Nội dung bài viết:
Đặc tính âm nhạc, hội họa, điện ảnh, điêu khắc trong thơ ca
1. Tính nhạc trong thơ.
Thơ là họa (thi trung hữu họa), bởi vậy đi vào thế giới văn chương cũng là đặt chân vào một thế giới tràn đầy đường nét, rực rỡ sắc màu, đẹp và sinh động nhử chính cuộc đời thực tại. Nhưng làm nên thơ văn không chỉ có họa mà còn là nhạc (thi trung hữu nhạc). Âm nhạc với những thanh âm, giai điệu, tiết tấu,… luôn có khả năng cuốn hút, gọi dậy những cảm xúc trong lòng người. Nhưng nhạc tính không chỉ thuộc quyền sở hữu của âm thanh mà còn ở trong thơ văn như một phần đặc biệt.
Đọc thơ, ta luôn cảm nhận được một sự réo rắt gọi lên từ câu chữ âm vần. Từ xưa đến nay, các nghệ sĩ đã khai thác các đặc tính này góp phần không nhỏ vào việc chuyển tải nhịp điệu của cảm xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác độc giả. Thế giới âm thanh vì thế mà thả sức ùa vào khuôn khổ của câu từ chật hẹp. Thế giới âm thanh cũng là sự biểu đạt khá rõ nét thế giới tâm hồn và nhịp cảm xúc của chính người nghệ sĩ. “Thơ ca là nhạc của tâm hồn” (Vôn – te). Vậy thì tiếp cận thế giới tràn đầy âm thanh, khuôn nhạc trong mỗi tác phẩm văn chương cũng là một cách tiếp cận, nắm bắt những cảm xúc mà nhà thơ, nhà văn mang lại. Bên canh hội họa, âm nhạc vì thế mà đem một sức gợi, một linh hồn cho các tác phẩm văn chương: “thi trung hữu nhạc”.
2. Tính hội họa trong thơ.
Người xưa thường nói “thi trung hữu họa”. Đó chính là khẳng định mối quan hệ giữa văn chương và hội họa. Hội họa lấy những đường nét thô sơ hay uyển chuyển, những sắc màu đậm nhạt, sáng tối khác nhau để mô tả hiện thực đợi sống. Bởi thế, nó có khả năng tác động mạnh mẽ đến thị giác người xem, mở được cửa sổ tâm hồn con người.
Hội họa có ưu thế trong việc đem lại những cảm xúc thẩm mỹ mới mẻ, tinh tế. Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng, nó đòi hỏi phải tái hiện được bức tranh đời sống giàu có và sinh động. Nhưng ngôn ngữ văn chương lại mang tính phi vật thể. Vì vậy, muốn tác động trực quan đến người đọc, ngôn ngữ ấy phải giàu có về hình ảnh, phong phú về màu sắc, đường nét. Và những yếu tố trên đã tạo ra chất hội họa trong văn, làm hiển hiện trước mắt người đọc bức tranh tươi đẹp về cuộc sống. Những lúc ấy, nhà văn giống như người nghệ sĩ tài ba đem ngôn ngữ, những đường nét và gam màu tinh tế để vẽ nên những tuyệt tác bằng ngôn từ.
Sự kết hợp giữa họa và văn đã làm thỏa mãn cả con mắt và cái tâm của người thưởng thức. Mới hay sự kết họp ấy đôi khi nâng cả họa cả văn lên đến đỉnh cao. Chất họa đi vào văn chương qua bàn tay sáng tạo của người nghệ sĩ được thể hiện bằng những bút pháp riêng như chấm phá, phát họa, điểm nhãn, tả cảnh ngụ tình,… tạo nên sự sống động cho tác phẩm.
3. Tính điện ảnh trong thơ.
Người ta hay ví những nhà thơ, nhà văn như những nhà quay phim tài ba. Khéo léo nhất đó là khi họ chớp được những pha thần tình trong cảm xức, hành động của nhân vật ghi lại những sự kiện, cảnh huống nóng bỏng nhất của thời đại xã hội, những vấn đề đáng được đưa lên phim ảnh.
Khi Nguyễn Đình Thi viết những câu kết lại bài “Đất nước”:
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
Có thể thấy ông đã ghi lại những thước phim tư liệu chân thực về một thời oanh liệt đã qua. Bốn câu thơ có thể được coi là những cảnh quay hoành tráng, mang tầm vóc, quy mô lớn. Nó dựng lại được không khí ác liệt, hào hùng của cả một thời đại. Những cảnh quay lúc ra xa, lúc đưa về gần đã tái hiện lại bức tranh chiến trận khá toàn diện và sinh động. Giữa khung cảnh rộng lớn, có âm thanh tiếng súng, có hình ảnh người lên, có ánh sáng rực rỡ của lửa cháy,….
Tất cả đều ở trong thế vận động đi lên từ bóng tối ra ảnh sáng, từ nỗi buồn tới niềm vui, từ nô lệ đến tự do, hạnh phúc. Có thể xem đó như cuộn phim ghi lại cả một quá trình chiến đấu và chiến thắng của dân tộc.
4. Tính điêu khắc trong thơ.
Văn học tái hiện đời sống bằng hình tượng nhưng đó không phải là những hình tượng thực có khả năng tác động trực tiếp đến giác quan của người đọc. Do vậy, ngôn ngữ văn học phải có khả năng khắc tạc những hình tượng đậm nét, cụ thể để người đọc có thể hình dung, tưởng tượng ra nó một cách rõ nét. Nghệ thuật điêu khắc với những đặc trưng về mảng, hình khối dễ dàng kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo của độc giả.
Bút pháp thi trung hữu họa trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng