»» Nội dung bài viết:
Một số đề bài nghị luận văn học và lí luận văn học thường gặp trong đề thi học sinh giỏi
Vấn đề 1. Tác phẩm văn học – đặc trưng và cấu trúc.
– Đặc trưng ngôn từ và lao động ngôn từ, tính đa nghĩa.
– Cấu trúc: Nội dung và hình thức (loại, thể…).
Đề 1: Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ. Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 2: Anh, chị hãy giải thích câu nói của nhà nghiên cứu văn học Khrapchenco: Sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa giản đơn cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác cho dù đó là tư tưởng rất hay.
Đề 3: Nhà văn Sô-lô-khôp đã từng khẳng định: Người nghệ sĩ không thể lạnh lùng khi sáng tạo. Khi viết, máu phải sôi lên. Hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 4: Nhà phê bình Nga, Belinsky đã định nghĩa điển hình nghệ thuật như là một người lạ mặt quen biết. Anh, chị hiểu điều đó như thế nào? Hãy phân tích một số điển hình văn học để làm sáng tỏ ý kiến của mình.
Đề 5: Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du khẳng định: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Ý kiến trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về phẩm chất của người nghệ sĩ?
Đề 6: Nghệ sĩ là người biết khai thác các ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm trong ấn tượng riêng ấy cái có giá trị khái quát và làm cho chúng có được hình thức riêng. (M.Gorki – Bàn về văn học). Hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 7: Hình tượng là kết tinh của những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời, từng làm nhà văn day dứt, trăn trở và thôi thúc họ phải nói to lên để chi sẻ với người khác. (Văn học 10, tập 2, trang 111, NXB Giáo dục 2003)
Đề 8: Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng: Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới. Anh/chị hãy trình bày ý kiến của mình về nhận định trên?
Đề 9: Trong bài viết Sự sáng tạo cái mới trong văn học nghệ thuật, Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: Điều then chốt là phải luôn luôn sáng tạo ra cái mới…Cái quý của nhà văn là sáng tạo ra cái mới chứ không phải viết được nhiều. (Văn học và thời gian – NXB Văn học, 2001 – trang 185). Ý kiến của anh, chị về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ qua một số tác phẩm văn học mà anh chị biết.
Đề 10: Giải thích quan niệm sau đây của nhà thơ Chế Lan Viên:
Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay
Nay rừng nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc,
Ngọt mật ở đồng bằng mà hút nhị tận miền Tây
(Tuyển tập Chế Lan Viên, Ong và mật, NXB Văn học, 1985)
Đề 11: “Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn; là lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.” (Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo dục, năm 1992, trang 253)
Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Bằng việc tìm hiểu một số truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn THPT, anh/chị hãy trình bày ý kiến của mình.
Đề 12: Quy luật tổng quát, bao trùm của văn học là “tương ứng với cuộc sống, với thời đại, là độc đáo, là không lặp lại”. (Theo Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo dục, 1999, trang 38)
Qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn THPT, anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề 13: “Văn học của cả dân tộc giống như một cây đàn và mỗi nhà văn giống như một sợi dây. Trên cây đàn có những cung bậc riêng, âm điệu riêng nhưng chúng hợp lại tạo nên một giai điệu chung”.
Từ hiểu biết về các tác phẩm Vội vàng của Xuân Diệu, Chí Phèo của Nam Cao, làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề 14: Có những tác phẩm văn học ít quan tâm đến cái thế giới đang là mà quan tâm nhiều đến cái thế giới có thể là và phải là (theo A-ri-xtôt).
Anh (chị) hãy làm rõ ý kiến trên qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 11.
Vấn đề 2. Tiếp nhận và phân tích tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại.
– Tiếp nhận và đọc – hiểu.
– Cảm nhận và phân tích.
– Những xu hướng cần tránh.
Đề 1: Có ý kiến cho rằng: Khi đọc một tác phẩm văn học, người đọc cần sống với tác phẩm bằng toàn bộ tâm hồn để cảm nhận thông điệp thẩm mĩ mà tác giả gửi đến cho người đọc. Suy ngẫm của anh, chị về ý kiến trên.
Đề 2: Ở truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy. (Nguyễn Đăng Mạnh – Trong cuộc tọa đàm về cuốn sách Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa báo Văn nghệ số 14, 4/1999).
Anh/chị hãy giải thích ý kiến trên. Chọn phân tích một truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn lớp 11 để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề 3: Bàn về thơ, nhà phê bình văn học Belinsky (1811- 1848) cho rằng: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ thuật. Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Hãy phân tích và làm sáng tỏ điều đó qua các tác phẩm thơ đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 12.
Đề 4: Mỗi bài thơ hay là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, có khả năng làm sống dậy trong lòng người đọc những liên tưởng phong phú. Cảm nhận của anh/chị về một bài thơ như thế.
Đề 5: Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Để đạt được một lúc ba điều ấy, đối với các thi sĩ vẫn là điều bí mật. Anh (chị) hãy bình luận nhận định trên. Liên hệ với thực tế thơ ca để làm sáng rõ ý kiến của anh (chị).
Vấn đề 3. Các mối quan hệ trong văn học.
– Nội dung và hình thức.
– Nhà văn – hiện thực cuộc sống và tác phẩm.
– Dân tộc – cổ điển và hiện đại.
– Tâm và tài…
Đề 1: Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật (Hà Minh Đức). Suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên.
Đề 2: Trong Sổ tay thơ Chế Lan Viên có viết:
Bài thơ anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy
Suy nghĩ của anh chị qua một số tác phẩm văn học.
Đề 3: Tác phẩm văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.
Đề 4: Là sản phẩm của sự khái quát hóa đời sống, hình tượng nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. (Lí luận văn học, trang 27, NXB Giáo dục, 1997)
Đề 5: Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư. (Lê Ngọc Trà). Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Phân tích một tác phẩm tự chọn để chứng minh.
Đề 6: Có ý kiến cho rằng :Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Đề 7: Hai người cùng nhìn xuống, một người chỉ nhìn thấy vũng nước, người kia lại nhìn thấy những vì sao – (Đốp – gien – cô). Hãy bình luận kiến trên.
Đề 8:
Nhà thơ lớn ư? Là để cho nhân loại yêu mình bằng mọi cách
Khi thì nâng niu. Khi thì hạch sách.
Khi giày vò mỗi chữ
Khi trân trọng ngắm từ xa
Nhà thơ vẫn vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa
(Thơ Bình Phương – đời lập phương, Chế Lan Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002)
Anh (chị) hiểu như thế nào về ý thơ trên? Bằng những hiểu biết về Truyện Kiều, đặc biệt là các đoạn trích được học trong chương trình Ngữ văn 10, hãy chứng minh Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du xứng đáng là một kiệt tác qua trăm lần thử lửa.
Đề 9: Nhà thơ Xuân Diệu nhận định: “Trán thi sĩ chạm mây nhưng trong ruột thơ vẫn cháy lên một ngọn lửa đời rất ấm”.
Ạnh (chị) hiểu nhận định trên như thế nào? Hãy cảm nhận về ngọn lửa đời rất ấm trong các tác phẩm Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi) và Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du)
Đề 10:
Chắt trong vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay
Trải qua mưa nắng vơi đầy
Men trời đất đủ làm say đất trời
Bầy ong giữ hộ cho người
Những mùa hoa đã phai tàn tháng ngày
(Hành trình của bầy ong – Nguyễn Đức Mậu)
Hành trình của bày ong trong đoạn thơ trên gợi cho anh, chị suy nghĩ gì về hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ? Anh, chị có cảm nhận gì về những mùa hoa mà Xuân Diệu và Nguyễn Tuân đã giữ lại cho con người, cuộc đời qua các tác phẩm Vội vàng và Chữ người tử tù.
Đề 11: Nhà văn là “người vẫn còn mang vết thương đã lại đi chữa vết thương cho người khác” (Theo Sỏi đá buồn tênh – Nguyễn Ngọc Tư)
Bằng một vài tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 10, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề 12: Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc. Bằng tri thức và trải nghiệm văn học của mình, bạn hãy bình luận ý kiến trên.
Vấn đề 4. Vai trò và tác dụng của văn học.
Đề 1: Trong tác phẩm Việt Hán văn khảo, Phan kế Bính viết: Ngồi trong xó nhà mà lịch lãm suốt hết các nơi danh lam thắng cảnh của thiên hạ, xem trên mảnh giấy mà tinh tường được hết các việc hay, việc dở của thế gian; sinh ở sau mấy nghìn năm mà tự hồ như được đối diện và được nghe tiếng bàn bạc của người sinh về trước mấy nghìn năm, cũng là nhờ có văn chương cả. Bằng những hiểu biết của mình về văn học anh, chị hãy bình luận và làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề 2: Anh, chị hiểu và suy nghĩ như thế nào khi nhà thơ R. Gamzatov nói: Thơ ca, nếu không có người, tôi đã mồ côi. (Trích Đagextan của tôi, tập 1, trang 150).
Đề 3: Văn chương có đủ sức để sửa sang cuộc đời mới đáng lưu truyền ở đời. (Ngô thế Vinh)
Đề 4: Nhà tiết học Hi Lạp cổ đại Aristote có nói: Nhiệm vụ của nhà thơ không chỉ nói về cái thực tại xảy ra mà là cái lẽ ra có thể xảy ra. Ý kiến của em về câu nói trên.
Đề 5: Có ý kiến cho rằng: Tác phẩm nghệ thuật thực sự bao giờ cũng làm cho độc giả sửng sốt bởi tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế đến mức khi đọc nó, bất giác ta tin tưởng sâu sắc rằng: Tất cả những gì kể trong đó đều diễn ra đúng như thế chứ không thể khác được (Belinsky).
Đề 6: Bàn về chức năng của văn học nghệ thuật, Nguyên Ngọc cho rằng: Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính con người cho con người. Cái cốt lỗi của nghệ thuật là tính nhân bản. (Báo văn nghệ, số 44). Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 7: Marcel Proust quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Bằng trải nghiệm văn học của bản thân anh/ chị hãy bình luận những nhận định trên.
Vấn đề 5: Phong cách văn học: tác phẩm, tác giả…
Đề 1: Trong bài Ngoại cảnh trong văn chương, in trên báo Tràng An, số 82, ngày 10/12/1935, Hoài Thanh viết: Nhà văn không có phép thần thong để vượt ra ngoài thế giới này, nhưng thế giới này trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng. (Hoài Thanh, trích từ cuốn Bình luận văn chương, NXB Giáo dục, 1998, trang 54). Hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề 2: Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Để đạt được một lúc ba điều ấy, đối với các thi sĩ vẫn là điều bí mật”.Anh (chị) hãy bình luận nhận định trên. Liên hệ với thực tế thơ ca để làm sáng rõ ý kiến của anh (chị).
Đề 3: Nhà văn Macxim Gorki có nói: Bạn hãy giữ lấy cái gì là của riêng mình, hãy săn sóc nó phát triển tự do. Lúc một nghệ sĩ không có cái là của riêng mình thì phải thấy người đó không có gì hết. Suy nghĩ của em về ý kiến trên? Chọn một tác gia và một tác phẩm để làm sáng tỏ.
Đề 4: Nhà văn I.X.Tuocghenhev nói: Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác. (Dẫn theo Khravchenko, Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, NXB Tác phẩm mới, 1978). Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ giọng điệu riêng biệt của Nguyễn Khuyến so với Trần Tế Xương qua một số bài thơ tiêu biểu.
Đề 5: Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu văn mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có. Hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 6: Trong truyện ngắn Giăng sáng (1942) nhà văn Nam Cao viết: Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than. Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.