Rèn luyện năng lực tích lũy dẫn chứng khi làm bài văn nghị luận – Luyện thi học sinh giỏi văn

ren-luyen-nang-luc-tich-luy-dan-chung-khi-lam-bai-van-nghi-luan-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-van

Rèn luyện năng lực tích lũy dẫn chứng khi làm bài văn nghị luận – Luyện thi học sinh giỏi văn

1. Tích lũy dẫn chứng.

* Tích lũy dẫn chứng thường xuyên:

Vì sức mạnh của dẫn chứng ngang bằng lý lẽ, đôi khi còn mang tính thuyết phục cao hơn lý lẽ trong bài làm văn của người học sinh,  cho nên trước khi có một bài viết hay cần chú ý đến việc lựa chọn dẫn chứng. Để có thể lựa chọn được dẫn chứng phù hợp các yêu cầu của bài NLVH, người viết phải có một gia tài dẫn chứng giàu có, phong phú. Gia tài này hình thành thông qua việc đọc, phải đọc nhiều, ghi nhớ nhiều, phải có trong mình hàng ngàn vạn sách mới thâu về trong một vài bài viết mà thôi. Phải có trong đầu hàng trăm câu thơ, mới có thể chọn để trích một vài câu thơ thích hợp. Phải sở hữu hiểu biết về nhiều tác phẩm hay, mới có thể nhận ra giá trị của một tác phẩm đích thực. Vì vậy, người viết phải học cách tích lũy dẫn chứng thông qua việc đọc thường xuyên. Sự trau dồi, tìm hiểu, ghi chép dẫn chứng từ nhiều nguồn khác nhau trong quá trình tự đọc, tự mở rộng vốn kiến văn của mình là phẩm chất cần có của học sinh giỏi văn.

Ví dụ, khi nghị luận về phong cách sáng tác, quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, bài viết của học sinh giỏi văn cần phải biết  liên hệ với những dẫn chứng khác trong truyện ngắn Bức tranh, Bến quê, Mảnh trăng cuối rừng, tiểu thuyết Dấu chân người lính, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành… để thấy được sự vận động, phát triển trong cái nhìn hiện thực cuộc sống và con người của tác giả qua các thời kì khác nhau. Khi nghị luận về đoạn trích Việt Bắc của tác giả Tố Hữu, học sinh giỏi phải có ý thức tìm tới để mở rộng dẫn chứng trong các bài thơ khác trong tập thơ Việt Bắc, so sánh với các tập thơ khác như Từ ấy, Ra trận, Máu và hoa…để thấy sự thống nhất và phát triển của đời thơ Tố Hữu trong mối quan hệ với cách mạng dân tộc.

* Tích lũy dẫn chứng một cách hệ thống, chính xác:

Để có được dẫn chứng phong phú, để lựa chọn và vận dụng linh hoạt, huy động nhanh trong quá trình triển khai bài viết, người viết cần có ý thức tích lũy dẫn chứng thường xuyên một cách có hệ thống, theo cách thức của mình dưới sự hướng dẫn và đánh giá của giáo viên. Học sinh sẽ tích lũy dẫn chứng trong một cuốn sổ tay hoặc một file lưu trữ điện tử.

– Để việc đọc và tích lũy không lan man, ôm đồm, học sinh sẽ được hướng dẫn danh mục tài liệu và tác phẩm cần đọc đối với mỗi yêu cầu kiến thức, mỗi chặng học tập  .

VD: Học về văn học trung đại Việt Nam, người học sẽ được giao nhiệm vụ đọc các tài liệu: Giáo trình văn học trung đai VN, Thi pháp văn học trung đại, Văn học trung đại dưới góc nhìn văn hóa, Thơ Nôm Đường luật, Văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam, Thơ văn Lý Trần dưới góc nhìn thể loại… Đọc để thấy: một cái nhìn khái quát về lịch sử VN thời phong kiến với những ảnh hưởng như thế nào đến văn học; một hiểu biết về tính chất giao thoa giữa văn học với các lĩnh vực văn hóa, chính trị, tư tưởng của con người thời đại; một hình dung về đặc trưng thi pháp giúp tiếp cận, giải mã các hiện tượng văn học trung đại; một hiểu biết tổng thể về đặc điểm một số thể loại đặc thù của văn học; những tác giả tiêu biểu với những đóng góp có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của văn học… Những yêu cầu đọc này không chỉ giúp người học nắm bắt về văn học trung đại, mà còn là sự chuẩn bị để trên nền kiến thức đó, người học sẽ huy động dẫn chứng để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận khi làm bài như: đặc trưng văn học, chức năng văn học, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ,… Người học cũng sẽ được gợi ý tự tìm kiếm tài liệu trên mạng hoặc từ những nguồn kiến thức khác để nâng khả năng tự tích lũy thành một nhu cầu thiết thân.

Học về tác giả Nam Cao, người học được giao nhiệm vụ đọc các tài liệu như: Tuyển tập Nam Cao, Nam Cao tác giả, tác phẩm; Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam; Nhà văn hiện đại Việt Nam, chân dung và phong cách; Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn;… Đọc để nắm bắt những ảnh hưởng thời đại, quê hương, gia đình, con người đến văn nghiệp của Nam Cao; tạo vốn hiểu biết về tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nhà văn trên các đề tài và thể loại khác nhau, ở những giai đoạn nối tiếp có sự thống nhất và biến đối như thế nào; ghi nhớ những đánh giá, nhận xét của các nhà nghiên cứu về Nam Cao; thấy những minh chứng cho các đặc điểm phong cách của nhà văn tài năng qua thế giới nghệ thuật nhà văn sáng tạo nên.  Những yêu cầu trên vừa định hướng cho việc đọc tích lũy dẫn chứng vừa là gợi ý để học sinh có tinh thần chuẩn bị sẵn sàng khi bàn luận những vấn đề liên quan đến đánh giá về tác giả, thời đại văn học, phương pháp sáng tác; hay làm sáng tỏ các vấn đề lý luận như: nhà văn và quá trình sáng tạo, chức năng văn học, phong cách nghệ thuật, tiếp nhận văn học, các quy luật của văn học,…

– Hành trình đọc là cả một quá trình dài, và sự tích lũy cũng như vậy. Để tích lũy được khoa học, hệ thống, thuận lợi cho quá trình sử dụng dẫn chứng trong các bài viết thực hành, người học nên có sự phân loại theo các chủ điểm. Dưới đây là một số gợi ý:

+ Nhận định về văn học của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, của chính các tác giả văn học: về thơ, về văn xuôi, về các đặc trưng và chức năng văn học, về thiên chức người nghệ sĩ…

+ Đề tài: Thiên nhiên, chiến tranh, tôn giáo, tình yêu,..

+ Chủ đề: tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, chí hướng làm trai, tình cảm nhân đạo,…

+ Hình tượng: người lính, người nông dân, hình tượng người trí thức phong kiến, hình tượng nhà nho ẩn cư, hình tượng trăng, dòng sông, sóng, biển,…

+ Kiểu sáng tác: cổ điển, lãng mạn, hiện thực,…

+ Mô típ: trong ca dao ( thân em, cây cầu, …); trong cổ tích (  hóa thân, ông Bụt bà Tiên và phép màu, kết thúc, nhân vật chính được làm hoàng hậu hoặc phò mã con vua,…); trong truyện hiện đại (người hóa vật, đồ vật,…)

+ Biểu tượng: trong văn học dân gian ( trúc –mai; mận- đào; trầu cau,…); trong văn học trung đại( những biểu tượng ước lệ tùng cúc trúc mai,…); trong văn học hiện đại ( sáng tạo biểu tượng mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ ( thơ Hàn Mặc Tử, thơ Chế lan Viên).

+ Quan niệm: về con người, về cái đẹp, về tôn giáo, về tình yêu, về lý tưởng.

+ Cách miêu tả: thiên nhiên, con người, hiện thực đời sống.

+ Chi tiết nghệ thuật cùng loại: trong thơ, trong văn xuôi.

– Các ghi chép tích lũy đặc biệt chú ý dẫn nguồn chính xác.

* Rèn kỹ năng xử lý dẫn chứng ngay trong quá trình tích lũy:

Nguồn dẫn chứng mà người học có thể tiếp cận qua việc đọc là lớn rộng vô cùng, ngoài việc ghi chép theo định hướng, giáo viên sẽ gợi ý người học viết đoạn văn ngắn từ 3-5 câu để tái hiện- bình giá dẫn chứng theo các định hướng hoặc theo sự chuẩn bị của người học cho một kiểu dạng đề nghị luận văn học nhất định.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.