cam-nhan-hinh-anh-nguoi-nghe-si-nhiep-anh-voi-qua-trinh-vo-le-ve-nghe-thuat-va-cuoc-doi-qua-nhan-vat-phung

Cảm nhận hình ảnh người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng với quá trình vỡ lẽ về nghệ thuật và cuộc đời qua nhân vật Phùng

Cảm nhận hình ảnh người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng với quá trình vỡ lẽ về nghệ thuật và cuộc đời.

  • Mở bài: 

Nguyễn Minh Châu là nhà văn mở đường tài năng và tinh anh nhất của văn học ta hiện nay. Ông đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tiền hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông . Từ câu chuyện về một bức tranh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, tác giả mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Nhà văn đặt nhân vật Phùng vào tình huống đứng trước cái đẹp của thiên nhiên và cái ác, cái xấu của cuộc đời từ đó đã trải qua quá trình vỡ lẽ về nghệ thuật và cuộc đời, nhận ra mối quan hệ khăng khít giữa cuộc sống và nghệ thuật.

  • Thân bài:

Trước hết là nhận thức của Phùng về cái đẹp của nghệ thuật. Phùng đang đứng trước cảnh biển sớm khi mặt trời mới thức dậy qua đám mây ánh hồng.Phùng bộc lộ rung động trước “Một cảnh đắt trời cho” mà “suốt đời cầm máy chưa bao giờ thấy”. Nó đẹp “như bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”, “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp ,một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Phùng thực sự rung động “đứng trước nó tôi trở nên bối rối .Trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào” và“ phát hiện ra khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đó là sự nhạy cảm, tinh tế của một người nghệ sĩ trước cái đẹp của thiên nhiên của cuộc đời.

Nhận thức thứ hai của Phùng là về bạo lực gia đình. Bước từ chiếc thuyền đẹp như mơ ấy là một người đàn bà xấu xí, một người đàn ông độc dữ và một cảnh tượng tàn ác. Chồng đánh vợ, con đánh cha, bố đánh con. Tìm hiểu rõ hơn Phùng được biết cảnh ấy diễn ra thường xuyên “Ba ngày một trận nhẹ ,năm ngày một trận nặng”. Lúc đầu Phùng ngạc nhiên bất ngờ đến mức há mồm ra mà nhìn sau rồi anh chạy lại để ngăn chặn.

Đặc biệt khi gặp người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện Phùng được nghe câu chuyện đời tự kể của bà anh đã có những vỡ lẽ cho riêng mình. Đó là có những nghịch lí đôi khi ta phải chấp nhận. Cuộc sống của người dân chài còn nhiều bộn bề mà giải pháp li dị để loại bỏ cái xấu cái ác chưa phải là tất cả. Không thể áp dụng lí thuyết sách vở mà phải căn cứ vào thực tế đời sống. Pháp luật phải gắn liền với đạo đức, không thể áp dụng tuỳ tiện. Giải quyết li hôn càng làm cho gia đình rạn nứt và tan vỡ. Những đứa con rồi sẽ ra sao ?

Cuối truyện, Đẩu đi gặp người đàn ông. Phùng đi gặp thằng Phác. Kết quả như thế nào, tác giả còn bỏ ngỏ. Chỉ biết bức ảnh anh chụp có chiếc thuyền lưới vó và suy nghĩ của Phùng “ bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh ,đó là người đàn bà vùng biển cao lớn với đường nét thô kệch ,tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá ,nửa thân dưới ướt sũng ,khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm”. Phải chăng đây là sự trăn trở trước cuộc sống còn nhiều điều khó khăn, vất vả của người làm nghệ thuật . Đó là mối quan hệ giữa văn chương với cuộc đời.

Với nghề, anh là một người nghệ sĩ nhạy cảm với cái đẹp, say mê công việc có ý thức trách nhiệm với công việc được giao, nghiêm túc với nghề .Với cuộc đời anh là người giàu tình yêu thương, quan tâm và có tinh thần giúp đỡ bảo vệ con người trước cái ác và cái xấu.Nhưng ở nhân vật Phùng còn tồn tại cái nhìn thiếu sự toàn diện mà chính cuộc gặp gỡ với con thuyền và cuộc sống của người dân trên thuyền anh đã có những vỡ lẽ cho riêng mình.

Phùng là kiểu nhân vật tự ý thức. Kiểu nhân vật thể hiện sự trăn trở của Nguyễn Minh Châu về việc đổi mới tư duy nghệ thuật, về thiên chức người nghệ sĩ, về cuộc đấu tranh với chính mình để hoàn thiện nhân cách.Những phát hiện đầy nghịch lí của Phùng khiến Phùng rơi vào trạng thái lưỡng phân. Anh vừa tự hào về bức ảnh, vừa trăn trở khi thấy hiện ra đằng sau bức ảnh đẹp đẽ là bóng dáng cuộc sống tù đọng, nhẫn nhục của những ngư dân vùng biển. Nỗi ám ảnh không nguôi ấy cũng chính là quá trình tự ý thức của Phùng, qua đó bộc lộ quan điểm của anh và chính là của nhà văn Nguyễn Minh Châu: nghệ thuật và đời sống cần có mối quan hệ khăng khít.

  • Kết bài:

Cốt truyện Chiếc thuyền ngoài xa chính là quá trình vỡ lẽ về nghệ thuật và cuộc đời của nghệ sĩ Phừng và cả nhà văn. Qua những phát hiện của Phùng đã bộc lộ những lo lắng, trăn trở của nhà văn về nhân cách, đời sống con người, bộc lộ lòng thương cảm, trắc ẩn, trân trọng những vẻ đẹp trong tâm hồn người dân lao động. Truyện đậm chất tự sự, triết lý, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.

Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang