nghi-luan-rat-de-de-khac-biet-nhung-rat-kho-de-vuot-troi

Nghị luận: Rất dễ để khác biệt nhưng rất khó để vượt trội (Johnnathan Ive)

Rất dễ để khác biệt, nhưng rất khó để vượt trội.

  • Mở bài:

Sống khác biệt, mang đậm dấu ấn cá nhân là cách để khẳng định mình. Tuy nhiên, từ khác biệt đến vượt trội là một hành trình gian nan. John Mason từng nói: “Lời khen cao nhất mà bạn có thể nghe được là khi ai đó nói với bạn rằng: Bạn thật khác biệt!”. Còn Johnnathan Ive khẳng định: “Rất dễ để khác biệt nhưng rất khó để vượt trội”. 

  • Thân bài:

Ý kiến củaJohn Mason: “Lời khen cao nhất mà bạn có thể nghe được là khi ai đó nói với bạn rằng: Bạn thật khác biệt”. Khác biệt có nghĩa là khác nhau, có những nét riêng không trộn lẫn để phân biệt đối tượng này với đối tượng khác.  Tác giả đề cao lối sống khác biệt, khuyên con người hãy sống là chính mình, phát huy hết cá tính, năng lực, sở trường riêng… của bản thân.

Ở ý kiến của Jonathan Ive: “Rất dễ để khác biệt, nhưng rất khó để vượt trội”.  Vượt trội là xuất sắc hơn hẳn mức bình thường. Jonathan Ive đã khẳng định mỗi con người hãy sống hết mình để lập nên những thành tích rực rỡ.

Hai ý kiến tưởng như là đối lập nhưng thực chất lại thống nhất và bổ sung cho nhau, bởi sống khác biệt là điều kiện để chúng ta có thể vượt trội hơn hẳn người khác. Mỗi con người hãy thật khác biệt, thật nỗ lực để vượt trội.

Có thể thấy, cả John Mason và Johnnathan Ive đều hướng bày tỏ ý kiến về sự khác biệt. “Khác biệt” trong ý kiến của John Mason ý chỉ những sự khác nhau, không thể trộn lẫn, có những nét riêng biệt để ta phân biệt giữa người này với người kia, giữa vật này với vật kia. Ở đây, tác giả muốn đề cao, khuyên chúng ta hãy sống là chính mình, phát huy được hết cái đặc sắc riêng của bản thân mình đối với mọi người, hãy cất lên tiếng nói riêng của bản thân mình. Bởi “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”. Còn với Johnatha Ive, ông khẳng định thêm rằng khác biệt không thôi là chưa đủ, muốn “in dấu trên mặt đất” còn cần cả sự “vượt trội”, nghĩa là phải vượt lên hơn hẳn, khẳng định chính mình, nổi bật trong đám đông để rồi từ đó đạt được những thành công rực rỡ, tự khẳng định mình trong cuộc đời. Như vậy, từ hai ý kiến trên, cả John Mason và Johnnathan Ive đã giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc cần phải sống khác biệt, cần phải là chính mình, nỗ lực và cố gắng hết mức để “in dấu lên mặt đất và in dấu trong tim người khác”

Tại sao cần phải sống khác biệt?

Tạo hóa sinh ra mỗi người là một cá thể riêng với rất nhiều dấu ấn đặc biệt không thể trộn lẫn: ngoại hình, tính cách, năng lực, sở trường, cách suy nghĩ, cách cảm nhận … không giống bất kì ai. Hợp lại chúng ta sẽ tạo thành một xã hội rộng lớn, phong phú, đa dạng.

Chỉ khi con người sống là chính mình, và có những suy nghĩ độc lập, táo bạo, thể hiện được cá tính của bản thân… thì mới phát huy được tận độ sức mạnh tiềm ẩn để vươn tới thành công. Khi đó ta mới xác lập được vị trí, chỗ đứng của mình trong xã hội, mới định vị được giá trị của bản thân.

Nếu chỉ a dua, học đòi, bắt chước theo người khác, ta sẽ bào mòn đi cá tính, thui chột đi năng lực, sở trường riêng, khi đó, rất dễ thất bại. Mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, khi một cộng đồng mà ai cũng giống ai thì cuộc sống sẽ nhàm chán, đơn điệu và thụt lùi.

Tất nhiên, cần phải xác định rõ, sự khác biệt mà mỗi cá nhân hướng tới cũng cần được hình thành trên cơ sở những chuẩn mực chung của xã hội. Khi đó ta mới xác lập được vị trí, chỗ đứng của mình trong xã hội, và trả lời được câu hỏi: Ta là ai? Và bởi thế, khi cuộc sống của ta mất đi sự khác biệt, chỉ a dua, học đòi, bắt chước theo người khác, ta sẽ bào mòn đi cá tính, thui chột đi năng lực, sở trường riêng, để rồi giống như loại chim chàng ràng chỉ còn biết hót giọng của người khác mà chẳng còn giữ được giọng hót của riêng mình. Đến lúc ấy, chắc rằng cuộc đời bạn sẽ chỉ còn là một “bản sao”, thậm chí là một bản sao thất bại.

Tại sao “Rất dễ để khác biệt, nhưng rất khó để vượt trội”?

Cuộc sống không bằng phẳng, mà luôn chất chứa đầy những chông gai, thử thách. Nếu chỉ sống khác biệt, mà con người không chịu nỗ lực, cố gắng thì cũng không thể vươn tới đỉnh cao. Không có thành công nào đến một cách dễ dàng vì “Kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường đấy thôi”. Để vượt trội hơn hẳn, để khẳng định bản thân, tìm kiếm thành công, chúng ta phải phấn đấu, nỗ lực rất nhiều, phải đỏ mồ hôi, nước mắt thậm chí phải đánh đổi hy sinh bằng tất cả sự quyết tâm, bằng ý chí kiên định hướng tới mục tiêu rõ ràng…. Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta “vượt trội”, tỏa sáng.

Nhưng ta cũng cần hiểu rõ và phân biệt đúng giữa “khác biệt”“dị biệt”, lố lăng. Ta sống khác biệt để in dấu cái tốt, khẳng định cái đẹp riêng của bản thân mình chứ không phải là nổi loạn, liều lĩnh. Sống khác biệt không đồng nghĩa với dị biệt, bất chấp luân thường đạo lý và luật pháp. Sống khác biệt không phải là tách rời tập thể, mà phải khẳng định được cái riêng trên nền tảng cái chung. Nếu không hiểu rõ và thực hiện được “quy tắc” trên thì ta hãy làm “chiếc lá xanh” để góp phần tô đẹp cho đời theo một cách riêng. Bài học này không chỉ đúng với mỗi cá nhân, mà còn rất ý nghĩa với mỗi tập thể, mỗi quốc gia dân tộc, trong thời đại toàn cầu, hòa nhập nhưng không hòa tan.

Và tất nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó! Trên thế giới này, đã có rất nhiều, rất nhiều những con người dám khác biệt và đã thành công, thậm chí trở thành những người “vá thành lấp bể”, “đắp lũy, xây thành”.Những con người luôn sống đẹp như những bông hoa mang sắc màu và hương thơm đặc biệt, để điểm tô cho vườn hoa cuộc đời luôn ngạt ngào hương sắc. Ví như Bill Gate. Ông vốn là một sinh viên tài năng của Đại học Harvard, thế nhưng vì muốn theo đuổi đam mê của mình, ông đã dũng cảm từ bỏ trường đại học, sáng lập công ty về phần mềm. Và sau muôn vàn những thử thách, bằng niềm đam mê, tài năng, sự sáng tạo… Bill Gate đã vượt trội, đã thành công trở thành người mở đường, thống trị về lập trình trên thế giới, trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới. Hay như Betthoven, một nhạc sĩ tài năng. Vậy nhưng, phía sau tài năng đó là những nỗ lực cố gắng vượt bậc mà người thường tưởng như không thể làm được khi ông vừa là người bị mù, bị điếc. Vượt lên trên số phận, ông đã nỗ lực, kiến trì theo đuổi đam mê, muốn là chính mình, để rồi ông vượt trội và thành công “in dấu lên mặt đất và in dấu trong tim người khác”.

Tuy nhiên, trong đời sống hiện nay, khi mà những yêu cầu ngày càng cao, những thử thách ngày càng nhiều thì vẫn còn có không ít người, đặc biệt là những người trẻ không đủ can đảm để sống khác biệt, để khẳng định chính mình. Họ chạy theo lối sống a dua, đua đòi, đánh mất chính mình, hoặc sống nhạt nhẽo, vô vị, thỏa hiệp với cuộc sống bình lặng, không nỗ lực để tỏa sáng. Họ sống nhạt nhòa, thụ động, ỷ lại; họ tự biến mình thành cái bóng trong đời sống sôi động; hay khác hơn họ tự biến mình thành bản sao của người khác để rồi mãi mãi chỉ là “hạt cát vô danh”. Họ không đủ dũng cảm và mục đích sống dể hiểu được rằng “Tuổi trẻ chỉ sống duy nhất một lần. cần phải sống sao cho khỏi xót xa ấn hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”

Như vậy, từ hai ý kiến trên, cả John Mason và Johnnathan Ive đã giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc cần phải sống khác biệt, cần phải là chính mình, nỗ lực và cố gắng hết mức để “in dấu lên mặt đất và in dấu trong tim người khác”. Và có lẽ, chính việc dám khác biệt và nỗ lực để vượt trội sẽ khiến cho ta có được cốc màu sắc riêng từ màu trắng nguyên thủy mà tạo hóa ban tặng. Họ chính là những con người luôn sống đẹp như những bông hoa mang sắc màu và hương thơm đặc biệt, để điểm tô cho vườn hoa cuộc đời luôn ngạt ngào hương sắc.

Và nên chăng, những người còn sống một cách nhạt nhòa thụ động, hay cố ý khác biệt theo kiểu dị biệt cần lắm sự thay đổi chính mình cả trong nhận thức, hành động để bắt kịp với nhịp sống với yêu cầu của xã hội. Bởi nếu không có được cái riêng, sự khác biệt, trong xã hội này mọi người đều là bản sao của nhau, sẽ thật nhạt nhòa và buồn tẻ biết bao! Đối với các bạn trẻ hôm nay, cần tự tìm cho mình một cách sống là chính mình, để cho mình để in dấu thật đậm sắc màu trong tim người khác. Tuổi trẻ cần sống khác biệt để khẳng định được bản lĩnh, cá tính, sức mạnh của mình giữa cuộc đời.

  • Kết bài:

“Rất dễ để khác biệt, nhưng rất khó để vượt trội”. Cách chắc chắn nhất để làm hỏng người trẻ tuổi là hướng dẫn anh ta coi trọng những ai suy nghĩ giống nhau hơn là những ai tư duy khác biệt. Bởi sự giống nhau là con đường ngắn nhất dẫn đến sự nhàm chán và tàn lụi sau đó. Tuổi trẻ nhất định cần sống khác biệt. Đừng nóng vội mình trở nên khác biệt ngay lập tức, hãy bình tĩnh và kiên trì bởi “người tạo ra sự khác biệt LỚN NHẤT thường là người làm những điều NHỎ NHẶT một cách kiên định”.

Nghị luận: Suy nghĩ khác biệt là động lực của mọi sáng tạo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang