co-so-xay-dung-cot-truyen-trong-tac-pham-van-hoc

Cơ sở xây dựng cốt truyện trong tác phẩm văn học

Cơ sở xây dựng cốt truyện trong tác phẩm văn học.

1. Cơ sở khách quan.

Cơ sở chung của mọi cốt truyện, xét đến cùng là những xung đột xã hội được khúc xạ qua các xung đột nhân cách nhưng sẽ sai lầm nếu đồng nhất xung đột xã hội với cốt truyện tác phẩm văn học. Xung đột xã hội là cơ sở khách quan là đối tượng nhận thức, phản ánh trong khi đó, cốt truyện lại là sản phẩm sáng tạo độc đáo của chủ quan nhà văn. Đó là xung đột xã hội, trong quá trình xây dựng tác phẩm, nhà văn bao giờ cũng thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp những xung đột xã hội của thời đại vào tác phẩm của mình. Vì vậy, cốt truyện mang tính lịch sử cụ thể, thường được quy định bởi những điều kiện lịch sự, xã hội mà nhà văn đang sống. Chính những điều kiện lịch sự, xã hội khác nhau đã tạo nên sự khác nhau giữa các cốt truyện trong thần thoạitruyện cổ tích, giữa những thơ Nôm và văn học hiện đại.

Những mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa tính cách nhân vật trong một cốt truyện thường biểu hiện rõ rệt những xung đột của những lực lượng xã hội đối lập nhau, được nhận thức qua sáng tác nghệ thuật. Nếu cơ sở của cốt truyện chính là những xung đột xã hội, do đó mà cốt truyện thường mang tính lịch sử cụ thể, gắn bó chặt chẽ với hoàn cảnh xã hội. Sự gắn bó của cốt truyện với hoàn cảnh xã hội – cụ thể thường được biểu hiện thông qua đặc điểm của các biến cố, các sự kiện lịch sử và xã hội làm điểm tựa cho cốt truyện và chủ yếu là thống nhất tính lịch sử – cụ thể của các tính cách nhân vật. Vì thế, khi nói đến tính lịch sử cụ thể của cốt truyện là người ta muốn nói đến mức độ chân thật của hiện thực đời sống được phản ánh trong đó. Đôxtôiépki từng khuyên một số nhà văn trẻ: “Anh hãy nhớ lấy lời tôi. Đừng bao giờ bịa ra các sườn truyện, các tuyến truyện. Anh hãy lấy những cái do bản thân cuộc sống cung cấp. Cuộc sống phong phú hơn hết thảy những điều bịa đặt của chúng ta”.

Mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, cũng như mỗi hoàn cảnh xã hội, thường có một số sự kiện nổi bật về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa. Những sự kiện này thường mang tính chất tiêu biểu cho những thành tựu và trình độ phát triển của xã hội đó ở một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, những biểu hiện trực tiếp và cụ thể nhất của tính lịch sử và xã hội của cốt truyện thường xác định qua đặc điểm của hệ thống tính cách nhân vật. Ví dụ, cốt truyện Tắt đèn với nhân vật chính là chị Dậu chỉ có thể nảy sinh trong điều kiện của xã hội thực dân nửa phong kiến, người nông dân phải sống trong cảnh cơ cực, tăm tối. Ngoài ra, cốt truyện còn được biểu hiện thông qua tính chân thật của các sự kiện lịch sử – cụ thể làm điểm tựa cho sự phát triển của cốt truyện, đó thường là những sự kiện có ý nghĩa tiêu biểu cho sự vận động của lịch sử ở một thời điểm cụ thể nhất định. Ví dụ, ở Chiến tranh và hòa bình, đó là cuộc xâm lược tàn bạo của Napôlêông vào nước Nga năm 1812.

Cốt truyện thường được hiểu là hệ thống các sự kiện chính, cơ bản dùng để biểu hiện tính cách nhân vật và phản ánh mâu thuẫn, xung đột xã hội. Trong văn học của các trào lưu hiện thực, nhiều cốt truyện đã được xây dựng từ chính những câu chuyện ngoài cuộc đời. Nhiều cốt truyện của Tsêkhốp, L. Tônxtôi, Đôxtôiépki, … thường dựa vào những câu chuyện có thật ngoài cuộc đời và trên báo chí … Ở Việt Nam, ta có thể kể đến cốt truyện của các tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Hòn Đất của Anh Đức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, …

2. Cơ sở chủ quan.

Cốt truyện là sự thể hiện trực tiếp chủ đề của tác phẩm, đồng thời bao hàm cách giải quyết vấn đề. Do đó, nhà văn không thể tùy tiện xây dựng những cốt truyện theo chủ quan của mình. Cho nên, nhà văn là người kể lại các sự kiện, biến cố theo một trật tự nghệ thuật mà tác giả cho một mục đích nghệ thuật riêng của mình. Các sự kiện, hành động đã được tác giả chọn lọc, sắp xếp theo chủ ý riêng của mình nhằm thể hiện cách nhìn, quan điểm tư tưởng nhất định. Cũng có trường hợp có vấn đề thành chuyện đối với nhà văn này nhưng lại không thành chuyện đối với nhà văn khác. Cho nên, cốt truyện không chỉ đơn giản là nơi bộc lộ nội dung của tác phẩm mà đó còn là nơi thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn.

Xung đột xã hội mới chỉ là cơ sở khách quan của cốt truyện, không thể đồng nhất xung đột xã hội với cốt truyện. Khi nói đến cốt truyện, cần chú ý rằng, đó luôn luôn là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Thông qua cốt truyện, nhà văn vừa khái quát những xung đột xã hội, vừa thể hiện tâm hồn, tình cảm và sự đánh giá chủ quan của họ đối với cuộc sống. Vì vậy, không thể bê nguyên xi những chuyện có thật ngoài cuộc đời vào tác phẩm. Những xung đột xã hội phải được đồng hóa một cách có nghệ thuật nhằm loại trừ những yếu tố ngẫu nhiên, thứ yếu để xây dựng cốt truyện theo hướng điển hình hóa. Vì vây, cùng xuất phát từ một xung đột xã hội giống nhau, những nhà văn khác nhau lại xây dựng những cốt truyện khác nhau nhằm thể hiện quan điểm thái độ, ý đồ tư tưởng, phong cách nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn đối với cuộc sống. Những xung đột xã hội giữa nông dân, địa chủ, quan lại được thể hiện qua nhiều cốt truyện khác nhau trong các tác phẩm của các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, … là những thí dụ cụ thể.

Cốt truyện là trật tự nghệ thuật mà tác giả dùng để lại các biến cố truyện tự nhiên trong tác phẩm. Vì bên cạnh chuỗi sự kiện được sắp xếp, các yếu tố miêu tả, lời kể, lời bình cũng rất quan trọng trong cốt truyện nghệ thuật. Nó là trật tự nghệ thuật mà nhà văn dùng để kể lại các biến cố ấy (cốt truyện tự nhiên) trong tác phẩm. Cốt truyện nghệ thuật là các biến cố trật tự nghệ thuật đã được lựa chọn, sắp xếp, là thực tại nghệ thuật, là các biến cố trong sự miêu tả.

Quá trình xây dựng cốt truyện là một quá trình lao động phức tạp và gian khổ. Timôfiép có nhận xét về quá trình xây dựng cốt truyện của L. Tônxtôi như sau: “Tất cả các cốt truyện của Tônxtôi đều được thai nghén nhiều năm và mỗi cốt truyện đều có một lai lịch phức tạp và một số phận riêng của nó. Tônxtôi lo lắng các cốt truyện, giận dỗi đối với chúng như người sống vậy, đôi khi ông chán, mệt mỏi vì chúng, vì sự vật lộn với tài liệu và ngôn từ để không ngừng hoàn thiện từng cốt truyện, từng tác phẩm. Trong đầu óc thiên tài của ông, trong các phòng thí nghiệm tuyệt diệu ấy, bao giờ cũng có nhiều cốt truyện luôn luôn sống và vật chọi với nhau, làm cho ông phải lần lượt chú ý tới chúng lúc nhiều hơn, lúc ít hơn”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang