Nội dung:
Sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
I. Sự nghiệp văn học Hồ Chí Minh.
Bên cạnh sự nghiệp Cách Mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí minh còn để lại một di sản văn học lớn lao về tầm vóc tư tưởng, phong phú về thể loại và đa dạng về phong cách nghệ thuật. Do nhiều năm hoạt động ở nước ngoài nên tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chi Minh được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Việt và được tập trung thể hiện ở 3 thể loại chính: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca.
Văn chính luận:
Từ những thập niên đầu thế kỉ XX các bài văn chính luận mang bút danh Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp đăng trên các tờ báo. Người cùng khổ, Nhân đạo, đời sống thơ thuyền … đã thể hiện tính chiến đấu hết sức mạnh mẽ. Các tác phẩm này lên án những chính sách tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa, kêu gọi những người nô lệ bị áp bức liên hiệp lại, đoàn kết đấu tranh.
Tiêu biểu nhất cho văn chính luận của Người ở giai đoạn này là “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Tác phẩm được xuất bản lần đầu ở Pa-ri năm 1925.
Về nội dung bản án đã tố cáo một cách đanh thép tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa, ép buộc hàng vạn dân “bản xứ” phải đổ máu vì “mẫu quốc” trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bóc lột và đầu độc họ bằng sưu thuế, rượu và thuốc phiện. Tổ chức một bộ máy cai trị bất chấp công lí và nhân quyền. Vì vậy, bản án chết độ thực dân Pháp đã tạo nên một tiếng vang lớn ở nước Pháp lúc bấy giờ. Đọc bản án chế độ thực dân Pháp, nhiều người Pháp đã phải thốt lên: “Ồ, thật là ghê tởm”. Nếu so sánh những tên thực dân Pháp với những tên cướp đường thì những tên cướp đường còn là người lương thiện”.
Về nghệ thuật: tác phẩm lôi cuốn người đọc không chỉ bằng những sự việc được miêu tả rất chân thực, cứ liệu phong phú, chính xác mà còn ở thái độ, tình cảm sâu sắc mãnh liệt của tác giả và nghệ thuật châm biếm đả kích sắc sảo, giàu chất trí tuệ. Người viết còn rất thành công khi kể lại những câu chuyện nhỏ nhưng có tác dụng sâu sắc trong việc tố cáo tội ác của bọn chủ nghĩa thực dân.
Nói đến văn chính luận của Hồ Chí Minh không thể không nói tới bản Tuyên Ngôn Độc Lập – văn kiện chính trị này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử trọng đại mà còn là một áng văn chính luận tiêu biểu mẫu mực.
Bản tuyên ngôn gồm 3 phần:
- Phần 1: Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn.
- Phần 2: Cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn.
- Phần 3: Lời tuyên bố độc lập.
– Nội dung: Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.
– Nghệ thuật: Tác phẩm là một áng văn chính luận mẫu mực : lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, ngôn ngữ hùng hồn, vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các phe nhóm cơ hội quốc tế, vừa bộc lộ tình cảm yêu nước, thương dân và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả và toàn dân tộc. Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn, có giá trị lịch sử lớn lao
Tiếp sau Tuyên Ngôn Độc Lập là những áng văn chính luận nổi tiếng như “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946) và “Không có gì là qúy hơn độc lập tự do” (1966). Những văn kiện quan trọng này được viết trong những giờ phút thử thách đặc biệt quan trọng: văn phong vừa hào sáng, tha thiết làm rung động trái tim hàng triệu người Việt Nam yêu nước.
Trong những năm cuối cùng của cuộc đời Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta bản Di chúc (1969). Tác phẩm vừa là lời căn dặn tha thiết, ân tình đối với đồng bào cả nước, đồng thời bày tỏ tình cảm của Người với bè bạn quốc tế. Đồng thời bản di chúc của Hồ Chí Minh còn đề ra phương hướng phát triển đất nước sau khi đất nước giành được độc lập, Nam Bắc sum họp một nhà.
Những áng văn chính luận tiêu biểu của Hồ Chí Minh được viết không chỉ bằng lí trí sáng suốt, trí tuệ sắc sảo mà còn bằng tấm lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc của một trái tim vĩ đại được biểu đạt bằng lời văn chặt chẽ súc tích.
Truyện và kí:
Trong thời gian hoạt động ở Pháp, ngoài những tác phẩm chính luận Nguyễn Ái Quốc còn sáng tác một số truyện ngắn, kí, tiểu phẩm sau này được tập hợp lại trong tập truyện và kí.
Truyện: Nguyễn Ái Quốc đã để lại một số truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp được đăng báo ở Pa-ri, tiêu biểu là các tác phẩm :
Pari (1922)
Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922)
Đồng tâm nhất chí (1922)
Con người biết mùi hun khói (1922)
Vi hành (1923)
Những trò lố hay La–va–ren và Phan Bội Châu (1922)
Nội dung: Những truyện ngắn này nói chung đều nhằm tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo xảo trá của bọn thực dân và bọn phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa. Đồng thời đề cao những tấm gương yêu nước và cách mạng.
Nghệ thuật: bằng một bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt, Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên được những tình huống truyện độc đáo, hiện trượng sinh động, sắc sảo. Qua những thiên truyện này, người đọc có thể nhận ra một cây bút văn xuôi tài năng với trí tưởng tượng phong phú, con mắt quan sát sắc sảo, lời văn linh hoạt hóm hỉnh, sắc cạnh, một vốn văn háo sâu rộng, một trí tuệ sắc sảo và một trái tim tràn đầy nhiệt tình yêu nước và Cách Mạng.
Kí: Người để lại một số tác phẩm tiêu biểu như: Nhật kí chìm tàu (1933) và Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963). Đọc những bài kí này người đọc thấy hiển hiện một cái tôi Hồ Chí Minh rất đỗi trẻ trung hồn nhiên và giản dị, say mê hoạt động, ham học hỏi, có năng khiếu quan sát sắc sảo mau lẹ của một kí giả có tài ở đâu làm gì cũng sống hết mình với công việc, với người cảnh. Tinh thần dân chủ thấm sâu trong tác phong sinh hoạt hàng ngày, trong thái độ, chân tình, yêu qúy với những con người thường vô danh, nhưng họ là nền tảng của dân tộc là độc lực vĩ đại của lịch sử.
Thơ ca:
Nhật kí trong tù:
Tên tuổi của Hồ Chí Minh gắn liền với tập thơ chữ Hán “Ngục trung nhật kí”. Đây là một tập nhật kí bằng thơ được viết trong thời gian Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943.
Nội dung: Tác phẩm ghi lại những điều tai nghe mắt thấy trong nhà tù và trên đường đi đày từ nhà lao này đến nhà lao khác tại Quang Tây Trung Quốc. Tập thơ đã tái hiện một cách chân thực chi tiết bộ mặt tàn bạo của chế độ nhà tù quốc dân Đảng và một phần hình ảnh xã hội Trung Quốc những năm 1942 – 1943 với ý nghĩa phê phán sâu sa.
Tuy nhiên “Nhật kí trong tù” chủ yếu ghi lại tâm trạng cảm xúc suy nghĩ của tác giả, phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ Cách Mạng trong hoàn cảnh thử thách nặng nề của chốn lao tù. Nhờ vậy, qua tập thơ ta có thể nhận ra bức chân dung tinh thần tự họa của Hồ Chí Minh. Đó là một con người có nghị lực phi thường, tâm hồn luôn khao khát tự do, hướng về tổ quốc, vừa nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, dễ động lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ của con người, vừa có con mắt sắc sảo, nhìn thấy những nghịch lí của một xã hội thối nát để tạo ra những tiếng cười đầy trí tuệ. Nói như Đặng Thai Mai: “ Đọc nhật kí trong tù thực sự cảm thấy đúng tác một thi sĩ và một con người cao cả vĩ đại” và nhà văn Viên Ưng – Trung Quốc đã khẳng định tìm thấy ở tập thơ “ một tâm hồn vĩ đại của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”.
Nghệ thuật: Nhật kí trong tù là một tập thơ đặc sắc đa dạng và linh hoạt. về bút pháp, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại. Tập thơ kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca.
Ngoài nhật kí trong tù phải kể đến một số chùm thơ Người làm ở chiến khu Việt Bắc 1941 – 1945 và trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh những bài được viết nhằm mục đích tuyên truyền như: Dân cày, Ca công nhân, ca binh lính, ca sợi chỉ, … là những bài thơ nghệ thuật vừa có màu sắc cổ điển, vừa mang tinh thần hiện đại như: Pác bó hùng vĩ, Tức cảnh Pác bó, cảnh rừng Việt Bắc, Nguyên tiêu thượng sơn, cảnh khuya. Nổi bật trong thơ Người là nhân vật trữ tình luôn mang nặng nỗi nước nhà mà phong thái vẫn ung dung, tâm hồn luôn hòa hợp với thiên nhiên, thể hiện bản lĩnh của một nhà Cách Mạng vĩ đại luôn luôn làm chủ tình thế, tin tưởng vào tương lai tất thắng của Cách Mạng, tuy trước mắt còn nhiều gian nan, thử thách.
Nội dung sáng tác văn học của Hồ Chí Minh rất phong phú về thể loại, lớn lao về tầm vóc tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật. Đó mãi mãi là những di sản văn học vô giá của dân tộc ta.
II. Quan điểm sáng tác văn học của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, lí tưởng lớn lao duy nhất của Hồ Chí Minh là cứu nước, cứu dân. Người đã tâm sự: “Cả đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì ham muốn ấy mà Người đã ra đi tìm đường cứu nước và cống hiến cả đời mình cho sự nghiêp Cách Mạng giải phóng dân tộc. Trên con đường hoạt động Cách Mạng, Người đã thấy rõ văn học là vũ khí sắc bén, lợi hại, phục vụ đắc lực cho chính trị, cho sự nghiệp đấu tranh Cách Mạng. Người đã mài giũa ngòi bút của mình. Sáng tác văn chương để làm Cách Mạng. Mục đích chính trị đã chi phối quan niệm sáng tác nghệ thuật của Người.
Quan điểm sáng tác nghệ thuật của Hồ Chí Minh gồm 3 nội dung chính.
Trước hết, Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại, phụng sự cho sự nghiệp Cách Mạng, nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như người chiến sĩ ngoài mặt trận. Tinh thần ấy đã được Người thể hiện trong bài “Cảm tưởng đọc thiên gia thi”
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
“Chất thép” ở đây là xu hướng cách mạng và tiến bộ về tư tưởng, là cảm hứng đấu tranh xã hội tích cực của hội họa toàn quốc năm 1931. Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh/chị/em phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Quan điểm đó vừa phát huy truyền thống thơ văn đuổi giặc của ông cha ta từ Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đến Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, … vừa được nâng cao trong thời đại Cách Mạng vô sản.
Hồ Chí Minh luôn coi trọng tính “chân thật” và tính dân tộc của văn học.
Tính chân thật: Người quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thật cả về nội dung và hình thức nghệ thuật.
Về nội dung: nội dung tác phẩm phải miêu tả cho chân thực đời sống Cách Mạng có tính khuynh hướng rõ ràng. Trong buổi khai mạc phòng triển lãm văn hóa, Người nhận xét một số tác phẩm hội họa, “chất mơ mộng nhiều quá mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít”. Người căn dặn các nhà văn phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn hiện thực phong phú của cuộc sống và phải “ giữ tình cảm chân thật”
Về hình thức nghệ thuật: nhà văn không nên viết cầu kì xa lạ, nặng nề, khó hiểu mà hình thức tác phẩm phải trong sáng hấp dẫn, ngôn từ phải chọn lọc, phải thể hiện được tinh thần của nhân dân và được nhân dân yêu thích.
Tính dân tộc: Hồ Chí Minh rất coi trọng tính “dân tộc” của văn học, Người căn dặn các nghệ sĩ “ nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc” đồng thời Hồ Chí Minh cũng đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ, Người nhắc nhở “ Chớ gò bó họ vào khuôn khổ làm mất vẻ sáng tạo”
Như vậy, tác phẩm văn chương phải đậm tính dân tộc và tính nhân dân. Khi cầm bút Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đính đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai (đối tượng), viết để làm gì (hình thức), viết cái gì ( lnội dung) và viết như thế nào (hình thức). Tùy từng trường hợp cụ thể. Người đã vận dụng phương châm đó theo những cách khác nhau. Vì thế tác phẩm của Người chẳng những có tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực mà còn có hình thức nghệ thuật sinh động và đa dạng.
Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh rất rõ ràng cụ thể, sâu sắc, toàn diện. Quan điểm đó đã được thể hiện một cách nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp văn học của Người.
III. Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.
Văn chương không phải là sự nghiệp chính của Hồ Chí Minh tuy nhiên bên cạnh sự nghiệp Cách Mạng, Người còn để lại cho dân tộc ta một di sản van học lớn lao về tầm vóc tư tưởng phóng phú về thể loại, đa dạng và độc đáo về phong cách nghệ thuật.
1. Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh vừa độc đáo đa dạng lại vừa có tính thống nhất.
Nhìn chung ở mỗi thể loại văn học từ văn chính luận, truyện và kí cho đến thơ ca, Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng độc đáo và hấp dẫn.
Văn chính luận: Văn chính luận của Người ngắn gọn, súc tích, bằng chứng đầy thuyết phục giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp. Văn chính luận mà vẫn thấm đượm tình cảm, giàu hình ảnh, giọng tình đạt lí, như đưa lẽ phải vào lòng người, khi lại rất mạnh mẽ và hùng hồn.
Truyện và kí: những tác phẩm truyện và kí của người rất hiện đại thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén, tiếng cười trào phúng của Nguyễn Ái Quốc tuy nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay. Phạm Huy Thông đã nhận xét: “Văn tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc có đặc điểm nổi bật là dí dỏm, hài hước điều đó không ngăn người viết nên những lời thắm thiết trữ tình khi xúc động”.
Thơ ca: thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh, thơ của Người có thể chia làm 2 loại, mỗi loại có những nét phong cách riêng.
Những bài thơ nhằm mục đích tuyên truyền Cách Mạng thường được viết bằng hình thức bài ca, bài vè, lời lẽ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ mang hình thức dân gian hiện đại.
Những bài thơ nghệ thuật viết theo cảm hứng thẩm mĩ hầu hết là thơ tứ tuyệt cổ điển bằng chữ Hán mang đặc điểm của thơ cổ phương Đông với sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển với bút pháp hiện đại. Loại thơ nghệ thuật này là tiếng nói tinh tế và sâu sắc nhất của tâm hồn Hồ Chí Minh vừa hồn nhiên, tự nhiên, vừa trẻ trung, hiện đại, vừa đậm đà phong vị cổ điển, vừa đầy chất thép kiên cường, vừa chan chứa tinh thần nhân đạo vừa dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên. Nhà phê bình người Pháp Rô-giê Đơ-nuy đã nhận xét: “Thơ người nói ít mà gợi nhiều, là loại thơ có màu sắc thanh đạm, có âm thanh trầm lặng, không phô diễn mà như cố khép lại trong đường nết để người đọc tự thưởng thức lấy cái phần ở ngoài lời”.
2 Phong cách của Hồ Chí Minh là hình tượng vừa đa dạng lại vừa thống nhất.
Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh là một hình tượng vừa đa dạng vừa thống nhất. Tính thống nhất đa dạng của Hồ Chí Minh thể hiện trong toàn bộ sáng tác thơ văn của Người. Đó là sự nhất quán trên quan điểm sáng tác. Khi cầm bút bao giờ Người cũng xác định viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và viết như thế nào? Nhất quán ở cách viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị với sự sáng tạo linh hoạt, hoàn toàn chủ động trong sử dụng hình thức thể loại và ngôn ngữ. Các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật khác nhau nhằm mục đích thiết thực của mỗi tác phẩm. Đồng thời từ tư tưởng đến hình tượng nghệ thuật luôn luôn vận động một cách tự nhiên, nhất quán, hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.