Thuyết minh di tích Chùa Phật Tích tỉnh Bắc Ninh
- Mở bài:
Nhắc đến các di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Ninh không thể không nhắc đến Chùa Phật Tích, một cổ tự gần nghìn năm tuổi. Không những độc đáo về kiến trúc, chùa phật tích còn là nơi gìn giữ nét văn hóa cổ xưa, có sự hòa quyện giữa giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ hết sức đặc sắc. Chùa Phật Tích là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu được giới nghiên cứu các ngành khoa học xã hội, nghiên cứu nghệ thuật, nghiên cứu tôn giáo trong và ngoài nước rất quan tâm tìm hiểu.
- Thân bài:
Chùa Phật Tích (hay còn gọi là chùa Vạn Phúc) nằm cách Hà Nội 20km về phía Đông, có vị trí tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý. Chùa Phật Tích được xây dựng trên núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha, núi Tiên Du, núi Nguyệt Hằng), cửa mở ra hướng Tây, trước mặt là sông Đuống.
Về cơ bản, kiến trúc chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị Tam thế Phật, 8 gian nhà tổ và 7 gian nhà thờ thánh Mẫu. Ngôi chùa có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật dài khoảng 60 m, rộng khoảng 33 m, mặt ngoài bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật.
Tính từ cổng chùa lên đến vườn tháp, khu vực chùa có 3 lớp. Từ cổng chùa nhìn vào, qua một đoạn đường bằng, là những bậc đá lên vườn chùa. Vườn chùa là khu đất cao hơn khu vực cổng chùa 3,7 mét và được kè đá chắc chắn. Dãy tường đá dài 58 mét, dưới chân có một cấp nữa, được kè vuông góc với bờ tường cấp thứ hai rộng một mét, cao 0,75 mét.
Chính giữa chiều dài bức tường có một con đường đá rộng 5 mét được cấu tạo thành 30 bậc. Đi hết 30 bậc sẽ lên đến nền gác chuông (rộng 11 mét, dài 13 mét. Đi tiếp đến lớp nền thứ hai. Lớp nền này rộng 62 mét, có tường đá cao 5 mét. Ở khoảng giữa bức tường dài cũng có con đường đốc với những bậc đá dẫn lên chùa. Nằm đối xứng giữa hai bậc đá dẫn lên chùa, tại mép tường đá là hai dãy tượng thú thờ bằng đá, gồm 10 con: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử (mỗi giống có hai con). Lớp nền thứ hai có chiều sâu 66 mét. Tại lớp nền này, các công trình kiến trúc chính được hiện diện.
Điểm độc đáo của chùa Phật Tích không chỉ là những công trình kiến trúc mà còn là các tác phẩm điêu khắc đá cổ kính. Trước hết phải kể đến pho tượng đá A Di Đà. Tượng được đặt trên bệ tòa sen bằng đá. Tòa sen được đặt trên bệ đá hình bát giác với nghệ thuật chạm khắc rất tinh xảo. Bệ tòa sen được tạo hình các đóa sen đang nở với hai tầng cánh Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, tượng đá A Di Đà là tác phẩm điêu khắc thời Lý. Các họa tiết trang trí, phù điêu quanh tượng hết sức tỷ mỷ, sống động.
Bức tượng mình người đầu chim đang vỗ trống. Tượng được cho là hình ảnh của thần nhạc công. Tượng được tạc bằng chất liệu đá xanh. Khuôn mặt tượng phúc hậu hiền từ, toát lên vẻ trí tuệ và thánh thiện. Cặp lông mày cong thanh tú, đôi mắt nhỏ mơ màng, đôi má bầu bĩnh, ngực nở, cổ tay tròn, mập mạp, đôi cánh xòe rộng, bộ lông đuôi dài hất ngược lên, hai chân cứng khỏe với những móng cong sắc. Tượng người- chim có bộ lông mượt mà; các phần cánh, đuôi, bụng, chân được diễn tả bằng những đường uốn cong, mềm mại,… Trên búi tóc tượng người- chim có cài những dải hoa và kết thành dải dài để giữ lấy làn tóc trên trán.
Trước sân chùa là hàng tượng lính thú. Mười linh thú gồm 5 đôi: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử. Những con vật này đều gắn bó hoặc có liên quan đến cuộc đời và nghiệp truyền đạo của đức Phật Thích ca Mâu ni. 10 linh thú trước sân chùa Phật Tích đều được tạc bằng đá nguyên khối (trừ con trâu). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết mộng.
Tại giữa cửa tầng nền thứ ba, cách mép nền 14,30 mét có một ao nhỏ, gọi là Long trì (ao rồng). Ao có chiều dài 7 mét, chiểu rộng 5 mét, sâu 2 mét. Bốn xung quanh bờ đều được kè bằng đá tảng, vách đứng, vuông góc. Theo truyền thuyết, ao rồng để lộ phần đuôi rồng, còn đầu rồng hiện đã tìm thấy ở giếng Ngọc. Trước đây ao rồng đầy nước quanh năm. Nhưng lâu nay, ao đã bị khô cạn.
Nổi tiếng và độc đáo nhất di tích chùa Phật tích chính là các ngọn bảo tháp. Trong vườn tháp của chùa Phật Tích có 36 ngọn bảo tháp. Ngọn tháp lớn nhất là Tháp Phổ Quang, cao 5,10 m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn. Vườn tháp được bố trí ở tầng nền thứ 3, tầng nền cao nhất.
Phần lớn các tháp ở đây đến nay còn đọc được tên và niên đại an tháp. Ngoài các tháp đá, tại sườn phía trái núi Phật Tích có một số tháp gạch. Một số tháp có văn bia với nét chữ còn tương đối rõ, ghi chép về hành trạng của vị thiền sư được an trong tháp. Trong quá khứ, một vài bảo vật của chùa đã bị trộm cắp. Một phần khác hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.
Chùa Phật Tích ngày nay đã được sửa chữa, tu bổ tương đối tốt. Dù nét xưa tích cũ đã bị hư hoại nhiều theo thời gian, lại cộng thêm sự tàn phá chiến tranh, thế nhưng ngày nay toàn bộ di tích chùa Phật Tích được tôn tạo, trùng tu và gìn giữ khá hoàn chỉnh.
Hàng năm vào ngày 4 tết Nguyên Đán, nhân dân quanh chùa Phật Tích thường mở hội truyền thống để tưởng nhớ công lao các vị tiền bối đã khai sinh và tu tạo chùa. Trong những ngày xuân tưng bừng ấy, khách thập phương về đây lễ Phật, hái hoa mẫu đơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Kinh Bắc hoặc tham dự các trò chơi ngày hội như đấu vật, chơi cờ, đánh đu, hát quan họ.
Năm 2009, với sự giúp đỡ về tài chính của một số nhà hảo tâm và của chính quyền các cấp tỉnh Bắc Ninh, chùa Phật Tích đã tổ chức trưng bày tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới với hàng chục triệu người đến chiêm bái.
- Kết bài:
Di tích chùa Phật Tích là một chứng nhân lịch sử phản ánh và lưu giữ văn hóa của nhân dân từ lúc chùa mới hình thành cho đến tận ngày nay. Những hiện vật vô cùng quý giá còn sót lại cho sự xuất hiện sớm và phát triển nhanh, mạnh mẽ, liên tục của một trong những trung tâm Phật giáo của nước ta. Đồng thời qua những hiện vật, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về trình độ văn minh, trình độ khoa học kỹ thuật của ông cha ta thưở trước và công sức tài nghệ của những người thợ chạm khắc đá, kiến trúc xây dựng chùa. Chính những di sản văn hoá quý báu đó là tài liệu sống động, đầy sức thuyết phục trong hành trình về cội nguồn dân tộc nói chung và mỹ thuật chùa chiền nói riêng.