ky-nang-chon-dan-chung-trong-bai-van-nghi-luan-van-hoc-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-van-123

Kỹ năng chọn dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học – Luyện thi học sinh giỏi văn

Kỹ năng chọn dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học – Luyện thi học sinh giỏi văn

1. Nguồn dẫn chứng.

Khởi đầu trong việc chọn dẫn chứng là xác định nguồn dẫn chứng. Như chúng tôi đã đề cập bên trên, dẫn chứng trong văn học là tất cả những gì liên quan đến văn học: tác giả, tác phẩm, xu hướng, nhận định…Phạm vi dẫn chứng vô cùng rộng, học sinh cần hệ thống các nguồn kiến thức để có thể huy động kiến thức và chọn dẫn chứng trong quá trình viết văn. Có thế huy động kiến thức để chọn dẫn chứng dựa theo những tiêu chí sau:

  • Huy động kiến thức Văn bản văn học:

Kiến thức về văn bản văn học là chất liệu chủ yếu của bài nghị luận văn học. Ngay cả với một đề bài bàn luận về một vấn đề văn chương hay khái quát văn học sử thì sự huy động vốn hiểu biết về tác giả và tác phẩm cụ thể là rất cần thiết để chứng minh, minh họa cho lí luận. Càng nắm vững kiến thức về văn bản văn học càng chuẩn bị cho mình tiềm lực mạnh và tạo được thế chủ động khi làm bài.

Ở phổ thông trung học, học sinh được trang bị kiến thức văn học trong chương trình bao gồm phần học chính thức và đọc thêm. Học sinh cần tận dụng và mở rộng thêm vốn kiến thức này. Có khi còn phải tái hiện cả “gia tài” văn học tiếp thu được ở bậc THCS.

Học sinh phải suy nghĩ, hình thành hoặc ghi nhớ một cách khái quát những nhận định, đánh giá, kết luận tổng quát về các tác giả, tác phẩm cụ thể như: những thành công và hạn chế của tác phẩm, ý nghĩa và giá trị của vần thơ, áng văn, sự kế thừa truyền thống và những đóng góp, cách tân của tác giả, vị trí của nhà văn trong dòng văn học, hoặc thời kì văn học đó. Những kiến thức này có thể thu thập từ nội dung các bài giảng, từ các giáo trình hoặc tham khảo những chuyên luận về tác giả, những bài phân tích tác phẩm, đặc biệt là những bài giới thiệu chung về tác phẩm và tác giả.

  • Huy động kiến thức Văn học sử:

Việc tích lũy kiến thức văn học sử rất cần thiết đối với HS giỏi Ngữ văn. Một bài làm văn có chất lượng không thể chỉ dựa vào kiến thức về các tác giả văn học cụ thể mà còn phải có kiến thức văn học sử rộng và chắc để có thể liên hệ so sánh, rút ra những nhận xét, đánh giá, kết luận có tầm khái quát.

  • Huy động kiến thức Lí luận văn học:

Lí luận văn học là những tri thức chung nhất về quan điểm và phương pháp sáng tác, phê bình văn học cũng như nghiên cứu lịch sử văn học của nhiều nước, qua nhiều thời đại. Việc trang bị mảng kiến thức này là rất cần thiết để nâng cao trình độ nhận thức và phân tích văn học của HS giỏi Ngữ văn.

Việc huy động kiến thức lí luận văn học là rất cần thiết để cho bài văn nghị luận văn chương có tầm khái quát, có cơ sở lí thuyết vững vàng, tránh được tình trạng miêu tả liệt kê dài dòng, phân tích bình luận tràn lan, cảm tính, thiếu căn cứ khoa học. HS giỏi Ngữ văn, do vậy, cần phải có ý thức thường xuyên vận dụng kiến thức Lí luận văn học vào bài làm. Chẳng hạn:

+ Lấy lí luận văn học làm cơ sở, làm yếu tố chỉ đạo sự phân tích, bình luận, phê bình văn học (Nghị luận theo hướng diễn dịch).

+ Từ thực tiễn văn học (qua phân tích tác phẩm, trào lưu, xu hướng văn học…) rút ra những nhận định, đánh giá khái quát, những kết luận bao quát rồi nâng lên thành những vấn đề có tính chất lí luận.

+ Kết hợp việc phân tích tác phẩm và trình bày lí luận văn học (trình bày xen kẽ, đan lồng hai mảng kiến thức với nhau).

+ Vận dụng lí luận văn học theo đặc trưng loại thể: chú ý vận dụng lí luận về hình tượng, điển hình, về phân tích nhân vật, về yếu tố tự sự đối với văn xuôi, về yếu tố trữ tình đối với thơ ca…

Có vốn hiểu biết phong phú, dồi dào về tác giả, tác phẩm cụ thể, kết hợp với những kiến thức vững chắc về lịch sử văn học và có trình độ lí luận văn học vững vàng khi phân tích, bình luận về một thiên truyện, một áng thơ, một nhân vật điển hình, một tư tưởng chủ đề…chúng ta sẽ có điều kiện liên hệ, so sánh rộng rãi và sâu sắc.

  • Huy động kiến thức bổ trợ, liên môn:

Phần lớn những đề bài dành cho HS giỏi Ngữ văn bao giờ cũng đòi hỏi phải có sự bao quát, ít khi giới hạn trong một hai tác phẩm. Vì vậy, người HS giỏi Ngữ văn, ngoài việc vận dụng kiến thức tiếp thu được từ việc học các tác phẩm, tác giả trong chương trình cần kết hợp với việc huy động kiến thức bổ trợ, ngoài chương trình, hoặc kiến thức liên môn.

  • Kiến thức văn học ngoài chương trình:

Kiến thức văn học không tách rời kiến thức của nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, khi huy động kiến thức làm bài, bên cạnh tư liệu văn học là chất liệu chủ yếu, HS còn phải liên hệ tới nhiều loại tri thức có liên quan, chẳng hạn như: kiến thức ngôn ngữ học, kiến thức lịch sử, chính trị, xã hội…

  • Kiến thức lịch sử:

Văn học phản ánh hiện thực, đó là quy luật, là nguyên lí cơ bản của nền lí luận văn học. Kiến thức lịch sử nói lên giá trị phản ánh của các tác phẩm văn học và mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa văn học với hiện thực. Ở chiều ngược lại, khi muốn giải thích một sự kiện văn học (một trào lưu, một tác giả, một hình tượng, điển hình…) hay phân tích một tác phẩm văn chương, chúng ta lại cần nghiên cứu kĩ bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội, không khí thời đại làm nảy sinh sự kiện văn học ấy hoặc làm nền cho sự ra đời của tác phẩm nghiên cứu, từ đó đánh giá mặt thành công cũng như những mặt hạn chế của nó.

Như vậy, để chọn được dẫn chứng tốt cho bài nghị luận văn học, học sinh cần huy động kiến thức để có nguồn dẫn chứng phong phú, đa dạng. Từ đó, người viết có sự chọn lọc dẫn chứng chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận

2. Chọn dẫn chứng chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận.

Bản chất của văn nghị luận là dùng lí lẽ lập luận để thuyết phục. Để lập luận có sức nặng cần có dẫn chứng tốt. Một dẫn chứng tốt trước hết phải cụ thể, chính xác, phù hợp với luận điểm và làm nổi bật vấn đề nghị luận.

Dẫn chứng chính xác cần xác thực – đúng với chi tiết trong tác phẩm mà người viết chọn dẫn chứng trong bài nghị luận. Như đã đề cập ở thực trạng việc đưa dẫn chứng trong trường THPT hiện nay, việc học sinh ít đọc, lười học thuộc dẫn đến việc không thuộc thơ, chi tiết, tình tiết…dẫn đến việc “tam sao thất bản” nội dung của tác phẩm đã học. Đây là một điều tối kị, vì việc không thuộc nội dung dẫn đến hiểu sai, hiểu chưa đến một vấn đề. Chính vì vậy một yêu cầu tối thiểu là đúng dẫn chứng. Đúng dẫn chứng ở đây là đúng nguyên văn câu thơ, đoạn thơ, bài thơ, nhận định, hoặc chi tiết, cốt truyện…

Đặc biệt, khi làm bài nghị luận các tác phẩm văn học trung đại việc đọc kĩ tác phẩm và chú thích là một điều vô cùng cần thiết để hiểu và thuộc dẫn chứng. Bởi lẽ, các sáng tác trong giai đoạn này dùng chữ Hán, chữ Nôm rất xa chúng ta và học sinh chỉ được học qua các bản dịch thơ, dịch nghĩa đôi khi rất dài và khó học thuộc. Ví dụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, khi đưa các câu thơ làm dẫn chứng cần hiểu và thuộc ý nghĩa ngôn từ của từng từ:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngoài rèm thưa, rủ thác đòi phen”

Trong câu thơ trên nếu không đọc kĩ chú thích, học sinh sẽ hiểu nghĩa của từ “thác” theo cách hiểu đơn thuần đó là dòng suối, dòng thác chăng? Như vậy để chọn một dẫn chứng đúng cần đọc – hiểu được nội dung tác phẩm, sau đó thuộc dẫn chứng một cách chính xác.

Nếu người viết chọn dẫn chứng trong các đoạn thơ, bài thơ cần sự chính xác tuyệt đối. Ngược lại, người viết chọn dẫn chứng trong các đoạn trích, tác phẩm văn xuôi có thể chính xác hoàn toàn – dẫn chứng trực tiếp, hoặc dẫn chứng nội dung bằng cách trích dẫn gián tiếp: dùng lời văn của mình tóm tắt nội dung, chi tiết, từ ngữ quan trọng của dẫn chứng từ các tác phẩm.

Dẫn chứng chính xác, sáng rõ là một dẫn chứng triển khai được lí lẽ lập luận, dẫn chứng góp phần cụ thể hơn cho những lí lẽ mà người viết đưa ra. Ví dụ khi nghị luận về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Không thể đưa dẫn chứng là tên tác phẩm Truyện Kiều, Chuyện người con gái Nam Xương, Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm hoặc tên các nhân vật cụ thể Thúy Kiều, Vũ Nương hay tên gọi chung của một tầng lớp, một nhóm người: cung nữ, người chinh phụ. Bởi lẽ tên tác phẩm hay tên nhân vật chưa đủ để làm dẫn chứng cho số phận của người phụ nữ. Đó là một trong những dẫn chứng rất mơ hồ, không thể làm rõ được vấn đề nghị luận. Dẫn chứng chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận phải là diễn biến trong tác phẩm, chính cuộc đời của mỗi nhân vật ấy đã trải qua những biến cố, những khổ đau nào mới là sáng tỏ được vấn đề nghị luận về số phận.

Vấn đề sẽ được làm sáng tỏ nếu dẫn chứng được lựa chọn một cách chính xác vào trọng tâm vấn đề. Ví dụ về số phận đáng thương của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sẽ cụ thể hơn khi người viết đi vào một nhân vật, một đoạn trích để làm bật lên những bất hạnh, những trái ngang mà người phụ nữ phải gánh chịu. Như bao nhiêu số phận đáng thương của người phụ nữ khi chồng lên đường ra chiến trận, những người vợ phải sống trong cảnh cô lẻ phòng không. Người chinh phụ trong Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ của Đặng Trần Côn là một trong những cánh hoa đáng thương ấy. Nàng phải sống trong nỗi cô đơn, nỗi buồn bi thiết:

“ Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
Buồn rầu nói chẳng lên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Nỗi buồn mà người chinh phụ chôn giấu trong lòng không biết tỏ cùng ai, nàng đành tìm đến vạn vật xung quanh nhưng “đèn” vật vô tri vô giác làm sao thấu nỗi đau đớn, nỗi sầu dằng dặc trong cõi lòng của nàng.

Hay chi tiết hàng loạt hành động gượng của người chinh phụ để mong vơi được nỗi sầu:

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”

Những người phụ nữ tư dung tốt đẹp đức hạnh, làm trọn nghĩa vụ của một người phụ nữ trong xã hội phong kiến: tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh, luôn tần tảo, hy sinh, nhẫn nhịn hết lòng. Nhưng họ luôn nhận về mình nỗi tủi nhục, cô đơn, một cuộc sống đầy bất công. Có thể cụ thể hơn nữa nếu luận điểm số phận của người phụ nữ đáng thương. Chúng ta cần trả lời câu hỏi vì sao đáng thương? Vì chiến tranh – đưa ra dẫn chứng về chiến tranh đã làm chồng nàng xa nhà, một mình nàng đã gánh vác gia đình chồng. Hoặc vì những hủ tục của xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ – không có tiếng nói trong gia đình, xã hội, không thể tự định đoạt được hạnh phúc cho cuộc đời mình?

Như vậy, một trong những tiêu chí dẫn chứng cho bài nghị luận văn học là chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận. Dẫn chứng chính xác sẽ tạo nên tính thuyết phục cho lập luận của người viết.

3. Chọn dẫn chứng tiêu biểu.

Trong khi tạo lập văn bản nghị luận văn học, chọn được dẫn chứng phù hợp là một điều kiện cần của học sinh giỏi văn, tuy nhiên điều kiện đủ là dẫn chứng ấy cần đạt đến độ tiêu biểu. Dẫn chứng tiêu biểu là dẫn chứng hay, độc đáo có sức nặng trong bài văn nghị luận. Có thể đề xuất một số phương diện để nhận ra dẫn chứng tiêu biểu như sau:

Tiêu biểu xét trong góc độ một tác phẩm. Học sinh cần hiểu, nắm được những kiến thức trọng tâm của tác phẩm văn học. Hơn nữa, học sinh giỏi ngữ văn cần có tư duy chọn lọc được những dẫn chứng tiêu biểu cho bài văn của mình từ các tác phẩm. Tác phẩm văn học có thể chia thành hai mảng lớn: thơ và văn xuôi. Đầu tiên, chúng tôi điểm qua về thơ, bài thơ là một chỉnh thể được cấu trúc từ nhiều câu thơ. Các câu thơ trong bài thơ đều có nghĩa, có một vị trí nhất định trong cấu trúc của bài thơ.

Tuy nhiên sẽ có những câu thơ chất chứa được những điều tâm đắc của tác giả – nó là phần linh hồn của tác phẩm. Cũng như một bản nhạc, sẽ có màn dạo đầu, những âm điệu du dương và sẽ có đoạn điệp khúc – cao trào của cảm xúc, của bản nhạc. Văn chương cũng thế, nếu âm nhạc có sự rộn ràng, da diết của âm thanh làm cảm xúc cao trào thì trong văn chương nó là mạch sóng ngầm, cũng dữ dội cũng da diết nhưng là nằm ở sự cảm nhận tinh tế của độc giả. Ví dụ khi nghị luận về quan niệm mới mẻ về thời gian trong thơ Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng.

Trong bài thơ có cả một đoạn thơ về triết lý về thời gian :

Xuân Diệu nêu lên triết lý như một mệnh đề.

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
[..]
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,”

Tác giả dùng thủ pháp đối lập giữa cái hữu hạn và vô hạn, để cảm nhận được sự trôi qua nhanh chóng của thời gian:

“Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;”

Sự cảm nhận tinh tế bằng nhiều giác quan:

“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm.”

Như vậy trong mạch cảm xúc của bài thơ sẽ có nhiều câu thơ cùng thể hiện một ý chính nhưng sẽ xuất hiện một số câu thơ tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ học sinh cần có khả năng để nhận diện ra những câu thơ tiêu biểu ấy.

Tương tự như thế trong một tác phẩm văn xuôi. Văn xuôi sẽ có dung lượng nhiều hơn thơ rất nhiều, và có đặc trưng riêng của mình. Trong tác phẩm văn xuôi, học sinh cần nắm kĩ: chi tiết, tình tiết, nhân vật, cốt truyện… Một tác phẩm sẽ có rất nhiều tình tiết, một nhân vật sẽ có nhiều chi tiết. Ví dụ nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Tác giả đã dụng công xây dựng nhân vật trở thành nhân vật điển hình cho hình tượng người nông dân tha hóa trong xã hội trước Cách mạng tháng Tám.

Trong tác phẩm, rất nhiều tình tiết xung quanh Chí: tiếng chửi, rạch mặt ăn vạ, đi tù, người nông dân lương thiện với ước mơ “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, đến nhà Bá Kiến sau khi đi tù về, đêm trăng bên vườn chuối với Thị Nở, tỉnh dậy sau cơn say, đến nhà Bá Kiến sau khi bị Thị từ chối, những lời nói của Chí Phèo trước lúc giết Bá Kiến…

Khi nghị luận về bi kịch tha hóa của Chí Phèo nếu học sinh phân tích toàn bộ những vấn đề xoay quanh nhân vật sẽ không làm bật lên vấn đề trọng tâm. Khi nghị luận về sự tha hóa của Chí Phèo không thể bỏ qua các chi tiết Chí từ một người nông dân lương thiện: có ước mơ như bao người bình thường, cảm thấy khinh bà ba – vợ Bá Kiến lẳng lơ, tiếng chửi đầy uất ức – như một phương tiện giao tiếp của một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, vì không còn được đón nhận như một con người. Một bi kịch đáng thương khi bị từ chối quyền làm người. Người viết phải đi sâu phân tích sự tha hóa khi Chí Phèo đã và đang trở thành con quỷ dữ: nhân hình và nhân tính; hành động: uống rượu say, rạch mặt ăn vạ…

Sự tha hóa của Chí Phèo còn thể hiện qua chi tiết về sự thức tỉnh – tỉnh dậy sau những cơn say triền miên và ước muốn hoàn lương của Chí Phèo. Bài viết của học sinh không thể bỏ qua những lời nói:“Tao muốn làm người lương thiện…Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa…”. Những lời nói từ khẳng định, nghi vấn đến nhận ra mình không thể hoàn lương của Chí ở cuối tác phẩm.

Ở một số dạng đề nghị luận văn học khái quát về một giai đoạn văn học, về lịch sử, tiến trình văn học, cần chọn những tác phẩm tiêu biểu. Để có một sự chọn lọc sâu sắc, học sinh cần nắm rõ về tiến trình lịch sử văn học của từng giai đoạn: hoàn cảnh lịch sử, nội dung, nghệ thuật, tác giả, tác phẩm tiêu biểu của từng giai đoạn văn học. Học sinh có thể dễ dàng nhận ra một số tác giả tiêu biểu của các giai đoạn văn học qua các bài khái quát văn học cũng như sự chọn lọc tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong nhà trường trung học phổ thông hiện tại. Khi nghị luận về giai đoạn văn học Trung đại, học sinh bắt buộc phải nắm rõ về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và nội dung tác phẩm của các tác giả sau đây: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu đây là một số tác giả có nhiều đóng góp cho dòng chảy văn học, ngoài ra học sinh cần tìm hiểu tác phẩm của: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Bà huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm. Ngoài những tác phẩm trong chương trình, học sinh cần tìm hiểu, thuộc thơ, phân tích và cảm nhận một số bài thơ đặc trưng cho sáng tác của các tác giả để có một cái nhìn khái quát, đúng và đủ về các tác giả.

Để trở thành dẫn chứng tiêu biểu cần: trước hết là dẫn chứng phù hợp đạt tiêu chí đúng, sau đó cần có sự mới lạ, độc đáo. Học sinh cần có sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về các tác phẩm để đạt đến độ chín muồi, chọn lọc những chi tiết hay, có những phát hiện mới, cảm nhận sâu sắc về một đoạn trích, một tác phẩm văn xuôi, một đoạn thơ, một bài thơ, về một giai đoạn văn học và đối chiếu trong tiến trình lịch sử văn học.

Như vậy, người viết cần huy động tối đa kiến thức có được để chọn ra một số dẫn chứng cho vấn đề cần nghị luận. Từ đó, bằng năng lực của bản thân, người viết chọn lọc dẫn chứng từ đúng đến trúng để làm sáng tỏ vấn đề

Mặt khác, khi huy động kiến thức, chọn được dẫn chứng trúng, người viết cần khai thác dẫn chứng đó trên nhiều khía cạnh của vấn đề. Người viết cũng có  thể sử dụng một dẫn chứng tốt cho nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ

4. Số lượng dẫn chứng.

Trong khi lập luận, người viết cần đưa ra các luận cứ đủ để tạo nên sự thuyết phục cho vấn đề. Luận cứ trong lập luận bao gồm những lí lẽ và dẫn chứng. Như thế nào mới được xem là đủ số lượng dẫn chứng cho một lập luận? Dẫn chứng đủ được hiểu đầu tiên là dẫn chứng bao quát hết các khía cạnh của vấn đề. Tức là từ luận điểm, đến luận cứ là một quá trình triển khai ý, đưa ra được các khía cạnh của vấn đề thì dẫn chứng phải đủ để minh họa cho các khía cạnh đã nêu ra từ luận điểm.

Ví dụ: Phân tích biểu hiện của giá trị nhân đạo trong đề tài về người phụ nữ của văn học trung đại. Người viết cần huy động kiến thức về văn học sử của giai đoạn văn học trung đại, đồng thời huy động kiến thức về kiến thức văn học: tác giả nào viết về người phụ nữ, tác giả nào thể hiện được chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Song song đó cần nắm rõ khái niệm nhân đạo chủ nghĩa, những biểu hiện của nhân đạo để làm sáng tỏ luận điểm trên:

– Lên án phê phán xã hội phong kiến với những hủ tục lạc hậu: trọng nam khinh nữ, tam thê tứ thiếp và chiến tranh phi nghĩa. Và người phụ nữ không có tiếng nói trong xã hội tù túng, ngột ngạt ấy.

Dẫn chứng:

Có thể dẫn chứng những câu thơ của Hồ Xuân Hương
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”

Hoặc

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”

– Hay nỗi oan ức của Vũ Nương một phần là do tính cách đa nghi Trương Sinh và một phần chiến tranh phi nghĩa đã làm cho vợ chồng xa cách.

– Đồng cảm, xót thương cho thân phận người phụ nữ:

+ Khi nhắc đến đồng cảm xót thương, ai trong chúng ta dường như cũng nhớ đến áng thơ bất hủ – Truyện Kiều

“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

+ Hoặc tình cảnh đáng thương của người chinh phụ:

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”.

– Trân trọng ngợi ca những phẩm giá tốt đẹp của người phụ nữ: thủy chung, hy sinh, hiếu thảo…:

+ Thủy chung: Có thể lấy dẫn chứng Thúy Kiều qua sự nhớ thương Kim Trọng trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

+ Hiếu thảo: Dẫn chứng chi tiết Thúy Kiều bán mình chuộc cha.

+ Đức hạnh: Dẫn chứng Vũ Nương là người phụ nữ quán xuyến việc nhà, hết lòng vì gia đình chồng của Vũ Nương, thủ tiết chờ chồng

Như vậy việc đưa dẫn chứng trước tiên cần đúng, cần đủ cho các luận cứ mà người viết đưa ra. Tuy nhiên, dẫn chứng đủ không có nghĩa là nêu dẫn chứng tràn lan hay mang tính chất quân bình mà cần có trọng tâm, người viết cần kết hợp giữa điểmdiện, vừa đảm bảo đầy đủ các mặt, vừa tập trung vào một số điểm mấu chốt. Bao nhiêu luận cứ đưa ra để phục vụ cho luận điểm là có bấy nhiêu dẫn chứng cần có để làm sáng tỏ vấn đề.

Trong quá trình tạo lập văn bản nghị luận người viết cần chú ý tỉ lệ giữa dẫn chứng và lí lẽ. Cần có một sự cân đối hợp lý, người viết không nên đưa quá nhiều lí lẽ nặng nề, cũng không nên chỉ trích toàn dẫn chứng, ít lí lẽ sẽ khiến bài văn hời hợt, nửa vời chưa sâu sắc. Như vậy cần có sự linh hoạt trong việc trích dẫn dẫn chứng trong lập luận. Trong quá trình tạo lập văn bản nghị luận, không có một ai quy định con số dẫn chứng chính xác cho luận điểm. Chỉ có những quy ước ngầm mà những người viết văn cần biết. Khi viết văn nghị luận, người viết nên chọn hai đến ba dẫn chứng đối với vấn đề lớn, những luận điểm mang tính khái quát. Đối với những luận điểm nhỏ hơn thì hai dẫn chứng là vừa phải, phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang