y-nghia-cua-the-loai-van-hoc

Ý nghĩa của thể loại văn học

Ý nghĩa của thể loại văn học

Thể loại văn học rất có ý nghĩa đối với sáng tác, vì mỗi thể loại một khi đã hình thành là vạch ra một hướng đi, khơi một dòng cho mạch cảm xúc của con người tuôn chảy. Các nhà văn khi tràn trề cảm xúc, không thể không tìm một con đường, một khuôn mẫu để biểu. Khi đặt vấn đề viết cái gì và viết như thế nào, lập tức vấn đề lựa chọn thể loại đặt ra. Ngay chọn thể loại thơ rồi thì cũng phải tiếp tục chọn hình thức thơ nào? Đường luật, lục bát hay thơ tám chữ, thơ tự do hay thơ văn xuôi, … Khi đã chọn được thể loại thì mọi ý đồ, sắp xếp, lựa chọn tài liệu, cấu tứ, nội dung hình ảnh,… đều nương tựa vào khuôn khổ thể loại.

Phương Lựu cho rằng: “Thể loại tác phẩm văn học là một hiện tượng loại hình của sáng tác và giao tiếp văn học, hình thành trên cơ sở sự lập lại có quy luật của các yếu tố tác phẩm. Đó cũng là cơ sở để người ta tiến hành phân loại tác phẩm. Nhưng thể loại tác phẩm không giản đơn chỉ là loại hình và lặp lại. Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là tính độc đáo không lặp lại. Sự vận động cuộc sống cũng luôn sản sinh và làm biến động các giới hạn phản ánh, đổi mới các kênh giao tiếp và làm biến động các giới hạn phản ánh, đổi mới các kênh giao tiếp và làm cho chúng tác động vào nhau, đan bện vào nhau trong các tác phẩm nghệ thuật độc đáo”. Nếu muốn trình bày bức tranh thời đại rộng lớn hoặc quá trình cuộc sống với nhiều trạng thái phong phú, đa dạng, nhà văn chắc chắn phải dùng thể loại tiểu thuyết.

Trong thể loại tác phẩm văn học bao giờ cũng có sự thống nhất, quy định lẫn nhau của các loại đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình thức nhân vật, hình thức kết cấu và hình thức lời văn. Nhà văn là người làm nên giá trị của tác phẩm và đều có sở trường của thể loại khác nhau. Trần Đình Sử quan niệm: “Thể loại không phải là yếu tố nằm ngoài nhà văn, mà nằm trong ý thức nghệ thuật, trong cơ cấu cảm xúc của nghệ sĩ, làm thành cái gọi là “tư duy thể loại”. Có nhà thơ suốt đời không làm được truyện hoặc ngược lại có nhà văn không viết được thơ nhưng có người làm được cả hai. Sở trường tư duy thể loại giúp tác giả nhanh chóng tìm được sự ăn nhịp giữa chất liệu đời sống và ngôn ngữ thể loại”. Một người không am hiểu về thể loại văn học chắc chắn không thể sáng tác được. Do đó, người sáng tác trong giai đoạn bắt đầu buộc phải thuộc nhiều thơ, thuộc nhiều loại thể văn học của các đánh giá đi trước.

Thể loại văn học rất có ý nghĩa đối với thưởng thức và phê bình văn học, mỗi thể loại văn học không chỉ có ý nghĩa đối với người sáng tác mà còn có ý nghĩa đối với nghĩa thưởng thức và phể bình. Phê bình văn học là sự phán đoán, phẩm bình đánh gia và giải thích tác phẩm văn học. Nó vừa là một hoạt động, vừa là một bộ môn khoa học về văn học, vừa tác động tới sự phát triển của văn học, vừa tác động tới độc giả, góp phần hình thành thị hiếu thẩm mĩ cho quần chúng. Còn thưởng thức văn học là một hoạt động xã hội – lịch sử, mang tính khách quan, chứ không phải là một hoạt động cá nhân chủ quan thuần túy. Tác phẩm sau khi thoát ly khỏi nhà văn thì nó trở thành một hiện tượng tinh thần, một khách thể tinh thần tồn tại một cách khách quan đối với người đọc. Người đọc tiếp nhận nó là kiểu phản ánh, nhận thức thế giới. Mà nhận thức nào cũng có phương diện chủ quan và phương diện khách quan của nó.

Dù có là thưởng thức hay phê bình, người đọc đều phải tuân thủ các quy tắc thể loại, không thể thưởng thức “lệch pha” với thể loại. Chúng ta tiếp nhận một bài thơ thì phải biết các đặc điểm của thể loại thơ, chú ý đến vẻ đẹp của âm thanh, nhịp điệu, vẻ đẹp của cấu tứ, tình cảm, ý tứ sâu xa. Đọc một quyển tiểu thuyết thì phải biết đến nhân vật, cốt truyện, tâm lí, các chi tiết ngoại hình, mối quan hệ nhân vật với hoàn cảnh, kết cấu của trần thuật. Nếu dùng con mắt thơ mà đi đọc tiểu thuyết, hoặc ngược lại, dùng con mắt tiểu thuyết mà đọc thơ thì chẳng những không lĩnh hội được vẻ đẹp của tác phẩm mà còn gây ra những sự cố buồn cười.

Nếu người thưởng thức càng hiểu rõ đặc điểm thể loại bao nhiêu thì mức độ lí giải, cảm thụ càng sâu sắc bấy nhiêu. Tất nhiên người đọc vẫn có sở trường của riêng mình trong việc thưởng thức, đánh giá. Quan niệm về thể loại của người đọc ảnh hưởng lớn tới năng lực thưởng thức thơ, phê bình thơ. Ví dụ, nếu một người chỉ quen và thích. Thơ mới (1932 – 1945), cho ràng thơ này rất dễ hiểu, gặp thơ cổ điển thì không chịu nổi. Thực ra thể loại vừa có phần ổn định vừa có phần biến hóa, không nên hiểu đặc trưng thể loại như những quy định cứng nhắc, giáo điều, như vậy sẽ tự trói buộc bản thân mình. Người đọc nên có một nhãn quan thể loại rộng mở thì mới có năng lực đánh giá, phê bình đúng đắn các hiện tượng văn học đa dạng.

Như vậy, thể loại văn học rất có ý nghĩa đối với sáng tác và phê bình, thưởng thức văn học. Vì tác phẩm nghệ thuật là một cấu trúc đa dạng phức tạp và hoàn chỉnh của các thành tố. Từ văn học cổ đến văn học hiện đại, có thể có nhiều loại, thể loại văn học khác nhau nhưng nhìn một cách tổng quát, dựa vào cơ sở phương thức tổ chức, phương thức tái hiện đời sống, những dạng kết hợp khác nhau có thể phân văn học thành 5 loại: trữ tình, tự sự, kịch, kí chính luận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang