Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (dưới góc độ thi pháp)
Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Thúy Kiều đã tự tử để bảo toàn danh tiết của mình, nhưng không thành. Tú Bà lo sợ rằng, nếu Kiều chết thì Ôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma, nên đã gian xảo lừa dối nàng với lời hứa rằng đợi khi Kiều bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế. Trước khi thực hiện một âm mưu thâm độc và xấu xa nhằm khép tội Kiều, biến nàng thành gái lầu xanh, Tú Bà đã đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
Đoạn trích đã thể hiện bút pháp nghệ thuật xuất sắc và độc đáo của Nguyễn Du trong việc tạo tác bức chân dung nội tâm đặc sắc của Thúy Kiều. Về mặt kết cấu, đoạn trích có ba ý – ba điểm nhìn, ba mảng không gian mang ba sắc màu liên kết với nhau, kết hợp với nhau hướng đến mục tiêu miêu tả tâm trạng Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích. Mảng thứ nhất là cảnh thiên nhiên được diễn tả bằng ngôn từ tác giả:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Mảng không gian này là một phần trong không gian nghệ thuật chung của bức tranh. Mảng không gian này được xác định là trước lầu Ngưng Bích trong tầm nhìn của Thúy Kiều từ lầu Ngưng Bích. Không gian được mở ra có đủ các chiều kích: tầm xa (vẻ non xa), độ gần (tấm trăng gần), chiều rộng (bát ngát xa trông), tầm cao (ánh trăng); các dạng thái lớn nhỏ, các sắc màu (cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia…).
Bức tranh có đủ các vật thể, dạng thái, sắc màu và được mở rộng đủ chiều kích, góc độ nhưng tuyệt nhiên không hề tạo nên cái đẹp hấp dẫn và quyến rũ của thiên nhiên dưới đêm trăng. Mà với đặc điểm các tình tiết được đặt bên cạnh nhau (vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung; cát vàng cồn nọ), bức tranh thể hiện một sự quan sát với chủ đích không nhằm hưởng thụ hay tán dương vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh vật mà chỉ là một tập hợp rời rạc, hỗn độn qua cảm nhận của một tâm trạng buồn thương, sầu khổ của nhân vật trữ tình trong hoàn cảnh bi đát ngoài mong đợi. Chính vì tâm trạng bẽ bàng với những gì đã vừa mới xảy đến với mình, nên cảnh và tình không hòa nhập, cảnh chỉ tạo ra một tập hợp sự vật mang tính ngổn ngang, thể hiện tâm trạng rối bời, hoang mang của Thúy Kiều lúc bấy giờ. Chính vì vậy nên Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Mảng thứ hai của bức tranh là không gian tâm trạng của Thúy Kiều được diễn tả một cách trực tiếp qua ngôn từ độc thoại nội tâm của nhân vật:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Mảng thứ ba là không gian thiên nhiên qua con mắt buồn trông của Thúy Kiều:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Trong trạng huống này, con người Thúy Kiều cô đơn, buồn thương và day dứt giữa mênh mông rợn ngợp của thiên nhiên nơi nước non người. Thiên nhiên đó bủa vây lấy Thúy Kiều, nên con người Thúy Kiều cô lẻ như bị chìm khuất giữa thiên nhiên. Nguyễn Du đặt vị trí con người giữa đoạn trước và sau đều miêu tả thiên nhiên là một dụng ý nghệ thuật, và đã tạo ra được hiệu quả thẩm mỹ và tư tưởng trong cách bài trí và kết cấu hình tượng.
Ngôn từ và tâm trạng nhân vật luôn tương thích với nhau, tâm trạng được thể hiện qua ngôn từ miêu tả thiên nhiên và được bộc lộ trực tiếp; ngôn từ mô tả, gợi mở, diễn trình đặc điểm tâm trạng nhân vật. Do vậy, hình tượng thơ có sức hấp dẫn lớn. Biện pháp điệp cấu trúc câu và sóng đôi cú pháp với cụm từ buồn trông mở đầu các cặp thơ lục bát không chỉ nhấn mạnh nỗi buồn trong tâm trạng nhân vật Thúy Kiều, mà còn là một góc nhìn cảnh vật của Thúy Kiều: Tất cả đều nhìn từ buồn trông. Do vậy, dù các hình ảnh thiên nhiên từ góc nhìn ấy được điểm đến khác nhau, nhưng có chung một tình điệu thẩm mỹ là mênh mông, rợn ngợp, hoang lạ, hãi hùng, vô định: cửa bể chiều hôm, thuyền ai, thấp thoáng, xa xa, hoa trôi man mác, biết là về đâu, nội cỏ dầu dầu, gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng
sóng.
Trong cái không gian ấy, trên cái nền bối cảnh ấy là con người nhân văn kết tinh từ những giá trị cao đẹp nhất của giống người, ý thức sâu sắc và bắt đầu dấn thân cho lý tưởng nhân văn và hạnh phúc nhưng hiện đang cô đơn, buồn khổ tột cùng. Giá trị nhân văn sâu sắc của Truyện Kiều thể hiện từ thi pháp nghệ thuật thiên tài của Nguyễn Du, mà cảnh “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong rất nhiều đoạn thơ tiêu biểu của kiệt tác Đoạn trường tân thanh bất tử.
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)