Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa xuân qua khổ thơ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
- Mở bài:
Người xưa từng nói: “Thiên hữu tứ thời.Nhân hữu tứ thì”. Nghĩa là một năm có bốn mùa, thì đời người cũng vậy. Với Thanh Hải cũng vậy, khi bước và mùa đông của đời, nhà văn vẫn muốn đóng góp một chút gì đó cho mùa xuân của đất nước. Qua khổ thơ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ”, nhà thơ đã thể hiện được tiếng lòng tha thiết và ước nguyện được cống hiến cho đất nước một mùa xuân nho nhỏ.
- Thân bài:
Mở đầu bài thơ bằng mạch cảm xúc tràn ngập vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên. Cảm nhận say xưa, ngây ngất trước khung cảnh đất trời ngày xuân :
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Mùa xuân của Thanh Hải được mở ra không rực rỡ sắc màu của những cánh mai, cánh đào, những tiếng reo hò, tiếng pháo vang trời,… mà là với con sông Hương êm đềm, với bông hoa gắn liền sắc màu tím đặc trưng của xứ Huế,với tiếng chim chiền chiện. bài thơ được mở đầu một cách giản dị, êm đềm và chân thành như chính con người ông vậy.
Giữa một gam màu xanh biếc tràn đầy sắc xuân của dòng sông Hương nổi bật lên một bông hoa với sắc màu tím biếc. Xuân là thế đấy! vừa đem lại cho ta cảm giác dịu dàng mà nồng đượm, đầy sắc hương đất trời, vừa đem lại cho mình một cảm giác bâng khuâng không thốt lên lời.
Bằng việc sử dụng thủ thuật đảo ngữ “mọc” đặt ở đầu câu đã gợi lên được sức sống mãnh liệt của bông hoa. Bằng sự phối hợp màu sắc hài hòa và tinh tế. chỉ với hai câu đầu tác giả đã gợi lên được những đường nét uyển chuyển, dịu dàng của bức tranh ngày xuân, đem lại không gian vô cùng rộng lớn. trong không gian ấy, tiếng chim chiền chiện hòa quyện vào như tăng thêm vẻ đẹp bình dị mà thiết tha của xứ Huế này.
Điểm đặc biệt của bài thơ là cảnh xuân mang nét đẹp đặc trưng của xứ Huế. Những từ “ơi”, “chi” vang lên đậm đà, yêu thương của quê hương xứ cố đô. Chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù Thanh Hải không dùng đến chữ “mùa xuân” nhưng không gian mùa xuân vẫn tràn ngập khắp đất trời xứ sở.
Đoạn đầu được kết thúc bằng những chi tiết tạo hình độc đáo, mới mẻ :
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Có thể đối với Thanh Hải “giọt long lanh rơi” có thể là giọt mưa xuân, giọt nắng xuân, giọt sương sớm đọng lại thành giọt âm thanh của tiếng chim. Câu thơ có sự chuyển đổi rất độc đáo từ thính giác để nghe được tiếng chim hót đến thị giác để cảm nhận được giọt long lanh rơi đến xúc giác để hứng được giọt long lanh ấy. Từ “hứng” thể hiện được thái độ trân trọng, nâng niu và đã rung động bởi thiên nhiên vạn vật biết nhường nào.
- Kết bài:
Khổ thơ đầu bài“Mùa xuân nho nhỏ” gói gọn tình yêu cuojc sống của nhà thơ. Phải chăng chính nhờ lòng lạc quan, yêu đời và tình yêu cuộc sống thiết tha của nhà thơ Thanh Hải đã tạo nên những vần thơ động lòng người như thế này? Trải qua thời gian và không gian, “Mùa xuân nho nhỏ” vẫn mãi trường tồn trong lòng mỗi chúng ta.
Bài tham khảo 2:
Qua khổ thơ đầu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, nhà thơ Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước tươi xanh và tràn đầy sức sống. Đồng thời, khổ thơ còn thể hiện ước nguyện chân thành của Thanh Hải được cống hiến cho nước nhà. Một bức tranh xuân tươi tắn, mơ mộng, đậm phong vị xứ Huế được vẽ bằng những hình ảnh, màu sắc, âm thanh hài hoà, sống động, tràn đầy sức sống.
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”
Bức tranh xuân đơn sơ, giản dị mà đẹp đẽ vô cùng, màu xanh của dòng sông, màu xanh của sự sống. Mùa xuân đang trải êm đềm trên dòng sông mở ra một không gian tươi mát, bình dị, giàu sức sống của xứ Huế. Mùa xuân đã hiện diện trên toàn cảnh, trên tạo vật, để tô điểm cho không gian ấy, có màu xanh của cây cỏ, xanh của dòng sông, cả màu xanh của bông trời. Mọc ra một bông hoa tím biếc. Bông hoa màu tím đã điểm tô và nổi bật trên nền xanh của dòng sông, của mặt đất, của bầu trời. Bông hoa tím là dáng hình của niềm tin, là sắc màu quen thuộc của quê hương xứ Huế. Cái hình ảnh giữa dòng sông: “một bông hoa tím biếc” đã nói lên sự cô đơn, chênh vênh và nỗi buồn bất tận của nó.
Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng của mình. Thanh Hải đã điểm tô lên một vài bức tranh đẹp:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”
Tiếng hót trong trẻo và nhẹ nhàng của những con chim đã làm xao động cả một khoảng không gian, đem đến cho mùa xuân niềm vui rạo rực. Những con chim bay vút lên trời cao say sưa ca hát yêu đời xoá tan ưu tư, phiền muộn. Từ “hót chi mà” nghe sao thân thương trìu mến quá ! Chim và hoa vốn tiêu biểu cho vẻ đẹp và sức sống sinh giới, vẻ đẹp của mùa xuân dưới cái nhìn của thi sĩ vẫn mang nét riêng không thể pha lẫn.
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Tiếng chim như kết tinh thành những giọt sương long lanh sắc màu. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác thật tài tình đạt đến độ tinh vi, biểu hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất trước cảnh đất trời vào xuân. Có thể là giọt mưa, giọt sương, giọt nắng, nhưng ở đây chắc chắn là giọt âm thanh rơi. Cụm từ “giọt long lanh” đã gợi lên liên tưởng phong phú và đầy thi vị. “Tôi đưa tay tôi hứng” flà thái độ yêu thương, trân trọng của Thanh Hải trước vẻ đẹp của đất trời. Hai câu thơ đã biểu hiện niềm say sưa, ngây ngất và rạo rực của nhà thơ trước bức tranh mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước.
Chỉ với sáu câu thơ, với vài nét phác vẽ đơn sơ mà đặc sắc, với những hình ảnh nho nhỏ, thân quen, bình dị, nhà thơ đã gợi lên được một bức tranh xuân tươi tắn, thơ mộng, đậm phong vị xứ Huế – quê hương tác giả. Bài thơ “Mùa Xuân nho nhỏ” là món quà cuối cùng mà Thanh Hải đã dâng tặng cho cuộc sống trước khi rời xa cuộc đời này. Mỗi vần điệu trong bài thơ là một bức hoạ về cuộc sống tươi đẹp. Với những vần thơ đầy xúc động, hình ảnh thiên nhiên đẹp, bài thơ đã để lại trong lòng bao thế hệ bạn đọc những cảm xúc sâu lắng.
- Kết bài:
hỉ bằng vài nét phác hoạ, Thanh Hải đã vẽ ra được cả một khoảng không gian cao rộng với khung cảnh thật tuyệt đẹp. Vẻ đẹp mùa xuân tràn đầy màu sắc, có dòng sông, mặt đất, bầu trời bao la, lá xanh và hoa tím, đầy âm thanh và đầy hình ảnh, đầy sức sống và niềm tim của con người vào cuộc đời. Bài thơ đã thể hiện được niềm yêu mến thiết tha cuộc sống và ước nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho cuộc đời chung của đất nước của nhà thơ Thanh Hải.