tai-lieu-tieng-viet-luyen-thi-tuyen-sinh-10-mon-ngu-van

Tài liệu Tiếng Việt 9

Tài liệu Tiếng Việt 9 – Luyện thi tuyển sinh 10 môn Ngữ Văn

I. Các phương châm hội thoại:

1. Phương châm về lượng:

– Khi giao tiếp, cần nói cho có nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng yêu cầu của giao tiếp, không thiếu, không thừa.

2. Phương châm về chất:

– Khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực.

3. Phương châm quan hệ:

– Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

4. Phương châm về cách thức:

– Khi giao tiếp, cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch, tránh nói mơ hồ.

5. Phương châm lịch sự:

– Khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng người khác.

6. Quan hệ giữa phương châm hội thoại với tình huống giao tiếp:

Việc vận dụng các phương châm hội thoại cần phù hợp với đặc điểm của tình huống giao tiếp. (Nói với ai? Nói khi nào? Nói ở đâu? Nói để làm gì?).

7. Những trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại:

–  Phương châm hội thoại chỉ là những yêu cầu chung trong giao tiếp chứ không phải là những quy định có tính chất bắt buộc trong mọi tình huống.

– Việc không tuân thủ phương châm hội thoại có thể bắt nguồn từ:

+ Người nói vô ý, vụng về, thiếu văn hoá giao tiếp.

+ Người nói phải ưu tiên cho một phương châm hội thoại hay một yêu cầu khác quan trọng hơn.

+ Người nói muốn gây một sự chú ý để người nghe hiểu câu nói theo một hàm ý nào đó.

II. Xưng hô trong hội thoại:

– Tiếng Việt có một hệ thống từ ngữ xưng hô rất phong phú, tinh tế và giàu sắc thái biểu cảm.

– Người nói cần căn cứ vào đối tượng và các đặc điểm khác của tình huống giao tiếp để xưng hô cho thích hợp.

III. Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp:

Có hai cách dẫn lời nói hay ý nghĩ (lời nói bên trong) của một người, một nhân vật.

1. Dẫn trực tiếp:

– Dẫn trực tiếp tức là nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.

2. Dẫn gián tiếp:

– Dẫn gián tiếp tức là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có điều chỉnh cho thích hợp; lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép.

4. Sự phát triển của từ vựng:

Cùng với sự phát triển của xã hội, từ vựng của ngôn ngữ cũng không ngừng phát triển. Một trong những cách phát triển từ vựng tiếng Việt là phát triển nghĩa của từ ngữ trên cơ sở nghĩa gốc của chúng.

– Có hai phương thức chủ yếu phát triển nghĩa của từ ngữ: phương thức ẩn dụ và phương thức hoán dụ.

– Tạo từ ngữ mới để vốn từ ngữ tăng lên cũng là một cách để phát triển từ vựng tiếng Việt. Mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài cũng là một cách để phát triển từ vựng tiếng Việt. Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt là từ mượn tiếng Hán.

5. Thuật ngữ:

– Khái niệm: Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ, thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.

–  Đặc điểm: về nguyên tắc, trong một lĩnh vực khoa học, công nghệ nhất định, mỗi thuật ngữ biểu thị một khái niệm, và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ.

– Thuật ngữ không có tính biểu cảm.

6. Trau dổi vốn từ:

– Muốn sử dụng tốt tiếng Việt, trước hết cần trau dồi vốn từ, rèn luyện để nắm được đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách dùng từ là việc rất quan trọng để trau dồi vốn từ

– Rèn luyện để biết thêm những từ chưa biết, làm tăng vốn từ là việc thường xuyên phải làm để trau dồi vốn từ.

7. Khởi ngữ:

– Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.

– Trước khởi ngữ, thường có các quan hệ từ: về, đối với,…

8. Các thành phần biệt lập:

–  Thành phần biệt lập là những bộ phận không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa sự việc của câu.

1. Thành phần tình thái:

– Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.

Ví dụ: dường như, có lẽ, phải chăng, chác chắn,….

2. Thành phần cảm thán:

– Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lí của người nói (vui, buồn, mừng, giận,…).

Ví dụ: Ôi, Chao ôi, thương thay, biết làm sao, biết bao nhiêu,…

3. Thành phần gọi đáp:

– Thành phần gọi – đáp được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp.

Ví dụ: này, nè, ơi, dạ, vâng,….

4. Thành phần phụ chú:

– Thành phần phụ chú được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu. Thành phần phụ chú thường được đặt giữa hai dấu gạch ngang, hai dấu phẩy, hai dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với một dấu phẩy. Nhiều khi thành phần phụ chú còn được đặt sau dấu hai chấm.

Ví dụ: thành phần giải thích, thuyết minh

9. Liên kết câu và liên kết đoạn văn:

1. Liên kết câu:

– Các đoạn văn trong một văn bản cũng như các câu trong một đoạn văn phải liên kết chặt chẽ với nhau về nội dung và hình thức.

a. Về nội dung:

+ Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đế của đoạn văn (liên kết chủ đề).

+ Các đoạn văn và các câu phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí (liên kết logic).

b. Về hình thức:

Các câu và các đoạn văn có thể được liên kết với nhau bằng một số biện pháp chính như sau:

+ Lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu trước (phép lặp từ ngữ).

+ Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước. (Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng).

+ Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước (phép thế).

+ Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước (phép nối).

2. Liên kết đoạn văn:

– Là làm cho ý giữa các đoạn văn được liền mạch với nhau một cách hợp lí.

– Dùng từ ngữ chỉ trình tự, phương diện, bổ sung: trước hết, đầu tiên, sau nữa, cuối cùng, mặt khác, một là…

– Dùng từ ngữ có ý đối lập tương phản: nhưng, tuy nhiên, trái lại, ngược lại, nhìn lại, nói tóm lại. . .

–  Dùng từ ngữ thay thế, thường là đại từ: đó, này, ấy, vậy (có thể kèm các từ ngữ khác…).

10. Nghĩa tường minh và hàm ý:

– Nghĩa tường minh: là thành phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu.

–  Hàm ý: là thành phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ.

11. Các biện pháp tu từ trong tiếng việt:

a. Tu từ từ vựng:

1. So sánh:

– Khái niệm: Là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác để tìm ra sự giống nhau và khác nhau giữa chúng.

– Tác dụng: So sánh nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

2. Nhân hóa:

– Khái niệm: Là cách gọi tả con vật cây cối đồ vật … bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người.

Tác dụng: Nhân hóa khiến sự vật trở nên sống động, gần với đời sống con người. Cách diễn đạt nhân hóa đem lại cho lời thơ, văn có tính biểu cảm cao.

3. Ẩn dụ:

– Khái niệm: Là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác vì giữa chúng có điểm tương đồng

– Tác dụng: Dùng ẩn dụ nhằm tăng thêm tính gợi hình gợi cảm, sự hàm súc, lôi cuốn cho cách diễn đạt

4. Hoán dụ:

– Khái niệm: Là gọi tên sự vật, sự việc, hiện tượng, khái niệm này bằng tên sự vật, sự việc, hiện tượng, khái niệm khác vì giữa chúng có quan hệ gần gũi, đi đôi với nhau trong thực tế.

– Tác dụng: dùng hoán dụ làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Phân loại: Có 4 kiểu hoán dụ thường gặp:

+ Lấy một bộ phận để gọi toàn thể.

+ Lấy vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng.

+ Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật.

+ Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

5. Nói quá:

– Khái niệm: Là cách nói phóng đại mức độ, qui mô, tính chất, của sự vật hiện tượng được miêu tả. Nói quá còn gọi là khoa trương, thậm xưng, phóng đại, cường điệu, ngoa ngữ

– Tác dụng: Tô đậm nhấn mạnh, gây ấn tượng hơn về điều định nói, tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt.

6. Nói giảm, nói tránh:

-Khái niệm: Là cách nói giảm nhẹ mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, sự việc, hiện tượng hoặc dùng cách diễn đạt khác với tên gọi vốn có của sự vật, sự việc, hiện tượng.

– Tác dụng:

+ Tạo nên cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển; tăng sức biểu cảm cho lời thơ, văn.

+ Giảm bớt mức độ tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề trong những trường hợp cần phải lảng tránh do những nguyên nhân của tình cảm.

+ Thể hiện thái độ lịch sự, nhã nhặn của người nói, sự quan tâm, tôn trọng của người nói đói với người nghe, góp phần tạo phong cách nói năng đúng mực của con người có giáp dục, có văn hoá.

7. Liệt kê:

– Khái niệm: Là cách sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại trong một câu hoặc một đoạn.

– Tác dụng: nhằm diễn tả cụ thể, toàn điện hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế, tư tưởng tình cảm.

– Phân loại: Dựa vào hình thức cấu tạo và đặc điểm ý nghĩa, có thể chia phép liệt kê thành những loại:

+ Theo cấu tạo: liệt kê từng cặp và liệt kê không từng cặp.

+ Theo ý nghĩa: liệt kê tăng tiến và liệt kê không tăng tiến.

8. Điệp ngữ:

– Khái niệm: Là biện pháp lặp đi lặp lại nhiều lần một từ, một ngữ hoặc cả câu một cách có nghệ thuật.

– Tác dụng: dùng điệp ngữ vừa nhấn mạnh nhằm làm nổi bật ý; vừa tạo âm hưởng nhịp điệu cho câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ (tha thiết, nhịp nhàng, hoặc hào hùng mạnh mẽ); vừa gợi cảm xúc mạnh trong lòng người đọc.

– Phân loại:

+ Điệp ngữ cách quãng.

+ Điệp ngữ nối tiếp.

+ Điệp vòng.

9. Chơi chữ:

– Khái niệm: Là biện pháp tu từ vận dụng linh hoạt các đặc điểm về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp của tiếng Việt để tạo ra những cách hiểu bất ngờ, thú vị.

– Tác dụng: Biện pháp này thường được dùng nhằm tạo sắc thái dí dỏm hài hước làm cho sự diễn đạt trở nên hấp dẫn và thú vị (thường được dùng để châm biếm, đả kích hoặc để đùa vui)

– Một số kiểu chơi chữ thường gặp:

+ Dùng từ gần nghĩa, đồng nghĩa để chơi chữ…

+ Dùng từ đồng nghĩa, trái nghĩa:

+ Dùng lối nói lái:

+ Dùng từ đồng âm:

b. Tu từ cú pháp:

11. Ðảo ngữ:

– Khái niệm: Ðảo ngữ là biện pháp thay đổi vị trí các thành phần cú pháp mà không làm thay đổi nội dung thông báo của câu.

– Tác dụng: Ðảo ngữ có tác dụng nhấn mạnh nội dung diễn đạt.

– Một số hình thức đảo ngữ:

+ Ðảo vị ngữ.

+ Ðảo bổ ngữ.

12. Điệp cú pháp:

– Khái niệm: Là dựa vào biện pháp lặp cú pháp nhưng có sự sóng đôi thành từng cặp với nhau, có thể sóng đôi câu hay sóng đôi bộ phận câu.

– Tác dụng: Sự đối lập giữa hai câu có kết cấu bình thường và những câu có kết cấu sóng đôi trong một văn bản đã tạo nên những sắc thái biểu cảm đặc sắc; bổ sung và phát triển cho ý hoàn chỉnh; tạo sự cân đối hài hòa.

13. Phép chêm xen:

– Khái niệm: Là biện pháp chêm vào câu một cụm từ không trực tiếp có quan hệ đến quan hệ ngữ pháp trong câu, nhưng có tác dụng rõ rệt để bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc.

14. Câu hỏi tu từ:

– Khái niệm: Câu hỏi tu từ là kiểu câu hỏi đã bao hàm ý câu trả lời.

– Tác dụng: Dùng câu hỏi tu từ để mang lại sức nặng cho lời khẳng định, để thay đổi  mạch văn hoặc bày tỏ một băn khoăn, một nỗi niềm, cũng là một biện pháp thường gặp

Ví dụ: Này, Tổng thống Giônxơn, ngươi hãy công khai trả trước trước nhân dân Mĩ và nhân dân thế giới: Ai đã phá hoại hiệp ñịnh Giơnevơ, là hiệp nghị bảo đảm chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam? Phải chăng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kì và giết hại người Hoa Kì?

→ Các câu hỏi liên tiếp xuất hiện dồn đối phương vào bế tắc không trả lời được và phải chấp nhận về mặt lí lẽ.

15. Phép đối:

– Khái niệm: Phép đối là cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các thành phần câu, vế câu song song, cân đối trong lời nói nhằm tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh, gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói.

– Phân loại: Có 2 kiểu: đối tương phản (ý trái ngược nhau); đối tương hỗ (bổ sung ý cho nhau)

+ Đối tương phản:

“Ta/ dại /ta/ tìm/ nơi/ vắng vẻ
Người/ khôn/ người/ đến/ chốn/ lao xao”

(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

“Gần mực thì đen/ gần đèn thì sáng”

(Ca dao)

+ Đối bổ sung:

“Son phấn/ có/ thần/ chôn vẫn hận
Văn chương/ không/ mệnh/ đốt còn vương”

(Độc Tiểu Thanh kí – Nguyễn Du)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang