Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.
I. Mở bài:
– Lê Minh Khuê là một trong những gương mặt tiêu của nền văn học kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” ở trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê,viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra các liệt.
– Phương Định là nhân vật chính trong tác phẩm. Qua diễn biến tâm lí của Phương Định, nhà văn phát hiện và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
II. Thân bài:
1. Suy nghĩ của Phương Định khi tự quan sát, đánh giá về bản thân.
– Phương Định là cô gái trẻ người Hà Nội, từng có một thời học sinh hồn nhiên vô tư.
– Cô hay nhớ về kỷ niệm (kỷ niệm luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường ác liệt; chỉ một cơn mưa đá vụt qua là kỷ niệm lại thức dậy trong cô…). Nó vừa là khao khát, vừa là liều thuốc tinh thần động viên cô nơi tuyến lửa.
– Tâm hồn Phương định rất nhạy cảm, thường quan tâm đến hình thức (tự đánh giá mình là một cô gái khá…); biết mình được nhiều người để ý, thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng như kiêu kì.
– Cô hay mơ mộng, tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống, trong cả công việc đầy nguy hiểm “Việc nào cũng có cái thú vị của nó. Có ở đâu như thế này hay không…” Nó như thách thức thần kinh con người để rồi lúc vượt qua nó, chiến thắng nó,cô cảm thấy thú vị.
Suy nghĩ của của Phương Định trong lần phá bom.
* Trước khi phá bom:
– Nếu như cái im lặng của thiên nhiên trong “Lặng lẽ Sa pa” là cái im lặng của gió và tuyết, của thiên nhiên khắc nghiệt, thì trong “Những ngôi sao xa xôi” đó lại là cái im lặng của những nguy hiểm đang rình rập.
– Ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp, lo sợ. Đó cũng là tâm lí thường xuất hiện khi con người đối diện với hiểm nguy
– Phương Định đã vượt qua sự im lặng ấy bằng sự khích lệ của đồng đội, sự bình tĩnh và cả sĩ diện của bản thân khi “cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo”. Trong cái tư thế “đàng hoàng bước tới” của Phương Định, ta thấy sự kiêu hãnh của một người con gái Hà Nội.
* Trong khi phá bom:
– Ở đây nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật được thể hiện rất rõ. Nhà văn Lê Minh Khuê đã thể hiện sự thay đổi tâm trạng của nhân vật một cách rất tinh tế: từ sự lo lắng, căng thẳng khi mình làm quá chậm, đến sự bình tĩnh lạ thường và những thao tác thành thạo khi phá bom.
– Trong khoảnh khắc ấy, những ý nghĩ về cái chết cũng có lúc chợt xuất hiện, nhưng đó chỉ là những giây phút thoáng qua và mờ nhạt để nhường chỗ cho ý nghĩ chỉ sợ bom không nổ hay làm sao để châm ngòi lần thứ hai.
– Qua việc miêu tả cảnh phá bom, tác giả đã vừa tố cáo sự tàn ác, khốc liệt của chiến tranh vừa khắc họa hình ảnh một Phương Định anh hùng, kiên cường và bản lĩnh.
* Sau khi phá bom:
– Sau khi bom nổ, mặc cho những nguy hiểm còn rình rập Phương Định vẫn không hề run sợ. Cô không sợ bản thân mình bị thương mà cô chỉ lo cho đồng đội của mình. Ở đây ta thấy được tình đồng đội gắn bó keo sơn của 3 cô gái.
Suy nghĩ của Phương Định khi cơn mưa đá kéo đến.
– Cơn mưa đá cuối tác phẩm xuất hiện như một làn gió mới. Từ đầu đến cuối tác phẩm, người đọc liên tục phải chứng kiến những cảnh phá bom nghẹt thở, thì đến cuối tác phẩm cơn mưa đá đã làm dịu mát cái không khí khốc liệt của chiến tranh, làm dịu đi sức nóng từ bom đạn.
– Nếu như trong cảnh phá bom, ta thấy Phương Định hiện lên như 1 nữ anh hùng kiên cường, bất khuất thì thông qua cơn mưa đá ta lại thấy Phương Định hiện lên với vẻ tươi trẻ, hồn nhiên của một cô gái mới lớn. Cô thích thú, chạy bỏ viên đá vào tay Nho. Cô thẩn thờ, tiếc nuối vì cơn mưa vừa đến chưa lâu lại chóng tạnh. Nét tâm lí dễ vui, dễ buồn, vô tư lự của một cô gái mới lớn đã được nhà văn thể hiện khéo léo và sinh động.
– Nếu vẻ đẹp của Nho được miêu tả là vẻ đẹp mong manh như hạt sương mai thì vẻ đẹp của Phương Định là một vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện, hồn nhiên và đầy mơ mộng, như một đóa hoa giữa rừng kháng chiến đầy bom đạn. Trong chiến trường khắc nghiệt ấy, cô hiện lên với vẻ đẹp của nữ chiến sĩ với một lí tưởng cao đẹp. Vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp giữa đất Hà Nội nhưng với một tình yêu nước thiết tha, cô sẵn sàng từ biệt gia đình, từ biệt Hà Nội để đi theo tiếng gọi của non sông và trở thành một cô trinh sát mặt đường trên cao điểm thuộc tuyến đường Trường Sơn.
– Cô gái trẻ chẳng những mang lí tưởng cao đẹp mà ở cô còn có một sự dũng cảm phi thường. Chẳng ai có thể ngờ được một cô gái đôi mươi, xinh đẹp, trong sáng lại có thể gan dạ đến như vậy. Tiếng bom ác liệt chẳng bao giờ làm cô run sợ. Cô dũng cảm đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập trên cao điểm, với những lần phá bom. Phương Định mang trong mình một nét cá tính vô cùng đặc biệt. Cô coi việc trở thành trinh sát là một chiến tích đáng tự hào, là cái thú của tuổi trẻ. Cô coi những nguy hiểm là điều tất yếu phải đối mặt. Cô mạnh mẽ, dũng cảm nhưng cũng đầy nữ tính.
Liên hệ nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.
+ Anh thanh niên là người giản dị, gần gũi quan tâm với những người xung quanh.
+ Anh có tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách.
+ Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn
+ Anh làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao.
+ Anh có lí tưởng sống cao đẹp: lao động và chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ và dựng xây tổ quốc.
* Điểm gặp gỡ và khác biệt:
– Gặp gỡ: Họ đều là những con người có lí tưởng sống đẹp đẽ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
– Khác biệt: Phương Định nổi bật với vẻ đẹp thơ mộng, nữ tính rất đỗi con gái, tình cảm đồng đội sâu nặng và sự gan dạ, dũng cảm sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc; Anh thanh niên lại hiện lên với tinh thần lạc quan, sự gần gũi, giản dị với những người xung quanh.
* Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay:
+ Xác định mục tiêu, lí tưởng đúng đắn, phấn đấu vì những mục tiêu mình đã đề ra.
+ Học tập tốt, phấn đấu trở thành những con người tốt, con người giỏi để xây dựng đất nước.
III. Kết bài:
Qua diễn biến tâm lí của nhân vật Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.
Xem thêm:
- Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê
- Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa sôi
- Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê
- Cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống và lý tưởng sống của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”