quan-diem-cua-ho-chi-minh-ve-van-chuong-nghe-thuat

Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn chương nghệ thuật

Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn chương nghệ thuật.

Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cách mạng chân chính, tiến bộ, một anh hùng dân tộc. Cả cuộc đời đã dành trọn cho giang sơn gấm vóc mà không gợn chút mảy may tư lợi. Cứ mỗi khi nhắc đến Hồ Chí Minh là trái tim, mạch máu con người Việt Nam như đập mạnh hơn, rạo rực hơn từng giây từng phút tưởng nhớ về vị cha già kính yêu của dân tộc. Cũng như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh không nguôi nghĩ về dân, về nước. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước mất tự do, giặc Pháp xâm lược, chế độ phong kiến thối ruỗng, nhân dân một cổ hai tròng khổ cực xiết bao. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã sớm có tư tưởng yêu nước và giải phóng dân tộc.

Năm 1911, Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm con đường cho cách mạng Việt Nam. Người đã được làm việc, hoạt động trong môi trường công nhân các nước phương Tây. Người đã đi khắp năm châu bốn bể, qua các nước đế quốc, các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, tiếp xúc với mọi dân tộc mọi màu da, đã chứng kiến bao tiếng kêu thất thanh của những thân phận khốn khổ, của nô lệ khắp nơi trên thế giới. Điều đó hình thành nên tính nhân dân sâu sắc trong con ngưới Hồ Chí Minh gắn liền với tính đảng và giai cấp công nông thế giới. Mười năm Nguyễn Trãi lưu lạc (1407-1417) và ba mươi năm Hồ Chí Minh bôn ba (1911-1941) năm châu bốn bể đã giúp hai vị anh hùng tìm ra cho dân tộc những con đường cứu nước đi đến thắng lợi.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn chương nghệ thuật.

a. Văn chương phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ.

Trong đường lối văn chương của chủ tịch Hồ Chí Minh, như chúng ta thấy, phục vụ cách mạng thống nhất với phục vụ nhân dân. Quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ chủ tịch, nói như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Đó là điều cốt yếu hơn hết trong sự nghiệp cách mạng của Hồ chủ tịch”. Người khuyên nhà văn, nhà thơ đi sâu vào cuộc sống để hiểu tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống của nhân dân, sao cho “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ao ước cúa quần chúng”. Muốn làm được vậy, Hồ Chí Minh chỉ rõ, người nghệ sĩ phải xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội, cùng sống, chiến đấu và lao động với quần chúng, như thế mới biết được khó khăn, chí khí và nguyện vọng của nhân dân như thế nào ?

Hồ Chí Minh đã nêu lên quan điểm của mình về mối quan hệ giữa cuộc sống và tác phẩm, giữa người viết và người đọc, được cụ thể hóa trong hệ thống câu hỏi liên kết với nhau theo một trình tự chặt chẽ: “Viết cho ai ?”, “viết để làm gí ?”, “viết cái gì ?”, và “cách viết như thế nào ?”. Vấn đề đối tượng phục vụ, vấn đề “viết cho ai ?” được Hồ Chí Minh nêu bật hàng đầu như là xuất phát điểm, như là mục đích cụ thể quy định cả quá trình sáng tác.

Văn học phục vụ nhân dân phải bắt nguồn tư hiện thực cuộc sống, phản ánh những sinh hoạt hàng ngày, những sự kiện trọng đại của dân tộc và cuộc sống. Chừng nào mà người nghệ sĩ chưa ý thức được rõ ràng mục đích và đối tượng phục vục chủ yếu của văn chương thì họ vẫn không thể có được một phương hướng sáng tác chính xác, vẫn dễ bị chập choạng và sáng tác của họ rất khó biến thành món ăn tinh thần của đông đảo nhân dân. Vì nhân dân bao giờ cũng là người đánh giá tác phẩm chính xác vá tinh tường nhất.

b. Văn chương là vũ khí đấu tranh.

Hồ Chí Minh nói một cách giản dị “rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn học muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” hoặc “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Như vậy là, Người đặc biệt quan tâm đến tác dụng, chức năng của văn chương xem văn chương như hoạt động thực tiễn của con người, như một sức mạnh cải tạo cuộc sống.

Năm 1947, trong thư gửi anh chị em văn hóa và trí thức Nam bộ, Hồ Chí Minh có viết rằng: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em tri thức và văn hóa cũng phải làm như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho tổ quốc”. Năm 1951, Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Như vậy, ý kiến của Bác là rất nhất quán, sáng sủa, dễ hiểu: văn nghệ là mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ, ngòi bút là vũ khí. Nhà văn, nhà thơ không thể “vị nghệ thuật’ tùy hứng muốn viết gì thì viết, không thể là một người “thư kí” khách quan chủ nghĩa mà phải là một chiến sĩ, một người có tính đảng cao, sống và viết cho một mục đích xác định. Trong bài thơ Cảm tưởng đọc Thiên gia thi Bác viết:

“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Thơ phải có “thép”, tức là phải có tính chiến đấu. “Thép” trong thơ văn nói chung là tính cách mạng triệt để. Đây là điểm mới mà chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại cho văn chương, khác với quan điểm văn chương phù phiếm, văn chương thù tạc của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản.

Xác định mục đích của văn nghệ là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân là hết sức đề cao văn chương nghệ thuật, gắn nó với những nguồn cảm hứng lớn lao nhất, bảo đảm cho nó một sự phát triển tự do và rực rỡ. Cũng như ở những lĩnh vực khác, ý kiến của Bác về văn nghệ bao giờ cũng thấm nhuần tinh thần thực tiễn cách mạng, có tính mục đích cao, nhưng đồng thời rất thiết thực, linh hoạt gắn liền với hánh động.

c. Hình thức văn chương phải gọn gàng, trong sáng.

Văn chương phải giản dị, gần gũi với sinh hoạt của nhân dân. Và Hồ Chí Minh cũng thấy được sức sáng tạo to lớn của quần chúng: “Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại gắn, chứ không trường thiên đại hải, dây cà dây muống…những sáng tác ấy là những viên ngọc quý”.
Nhà văn phải chú ý đến hình thức thể hiện, tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề. Hình thức tác phẩm phải trong sáng, hấp dẫn, ngôn từ phải chọn lọc. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Theo Người tác phẩm văn chương phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và được nhân dân yêu thích.

Văn chương xuất phát từ cuộc sống, văn chương lấy ngôn ngữ làm chất liệu tạo hình nên nó giúp ngôn ngữ đời sống ngày càng phát triển, còn ngôn ngữ văn học nhờ sự phong phú của ngôn ngữ đời sống nên cũng ngày càng sinh động, rực rỡ. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến hình thức giản dị, dễ hiểu, trong sáng, vui tươi của văn chương. Mặt khác Người cũng chống lại sự rập khuôn, đơn điệu, Người mong muốn “xây dựng văn nghệ ta ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật”. Văn chương trong thời đại cách mạng gắn liền với chính trị, tuyên truyền cho đường lối của đảng, của cách mạng thì tác phẩm văn học phải thật giản dị, phải học lời ăn tiếng nói của nhân dân vì “cách nói của dân chúng rất đầy đủ, hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất giản đơn”.

3. Nhận xét, đánh giá.

Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vô sản vĩ đại. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Hồ Chí Minh có ham muốn tột bậc “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ở Bác là một tấm lòng yêu nước, thương dân “bát ngát đại dương” như vậy quả thật hiếm có và đáng để chúng ta trân trọng, tôn kính.

Tình yêu nước, thương dân của Hồ Chí Minh luôn gắn liền với hành động cụ thể. Mọi tư tưởng chính trị luôn chi phối một cách đúng đắn, sáng suốt trong suy nghĩ, chủ trương của Hồ Chí Minh. Và chưa bao giờ tư tưởng chính trị lại đóng vai trò chỉ đạo chặt chẽ và nhất quán như trong thơ văn Hồ Chí Minh.

Giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang