cam-nhan-ve-dep-buc-tranh-thien-nhien-mua-xuan-qua-4-cau-tho-dau-va-6-cau-tho-cuoi-trong-doan-trich-canh-ngay-xuan-trich-truyen-kieu-nguyen-du

Cảm nhân vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa xuân qua 4 câu thơ đầu và 6 câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Cảm nhân vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa xuân qua 4 câu thơ đầu và 6 câu thơ cuối trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

  • Mở bài:

Ở đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, Nguyễn Du đã rất thành công trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên. Có thể nói, cái tài tả cảnh của thi hào đạt đến bậc nhuần nhụy hiếm có trong văn học. Bút pháp điểm nhãn cũng được phát huy đến độ tột bậc, thật khó có ai có thể lặp lại được. Đặc sắc nghệ thuật ấy được thể hiện rất rõ trong Qua 4 câu đầu và 6 câu cuối đoạn trích.

  • Thân bài:

Bốn câu thơ đầu, tác giả miêu tả cảnh vật với vẻ đẹp riêng của mùa xuân:

“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Hai câu đầu là hình ảnh khái quát về một ngày xuân tươi đẹp với hình ảnh con én chao liệng trên bầu trời thanh bình tràn ngập ánh xuân tươi tắn và trong sáng. Đồng thời, nhà thơ cũng ngỏ ý ngày xuân qua nhanh quá. Chín mươi ngày xuân mà nay “đã ngoài sáu mươi” rồi.

Hai câu thơ tiếp theo mới thực là bức tranh tuyệt mĩ:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Đây chỉ là chân dung của cảnh ngày xuân chỉ giản đơn có cỏ xanh, hoa trắng mà đủ cảnh, đủ màu, làm hiện lên cả một không gian mùa xuân khoáng đạt, hữu tình. Ở đây, Nguyên Du học tập hai câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa”, nhưng khi đưa vào bài thơ mình, tác giả đã rất sáng tạo độc đáo. Câu thơ Trung Quốc dùng hình ảnh “cỏ thơm” (phương thảo) thiên về mùi vị thì Nguyễn Du thay bằng “cỏ xanh” thiên về ấn tượng màu sắc. Đó là màu xanh nhạt pha với vàng chanh tươi tắn hợp với màu của đất trời làm trong sáng của nền trời chiều xuân làm thành gam nền cho bức tranh. Trên đó điểm xuyết những đốm ti của hoa lê.

Bức tranh dung hoà những sắc độ lạnh mà bên trong vẫn rạo rực sức sống mới của mùa xuân. Chữ “trắng” nghịch đảo lên trước tạo bất ngờ sự mới mẻ, tinh khôi, tinh khiết như kết tinh những tinh hoa của trời đất. Chữ “điểm” gọi bàn tay người họa nên thơ, nên hoa. Bàn tay tạo hoá tô điểm cho cảnh xuân tươi, làm bức tranh trở nê hổn, sống động lạ thường.

Hai câu thơ tả cảnh thiên nhiên của Nguyễn Du quả là tuyệt bút! Ngòi bút của Nguyễn Du tài hoa, giàu chất tạo hình, ngôn ngữ gợi tả, giàu giá trị biểu cảm. Tác giả đã rất thành công trong bút pháp nghệ thuật kết hợp giữa tả và gợi. Tả để định hình đối tượng. Gợi để kéo dài sức liên tưởng. Qua đó, ta thấy tâm hồn con người đang rất tươi vui, phấn chấn qua cái nhìn thiên nhiên trong trẻo, tươi tắn, hồn nhiên, nhạy cảm, tha thiết vứoi vẻ đẹp thiên nhiên.

Sáu câu thơ cuối gợi tả khung cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về:

“Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang “

Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một nhịp cầu bắc ngang nhưng đã nhuốm màu tâm trạng. Bóng tịch dương đã chênh chếch xế chiều: tà bóng ngả về đây”, dòng nước uốn quanh. Nhưng đây không chỉ là hoàng hồn của cảnh vật mà dường như con người cũng chìm trong một cảm giác bâng khuâng khó tả. Cuộc du ngoạn xuân cảnh đã tàn, lễ hội tưng bừng, náo nhiệt đã chấm dứt, tâm hồn con người như cũng chuyển động cùng cảnh vật, bước chân người thơ thẩn. Cảnh như nhạt dần, lăng dần, mọi chuyển đống đều nhẹ nhàng, không gian mang dáng dấp nhỏ nhoi, bé hẹp, phảng phất buồn. Tâm trạng con người có cái bâng khuâng xao xuyến về cuộc du xuân đã tàn, có cả linh cảm về việc gặp gỡ nấm mộ Đạm Tiên và chàng thư sinh Kim Trọng “phong tư tài mạo tuyệt vời”.

Tác giả sử dụng nhiều từ láy như nao nao, tà tà, thanh thanh không chỉ biểu đạt sức thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng bâng khuân của con người. Đặc biệt hai chữ “nao nao” thoáng gợi nên một nét buồn khó hiểu. Hai chữ “thơ thẩn” có sức gợi rất lớn, chị em Kiều ra về trong sự bần thần, nuối tiếc, lăng buồn. “Dan tay” tưởng là vui nhưng thực ra là chia sẻ cái buồn không nói hết. Cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đã hé mở một vẻ đẹp tâm hồn thiếu nữ tha thiết với niềm vui cuốc sống, nhạy cảm và sâu lắng. Chính các từ này đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật, khiến người đọc cũng bồi hồi, lo lắng.

Đoạn thơ còn hay bởi đã sử dung bút pháp cổ điển: tả cảnh gắn với tả tình, tả cảnh ngụ tình, tình và cảnh tương hợp. Trong cảnh có tình, tình ẩn mình trong cảnh âm thầm, kín đáo.

  • Kết bài:

Qua 4 câu đầu và 6 câu cuối đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên mùa xuân tuyệt đẹp. Nhà thơ điểm vài chi tiết, tả cảnh để gợi là chính. Từ ngữ hình ảnh giàu chất tạo hình. Thiên nhiên được miêu tả trong những thời gian, thời điểm khác nhau. Cảnh chứa đầy tâm trạng dự báo những tháng ngày sắp tới của Thúy Kiều với biết bao tai ương đang chờ đợi nàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang