»» Nội dung bài viết:
Đọc – hiểu văn bản:
Đàn ghi ta của Lorca
(Thanh Thảo)
I. Tìm hiểu chung.
1. Tác giả: Thanh Thảo.
– Thanh Thảo, tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê: Đức Tân – Mộ Đức – Quảng Ngãi
– Ông tham gia trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau 1975, Thanh Thảo hoạt động văn nghệ và báo chí.
– Thanh Thảo được công chúng đặc biệt chú ý bởi những bài thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
– Năm 2001, ông được tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuât
* Các tác phẩm chính:
– Những người đi tới biển (1977)
– Dấu chân qua trảng cỏ (1978)
– Những ngọn sóng mặt trời (1981)
– Khối vuông ru – bích (1985)
….
– Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Tuy nhiên ông muốn cuộc sống phải được cảm nhận và thể hiện ở bề sâu, nên luôn khước từ sự biểu đạt dễ dãi. Ông luôn nỗ lực cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, xóa bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo bằng nhịp điệu bất thường để mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng nhằm đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại với hệ thống thi ảnh và ngôn từ mới mẻ.
– Thơ Thanh Thảo là sự lên tiếng của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Thể hiện sự cách tân thơ Việt, đào sâu cái tôi nội cảm; cách biểu đạt mới với câu thơ tự do, xóa bỏ ràng buộc khuôn sáo bằng nhịp điệu, cách gieo vần….
2. Bài thơ: “Đàn ghi ta của Lorca”.
– Xuất xứ: Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” được rút ra trong tập Khối vuông ru-bích. Là một trong những sáng tác cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm.
* Lorca sinh năm 1898 ở tỉnh Gra-na-đa, miền Nam Tây Ban Nha, được xem là nhà thơ lớn nhất Tây Ban Nha thế kỷ XX. Ngoài thơ, ông còn là tác giả của nhiều vở kịch nổi tiếng. Ông bị phe phát xít phran-cô giết trong thời gian đầu cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha.Xác ông bị chúng quăng xuống giếng. Thanh Thảo thực sự xúc động về Lorca, nhất là cái chết của ông để viết bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” như một tuyên ngôn nghệ thuật của Lorca.
– Cây đàn ở đây được hiểu là biểu tượng sự nghiệp nghệ thuật của Lorca, là tổng hợp mọi đóng góp và cống hiến của ông trên lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Trước khi chết, ông có di chúc: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”
– Thể loại: thơ tự do.
– Nội dung: Qua hình tượng Lorca và tiếng đàn ghi ta, tác giả diễn tả cái chết bi tráng, đột ngột của người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do và cách tân nghệ thuật, đồng thời bày tỏ nổi đau xót sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tên tuổi và sự nghiệp Lorca.
– Bố cục: 4 đoạn
+ Đoạn 1: (6 dòng đầu): Hình ảnh Lorca , con người tự do, nghệ sĩ cách tân trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha.
+ Đoạn 2: (12 dòng tiếp): Ga-xi-a Lorca bị hạ sát và nỗi xót xa về sự dang dở của khát vọng cách tân.
+ Đoạn 3 (4 dòng tiếp): Niềm xót thương Ga-xi-a Lorca và nỗi xót, tiếc những cách tân nghệ thuật của Lorca không ai tiếp tục.
+ Đoạn 4 (còn lại): Suy tư về cuộc giải thoát và cách giã từ của Lorca.
– Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của Thanh Thảo được viết theo phong cách thơ tượng trưng có pha màu sắc siêu thực.
II. Đọc hiểu văn bản.
1. Ý nghĩa nhan đề “Đàn ghi ta của Lorca”.
– Đàn ghi ta là niềm tự hào, là một phần hồn của đất nước Tây Ban Nha nên còn được gọi là “Tây Ban Cầm”.
– Đàn ghi ta gắn bó thân thiết với Lorca trên những nẻo đường ca hát và sáng tạo. Nhan đề bài thơ thể hiện tình yêu của Lor-ca đối với đất nước Tây Ban Nha.
– Đồng thời nhan đề tượng trưng cho con đường nghệ thuật của tác giả, cho khát vọng cao cả mà Lorca muốn hướng tới suốt đời.
2. Ý nghĩa lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.
– Đây là di chúc của nhà thơ khi dự cảm về cái chết của mình.
– “Hãy chôn tôi với cây đàn” thể hiện tình yêu tổ quốc nồng nàn và tình yêu nghệ thuật say đắm bởi cây đàn là biểu trưng cho sự nghiệp của Lorca, là khát vọng cả đời mà Lorca theo đuổi.
– Nhưng Lorca cũng lo sợ một ngày nào đó thơ ca của mình sẽ là bước cản cho những người đi sau, vì vậy ông mong muốn xóa bỏ sự ảnh hưởng của bản thân để dọn đường cho thế hệ sau vươn tới. Hình ảnh thơ thể hiện một nhân cách cao đẹp cảu người nghệ sĩ Lorca.
3. Hình ảnh người nghệ sĩ Lorca.
– Tiếng đàn: ai cũng đã từng nghe, cũng như bọt nước được tạo ra qua các cơn mưa :Trời mưa bong bóng phập phồng” thì ai cũng từng thấy, nhưng kết hợp thành ‘Tiếng đàn bọt nước thì lại tạo ra một cách nhìn khác lạ. Trong cái quen thuộc hiện ra cái xa lạ.
– “tiếng đàn bọt nước”: tiếng đàn không chỉ có chức năng tạo ra âm thanh, thành bản nhạc mà nó còn mang tính tạo hình qua hình ảnh bọt nước, được cảm thụ bằng thính giác và thị giác. cách diễn đạt lạ hóa, cái vốn được cảm nhận bằng thính giác (tiếng đàn) thì Thanh Thảo đã diễn tả nó bằng thị giác (đây là cách các nhà thơ siêu thực thường dùng). Hình ảnh gợi sự mong manh, dễ vỡ.
– “áo choàng đỏ gắt”: Hình ảnh thực, gợi ta liên tưởng đến khung cảnh của một đấu trường – một nét sinh hoạt văn hóa của đất nước Tây Ban Nha. Hình ảnh biểu trưng: đấu trường chính trị quyết liệt, ở đó diễn ra cuộc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ đối với bọn phát xít và cuộc đấu tranh cách tân nền nghệ thuật già nua. Đây là bi kịch rất dễ xảy ra với Lorca. Cuộc đấu này không phải giữa người với bò nữa mà giữa người với người, giữa khát vọng dân chủ của công dân Lor- ca với nền chính trị độc tài, giữa khát vọng cách tân nghệ thuật với nền nghệ thuật già nua, giữa tự do bị bóp nghẹt và thể chế chính trị hà khắc.
– Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” gợi nhớ đến truyền thống đấu bò tót của Tây Ban Nha, mà ở đó các hiệp sĩ đấu bò tót bao giờ cũng mặc áo choàng đỏ – nét đặc trưng của văn hoá Tây Ban Nha.
– Cái khác thường ở đây là “đỏ gắt” là màu máu tươi.
+ Nhưng nếu gắn kết các cum từ: “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” thì sẽ thấy tình hình chính trị ở bất ổn ở Tây Ban Nha. với những cuộc đàn áp khốc liệt của chính quyền độc tài ở đây. Có thể hiểu cả câu này, Cuộc đấu tranh đang diễn ra từng phút, từng giờ và đơn điệu như nhịp li la li la li la. Cả Tây Ban Nha phải đổ máu để giành lại quyền cơ bản của con người.
– “li la li la li la” là nhịp của tiếng đàn nghe đơn điệu đây cũng là tính nhạc trong bài thơ. Đây cũng là tên một loài hoa đẹp (Tử Đinh Hương) đặc trưng của đất nước Tây Ban Nha. Những nốt nhạc mô phỏng âm thanh của tiếng đàn. Nghệ thuật láy âm li-la li-la li-la gợi hợp âm của tiếng đàn ghi ta, gợi hình ảnh bông hoa buồn của phút chia li, gợi chuyến đi thăm thẳm và đơn độc của người nghệ sĩ.
– “đi về miền đơn độc”, “yên ngựa mỏi mòn”,… Hình tượng Lorca là một người nghệ sĩ yêu cái đẹp nhưng đơn độc, là một kị sĩ lãng du phóng khoáng, là một du ca yêu tự do và thầm lặng → người nghệ sĩ cô đơn đi tìm cái đẹp trong thế giới bạo tàn, vừa đi vừa lắc lư để nhận ra “vầng trăng chếch choáng” đang lẽo đẽo theo mình trong hành trình đơn độc ấy.
– Lorca không chỉ cô đơn trong sáng tạo , mà hình như mục đích đấu tranh chân chính của ông chưa được nhiều người thấu hiểu, cho nên Tây Ban Nha vẫn ‘hát nghêu ngao”. Vì thế Tây Ban Nha trở nên kinh hoàng khi nghe tin Lorca bị giết hại.
+ Hình ảnh Lorca bị điệu về bãi bắn, lại đi liền với tiếng đàn. Sự kiện thảm khốc ấy tạo những cú sốc dây chuyền được diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác, qua hệ thống những âm thanh vỡ ra thành màu sắc, hình khối, thành máu chảy.
→ Nhìn theo góc độ nào cũng vẫn chỉ thấy con người tự do và nhà cách tân nghệ thuật mong manh và đơn độc.
4. Cái chết oan khuất của Lorca.
– “Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du”.
– Giây phút kinh hoàng của Lorca: người nghệ sĩ Lorca đang tự do trên hành trình cách tân nghệ thuật và đấu tranh cho khát vọng tự do thị bị bọn phát xít bắt và giết hại.
→ Cái chết đột ngột, đau đớn của Lorca làm cho nhân dân Tây Ban Nha phải kinh hoàng, bi phẫn trước hiện thực phủ phàng, hành động độc ác, dã man của thế lực bạo tàn phát xít.
– Hình ảnh Lorca bị điệu về bãi bắn “chàng đi như người mộng du” gợi hình ảnh thực, mộng du theo tiếng đàn, giai điệu thiết tha.
– Hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” – một ám ảnh nghệ thuật: không còn là màu đỏ gắt mà là màu của máu, gợi cái chết đầy bi thảm của Lorca.
– Tiếng đàn không chỉ được diễn tả bằng âm thanh, mà còn được diễn tả bằng màu sắc như cách thể hiện quen thuộc của các nhà siêu thực, cho dù trong thực tế, tiếng đàn chẳng có màu sắc nào cả.
– Tiếng đàn ở đây là tiếng đàn hoài niệm gắn với tình yêu cao cả mà hai người đã dành trọn cho nhau. Sự hoài niệm đột ngột cắt đứt bởi cụm từ “vỡ tan”. Tiếng đàn vỡ tàn, bầu trời vỡ tan, tình yêu vỡ tan vị một trong hai người đã chết. Khi tiếng súng vang lên thì tiếng đàn cũng không còn nữa:
“tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy”
– Điệp ngữ “tiếng ghi ta” được nhắc lại 4 lần kết hợp với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác như một tiếng nấc nghẹn ngào:
+ tiếng ghi ta nâu: biểu trưng cho tình yêu dành cho những con đường, những mảnh đất ở Tây Ban Nha.
+ tiếng ghi ta lá xanh: biểu trưng cho tình yêu cuộc sống mãnh liệt.
+ tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan: Lorca bị sát hại, nghệ thuật cũng dang dở.
+ tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy: số phận Lorca oan khiên, thảm khốc.
→ Tất cả diễn tả lòng tiếc thương của nhân dân Tây Ban Nha nói chung, của tác giả Thanh Thảo nói riêng đối với cái chết đầy oan khuất của Lor-ca.
+ Tiếng đàn ghi ta nâu (màu nâu là màu quen thuộc của chiếc vỏ đàn ghi ta, cũng là màu của đất → gợi nỗi buồn da diết, bi thương).
+ “Tiếng ghi ta xanh biết mấy” (màu xanh ở đây là màu của bầu trời) và “Tiếng ghi ta tròn bọt nước” gắn với bầu trời cô gái ấy” (cô gái Di Gan), gắn với tình yêu thiêng liêng của Lor-ca dành cho cô gái.
+ “tiếng đàn ghi ta ròng ròng chảy máu”: hình ảnh thị giác biểu thị sự đau đớn tột cùng → Lorca mất đi khi sự nghiệp cách tân nghệ thuật còn dang dở, khích lệ lòng căm thù của nhân dân đối với bọn phát xít.
5. Nỗi niềm xót thương cho Lorca.
– “Không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”.
– Hình ảnh trong đoạn trích có tính siêu thực:
+ Không ai chôn cất tiếng đàn: hình ảnh có tính hoán dụ
+ Tiếng đàn như cỏ mọc hoang: hình ảnh so sánh gợi thương cảm về cái chết của nhà thơ Lorca
+ Giọt nước vầng trăng là hình ảnh siêu thực, đa nghĩa
+ Nước mắt vầng trăng: tình thương trong lành, cao khiết, sự vĩnh cửu từ nước mắt của anh hùng
+ Vầng trăng là sự hóa thân và thăng hoa của tâm hồn nghệ sĩ.
→ những câu thơ bộc lộ nỗi xót thương sâu sắc trước cái chết bi thảm của một thiên tài, cũng là nỗi xót tiếc cho hành trình cách tân dang dở không chỉ với bản thân Lorca mà còn với nền văn chương Tây Ban Nha.
– Tác giả đã so sánh sức sống nghệ thuật của Lorca như cỏ mọc hoang. Tiếng đàn tượng trưng cho nghệ thuật, là khát vọng nghệ thuật mà cả đời Lorca theo đuổi, là cái đẹp mà mọi thế lực cũng không thể hủy diệt được, nó sẽ sống mãi như thứ cỏ dại mọc hoang.
– Hai dòng thơ sau: hình ảnh giọt nước mắt vầng trăng gợi sự tiếc thương, đau xót trước cái chết thương tâm của Lorca và những giọt nước mắt ấy sẽ vĩnh hằng như vầng trăng mãi long lanh trong đáy giếng.
→ Sự đa nghĩa của các câu thơ, hình ảnh tượng trưng siêu thực, hình ảnh ẩn dụ Lorca và cái chết của ông gợi nỗi đau, gợi sự tỏa sáng trường tồn, bất diệt.
+ Hình ảnh “đường chỉ tay” tượng trưng cho số phận con người.
+ Dòng sông tượng trưng cho ranh giới trong cõi sống và cõi chết.
– Câu thơ “Lorca bơi sang ngang / trên chiếc ghi ta màu bạc” tượng trưng cho hình ảnh Lorca giã từ cõi thực sang thế giới bên kia nhưng vẫn luôn gắn bó với nghệ thuật. Dù cuộc đời Lorca ngắn ngủi, đơn độc nhưng với ông nghệ thuật là khát vọng cả đời ông theo đuổi.
– Các động từ “ném lá bùa, ném trái tim” tượng trưng cho sự giã từ và giải thoát, chia tay với những hệ lụy trần gian của Lorca đồng thời thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, sự cảm thông, kính trọng chân thành của Thanh Thảo.
– Câu thơ cuối bài là chuỗi âm thanh “li-la li-la li-la” tượng trưng cho niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của cuộc đời và tên tuổi của Lorca.
– Tiếng đàn trở thành vật có linh hồn, trừu tượng: không ai chôn cất tiếng đàn, tiếng đàn như cỏ mọc hoang.
– Ở đây Lorca, hiện diện song hành cùng tiếng đàn, biểu tượng của tâm hồn Lorca, trái tim Lorca.
+ Cuộc đời Lorca sống tự do, thanh thản như giọt nước mắt nơi đáy giếng.
+ Lorca chết nhưng dư âm vang vọng của ông còn mãi.
→ Hình ảnh Lorca và tiếng ghi ta có tính trừu tượng, đa nghĩa thể hiện sự trường tồn, bất diệt của tinh thần, tâm hồn Lorca. Sự ngưỡng mộ và kính trọng của tác giả đối với thiên tài Lorca. Lorca bị bắn chết nhưng hình ảnh của ông vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân cùng với cây đàn bất tử.
– Ở đây có sự kết hợp giữa yếu tố thực và những hình ảnh ẩn dụ: Đó là sau khi sát hại Lorca, bọn giết người đã vứt thi thể ông xuống giếng, để hòng dấu giếm tội ác của mình.. Ông nằm đó trở nên long lanh trong làn nước giếng. “Vầng trăng” cũng đến bên ông, bây giờ không: “chếch choáng” nữa mà nó long lanh soi tỏ một con người đã chết cho quê hương, cho sự hồi sinh của nền dân chủ. Thêm vào đó là những giọt nước mắt cảm thông, uất hận cũng long lanh trên mỗi mặt người. Nỗi đau được nhân lên trở thành một sức mạnh mới. Cái đẹp sáng tạo của người nghệ sĩ đã tìm được giá trị chân chính của nó.
+ Nhưng nỗi đau lớn nhất còn lại là: “Không ai chôn cất tiếng đàn”, mặc dù tiếng đàn ấy đã chết cùng tác giả và cũng không ai nỡ chôn tiếng đàn ấy. tiếng đàn ấy dường như được hồi sinh và được ví như “cỏ mọc hoang”. Nhớ lại lời di chúc: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Cây đàn là sản phẩm của sự sáng tạo. Con người sáng tạo và cây đàn sáng tạo đã chết nhưng sản phẩm của sự sáng tạo ấy mãi mãi trường tồn, mãi mãi bền vững với sức sống của “cỏ mọc hoang”
6. Suy tư về cuộc giải thoát và cách giã từ của Lorca.
– Lorca bơi sang thế giới bên kia, bơi qua dòng sông ngăn cách giữa người sống và người chết bằng “chiếc ghi ta màu bạc”. Thế giới khác có màu đặc trưng là màu bạc, màu của sự trong trắng, biểu tượng của sự trong sạch → gợi sự cảm nhận tinh khiết và sự phản chiếu lung linh, vừa là biểu tượng của sự chân thật, ngay thẳng không chịu quỳ gối trước bất công cường bạo và đồng thời là sự chân thành, trung thực với chính mình
– Các hành động: ném lá bùa, ném trái tim vào xoáy nước, vào cõi lặng yên đều mang ý nghĩa tượng trưng cho sự giã từ và giải thoát chia tay thực sự với những ràng buộc và hệ luỵ trần gian.
– Lorca thực sự chết khi những khát vọng của anh ta không có ai tiếp tục. Nhưng cái chết đau đớn hơn của một nhà cách tân còn là khi tên tuổi và sáng tạo của anh ta được đem lên bệ thờ và trở thành một bức tường kiên cố cản trở sự cách tân văn chương của những người đến sau
III. Tổng kết:
1. Nội dung:
– Bài thơ ghi nhận sự thành công của tác giả trong việc làm sống lại huyền thoại về Ga-xi-a Lorca nói riêng và những nhân cách thanh cao, bất khuất, những tâm hồn phóng khoáng, yêu tự do của nhân loại.
– Thái độ xót thương, cảm thông và sự ngưỡng mộ của tác giả Thanh Thảo trước nhân cách, tài năng và số phận bi thảm của Lorca.
2. Nghệ thuật:
– Bài thơ là minh chứng cho sự tìm tòi thể nghiệm của tác giả về hình thức biểu đạt của thơ và dấu ấn ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng, siêu thực trong văn học phương Tây.
– Kết hợp hài hóa hai yếu tố thơ và nhạc.
– Hình ảnh thơ phong phú, đa dạng, giàu sức gợi mở.
– Sự mới mẻ về ngôn từ.
– Âm điệu khỏe khoắn, bi tráng, trầm hùng, trữ tình.
– Tính chất khác biệt của bài thơ: là ngoài cấu trúc tự sự, theo mạch cảm xúc qua cái chết của Lorca, bài thơ còn mang dáng dấp của kết cấu nhạc giao hưởng, tạo ra ấn tượng về một bè trầm, mà tiếng đàn ghi ta trở thành một phần nhạc đệm của bản nhạc này. Chính vì thế chuỗi âm thanh được tạo ra qua cụm từ: li la li la li la trở thành hợp âm của khúc mở đầu và hợp âm sau các ấu khúc, tạo ra hình thức vĩnh thanh của bản giao hưởng
→ Việc cấy nhạc vào trong bài thơ này mang ý nghĩa của một sự kính trọng và tri âm.
Tham khảo:
Những cách tân trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo.
Tiến sĩ Chu Văn Sơn đã dùng hai từ “nghĩa khí” và “cách tân” để khái quát về gương mặt thơ Thanh Thảo kể cả trước và sau năm 1975. Thật vậy, Thanh Thảo thường “viết về nghĩa khí và viết bằng nghĩa khí”. Đàn ghi-ta của Lor-ca là một trường hợp tiêu biểu. Ở bài thơ này, trong cảm hứng thơ của Thanh Thảo, Lor-ca là một nhân vật có:
– Tài năng nghệ thuật ở mức vượt tầm so với mặt bằng tư tưởng, nghệ thuật Tây Ban Nha lúc bấy giờ, tư tưởng ấy, tài năng ấy mang tầm thời đại.
– Số phận của Lor-ca là số phận của một vị thánh “tử vì đạo”, vì sự vượt tầm, quá tầm của mình trong một khuôn khổ chính trị- xã hội tàn bạo, một không gian văn hoá già cỗi, lạc hậu
– Cái chết của Lor-ca là cái chết ngoài tính chất phũ phàng, bi kịch, oan khuất còn là một cái chết huyền thoại có tác dụng soi đường, mở lối trên cả hai bình diện xã hội và nghệ thuật (“khi nào tôi chết/ hãy vùi vùi xác tôi cùng cây đàn/ dưới lớp cát” -Ghi nhớ)
– Còn về khía cạnh cách tân? Đàn ghi ta của Lorca được sáng tác theo lối thơ Siêu thực. Nhưng quan trọng hơn, viết về một nghệ sĩ Tây Ban Nha tầm cỡ thiên tài, Thanh Thảo một mặt vẫn giữ được nét văn hóa đặc thù của xứ sở, giữ được những nét đặc sắc làm nên tầm vóc của người nghệ sĩ vĩ đại, mặt khác ông đã kéo nền văn hóa đó lại gần với truyền thống văn hóa Việt Nam, đặt liền kề những giá trị văn hóa để cốt sao tính chất xa lạ kia không còn là lạ lẫm, mà trở thành một phân nửa trong tâm thức người đọc Việt. Vì thế thi phẩm không phải là thơ Siêu thực của phương Tây mà ngược lại những dấu ấn văn hóa, tinh thần Việt vẫn luôn hiện diện trong dáng vẻ Siêu thực của Thanh Thảo. Vậy nên bài thơ viết về Lorca của ông đã đạt đến mức nhuần nhị của một áng thơ đậm hương vị Siêu thực Việt.
Khổ thơ đầu diễn tả đất nước và con người thi nhân.
những tiếng đàn bọt nước
Tây-ban-nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn.
Mở đầu là hai câu : Những tiếng đàn bọt nước / Tây ban nha áo choàng đỏ gắt. Thanh Thảo chọn hai hình ảnh này khởi đầu thi phẩm giống như kiểu tạo những âm chủ cho một nhạc phẩm. Chúng là những tương phản kín đáo mà gay gắt: âm thanh hồn nhiên – sắc màu chói gắt, tiếng đàn thảo dân – áo choàng đấu sĩ, …. Đất nước với chiều sâu văn hóa, thi nhân đi trên miền văn hóa đó. Ngay sau hai câu mào đầu đó là chuỗi âm thanh li-la li-la li-la. Nó như một chuỗi nốt đàn buông do người đệm đàn (ghi ta) lướt qua hàng dây để kết thúc phần dạo, đánh dấu khoảng ngắt cho người hát chính thức trình diễn ca khúc. Li-lacònlà tên loài hoa tử đinh hương (lilac), một loài hoa màu hồng đỏ đằm thắm mà nhiều người dân Tây Ban Nha ưa chuộng.
Trong sắc đỏ của màu hoa và của tấm áo choàng, hành trình của thi nhân vừa ngút ngàn sắc thắm văn hóa vừa là hành trình đơn độc có khi là cô đơn miên viễn: miền đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng/ trên yên ngựa mỏi mòn. Hành trình đó tương ứng với hành trình sáng tạo. Nhưng mục đích của nhà thơ không hướng đến đó mà chỉ đưa ra những tín hiệu gợi dẫn người đọc đến những mất mát vô bờ.
Thơ vốn là loại hình của cảm xúc, của sự tiên tri, linh cảm. Hình ảnh con người đơn độc trên yên ngựa mỏi mòndấn bước theo vầng trăng chếnh choáng nhập nhoà xô lệch thì chẳng thể nào là dấu hiệu của bình yên, hạnh phúc. Tính dự báo được đặt ra ở đây. Tiếp theo, hành trình của Lorca sẽ minh chứng điều đó.
Tây Ban -Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
Bằng hệ thống hình ảnh vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa ẩn dụ tượng trưng, tác giả đã tái hiện cái chết của Lor-ca gắn liền với các biến cố chính trị TBN
Tây Ban Nha hát nghêu ngao đối lập với “bỗng kinh hoàng/ áo choàng bê bết đỏ”. Sắc đỏ của áo choàng được điệp lại nhưng đây là hình ảnh của cái chết. Hình ảnh ấy thể hiện một biến cố chính trị : cuộc nội chiến đẫm máu giữa phe của viên tướng độc tài Francisco Franco, được sự ủng hộ của các nước phát xítĐức và Italia với phe Cộng hòa đang cầm quyền mà sự thắng thế đã nghiêng về phe độc tài thân phát xít. Nền Cộng hòa thứ 2 của Tây Ban Nha như người võ sĩ bị tử thương trước sức mạnh bản năng của bò tót.
Lorca bị điệu về bãi bắn/ chàng đi như người mộng du. Bước đi “mộng du” là bước chân của người đi trong mơ. Bước đi của ảo giác, của vô định. Và đương nhiên, tâm trí của Lorca cũng rơi vào vô định. Bước đi đó đâu có bận tâm đến chuyện chết chóc kia.nbsp;
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Bầu trời tự do và “cô gái”, chẳng thể nào thiếu được đối với một thi nhân lãng mạn hàng đầu như Lorca. Thanh Thảo vừa nêu một bản chất tự nhiên của nghệ sĩ với cái đẹp, đồng thời ngợi ca hạnh phúc tự do của con người.
Tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta xanh : âm thanh được hiện hình thành màu sắc. Những sắc màu ấy vừa mang tâm trạng của người đứng trước cái chết vừa mang tâm trạng của người hoài niệm, tiếc thương. Từ màu sắc (nâu, xanh), tiếng ghi ta chuyển sang hình khối (bọt nước), rồi vận động (vỡ tan, máu chảy) để đẩy đến cao trào, đỉnh điểm thảm khốc-tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy.
Khung cảnh đẹp như mộng phút chốc đã vỡ tan, đã thành chết chóc “ròng ròng máu chảy”. Sự tương phản giữa màu đỏ của máu (gợi nhớ lại màu đỏ của tấm áo choàng) và màu xanh của tiếng ghi ta đã khiến cái chết thêm phần thảng thốt, để tâm trạng người đọc rơi vào tiếc nuối khôn nguôi.
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Cuộc đời Lorca gắn với tiếng đàn. Ông được nuôi dưỡng trong bầu không khí nghệ thuật tinh khiết. Mẹ ông là một nghệ sĩ piano, bản thân ông chơi đàn rất giỏi. Tiếng đàn, đấy chính là hồn cốt của nghệ sĩ Lorca. Gắn với tiếng đàn, đồng nghĩa gắn với nghệ thuật. Đương nhiên chẳng ai có thể chôn cất tiếng đàn. Đơn giản vì tiếng đàn như cỏ mọc hoang (cỏ- sự sống khiêm nhường mà bất tử) nên tiếng đàn không thể chết. Nơi nào có sự sống, nơi đó có cỏ. Nơi không còn loài cây nào có thể tồn tại, thì cỏ vẫn có thể mọc xanh tươi.
Câu giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng được viết đơn giản y như đặt hai hình ảnh bên nhau : giọt nước mắt – vầng trăng.. Giữa chúng chẳng có một quan hệ từ nào. Tước bỏ quan hệ từ là cách gia tăng nghĩa cho hình ảnh và lời thơ. Vì giờ đây, giữa chúng lại có thể phát sinh nhiều kiểu quan hệ, tạo ra nhiều làn nghĩa : 1) quan hệ đẳng lập: giọt nước mắt (và) vầng trăng; 2) quan hệ song song: giọt nước mắt (với) vầng trăng; 3) quan hệ so sánh: giọt nước mắt (như) vầng trăng ; 4) quan hệ sở hữu : giọt nước mắt (của) vầng trăng; 5) quan hệ đồng nhất: giọt nước mắt (là) vầng trăng… Người đọc có một thoáng phân vân : vậy ý thực của câu thơ sẽ theo nghĩa nào ? Nhưng thoáng ấy sẽ qua nhanh bởi chỉ có câu trả lời duy nhất : nó phải là sự giao thoa và lung linh của tất cả các làn nghĩa ấy. Cách viết này vừa ngợi ca cái chết cho tự do của Lorca, vừa gợi trong người đọc sự siêu thoát.nbsp;
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
Cái chết của Lorca như một tiền định. Dấu hiệu “đường chỉ tay đã đứt” là định mệnh. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào tính “thiên định” này để lí giải cho cái chết của Lorca thì e chưa thật hiểu hết dụng ý của tác giả.
Một mặt, Thanh Thảo dùng chi tiết “đường chỉ tay đã đứt” để làm giảm nhẹ nỗi đau mất mát trước cái chết của Lorca, nhưng mặt khác, người đọc vẫn có thể liên tưởng đến cái chết “nhân định” khi bè lũ phát xít độc ác bóp nghẹt tư tưởng tự do của những con người tiến bộ. Tố Hữu từng viết : « Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cận cổ , súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa » (Trăng trối). Do đó, đường chỉ tay đó đứt là do kẻ xấu làm đứt. Hiểu như thế mới thấy được sức mạnh tố cáo tội ác bọn phát xít. Tuy nhiên ước vọng cuối cùng của con người nhân văn vẫn là ước nguyện siêu thoát. Đáng nói là sự siêu thoát đó đến từ chính Lorca, người chủ động trên hành trình giải thoát của mình
Chiếc ghi-ta tượng trưng cho âm nhạc và thơ ca. Chiếc ghita màu bạc là biến ảnh của chiếc ghi-ta nâu khi đã sang cõi khác. Đúng hơn, là chiếc ghi-ta đã hoá, giờ sang cõi siêu sinh. Thi sĩ bơi trên chiếc ghi-ta chính là bơi trên con thuyền của thi ca đang vượt qua bến bờ sinh tử (một môtip quen thuộc của truyền thuyết, sử thi- Thánh Gióng cưỡi ngựa sắc bay lên trời ; An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc rẽ nước xuống thuỷ cung)
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…
Bốn dòng thơ thực chất chỉ hai câu thơ mà lại được điệp rất nhiều từ ngữ. Ngoài động tác “ném” hai câu thơ còn có mối liên kết giữa “lá bùa cô gái Di-gan” và “trái tim”. Nếu lá bùa cô gái Di-gan tượng trưng cho Cái Đẹp huyền bí có thể trấn an mọi xoáy nước hung dữ nhất, thì chính trái tim của Lor-ca- Tình Yêu – ném vào vùng “lặng yên”, có khi chỉ là khoảnh khắc “bất chợt” của những kẻ bàng quan trước vận mệnh Tổ quốc, dân tộc lại có khả năng làm tâm hồn chúng ta không thể nào yên được, không thể lạnh và lặng được. Lor-ca đã mang cái đẹp và Tình Yêu đến giáp mặt với sự chết, hòa vào sự Chết để mở ra những nẻo đường kì ảo cho Cuộc Sống, cho tâm hồn con người. (Theo Thanh Thảo: Lor-ca trong tôi- VNBĐ, số 1, bộ mới, tháng 11/2012)
Chuỗi “li-la li-la li-la” tách riêng thành một đoạn, bất giác người đọc ngỡ mình như đang nghe cú vê ghi-ta sau khi lời hát đã ngừng. Song như Thanh Thảo thổ lộ, nét hình mới là giá trị đầu tiên của chuỗi từ đó: Hoa li-la. Khi những con những phát xít “đẻ trứng vào vết thương”, những cái trứng của sự hủy diệt, thì Lor-ca lại ươm những hạt giống thơ của mình vào tận trong lòng sự Chết, để cuộc sống có thể nở hoa. Đó còn là những tràng hoa mà người đời, người thơ thầm kính viếng hương hồn Lorca. Vì thế li-la li-la li-la thể hiện sức sống bất diệt của những giá trị chân chính trên cõi đời này (Liên tưởng đến ý nghĩa của vòng hoa trên mộ Hạ Du trong Thuốc của Lỗ Tấn và những bông hoa trong Mồ anh hoa nở của Thanh Hải)!;