Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh là tiếng nói của người phụ nữ giàu lòng yêu thương; khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị; nhiều âu lo, day dứt, trăn trở trong tình yêu.
- Mở bài:
Xuân Quỳnh trải qua cuộc đời đầy bất hạnh và khổ đau nhưng lúc nào trái tim cũng hướng đến ánh sáng của nghệ thuật và tình yêu cuộc sống thiết tha. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói của người phụ nữ giàu lòng yêu thương; khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị; nhiều âu lo,day dứt, trăn trở trong tình yêu.
- Thân bài:
Mượn hình tượng sóng để diễn tả tình yêu của người phụ nữ. Sóng là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: tình yêu tha thiết, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son, chung thủy, vượt lên mọi giới hạn của đời người.
Sóng là một hình tượng đẹp của thiên nhiên. Với vẻ đẹp tự nhiên và mềm mại làm đắm say lòng người, các thi nhân thường mượn sóng để biểu đạt những sắc thái tình cảm của mình. Sóng trong thơ Xuân Quỳnh là hình tượng biểu hiện cho một tình yêu nồng ấm, dạt dào, tha thiết,… và vĩnh hằng. Sóng và em trong bài thơ có mối quan hệ mật thiết với nhau . Sóng chính là biểu hiện tình yêu của em , của người con gái đang yêu nồng nàn, tha thiết.
Trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, sóng là một hình tượng ẩn dụ. Nhà thơ đã mượn hình tượng sóng để nói lên tính chất của tình yêu. Mở đầu bài thơ, tác giả đã đưa ra hai tính chất đối lập của sóng:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Quả đúng như vậy, những khi bão tố, biển động thì sóng trào lên một cách dữ dội, ồn ào như giận dữ muốn nghiền nát cả bờ. Nhưng những lúc trời êm biển lặng thì sóng chỉ rì rào, dịu êm và lặng lẽ . Hai tính chất đối lập này của sóng cũng chính là hai tính chất đối lập trong tình yêu. Tình yêu cũng như sóng, có lúc khát khao cháy bỏng, mãnh liệt, ào ạt nhưng có lúc dịu êm, lặng lẽ, mơ màng đi vào chiều sâu của sự nhớ nhung, chờ đợi.
“Sông không hiểu chính mình
Sóng tìm ra tận bể”
Những con sóng cũng thật mạnh mẽ, bản lĩnh. Ở phạm vi chật hẹp (sông), không hiểu nổi mình thì con sóng tìm ra phạm vi rộng lớn hơn (bể). Mượn nét tính cách, khát khao này của con sóng để thể hiện khát vọng vươn tới miền bao la, vô tận tìm đến tình yêu đích thực của người con gái, người phụ nữ Đây cũng chính là bản lĩnh mạnh mẽ, táo bạo của người phụ nữ trong tình yêu.
Con sóng ngày xưa, ngày nay vẫn cứ “Dữ dội và dịu êm, Ồn ào và lặng lẽ” muôn đời sóng vẫn vỗ và muôn đời tình yêu là tình cảm mà con người khát khao:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày nay vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Nhà thơ đã yêu, đang yêu và chiêm nghiệm từ tình yêu của chính mình để khẳng định. Tình yêu là khát vọng muôn đời của con người và nhất là tuổi trẻ . Có lẽ vì thế mà con người chúng ta thường quan niệm tuổi trẻ là tuổi của tình yêu, tuổi của khát khao hạnh phúc.
Nhà thơ đã yêu, đang yêu và muốn đi tìm căn nguyên của tình yêu, điểm khởi nguồn của sóng.
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”
Khởi nguồn của sóng thì có thể tìm hiểu được, điểm khởi đầu của tình yêu thì “Em cũng không biết nữa. Khi nào ta yêu nhau”. Thật khó khăn để lí giải Ta yêu nhau khi nào? Vì sao ta yêu nhau?,… bởi tình yêu thuộc phạm trù tình cảm, những tình cảm được rung lên từ lòng người và hơi thở của trái tim mà chiều sâu lòng người, hơi thở trái tim làm sao hiểu hết được. Vì thế, trong tình yêu thì muôn đời có những câu hỏi không trả lời được. Nỗi niềm day dứt, trăn trở trong tình yêu, cảm giác bồi rồi vừa hạnh phúc, vừa lo âu cứ trở đi trở lại không sao có thể dứt bỏ được trong trái tim tuổi trẻ.
Xuân Quỳnh đã yêu, đang yêu da diết, mãnh liệt nhưng cũng chỉ biết lắc đầu rất phụ nữ “em cũng không biết nữa”. Câu thơ vừa chứa đựng một sự ngây thơ, bối rối vừa chứa đựng chút bất lực của nhà thơ trước câu hỏi “Khi nào ta yêu nhau”. Câu hỏi mà các thế hệ thi nhân vẫn chưa trả lời được. Ngay cả ông hoàng tình yêu – Xuân Diệu cũng đã từng bối rối: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu…”
Không cắt nghĩa được tình yêu, không lí giải được “Khi nào ta yêu nhau” nhưng nhà thơ thành thật thổ lộ yêu là nhớ nhung da diết, mãnh liệt:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Tình yêu cũng như con sóng, có khi biểu hiện cụ thể trên bề mặt rất dễ nhận biết nhưng có khi lại lắng sâu vào tận đáy tâm hồn và chỉ có những người nhạy cảm, có chiều sâu tâm tưởng mới nhận ra được. Xuân Quỳnh đã khéo léo dùng phép nhân hóa để khẳng định rằng dù là con sóng chìm hay sóng nổi thì con nào cũng nhớ bờ thao thức, ngày đêm không ngủ được.:
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”.
Con sóng nhớ bờ ngày đêm không ngủ được hay chính là nỗi nhớ da diết, rạo rực trong tình yêu của XQ. Nỗi nhớ trong tình yêu chiếm lĩnh cả thời gian, không gian, cả lúc thức lẫn lúc ngủ.
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Cách diễn đạt nỗi nhớ của XQ thật là độc đáo , nhà thơ bộc lộ thẳng thắn nỗi nhớ của mình trong tình yêu. Nỗi nhớ cứ tồn tại, cứ hiện diện trong tâm hồn, nó không hề lắng xuống mà trào dâng mãnh liệt , quay quắt không nguôi.
Từ nỗi nhớ tha thiết trong tình yêu, nhà thơ khẳng định tấm lòng sắt son chung thủy của mình đối với người yêu :
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”.
Dẫu có xa cách thời gian, không gian thì trái tim em, ánh mắt em vẫn luôn dành cho anh. Thật là một trái tim yêu thủy chung , son sắt đáng trân trọng biết bao. Đoạn thơ 4 câu như một lời thề, một lời tự đính ước với người mình yêu. Tình yêu chân thành, tha thiết; mãnh liệt, thủy chung.
Yêu chân thành, mãnh liệt nên nhà thơ tin tưởng ở tình yêu của chính mình:
“Ở ngoài kia đại dương
Tăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Người phụ nữ đang yêu và tin rằng tình yêu ấy sẽ đến bến bờ hạnh phúc dù phải trải qua những khó khăn, thử thách. Đúng vậy, một tình yêu chân chính, đích thực sẽ giúp con người vượt qua bao sóng gió cuộc đời để đưa tình yêu cập bến bờ hạnh phúc, yêu thương.
Yêu tha thiết nên nhà thơ khao khát bất tử hóa tình yêu:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Vũ trụ vĩnh hằng, cuộc đời con người hữu hạn. Làm sao để được yêu như trái tim mình khao khát? Khao khát bất tử hóa tình yêu nhưng trái tim của nhà thơ không vị kỉ, tầm thường, nhỏ hẹp mà thật lớn lao, cao thượng. Nhà thơ đã hòa niềm hạnh phúc riêng của mình vào niềm hạnh phúc của cuộc đời rộng lớn, cái riêng tồn tại trong cái chung bao la, rộng lớn ấy nên trở thành vĩnh cửu.
- Kết bài:
Bài thơ Sóng là khúc ca tình yêu đắm say, là tiếng nói của người phụ nữ giàu lòng yêu thương; khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị; nhiều âu lo, day dứt, trăn trở trong tình yêu. Sóng là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: tình yêu tha thiết, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son, chung thủy, vượt lên mọi giới hạn của đời người Trái tim yêu của Xuân Quỳnh:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai cũng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.
- Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
- Cảm nhận sắc điệu trữ tình trong bài thơ “Sóng” – Xuân Quỳnh
- So sánh khát vọng tình yêu trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh và “Vội vàng” của Xuân Diệu
- Cảm nhận về hình tượng sóng và tâm trạng của người phụ nữ đang yêu trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh
- Qua bài thơ “Sóng”, hãy chứng mình Xuân Quỳnh “đã thể hiện được một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay”