tinh-dien-hinh-cua-nhan-vat-chi-pheo-trong-tac-pham-cung-ten-cua-nam-cao.png

Tính điển hình của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Tính điển hình của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

1. Nhân vật điển hình.

– Là hình tượng nghệ thuật được sáng tạo ra bằng phương pháp điển hình hoá, vừa có cá tính sắc nét, là “con người này” (Hê-ghen) vừa phản ánh được một số mặt bản chất của đời sống xã hội, thể hiện tính xã hội của con người.

– Nhân vật điển hình vừa có cội nguồn trong đời sống thực tế lại vừa có sức khái quát cao, tập trung nổi bật hơn, có ý nghĩa xã hội phong phú, sâu sắc hơn, đồng thời hấp dẫn thú vị hơn.

– Có nhân vật điển hình trong văn học (hoà quyện giữa tính phổ biến và tính đặc thù) là do tính riêng độc đáo trong phong cách nhà văn và do chức năng phản ánh đời sống xã hội của văn học. Tuy nhiên không phải bao giờ việc xây dựng nhân vật cũng đạt đến trình độ điển hình. Nhân vật điển hình chỉ xuất hiện ở những tác phẩm đặc sắc, ở những nhà văn có tài năng thực sự.

2. Tính điển hình của nhân vật Chí Phèo.

Ở nhân vật Chí Phèo vừa có cá tính sắc nét, nét riêng vừa phản ánh bản chất của đời sống xã hội.

a. Những nét cá tính riêng.

– Lai lịch: là đứa con hoang bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích, không nhà cửa; hết đi ở lại đi làm canh điền, Chí trở thành công cụ làm giàu và thoả mãn nhục dục cho những ông chủ, bà chủ.

– Diện mạo, hình hài: cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất cơng cơng…

– Hành động, tính cách: chuyên đập phá, kêu gào chửi bới, la làng, rạch mặt ăn vạ…

→ Chí Phèo mang những nét cá tính riêng độc đáo không gặp ở bất kì nhân vật nào trong văn học cũng như ngoài đời. Đặc biệt nét riêng được khắc hoạ sâu sắc ở bi kịch của nhân vật – bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Đó là nỗi khổ đau cùng cực, ghê gớm chỉ có ở nhân vật Chí Phèo.

b. Nét chung.

– Chí Phèo tiêu biểu cho hiện tượng một bộ phận người nông dân – nạn nhân của chế độ cường hào thực dân bị rơi vào con đường tha hoá: từ người hiền lành lương thiện trở thành kẻ lưu manh. (Thí sinh liên hệ với các nhân vật Binh Chức, Năm Thọ trong tác phẩm, nhân vật Trạch Văn Đoành trong “Đôi móng giò”, cu Lộ trong “Tư cách mõ”, Đức trong “Nửa đêm” để thấy được tính chất tiêu biểu của Chí Phèo).

– Phản ánh một qui luật của xã hội: Khi xã hội còn những thế lực thống trị tàn bạo thì con đường bần cùng hoá, rồi dẫn đến lưu manh hoá của những người dân nghèo khổ sẽ còn tồn tại. Đây là tính khái quát rộng lớn của hình tượng nhân vật.

3. Đánh giá chung.

– Với phương pháp điển hình hoá, nhân vật Chí Phèo được xây dựng hết sức sống động, vừa có cá tính sắc nét vừa có tính chung phổ biến. Nhờ vậy nhân vật có sức sống lâu bền trong lòng độc giả.

– Nhờ việc xây dựng thành công nhân vật điển hình, tác phẩm đạt được giá trị hiện thực và nhân đạo hết sức độc đáo, mới mẻ.

– Khẳng định tài năng độc đáo, trình độ xây dựng nhân vật điển hình bậc thầy của Nam Cao, với tư cách là nhà văn hiện thực xuất sắc.

Bài văn tham khảo:

Ý nghĩa điển hình của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.

I. Mở bài:

– Là nhà văn sáng tác theo trường phái hiện thực, những sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phản ánh chân thực, sinh động cả diện mạo và bản chất của xã hội đương thời bằng những điển hình sâu sắc.

