Phân tích cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

phan-tich-cam-xuc-cua-nha-tho-truoc-mua-xuan-cua-dat-nuoc-trong-bai-tho-mua-xuan-nho-nho

Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”

  • Mở bài:

Mùa xuân là một trong những thi tứ lớn nhất của thi ca xưa và nay. Trước sức sống tươi xanh của đất trời, lòng thi sĩ cũng rộn ràng. Với bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải khiêm tốn góp vào kho tàng ấy một mùa xuân khiêm nhường nhưng hết sức thiết tha. Đó còn là tiếng lòng của ông đối với mùa xuân đất nước, đối với cuộc đời mà ông từng gắn bó, yêu thương.

  • Thân bài:

Bài thơ được viết vào tháng 11 năm 1980, khi ấy đang là mùa đông giá rét. Như vậy, hình ảnh mùa xuân được miêu tả ở đây là mùa xuân trong tâm tưởng của nhà thơ. Đối mặt với bệnh tật, thậm chí phải đối mặt với cả cái chết, vậy mà nhà thơ vẫn hướng đến mùa xuân tươi trẻ, tràn đầy sức sống, thể hiện một tâm hồn lạc quan yêu đời, một niềm khát khao cuộc sống vô bờ.

Hình ảnh lộc xuân làm đẹp ý thơ với cuốc sống lao động vẻ vang và nhiệm vụ chiến đấu. Xây dựng và bảo vệ đất nước, hai nhiệm vụ không thể tách rời. Họ đã đem mua xuân đến mọi nơi trên đất nước:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”.

Mùa xuân đến mang đến tiếng gọi của những cố gắng mới và hi vọng mới, mang đến tiếng gọi của đất nước, của quê hương đang trên đà đổi thay, phát triển. Những tiếng gọi lặng lẽ tới từ mùa xuân làm thức dậy con người, làm trái tim con người như bừng lên rạng rỡ trong không khí sôi nổi của đất nước, của muôn cây cỏ đã đi theo người lính vào chiến trường, sát kề vai, đã cùng người lao động hăng say ngoài đồng ruộng.

Hình ảnh “Mùa xuân người cầm súng. Lộc giắt đầy trên lưng” giúp ta liên tưởng đến những người chiến sĩ đang ngày đêm ôm súng bảo vệ nền hòa bình vừa mới hình thành, trên lưng họ mang cành lá nguy trang. Những cành lá ấy mang lộc biếc, chồi non, mang theo mùa xuân của thiên nhiên, cây cỏ. Từ “lộc” còn làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh người lính khi ra trận, mang theo sức sống cả mùa xuân ước mơ của dân tộc. Chính màu xanh sức sống đó đã tiếp cho người lính có thêm sức mạnh, ý chí để họ vươn xa ra phía trước tiêu diệt quân thù. “Lộc” gợi nghĩ đến những niềm tin mới vào tương lai của đất nước. Đó chắc hẳn là một niềm tin vững chắc, lớn lao, không gì thay đổi được

Hình ảnh “Mùa xuân người ra đồng. Lộc trải dài nương mạ” là những người nông dân cần mẫn ươm mầm cho sự sống, ươm những hạt mầm non trên những cánh đồng quê hương. Từ “lộc” cho ta nghĩ tới những cánh đồng trải dài mênh mông với những chồi non mới nhú lên xanh mướt từ những hạt thóc giống đầu mùa xuân, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. “Lộc” là sức sống, là tuổi trẻ, sức thanh xuân tươi mới đầy mơ ước, lí tưởng, đầy những hoài bão và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, sôi nổi trong mỗi tâm hồn con người – tâm hồn của người lính dũng cảm, kiên cường nơi lửa đạn bom rơi – tâm hồn của người nông dân cần cù,hăng say tăng gia sản xuất. “Lộc” chính là thành quả hôm nay và niềm tin, hi vọng ngày mai. Có thể nói, chính con người đã tao nên sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất nước. Thanh Hải có lẽ đã viết nên những câu thơ này bằng tất cả tình yêu cuộc sống, niềm say mê, háo hức trước mùa xuân đất trời.

Như vậy, hình ảnh mùa xuân đất nước đã được mở rộng dần. Đầu tiên, nó chỉ gói gọn trên đôi vai, tấm lưng của người ra trận, đã được mở rộng thành một cánh đồng bao la. Nhà thơ tin tưởng, tư hào về tương lai tươi sáng của đất nước, cho dù trước mắt còn nhiều vất vả, khó khăn. Và đất nước được hình dung bằng một hình ảnh so sánh thật đẹp mang nhiều ý nghĩa .

Xúc cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước khi bước vào mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải đã có cái nhìn sâu sắc và tự hào về lịch sử bốn nghìn năm dân tộc:

“Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.

Bốn nghìn năm qua, Tổ quốc như một người mẹ tần tảo,vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường tồn của đất nước. Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất phục được dân tộc Việt Nam. Cách nói “đất nước bốn nghìn năm” thể hiện niềm tự hào lớn lao của nhà thơ vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tin tưởng vào tương lai phía trước.

Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận mùa xuân đất nước bằng hai từ láy gợi cảm “hối hả”, “xôn xao”. “Hối hả” là rất vội vã, khẩn trương, liên tục không dừng lại. “Xôn xao” khiến ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hoà lẫn vó nhau xao động. Đây chính là tâm trạng tác giả, là cái náo nức trong tâm hồn. Tiếng lòng của nhà thơ như reo vui náo nức trước tinh thần lao động khẩn trương của con người, muốn cùng nhịp chân hồ hởi đi xây dựng. Mùa xuân đất nước được làm nên từ cái hối hả ấy. Âm thanh mùa xuân đất nước vang lên từ chính cuộc sống vất vả, gian lao mà tươi thắm đến vô ngần. Sức sống của đất nước, của dân tộc, cũng được tạo nên từ sự hối hả, náo nức của người cầm súng, người ra đồng.

“Sao” là một nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp vĩnh hằng vượt qua mọi không gian và thời gian. Sao cũng là hình ảnh rạng ngời trên lá cờ Tổ quốc. Qua đó, tác giả Thanh Hải bộc lộ niềm tư hào về mốt đất nước Việt Nam anh hùng và giàu đẹp. Đất nước mãi trường tồn, vĩnh cửu cùng vũ trụ, không bao giờ mất đi và không một thế lực nào ngăn cản được. Nhất định đất nước ta, dân tộc ta cũng sẽ toả sáng như những vì sao trong hành trình đi đến tương lai rực rỡ, đi đến bến bờ hạnh phúc. Đó là ý chí, quyết tâm, niềm tin sắt đá, niềm tự hào lạc quan của cả dân tộc. So sánh như thế, là tác giả đã ngợi ca đất nước trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng.

Ở câu thơ thứ hai, phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên phía trước, vượt qua mọi khó khăn, cảm xúc của nhà thơ là cảm xúc lạc quan, tin tưởng, ngoi ca sức sống của quê hương đất nước, của dân tộc khi mùa xuân về.

  • Kết bài:

Ngay lúc cơ thể yếu đuối nhất, ta vẫn thất một nguồn sống tươi trẻ chảy tràn trong lời thơ. Đọc những vần thơ của Thanh Hải, người đọc trân trọng hơn, yêu hơn một tâm hồn nghệ sĩ, một tình yêu quê hương, đất nước đến vô ngần.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về ước nguyện chân thành và cao quý của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" - Theki.vn
  2. Cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân trong 2 đoạn thơ đầu bài thơ "Màu xuân nho nhỏ" của Thanh Hải - Theki.vn
  3. Cảm nhân vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa xuân qua 4 câu thơ đầu và 6 câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.