tron-bo-de-thi-ng-van-tuyen-sinh-10-tp-hcm-tu-2009-2018

Trọn bộ đề thi và đáp án môn Ngữ văn Tuyển sinh 10 TP.HCM từ 2009 – 2018 để

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 24 tháng 6 năm 2009 (tại TP.HCM)
MÔN THI:  VĂN 

(Thời gian làm bài: 120  phút, không kể thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1 (1 điểm): Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái và Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là những tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Hãy giải thích nhan đề hai tác phẩm trên.

Câu 2 (1 điểm): Giải thích ý nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết mỗi thành ngữ có liên quan đến phương châm hội thoại nào:

  1. Ông nói gà, bà nói vịt
  2. Nói như đấm vào tai

Câu 3 (3 điểm): Viết văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương.

Câu 4 (5 điểm): Phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Đáp án: Xem đáp án tại đây


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2010 tại TP HCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (1 điểm)

Hãy chép chính xác hai câu cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Hai câu thơ ấy cho em biết phẩm chất gì của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn?

Câu 2: (1 điểm)

Tìm thành phần gọi – đáp trong câu ca dao sau và cho biết lời gọi – đáp đó hướng đến ai.

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Câu 3: (3 điểm)

Thể hiện mình là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về cách thể hiện bản thân trong môi trường học đường.

Câu 4: (5 điểm)

Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập một, trang 180 – 188).

Đáp án: Xem đáp án tại đây


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2012 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (1 điểm)

Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ nhân vật nào ? Nêu tác dụng của việc chọn ngôi kể đó

Câu 2: (1 điểm)

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
(Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ)

Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn thơ trên. Cho biết thành phần ấy được dùng để làm gì trong đoạn thơ?

Câu 3: (3 điểm)

Trong loạt bài trên báo Tuổi trẻ chủ nhật bàn về thế hệ gấu bông có đề cập hai hiện tượng:

  • Một cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!”.
  • Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng, không trả lời được.

Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi).

Câu 4: (5 điểm)

Hãy chọn và phân tích một hoặc hai khổ thơ trong các bài thơ của chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 để nêu bật vẻ đẹp con người Việt Nam.

Đáp án: Xem đáp án tại đây


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2013 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1 (1 điểm)

Truyện “Chiếc lược ngà” xoay quanh một kỉ vật đơn sơ mà vô giá nối hai cuộc gặp gỡ với ba con người. Nhưng vang vọng suốt cả câu chuyện, suốt  những quãng đời, suốt những cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất của cõi đời này, ấy là tiếng … !

(Chu Văn Sơn, Phân tích – bình giảng tác phẩm văn học)

Tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng được nhắc đến trong đoạn trích trên là gì? Tiêng kêu ấy thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?

Câu 2 : (1 điểm)

Bạn trẻ trong hình bên đã dùng ngôn ngữ chatngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn. Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?

ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen

Câu 3: (3 điểm)

Mùa hè này, những học trò nghèo của làng chài bãi ngang xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi, ngày nào cũng xuống biển bắt cua, sò, ốc … để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước đến trường. Từng giọt mồ hôi “non nớt” sớm rơi trên gành đá, hòa vào lòng biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp… cho năm học mới. Đồng hành với khát khao của con trẻ, những người mẹ nghèo của vùng đất này cũng nói với con: “Ăn khổ mấy má cũng chịu, miễn con có sách vở, quần áo mới tới trường là má vui rồi!”

(Theo Báo Thanh niên ngày 18-6-2013, Ôm ước mơ đi về phía biển)

Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em được gợi ra từ câu chuyện trên.

Câu 4: (5 điểm)

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

Trình bày cảm nhận về một trong hai vấn đề sau:

  • Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua hai khổ thơ trên.
  • Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ trong hai khổ thơ trên.   

Đáp án:  Xem đáp án tại đây


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2014 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (2 điểm)

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng được xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một  điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống xung quanh.

(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)

1. Phân tích hai trong số các phép liên kết về hình thức có trong đoạn văn trên. (1 điểm)

2. Từ những hiểu biết về đoạn văn trên em hãy chuyển những hình ảnh nào được Viễn Phương mượn ở thực tại để viết nên hai câu thơ sau? Ông muốn gửi gắm tình cảm gì qua hai câu thơ ấy? (1 điểm)

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

(Viễn Phương, Viếng lăng Bác)

Câu 2: (3 điểm)

Việc quan sát, lắng nghe sẽ giúp ta rút ra nhiều bài học ý nghĩa.

– Nhìn thấy những nếp nhăn trên gương mặt cha, những giọt mồ hôi thấm trên vạt áo mẹ vì lo toan cho con cái ta rút ra bài học về đức hi sinh

– Cảm nhận những thay đổi của bản thân và thấy mình vững vàng sống có ý thức, có trách nhiệm hơn ta rút ra bài học vè sự trưởng thành

– Theo dõi tin tức về tình hình biển Đông và những hình ảnh thiết thực của nhân dân hướng về Trường Sa ta rút ra bài học về việc thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn.

Hãy viết bài văn (khoảng 02 trang giấy thi) trình bày những suy nghĩ của em về một trong ba bài học trên

Câu 3: 5 điểm

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”

Bếp lửa – Bằng Việt)

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

(Nói với con – Y Phương)

Cảm nhận của em về những phẩm chất tốt đẹp mà người bà nhóm lên trong cháu và người cha mong muốn ở con trong hai đoạn thơ trên.

Đáp án: Xem đáp án tại đây


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Năm học 2014 – 2015.
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (3 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới

(1) Đã lâu lắm rồi tôi và cả nhà mới lại cùng nhau xem U23 Việt Nam thi đấu bóng đá SEA Games. Lúc đội tuyển ra sân, tôi rất xúc động khi quốc ca Việt Nam vang lên. Cả nhà tôi đã cùng hát theo, dù các con tôi chưa thật thuộc nhưng chúng vẫn buộc ba, mẹ phải đặt tay lên ngực cho giống các cầu thủ. Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong long tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sang bước vào trận đấu.

(2) Khi đi học, tôi đã được hát quốc ca mỗi khi chào cờ. Bây giờ hát lại, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Xem xong trận bóng đá, con tôi lại hỏi “Khi nào Việt Nam đá nữa vậy ba? Để con cùng ba mẹ hát quốc ca”.

(Theo Lê Văn Thu, Quốc ca Việt Nam, báo Thanh Niên số ngày 8-6-2015)

a. Xác định một phép liên kết trong đoạn (2). (0,5 điểm)
b. Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát quốc ca Việt Nam? (0,5 điểm)
c.  Cho biết ý nghĩa của việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên. (1 điểm)
d. Em có nhận xét gì về thực trạng hát quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay? (1 điểm)

Câu 2: (3 điểm): 

Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình;…

Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến;…

Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình.

Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Câu 3: (4 điểm):

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám may mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh)

Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với một khổ thơ hoặc đoạn thơ khác về đề tài thiên nhiên mã em biết để thấy được điểm gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.

Đáp án: Xem đáp án tại đây


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 02  tháng  06 năm 2017 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Câu 1: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.

Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?

Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.

Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)

a. Tìm thành phần phụ chú trong văn bản trên và cho biết tác dụng của thành phần ấy. (0,5 điểm)

b. Xác định ít nhất một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu Sống một cuộc đời, cũng giống vẽ một bức tranh vậy và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ ấy. (0,5 điểm)

c. Nêu nội dung văn bản trên. (1,0 điểm)

d. Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ? Trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng (1,0 điểm)

Câu 2: (3,0 điểm)

Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nêu yêu thương?

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.

Câu 3: (4,0 điểm)

Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã viết về nhân vật anh thanh niên như sau:

Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:

–  Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắm liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”.

Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:

– Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.

Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích trên. Từ đó, hãy liên hệ với hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống để thấy được vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam.

Đáp án: Xem đáp án tại đây


KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 02  tháng  06 năm 2018 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Văn bản 1:

Báo cáo mới đây của tạp chí Science cho thấy đến nay thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn đó giờ đang nằm trong các bãi rác và môi trường tự nhiên. Nhựa được sử dụng phổ biến vì tiện dụng, rẻ tiền, dễ chế tạo.

Tuy nhiên nhựa có hạn chế lớn là rất lâu phân hủy, đồng nghĩa với việc rác thải nhựa dễ gây nên thảm họa môi trường nếu không có cách giải quyết. Thời gian phân hủy tự nhiên của một số vật thể nhựa (đơn vị : năm).

rac-thai

Trong các đại dương, số lượng rác thải nhựa ước tỉnh khoảng 150 triệu tấn – nặng gần bằng 1/3 khối lượng cá. Các nhà khoa học dự báo với tốc độ gia tăng rác thải nhựa hiện nay, vào năm 2050, khối lượng rác thải nhựa sẽ nặng hơn cả khối lượng cá.

Rác thải nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản và tác động xấu đến sức khỏe con người…

Văn bản 2:

Trước sự đe dọa của rác thải nhựa, nhiều nước đã lên kế hoạch hành động.   Từ tháng 1 năm nay, chính phủ Scotland đề xuất ý kiến về việc cấm sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm làm tự nhựa. Lệnh cấm này sẽ góp phần giảm đáng kể lượng rác thải nhựa.

Tại Anh, các loại hạt kim tuyến trang trí đã bị cấm sử dụng. Việc tính phí với túi nhựa cũng được thực hiện. Theo số liệu thống kê của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn, nhờ việc tính phí này, trong thời gian qua, số lượng túi nhựa được đưa vào sử dụng đã giảm 9 tỉ chiếc.

Từ năm 2019, Đài Loan sẽ cấm sử dụng các loại ống hút nhựa tại các chuỗi của hàng thức ăn nhanh, sau đó tiến tới cấm hoàn toàn việc cung cấp túi nhựa tại các điểm kinh doanh.

Tại Việt Nam, một số tổ chức xã hội đã phát động các chiến dịch như: “7 ngày thách thức”, “Bớt một vỏ chai, cứu tương lai”,… với mục tiêu thúc đẩy cộng đồng chung tay chống lại rác thải nhựa.

Trong thời gian qua, nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đã tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm giảm rác thải nhựa. Các bạn mày mò thực hiện những dự án làm ống hút từ tre và cỏ bàng, tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng có ích … Chắc chắn những hành đồng này sẽ góp phần giúp môi trường trở nên xanh, sạch, đẹp hơn.

(Hai văn bản trên được tổng hợp từ các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Thời nay)

  1. Dựa vào văn bản, hãy cho biết tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống. (0,5 điểm)
  2. Tìm thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn cuối của văn bản 2. (0,5 điểm)
  3. Chỉ ra mối liên hệ về nội dung của hai văn bản trên. (1,0 điểm)
  4. Theo em, giải pháp nào là hiệu quả nhất để giảm ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta hiện nay? Vì sao? (Em có thể lựa chọn giải pháp trong văn bản hoặc tự đề ra giải pháp khác. Trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng) (1,0 điểm)

Câu 2: (3,0 điểm)

Để thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái (che chở, bao bọc, chia sẻ, gắn bó, bình đẳng, độc lập…) các bạn học sinh đã đưa ra ba hình ảnh sau:

quan-he-cha-me-va-con-cai

Từ một trong ba hình ảnh trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay.

Câu 3: (4,0 điểm)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”
(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật)

Cảm nhận về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác cũng viết về người lính để thấy được nét gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.

Đề 2:

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.

Đáp án: Xem đáp án tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang