Vai trò của dẫn chứng trong bài NLVH của học sinh giỏi – Luyện thi học sinh giỏi văn
1. Dẫn chứng là mắt xích quan trọng trong mạch lập luận, thể hiện tư duy sắc bén người làm văn.
Bản chất cốt lõi của văn nghị luận chính là cách thức người viết sử dụng lí lẽ để thuyết phục người khác. Vì vậy luận điểm, luận cứ phải có sự liên kết, xâu chuỗi chặt chẽ theo một quan điểm nhất định để người đọc hiểu và tin ở những vấn đề mà người viết muốn hướng tới. Với bài NLVH của học sinh giỏi, tính tư duy logic càng được thể hiện rõ. Vì vậy, lập luận phải có lí lẽ, dẫn chứng phải cụ thể, xác thực, người viết phải có năng lực trình bày, phân tích, đánh giá làm sáng tỏ mục đích nghị luận.
Hai thành tố quan trọng làm nên quá trình lập luận đó là luận điểm, luận cứ. Luận điểm thường là một nhận định, một ý kiến khái quát chủ đề của cả đoạn văn. Đó chính là đích đến của lập luận được khẳng định và nhấn mạnh. Luận cứ là những lí lẽ và dẫn chứng làm cơ sở cho luận điểm. Luận điểm sẽ được cụ thể hóa trong luận cứ hoặc luận điểm có thể được rút ra từ lí lẽ và dẫn chứng. Trong đó luận cứ lại bao gồm lí lẽ và dẫn chứng có quan hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Quá trình tư duy thông thường sẽ đi từ những dẫn chứng cụ thể kết hợp với lĩ lẽ sau đó mới hình thành nên luận điểm. Khi đó quá trình tư duy được sắp xếp, có sự chuẩn bị để hình thành văn bản. Ngược lại trong quá trình viết bài văn nghị luận, người viết thường nêu luận điểm trước, sau đó dùng luận cứ để chứng minh. Dù phát triển vấn đề nghị luận theo hướng nào thì luận điểm đều có tác dụng thâu tóm luận cứ và luận cứ là nền tảng, cơ sở để hình thành luận điểm.
Vì vậy, trong bài NLVH của học sinh giỏi, luận cứ, luận chứng càng chân thực, điển hình, phong phú thì mối liên hệ logic giữa nó với luận điểm càng chặt chẽ, càng thể hiện năng lực lập luận của người viết. Xét về ý nghĩa đó, mức độ sâu sắc của luận cứ tỉ lệ thuận với mức độ được chứng minh của luận điểm. Tức là luận cứ mạnh thì luận điểm thuyết phục, luận cứ yếu thì luận điểm mờ nhạt.
Ví dụ:
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều bằng cả trái tim và tâm hồn mình. Ông đã thương cho nỗi đau đời của người con gái “pha nghề thi hoa đủ mùi ca ngâm” ấy, khi đứt ruột trao đi mối tình đầu của mình. Duyên đã trao mà tình không dứt, đó là bi kịch của tình yêu “giữa đường đứt gánh” của Thúy Kiều và Kim Trọng. Ông còn đau đáu, tủi hờn cho số phận của nàng khi sống ở lầu xanh nhục nhã, ê chề với nỗi cô đơn cùng cực, không thể san sẻ cùng ai, một mình mình biết, một mình mình hay.
“ Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai”
Đó không chỉ là những lời giãi bày, lời than của Thúy Kiều mà dường như còn là tiếng nói tình cảm của cụ Nguyễn. Mộng Liên Đường từng nói “Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên trang giấy khiến ai đọc cũng phải xót xa, ngậm ngùi, đau đớn như đứt từng khúc ruột”. Phải nhập thân vào nhân vật thế nào, phải có trái tim đau đời, đau người như thế nào, cảm xúc phải trào dâng như thế nào, Nguyễn Du mới viết được Truyện Kiều hay đến thế. (Bài làm của học sinh)
Trong đoạn văn trên, câu in đậm là câu nêu luận điểm. Các câu còn lại là luận cứ được huy động để làm sáng tỏ luận điểm. Luận điểm đó có được sự đồng thuận hay không phụ thuộc vào lí lẽ và dẫn chứng sau đó. Cách nêu dẫn chứng theo lối trích dẫn nguyên văn câu thơ hoặc lồng ghép một số ý thơ tiêu biểu một cách đa dạng và linh hoạt. Người viết đã khéo léo sử dụng những dẫn chứng điển hình cho những bi kịch cuộc đời của nàng Kiều cũng như tâm sự tấm lòng của Nguyễn Du gửi gắm qua tác phẩm. Cách dẫn dắt “không những … mà còn” giúp dẫn chứng được nêu ra một cách phong phú. Đồng thời người viết còn kết lại bằng câu nói của Mộng Liên Đường nhằm nhấn mạnh tính đúng đắn của luận điểm. Đây là cách viết có tiền đề, kết đề chặt chẽ.
Luận cứ lí lẽ và luận cứ dẫn chứng thường được trình bày đan xen nhau. Quan hệ giữa hai loại luận cứ này là quan hệ tương hỗ. Lí lẽ được sáng tỏ thông qua dẫn chứng và ngược lại, dẫn chứng chứng minh tính đúng đắn của lí lẽ. Lí lẽ được trình bày theo các thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, phân tích…) và quy luật logic (quan hệ tương phản, nguyên nhân – kết quả, điều kiện – kết quả…). Dẫn chứng được trình bày theo nhiều cách: dẫn nguyên văn cả câu, cả đoạn hoặc một văn bản ngắn; trích dẫn nguyên văn, trích dẫn một số từ, tóm lược ý chính. Cách trình bày lí lẽ và dẫn chứng phải có sự kết hợp linh hoạt với nhau để tạo nên tính hợp lí và hoàn chỉnh. Mỗi cách trình bày luận cứ đều thể hiện một ý thức tổ chức, lựa chọn và sắp xếp của người viết. Trình bày luận cứ góp phần không nhỏ vào việc thể hiện ý đồ lập luận trong bài văn nghị luận.
2. Dẫn chứng thể hiện vốn kiến văn sâu rộng, lối viết văn phóng khoáng góp phần mở rộng biên độ ý nghĩa của bài viết.
Dẫn chứng là sự tổng hợp và chắt lọc những kiến thức của người viết. Trong quá trình làm bài người viết phải huy động và xử lý vốn kiến thức này. Vì vậy vốn kiến văn càng sâu rộng, dẫn chứng trong bài làm càng phong phú, mới mẻ, sâu sắc, càng thể hiện rõ năng lực của người học văn.
Đối với học sinh giỏi, yêu cầu dẫn chứng phải thực sự phong phú thì mới có thể chủ động, mạnh dạn, phóng khoáng trong bài viết. Ngược lại vốn dẫn chứng nghèo nàn, ít ỏi khiến bài văn trở nên khô khan, không có tính cụ thể để từ đó khái quát nên luận điểm của vấn đề nghị luận. Vì vốn kiến văn hạn hẹp, người viết ít có sự lựa chọn nên dễ sa vào lỗi khuôn ép dẫn chứng sao cho phù hợp với luận điểm bài viết vì thế luận cứ đưa ra trở nên khiên cưỡng.
Ví dụ:
Đề bài: “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ” (Andre Chenien). Qua tác phẩm văn học trung đại đã học, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Học sinh đã lấy ra được những ý kiến khác nhau của các nhà văn nổi tiếng trong nước và ngoài nước, phương Đông và phương Tây làm dẫn chứng, để dẫn dắt, đối chiếu và khẳng định vấn đề một cách toàn diện hơn:
Lỗ Tấn – một nhà văn Trung Quốc đã từng nói rằng: “Chuyện văn chương muôn đời vẫn thế, được hay mất cốt ở tấm lòng”. Hay Nguyễn Du – một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn cũng từng khẳng định: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Phải chăng, cả Lỗ Tấn, cả Nguyễn Du đều muốn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tình cảm, cảm xúc trong thơ. Và ta cũng thấy được sự giao thoa đồng điệu trong tâm hồn của những người nghệ sĩ phương Đông với nhà thơ phương Tây – Andre Chenien “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ”.(Bài làm của học sinh)
Bằng vốn hiểu biết sâu rộng, học sinh đã tìm ra những điểm chung trong tâm hồn của người nghệ sĩ muôn đời không phân biệt ranh giới quốc gia dân tộc:
Tâm hồn nhà thơ chính là cửa ải để hiện thực cuộc sống bước vào trong thơ. Bằng trải nghiệm của lòng mình, bằng sự nhập thân giữa nhà thơ với cuộc đời, chính hương phấn cuộc đời và tâm hồn nhà thơ đã giao thoa mà làm nên nghệ thuật. Trên đỉnh núi Ôđense kì diệu, nơi có những vòm hoa thạch thảo tim tím nên thơ, Andersen đã nhặt lấy những hạt giống trên luống đất của người dân chài mà dệt lên những bài ca bất diệt. Những phù sa của một dòng sông Mississippi miền tây nước Mĩ đã bồi đắp, bồi đắp mãi cho trang văn Mark Twain. Để rồi bây giờ hơi ấm và chất mặn nồng của con người miền Tây vẫn ám ảnh ta, gợi cho ta nhớ về những chuyến phiêu lưu, những con người ưa mạo hiểm. Cả Anđersen, cả Mark Twain đều tìm đến với cuộc đời, một cuộc đời mà mình gắn bó yêu thương để làm nên các tác phẩm bất hủ. Và Nguyễn Du cũng vậy, ông đã từng rung lên vì xã hội đương thời lúc bấy giờ, một xã hội rối ren, bế tắc, xã hội đồng tiền. Như Chế Lan Viên trong bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” đã từng viết về thời đại Nguyễn Du sống:
“Ông cha ta từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”
Ví dụ: Khi phân tích về cuộc chia ly giữa “mình – ta” trong đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu, học sinh có sự liên tưởng đến những cuộc chia ly trong ca dao, trong Truyện Kiều, trong những cuộc chia ly của văn học cách mạng khác để từ đó thấy được tính dân tộc cũng như giọng điệu riêng của Tố Hữu:
Cuộc ra đi của người lính cách mạng bỗng hóa yêu thương quyến luyến như chinh phu – chinh phụ, chàng – thiếp của những ngày xưa. Và đã là những cuộc chia li, thì trong văn học dường như ít ai không mượn đến hình ảnh cái khăn, cái áo. Ngay từ ca dao:
“Áo xông hương chàng vắt mắc
Đêm em nằm, em đắp dành hơi”
đến cả cuộc chia li của nàng Kiều với chàng Thúc năm xưa “người lên ngựa, kẻ chia bào”. Ấy thế mà, cái áo trong thơ Tố Hữu vẫn có điểm mới. Không phải áo xông hương, áo bào sang trọng mà là chiếc áo chàm. Nếu chỉ hiểu đơn giản là sắc áo dân tộc, cũng đúng, nhưng lại hạ thấp giá trị của câu thơ đi. Chàm là màu không phai khó nhạt. Ta mượn cái màu áo chàm để nói cái sắc lòng thủy chung son sắt của những người Cách mạng -ấy mới là cách đánh giá đúng câu thơ.Và ngay cả cái cầm tay cũng quen thuộc quá:
“Nhủ rồi tay lại cầm tay
ước đi một bước, giây giây lại dừng”
(Chinh phụ ngâm)
“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
(Đồng chí)
Nhưng cái cầm tay của Tố Hữu là tình quân dân vẫn thật chặt. Và cái dấu ba chấm – khoảng nặng vô ngôn mà dư tình trong thi ca, cũng đã diễn tả sự “biết nói gì hôm nay” – sự quyến luyến, bồi hồi trong phút chia tay của những người đã quá mực thân quen. Đó chính là cuộc chia li trong Việt Bắc.
Vì vậy, biết sử dụng những dẫn chứng để liên hệ, mở rộng có hiệu quả đã thể hiện vốn kiến văn sâu rộng, sự miệt mài trau dồi kiến thức trong quá trình học văn.
Tóm lại, dẫn chứng có vai trò vô cùng quan trọng trong bài NLVH của học sinh giỏi. Thông qua những dẫn chứng được sử dụng trong bài, ta sẽ đánh giá được tư duy, vốn kiến thức, kĩ năng làm văn của người viết. Xét đến cùng, năng lực sử dụng dẫn chứng ấy có được là nhờ quá trình lựa chọn dẫn chứng xác đáng, phân tích dẫn chứng hiệu quả, xâu chuỗi dẫn chứng hợp lí, tạo thành một mạch chung có tính hệ thống làm cơ sở cho lập luận, làm sáng tỏ luận điểm trong bài viết. Cho nên, đề cao vai trò của dẫn chứng, chính là đề cao vai trò của kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong bài NLVH nói chung và NLVH của học sinh giỏi nói riêng.