vcanh-ngo-va-so-phan-nguoi-nong-dan-truoc-cach-mang-thang-tam-qua-tam-trang-cua-nhan-vat-trang-vo-nhat-kim-lan-va-nhan-vat-chi-pheo-chi-pheo-nam-cao

Cảnh ngộ và số phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám qua tâm trạng của nhân vật Tràng (Vợ nhăt – Kim lân) và nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao)

Cảm nhận của anh/chị về cảnh ngộ và số phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám qua tâm trạng của các nhân vật trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện (Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2016, tr.154) để nhận xét cái nhìn của các nhà văn về cuộc sống và con người.


I. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận:

+ Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn; chuyên viết về nông thôn và đời sống của người dân nghèo với ngòi bút đôn hậu và hóm hỉnh.

+ Vợ nhặt là truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962); đoạn trích khắc sâu cảnh ngộ và số phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

II. Thân bài:

Cảm nhận về cảnh ngộ và số phận người nông dân qua bữa cháo cám trong truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân)

– Trước cảnh một cổ hai tròng “Đằng thì nó bắt giống đay, đằng thì nó bắt đóng thuế”, người nông dân rơi vào thảm cảnh đói khát, bên bờ vực của cái chết.

+ Hình ảnh bữa cơm ngày đói đón dâu mới mà trung tâm là nồi cháo cám với miếng cám nghẹn bứ trong cổ họng của mỗi người ám ảnh người đọc; có sức mạnh tố cáo một cách sâu sắc hiện thực xã hội bấy giờ.

+ Âm thanh của “tiếng trống thúc thuế dồn dập” cùng hình ảnh bầy quạ “lượn thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đám mây đen” càng làm nổi bật tình cảnh bi đát, kiệt cùng, không lối thoát của con người. Cái chết bủa vây khắp nơi, trên trời, dưới đất giống như một tấm mạng nhện khổng lồ sắn sàng úp chụp lên những sinh linh bé nhỏ.

+ Câu nói của người mẹ mang đầy nỗi âu lo, thương xót cho số phận của những đứa con mình: Giời đất này chưa chắc đã sống qua được đâu các con ạ…à Hiện thực ngày đói thê thảm, tình cảnh khốn cùng của người nông dân trước Cách mạng.

– Tuy nhiên, cũng trong tình cảnh ấy, Kim Lân đã nhận ra sự chuyển biến dù rất mơ hồ trong nhận thức của những người nông dân về cách mạng. Chút ánh sáng đã hé ra trong những ngày đen tối đem lại cho con người niềm hy vọng sống mong manh.

+ Sự tiếc rẻ vẩn vơ cùng hình ảnh lá cờ đỏ cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của Tràng về cách mạng, tuy còn rất đỗi mơ hồ nhưng đã báo hiệu một sự thay đổi tất yếu trong tương lai.

+ Âm thanh của tiếng trống thúc thuế dồn dập cùng hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới được lặp lại vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng.

– Đoạn trích cho thấy tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân: Lên án xã hội thực dân phong kiến, phát xít; Cảm thông với nỗi khổ của con người; Trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; Niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng. Đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện.

Cảm nhận về cảnh ngộ và số phận người nông dân qua chi tiết Chí Phèo đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện (Chí Phèo – Nam Cao).

– Tình yêu của Thị Nở đã đánh thức cái tâm hồn ham sống, ham hạnh phúc, mong ước về một mái ấm gia đình trong Chí. Thế nhưng cái định kiến cay nghiệt của bà cô, những lời thuật lại đầy tức tối của Thị Nở chính là cú giáng cuối cùng vào tâm hồn tàn tạ, tuyệt vọng của Chí, dồn Chí Phèo đến cái cách giải quyết tiêu cực nhất là chết!

– Lần này Chí Phèo đến nhà Bá Kiến với một tâm trạng đặc biệt, khác hẳn hai lần trước. Đó là khi bị Thị Nở cự tuyệt, hắn lại uống rượu và rồi xách dao ra đi. Hắn không rẽ vào nhà Thị Nở như dự định ban đầu, mà đến thẳng nhà Bá Kiến. Chí nhận ra rằng kẻ thù lớn nhất, độc ác nhất trong cuộc đời Chí luôn luôn chỉ có một mà thôi đó chính là tên Bá Kiến, tiềm thức đã ngủ yên biết bao năm nay của hắn bỗng được thức tỉnh.

– Dưới chân Chí Phèo hôm nay, không hẵn là bước chân của kẻ say rượu, mà đúng là bước chân của kẻ vừa say, vừa tỉnh. Chí Phèo tỉnh vì ý thức nhân phẩm đã trở về. Tình yêu thương mộc mạc và chân thành của Thị Nở đã làm thức dậy bản chất lương thiện của Chí Phèo “Hắn thèm lương thiện. Hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao!”

–  Hôm nay, linh hồn Chí Phèo đã trở về, nhưng mọi người không nhận ra. Thế là Chí Phèo rơi vào một tấn bi kịch tinh thần đau đơn: Thèm lương thiện mà bị xã hội lạnh lùng cự tuyệt. Nên hôm nay Chí Phèo ra đi với sự thôi thúc của lòng căm thù, của thái độ kiên quyết đòi lại gương mặt và tâm hồn đã bị xã hội cuớp mất.

– Trước Bá Kiến, lần này Chí Phèo có một tư thế và cách nói năng chững chạc, quyết đoán và chủ động hơn. Bá Kiến ngạc nhiên đến sửng sốt: “Thôi cầm lấy vậy! Tôi k hông còn hơn”. Chí Phèo lại vênh mặt lên, nói một cách rất kiêu ngạo: “Tao đã bảo tao k hông cần tiền”. Bá Kiến nói mỉa mai và hỏi Chí: “Giỏi! Hôm nay mới thấy anh k hông đòi tiền. Thế thì anh cần gì?”. Chí Phèo dõng dạc nói: “Tao muốn làm người lương thiện”. Bá Kiến lại mỉa mai “Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ”.

– Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ còn một cách…”. Chỉ còn một cách, đó là Chí Phèo “Xông vào văng dao tới….vừa chém túi bụi vừa k êu làng thật to”. Và sau khi giết Bá Kiến, hắn đã quay lại tự kết liễu cuộc đời mình “Hắn giẫy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi”.

– Hành động giết Bá Kiến hôm nay của Chí Phèo không phải là hành động giết người của một Chí Phèo lưu manh, mà là hành động lấy máu rửa hờn của một người nông dân đã thức tỉnh về quyền sống. Chí Phèo giết Bá Kiến để trả thù, để xả hết bao nỗi khốn nhục uất ức mà hắn phải chịu bấy lâu nay, để trả thù cho cái lương thiện mà tên Bá Kiến đã cướp mất của hắn.

– Nam Cao đã chọn một kết cục đau đớn, đầy bế tắc cho những người nông dân lương thiện bị đẩy đến bước đường cùng. Không thể trở về với cuộc đời lương thiện trước kia, khi mà mọi ngả đường đều bị chặn lối, họ chỉ còn biết trả thù và tự tìm cái chết. Đó là sự lựa chọ đau đớn và quyết liệt của con người trong tình cảnh khốn cùng.

– Hình ảnh Chí Phèo trong vũng máu, miệng muốn nói mà không ra tiếng vô cùng ám ảnh, có sức tố cáo xã hội thực dân phong kiến một cách gay gắt. Vì vậy cũng mang giá trị nhân đạo sâu sắc.

– Hình ảnh Chí Phèo trong cách kết thúc cuộc đời mình cho thấy số phận bi thảm của người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

Nhận xét cái nhìn của các nhà văn về cuộc sống và con người:

– Giống nhau:

+ Cái nhìn cảm thông, đầy thương xót cho cảnh ngộ và số phận người nông dân trước Cách mạng

+ Trân trọng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người.

– Khác nhau:

+ Với tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao khai thác tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến. Họ cũng có khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc nhưng thực tại tăm tối đã nhấn chìm họ. Nhà văn đã không tìm ra được lối thoát nào cho những con người khốn khổ ấy ngoài cái chết và sự lặp lại của những cuộc đời tương tự.

+ Với tác phẩm Vợ nhặt, Kim Lân không chỉ nhìn thấy cái cảnh đói khát bi thảm của người nông dân, thấy những ước mơ, khát vọng hạnh phúc của họ mà quan trọng hơn là nhà văn đã chỉ ra cho những con người khốn khổ ấy một lối thoát. Đi theo cách mạng sẽ là con đường mang lại ấm no, mang lại sự sống cho những người lao động nghèo khổ.

– Lí giải sự khác biệt:

+ Do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử xã hội. Nam Cao viết Chí Phèo năm 1941 trong hoàn cảnh đen tối của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Kim Lân viết Vợ nhặt sau hòa bình lập lại 1954 khi dân tộc ta đã đi qua 2 mốc lớn của lịch sử là Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp. Ánh sáng Cách mạng giúp nhà văn thấy được hướng vận động và phát triển của lịch sử.

+ Do khuynh hướng văn học và phương pháp sáng tác: Tác phẩm Chí Phèo viết theo khuynh hướng văn học hiện thực phê phán. Nam Cao phản ánh hiện thực đen tối nhằm phê phán xã hội. Nhà văn yêu thương con người nhưng vẫn chưa nhìn thấy được lối thoát của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến lúc bấy giờ. Tác phẩm Vợ nhặt viết theo khuynh hướng hiện thực cách mạng nên Kim Lân có thể nhìn thấy bóng tối và ánh sáng bao trùm hiện thực trước cách mạng.

+ Do tài năng và tính cách sáng tạo của từng nhà văn. Cùng yêu thương tin tưởng con người nhưng Nam Cao có cái nhìn tỉnh táo sắc lạnh trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống. Kim Lân lạị cho rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người nông dân vẫn có thể vượt lên cái chết, cái thảm đạm để mà vui mà hi vọng.

III. Kết bài:

– Cùng viết về số phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám nhưng mỗi tác giả đã chọn một hướng đi riêng. Đều này cho thấy sự độc đáo trong phong cách sáng tác của họ.

– Cái nhìn về người nông dân trong tác phẩm của Nam Cao và Kim Lân nói riêng, trong nền văn học hiện thực trước và sau cách mạng tháng Tám nói chung đều thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang