nghi-luan-dong-cam-xuc-qua-chung-soi-noi-khien-cho-cau-chu-khong-the-di-theo-nhung-duong-vien-co-san-hoai-thanh

Nghị luận: Dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi khiến cho câu chữ không thể đi theo những đường viền có sẵn… (Hoài Thanh)

“Dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi khiến cho câu chữ không thể đi theo những đường viền có sẵn, ý thơ xô đẩy làm cho khuôn khổ câu thơ cũng phải lung lay” (Hoài Thanh)

1. Giải thích ý kiến:

“Cảm xúc” là những rung động, là tình cảm – đây là yếu tố quan trọng nhất của thơ. Khởi nguồn của thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. “Sôi nổi” chỉ mức độ của cảm xúc: nồng nàn, cháy bỏng, mãnh liệt dâng trào. “Ý thơ” chỉ tư tưởng, tình cảm.

“Những đường viền có sẵn”, “khuôn khổ câu thơ”: Những quy định có sẵn từ trước, những hình thức có tính chất khuôn mẫu, ổn định. “Xô đẩy”, “không đi theo”, “lung lay” đều chỉ sự bứt phá, vượt ra khỏi những quy định.

Khi cảm xúc, tình cảm trong thơ đến mức mãnh liệt nó sẽ phá vỡ những khuôn mẫu, những hình thức có tính chất ổn định. Từ đó cho thấy trong mối quan hệ giữa nội dung cảm xúc và hình thức nghệ thuật của thơ thì nội dung cảm xúc đóng vai trò chi phối.

2. Bàn luận:

– Nội dung cảm xúc và hình thức nghệ thuật trong thơ phải có sự hài hòa, phù hợp với nhau. Tuy nhiên, trong mối tương quan giữa nội dung và hình thức thì nội dung là cái có trước và bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo. Thông qua ý thức năng động và tích cực chủ quan của người nghệ sĩ, nội dung cố gắng đi tìm một hình thức thể hiện phù hợp với nó, để bộc lộ một cách đầy đủ nhất, hấp dẫn nhất bản chất của nó. Khi tiếng nói cảm xúc, tình cảm trong thơ nồng nhiệt đến độ cao trào thì nó sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ hình thức bình thường để rồi lại đi tìm một cách thể hiện khác phù hợp với nó. Đó chính là sự “phá vỡ những đường viền có sẵn”.

– Khi cảm xúc phá vỡ những giới hạn, những hình thức cũ thì sẽ có một hình thức mới ra đời. Đây cũng chính là hành trình đi tìm sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nghệ thuật cũng vì thế mà luôn sáng tạo, luôn mới mẻ, hấp dẫn.

– Ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh là ý kiến xác đáng, đúng đắn, đầy biện chứng về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong thơ. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng: Không phải cứ có cảm xúc mãnh liệt thì sẽ có sự phá cách và tạo nên cái mới trong nghệ thuật thơ ca. Việc sáng tạo nên những hình thức mới mẻ còn phải phụ thuộc vào cái tài của người nghệ sĩ. Cảm xúc chỉ là phần “xương thịt”, là yếu tố khơi nguồn và thúc đẩy. Hơn nữa, không chỉ thơ mà đối với loại hình nghệ thuật nào cũng vậy nội dung cảm xúc, tư tưởng luôn đóng vai trò chủ đạo, quyết định đối với hình thức thể hiện.

2. Làm rõ ý kiến qua cảm nhận bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.

“Sóng” là dòng cảm xúc “quá chừng sôi nổi”, là tiếng nói tình cảm mãnh liệt của một trái tim phụ nữ yêu chân thành, da diết. Cái “tôi” trữ tình khi thì hóa thân vào “em”, khi thì soi mình vào “sóng”. “Sóng” và “em” cùng song song tồn tại để bộc lộ những cảm xúc của nhân vật trữ tình.

+ Những trạng thái cảm xúc phong phú, phức tạp có lúc tưởng mâu thuẫn mà lại thống nhất trong tâm hồn người con gái đang yêu.

+ Khát vọng tự nhận thức, khát vọng tình yêu.

+ Nỗi nhớ cháy bỏng, da diết trong tình yêu.

+ Tình cảm thủy chung khăng khít.

+ Những dự cảm âu lo và niềm tin vào tình yêu chân chính.

+ Khát vọng bất tử hóa tình yêu.

– Ở “Sóng” có sự phá vỡ những hình thức, khuôn mẫu có tính chất ổn định (“câu chữ không đi theo đường viền có sẵn, khuôn khổ câu thơ bị lung lay”)

+ Âm điệu của bài thơ: Bài thơ có âm điệu của sóng. Sóng biển hay cũng chính là sóng lòng của người con gái đang yêu. Âm điệu đó được tạo nên do thể thơ (thể thơ năm chữ, gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh linh hoạt); phương thức tổ chức ngôn từ và hình ảnh.

+ Kết cấu của bài thơ độc đáo thể hiện “dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi”: Cả bài thơ có 9 khổ. Bốn khổ đầu và bốn khổ cuối mỗi khổ đều có 4 câu, riêng khổ giữa (khổ 5) có 6 câu. Kết cấu đó khiến người ta liên tưởng tới hai chân sóng và đỉnh sóng.

+ Hình tượng thơ: Có hai hình tượng song song tồn tại: Sóng và em, lúc thì phân thân soi chiếu vào nhau, lúc lại hòa với nhau làm một. Sóng biển và sóng lòng hòa quyện trong nhau.

+ Các biện pháp tu từ: Ẩn dụ, so sánh, nhân hóa được sử dụng linh hoạt nhằm diễn tả những cảm xúc trong tâm hồn người con gái đang yêu.

+ Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên như tiếng lòng chân thành của người phụ nữ, không màu mè, kiểu cách.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang