Kỹ năng phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận tác phẩm thơ – Luyện thi học sinh giỏi văn

ky-nang-phan-tich-dan-chung-trong-bai-van-nghi-luan-tac-pham-tho-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-van

Kỹ năng phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận tác phẩm thơ – Luyện thi học sinh giỏi văn

1. Phân tích ngôn ngữ thơ:

Những từ ngữ đắt, trọng tâm, là linh hồn của tác phẩm. Một đoạn thơ/ bài thơ được cấu trúc từ nhiều từ ngữ nhưng không phải từ ngữ nào cũng có thể trở thành dẫn chứng để người viết phân tích.

Ví dụ: Phân tích ngôn từ đặc sắc trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

– Tái hiện dẫn chứng: Khi phân tích dẫn chứng trên bình diện “nhãn tự” hay nội dung, người viết cũng không thể bỏ qua từ hồng.

– Ấn tượng, nhận xét đánh giá: “Một chữ hồng mà đủ sức để cân lại với 27 chữ thơ kia, nó làm sáng cả câu thơ, cả bài thơ. Nó là nhãn tự (chữ mắt) của bài thơ”. (Hoàng Trung Thông)

– Cơ sở/ ý nghĩa của việc đánh giá: Hình ảnh Cô em xóm núi xay ngô tối hiện lên thật đẹp trong câu thơ, và càng đẹp hơn là ánh lửa hồng trong lò than đã tỏa ấm và sáng tất cả, đẩy lùi bóng tối và sự lạnh lẽo của cảnh chiều tối nơi núi rừng. Ngỡ như ngọn lửa hồng đang hắt lên khuôn mặt cô gái làm cho khuôn mặt cô càng thêm rạng rỡ. Tứ thơ chuyển đổi nhờ một chữ “hồng” làm sáng cả bài thơ, đem sự ấm nồng và sức sống đến cho tác phẩm… Nhưng do đâu mà có được nhãn tự đó? Do đâu mà một chữ “hồng” đã làm cho người đọc cảm nhận được cái “thần” của bài thơ, linh hồn của bài tứ tuyệt? Chính là do trong lòng thi nhân cũng có một ngọn lửa hồng rực sáng như vậy: ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, tình yêu con người không bao giờ tắt trong lòng nhà thơ Hồ Chí Minh. Ngay cả những lúc mà cuộc sống của người tù ấy không còn nữa, thì tình yêu ấy vẫn còn, và chất thơ vẫn trào lên để kết tụ lại thành một chữ “hồng” tuyệt đẹp.

2. Phân tích nhân vật trữ tình:

Nhân vật trữ tình là nơi bộc lộ suy nghĩ và tình cảm, tâm trạng và cảm xúc trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình có khả năng bộc lộ mình qua giọng điệu, cảm xúc, cách cảm, cách nghĩ. Giữa nhân vật trữ tình và nhà thơ có sự thống nhất, có mối quan hệ mật thiết.

Ví dụ: Nhân vật trữ tình trong Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du

– Tái hiện dẫn chứng: Bài thơ là tiếng lòng của Nguyễn Du cảm thông, xót thương cho số phận đáng thương của Tiểu Thanh và cũng là tiếng khóc mà ông dành cho mình:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

– Ấn tượng, nhận xét: Từ xưa đến nay, có một nỗi oan cho những người hồng nhan lại bạc mệnh, tài hoa cũng thế. Nguyễn Du tự xem mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh những người “phong vận” luôn phải mắc những nỗi oan lạ lùng. Từ đó ông khóc cho chính mình.

– Cơ sở/ ý nghĩa của những nhận xét: Nguyễn Du cách Tiểu Thanh 300 năm, ông khóc cho nàng, thương cho số phận hồng nhan bạc mệnh của nàng. Và nghĩ đến số phận của mình – nhân vật trữ tình bộc lộ một nỗi xót thương cho chính bản thân mình. Thương cho số phận của những người có tài trong xã hội lúc bấy giờ:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

3. Phân tích hình ảnh, chi tiết:

Một trong những đặc trưng quan trọng của văn chương là tính hình tượng. Các tác giả phản ánh hiện thực thông qua lăng kính của mình bằng hình tượng trong tác phẩm. Trong các thể loại: kịch, tự sự và trữ tình. Trữ tình là thể loại mà tác giả sử dụng nhiều hình ảnh hơn cả.

Qua việc sử dụng hình ảnh, tác giả truyền tải một thông điệp, một ý nghĩa sâu sắc mà đòi hỏi năng lực tiếp nhận của người viết. Chính vì vậy, khi học sinh chọn dẫn chứng là hình ảnh thơ cần chỉ ra cụ thể là hình ảnh gì? Hình ảnh đó tượng trưng cho điều gì? Ý nghĩa của hình ảnh trong vấn đề nghị luận, đối với đoạn thơ/ bài thơ.

Ví dụ: Chọn dẫn chứng là hình ảnh trong bài thơ của thiền sư Mãn Giác:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

– Tái hiện dẫn chứng thơ: Trong bài thơ có sự xuất hiện của các hình ảnh: hoa lạc, hoa khai, đặc biệt hình ảnh nhất chi mai đầy ý nghĩa biểu trưng.

– Ấn tượng, nhận xét: Hai câu cuối của bài kệ đã nói lên cái chân lý cuộc sống ấy. Sự tinh diệu mà nhà sư gợi nhắc cho đệ tử là cái chết không phải là điểm tận cùng mà là chỉ là điểm chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, giữa hai khoảng thời gian, không gian được người đời quy ước bằng sự bắt đầu và sự kết thúc và lại để bắt đầu. Giác ngộ được chân lý sống cần sự lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống. Cành mai hay cành mơ trắng đã phải chịu cái giá rét khắc nghiệt của mùa đông mới có thể nở rực rỡ vào mùa xuân. Thì con người chúng ta cũng có lúc phải trải qua khổ đau, đắng cay nhưng không cho phép mình bỏ cuộc trước những khó khăn ấy.

– Cơ sở/ ý nghĩa của những đánh giá: Hình ảnh cành mai là một hình ảnh có tính tượng trưng cao. Mùa xuân đi rồi mùa xuân trở lại. Cành mai mới nở trong đêm chính là sự sống trở lại, cũng như dòng thời gian bất tận luân hành.

4. Phân tích nhạc tính, nhịp điệu, giọng điệu:

Một trong những đặc trưng quan trọng khi phân tích thơ cần chú ý là âm thanh. Từ thời văn học dân gian những điệu hò, câu hát từ ca dao đã rất quen thuộc. Trong thơ luôn dạt dào tính nhạc. Vì lẽ đó, khi phân tích dẫn chứng thơ, người viết cần chú ý âm thanh, nhịp điệu trong thơ. Âm thanh, nhịp điệu là một trong những yếu tố cần để làm bật nên dụng ý của tác giả.

Ví dụ: Nhịp thơ trong 2 đoạn thơ sau:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng. Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Nhịp thơ chậm rãi, như nhịp sóng gợn. Nỗi buồn lan tỏa vào những con sóng → Tâm trạng u buồn Nhịp thơ nhanh, vội vàng thể hiện ước muốn táo bạo, dứt khoát →Tâm trạng có phần vui.

Nhịp điệu trong thơ còn được thể hiện qua việc sử dụng thanh âm bằng trắc: Với câu thơ xuất hiện nhiều thanh bằng sẽ đem lại cảm giác êm ái. Ngược lại, các câu thơ sử dụng nhiều thanh trắc sẽ tạo cảm giác trúc trắc, gập ghềnh nặng nhọc cho câu thơ.

Ví dụ:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Hai câu thơ đa phần là thanh trắc tạo cảm giác thực của chặng đường đèo núi rất gian nan hiểm trở trên đường hành quân.

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Hai câu thơ đa phần là thanh bằng tạo cảm giác êm dịu sau, như thở phào nhẹ nhõm sau khi vượt được một con dốc cao thăm thẳm.

Hay việc vận dụng ngữ âm trong phân tích ngôn ngữ thơ: âm kín, âm mở để tạo độ vang cho cuối câu thơ:

Tái hiện dẫn chứng: Tố Hữu đã vận dụng ngôn từ rất tài tình :

Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn

(Em ơi… Ba Lan – Tố Hữu)

– Ấn tượng và nhận xét: Hai câu thơ là cách nhìn bức tranh thiên nhiên hướng tới cảm xúc, gợi lên bức tranh thiên nhiên với rất nhiều gam màu tươi sáng. Đó là màu trắng của sương tuyết, màu của hàng cây bạch dương và màu của nắng, có lẽ là rất vàng để những gam màu kia dù là trắng nhưng cũng vẫn thật ấm áp. Sắc màu của sự sống như đang lan tràn, tràn ngập ra khắp xung quanh, tràn vào trong lòng thi nhân, trong tiếng reo vui đầy hứng khởi. Tiếng reo vui hân hoan cũng là một lời san sẻ với người mình yêu thương, với quê hương, đất nước mình.

– Cơ sở / ý nghĩa của những nhận xét: Tác giả sử dụng vần “an” ở cuối câu thơ: tan, tràn, đàn mở ra một. Khi nói đến ngữ âm, người ta nói đến các đơn vị cấu tạo nên nó là âm vị, hình vị và từ. Những yếu tố này ở những cấp độ khác nhau đã làm nên giá trị trong thơ văn. Có thể nhận thấy, hai câu thơ mang âm hưởng chung như một tiếng reo vui trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp, mới lạ nơi nước bạn xa xôi. Câu thơ được mở ra với toàn là những âm mở: “an, ang, ơi”. Đây là những âm có độ mở khẩu hình lớn nhất trong tiếng Việt. Nó là những âm sáng, gợi cảm giác tươi vui, rộng mở. Ta đã được nghe những bài thơ có vần tương tự như:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Cũng là vần “ơi”, cũng gợi ra độ rộng mở, tiếng gọi của bốn câu thơ mang một cảm xúc giống nhau: vui tươi, hứng khởi. Và cảnh thiên nhiên như được chuẩn bị sẵn để xuất hiện trong tiếng gọi đầy tươi sáng.

5. Phân tích cấu tứ:

Tứ thơ là ý tưởng ban đầu để từ đó nhà thơ xây dựng bài thơ. Tứ thơ là kết quả của cảm hứng sáng tác của nhà thơ. Cấu tứ là sự kết hợp giữa hình tượng và ý nghĩa sao cho sự thể nghiệm về hình tượng càng nhiều thì càng khơi sâu thêm nhiều ý nghĩa. Cấu tứ là cách hài hòa ý tưởng, cảm xúc và hình ảnh, sáng tạo một cái tứ độc đáo làm bài thơ linh động, trở nên có hồn. Khi phân tích một bài hay đoạn thơ cần chú ý cấu tứ. Chính vì thế, học sinh giỏi Ngữ văn cần rèn luyện để trở thành kĩ năng của mình.

Ví dụ: Tứ thơ trong Tràng Giang của Huy Cận.

– Tái hiện dẫn chứng: Tràng Giang mở ra một không gian mênh mông: vừa dài, vừa rộng đúng chất “mang mang thiên cổ sầu”, như nỗi buồn của một thuở xa xưa nào đó.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”

– Ấn tượng và nhận xét: Trong cảnh buổi chiều, thiên nhiên cao rộng như mang theo một nỗi buồn, nỗi buồn như thấm thía trong sâu thẳm từng sự vật trong buổi chiều hôm ấy, vào cả linh hồn của tạo vật. Người đọc có thể cảm nhận được nỗi buồn của nhà thơ.

– Cơ sở/ ý nghĩa của những nhận xét: Nỗi buồn ấy là nỗi buồn của cảnh vật, sự choáng ngợp của không gian sông dài, trời rộng, bến cô liêu. Nỗi buồn ấy còn là nỗi buồn của một thế hệ thanh niên bị mất nước. Đó còn là nỗi sầu của một thế hệ Thơ mới, cái tôi bơ vơ nhưng đằng sau ấy là một tình yêu quê hương, đất nước tha thiết.

6. Phân tích các biện pháp tu từ:

Để tạo nên tính hàm súc, tính đa nghĩa trong văn chương, đặc biệt là tác phẩm thơ. Hệ thống các biện pháp tu từ là một công cụ đắc lực để tác giả xây dựng ý đồ trong thơ. Vì thế khi phân tích thơ học sinh cần chú ý kĩ các biện pháp tu từ: ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, so sánh, điệp từ/điệp ngữ, nói quá…và nắm kĩ hiệu quả của từng biện pháp tu từ để áp dụng vào phân tích dẫn chứng.

Ví dụ: Phân tích dẫn chứng về sử dụng biện pháp tu từ:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.

(Tương tư – Nguyễn Bính)

– Tái hiện dẫn chứng: Tác giả sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ để nói về nỗi nhớ của mình với cô gái: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người.

– Ấn tượng và nhận xét: Bằng cách ví von vừa gần lại vừa xa của một chàng trai chân quê. Nguyễn Bính đã mở đầu bài thơ bằng nỗi nhớ người mình thầm thương trộm nhớ rất đáng yêu.

– Cơ sở/ ý nghĩa của những nhận xét: Thôn Đoài, Thôn Đông là những địa danh, nơi mà nàng và chàng ở. Với việc sử dụng phép hoán dụ lấy vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng. Cách nói này để không bị ngại ngùng vừa thú nhận vừa không dám thú nhận. Tác giả chọn cách bộc lộ nỗi nhớ rất phù hợp, đậm chất “chân quê” của phong cách sáng tác Nguyễn Bính và tâm lí nhân vật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.