nước.

Trong đoạn 1, Đất Nước xuất hiện trong những gì gần gũi bình dị nhất của cuộc sống hằng ngày, rồi mở rộng ra trong nhiều chiều của thời gian, không gian, lịch sử và địa lí; cuối cùng, cảm nhận về Đất Nước trở lại với những phát hiện về sự hiện hữu của Đất Nước trong mỗi con người để lại từ đó nhắc nhở trách nhiệm của mỗi con người với Đất Nước.

Đất Nước có trong mỗi con người:

Sau những cảm nhận, suy ngẫm, những định nghĩa, liên tưởng, những cái nhìn nhiều chiều, nhiều phương diện, cuộc trò chuyện của đôi lứa đã dẫn đến một phát hiện giản dị mà sâu sắc:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước

Hôm nay luôn là sự kết tinh của hôm qua. Sự sống của mỗi cá nhân luôn là sự thể hiện cụ thể, sinh động hình ảnh của Đất Nước trong mọi giá trị, mỗi con người Việt Nam luôn thừa hưởng, tiếp nối và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần, vật chất của cộng đồng từ hạt gạo ta ăn, ngôi nhà ta ở, ngôn ngữ ta trò chuyện tâm tình, những đạo lí nghĩa tình khi ứng xử…Một phần Đất Nước còn được nhà thơ biểu hiện qua một cảm nhận sâu sắc, thiêng liêng:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Máu xương được hiểu theo cả nghĩa cụ thể và nghĩa ẩn dụ. Đất Nước được xây dựng, bảo vệ bằng máu xương của biết bao những thế hệ người Việt nam; Đất Nước cho chúng ta hình hài, máu thịt; Đất Nước cho chúng ta cách sống và cách nghĩ; chính những truyền thống văn hóa, đạo lí được hình thành qua lịch sử dựng nước và giữ nước đã làm nên tâm hồn cốt cách người Việt Nam, trong đó có anh và em hôm nay.

Quan hệ giữa Đất Nước với mỗi cá nhân, sự hiện hữu những giá trị vĩnh hằng của Đất Nước trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân, trong cách sống cách nghĩ, cách ứng xử của con người với con người…còn được biểu hiện qua hai hình ảnh thật sâu sắc:

Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn.

Có thể coi hình ảnh cầm tay là sự biểu hiện cụ thể của mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân với cá nhân Khi hai đứa cầm tay, giữa cá nhân với cộng đồng khi chúng ta cầm tay mọi người. Tiếp nhận những giá trị bền vững, thiêng liêng trong đời sống tinh thần, tình cảm mấy nghìn năm của Đất Nước, tình  yêu đôi lứa của anh và em luôn hài hòa, nồng thắm với những thủy chung son sắt: Mình về có nhớ ta chăng / Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời; những nghĩa tình sâu nặng: Em ơi chua ngọt đã từng / non xanh nước bạc xin đừng quên nhau, những đằm thắm nồng nàn: Tình anh như nước dâng cao / Tình em như dải lụa đào tẩm hương…Trong quan hệ của cá nhân với cộng đồng, sự vẹn tròn, to lớn của Đất Nước được hiện ra qua những nền tảng đạo lí khi người dân Việt luôn nhắc nhau về tình thương yêu, đùm bọc: Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng; luôn dặn nhau Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây…; Đất Nước luôn lớn lao, thiêng liêng trong những lời dạy thiết tha mà nghiêm khắc về mối quan hệ giữa tình yêu cá nhân với số phận cộng đồng qua truyền thuyết  Mị Châu Trọng Thủy…

Trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng trong quá khứ, hiện tại và tương lai:

Có thể thấy cái hằng ngày và cái vĩnh hằng, cá nhân và cộng đồng, quá khứ, hiện tại, tương lai luôn là những phạm trù không thể tách rời. Nhận của thế hệ trước, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị vật chất, tinh thần cao quý cho thế hệ sau:

Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau.

Tuy nhiên, mỗi con người không chỉ có trách nhiệm với quá khứ khi gánh vác…, với tương lai khi dặn dò…, điều quan trọng nhất để lịch sử Đất Nước vận động và phát triển là trong từng khoảng khắc của hiện tại phải biết gắn bó và san sẻ để làm nên Đất Nước muôn đời, đó là trách nhiệm với Đất Nước, cũng đồng thời là trách nhiệm đối với chính bản thân mình.

Viễn cảnh của Đất Nước, sự phát triển phồn thịnh của Đất Nước trong tương lai, vị trí, tầm vóc của Đất Nước trên trường quốc tế… đã được thể hiện trong một ẩn dụ đẹp đẽ và lãng mạn:

Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng

Đất Nước nhọc nhằn, nghèo khó hôm qua và hôm nay, Đất Nước đau thương, vất vả trong những cuộc chiến tranh hôm qua và hôm nay, Đất Nước ấy sẽ được xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong ngày mai khi con ta lớn lên, mang trong mình những phẩm chất đẹp đẽ của bao thế hệ người Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước, con sẽ mang Đất Nước đi xa, sẽ đưa Đất Nước  tới những bến bờ xa mà hôm qua và hôm nay chỉ mới khao khát, khẳng định những giá trị vật chất quý giá, những giá trị tinh thần đẹp đẽ của Đất Nước để Đất Nước có thể tự hào sánh vai với cường quốc năm châu.

Phân tích đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.