– Truyện ngắn Chí Phèo đã khẳng định vị trí của Nam Cao trên văn đàn ở một mảng đề tài vốn đã có nhiều cây bút tài năng khám phá và thể hiện – đề tài nông thôn và người nông dân. Góp phần làm nên thành công của Nam Cao chính là nghệ thuật điển hình hoá và xây dựng nhân vật điển hình Chí Phèo.

– Nhân vật Chí Phèo không chỉ làm tròn nhiệm vụ là “linh hồn” của tác phẩm, nơi nhà văn truyền tải những sự kiện hiện thực, những thông điệp nhân sinh mà còn trở thành nhân vật điển hình bậc nhất của nền văn học Việt Nam.

II. Thân bài:

1. Giải thích:

Điển hình: sự kết hợp giữa cái riêng sắc nét và cái chung mang tính khái quát cao.

Nhân vật điển hình: con người vừa mang tính cụ thể, cá thể, không lặp lại vừa mang những phẩm chất, đặc điểm chung để trở thành đại diện cho một tầng lớp trong xã hội.

– Các phương diện biểu hiện tính điển hình: tính cách, số phận, quan hệ xã hội,…

2. Phân tích, chứng minh tính điển hình của nhân vật Chí Phèo.

a. Hoàn cảnh điển hình:

– Bối cảnh nhân vật Bá Kiến xuất hiện trong tác phẩm là bối cảnh xã hội làng Vũ Đại, một xã hội thu nhỏ của nông thôn Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Làng Vũ Đại được một thầy địa lý phán là có thế đất “quần ngư tranh thực”, nghĩa là đàn cá săn mồi, trong đó cá lớn thì nuốt cá bé. Cường hào trong làng thì chia năm bè bảy cánh như phe Bá Kiến, cánh đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng…

– Ngoài mặt chúng tử tế với nhau nhưng bên trong ngấm ngầm muốn cho nhau ăn bùn, để đè đầu cưỡi cổ lẫn nhau. Mặt khác, chúng lại hợp với nhau để cùng bóc lột dân lành. Trong đàn cá tranh mồi ấy người ấy, Bá Kiến được đánh giá là con cá lớn nhất. Chính cái xã hội phong kiến đen tối, tiêu cực với giai cấp cầm quyền sa đọa ấy đã đẩy những người nông dân vào tấn bi kịch khủng khiếp nhất, đó là tha hóa về nhân cách.

b. Nhân vật Chí Phèo đại diện cho một kiểu người trong xã hội (Điểm chung).

– Tính cách của Chí Phèo là sản phẩm của hoàn cảnh, do hoàn cảnh: Chí Phèo vốn là một anh canh điền hiền lành, lương thiện nhưng sau khi ra tù và trở thành tay sai của Bá Kiến thì Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Sự thay đổi về con người, tha hóa về nhân tính của Chí Phèo hoàn toàn do sự tác động của hoàn cảnh điển hình.

– Lai lịch và quá trình tha hóa đầy đau đớn của Chí Phèo:

+ Thuở nhỏ: được cưu mang bởi những người lương thiện song cũng sớm phải tự lập kiếm sống trong thân phận của kẻ đi ở, người làm thuê làm mướn. Thời gian đó, Chí là người lương thiện, hiền lành, thậm chí nhút nhát.

+ Từ năm 20 tuổi: phải đối mặt với xã hội đầy hiểm ác, thù địch với con người (bà ba bá Kiến đầy dục vọng, bá Kiến thâm độc, nhà tù thực dân đen tối,.,.), Chí tha hoá và trở thành thằng du côn, thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

+ Khi gặp thị Nở, được đối xử như một con người, Chí đã thức tỉnh nhân cách, thèm làm người lương thiện, thèm được làm hoà với mọi người.

+ Khi bị thị Nở từ chối, cùng đường tuyệt vọng, Chí trở nên liều lĩnh, quyết tâm trả thù và vứt bỏ sinh mạng của mình.

 Nhân vật điển hình là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân vật mang tính cụ thể, vừa không lặp lại nhưng vẫn mang những phẩm chất, đặc điểm chung để có thể trở thành đại diện tiêu biểu cho một kiểu người trong xã hội. Đặt nhân vật Chí Phèo trong tương quan với phạm vi của định nghĩa trên, ta có thể thấy Chí Phèo chính là nhân vật điển hình cho số phận người nông dân trong xã hội thực dân, phong kiến.

– Số phận Chí Phèo điển hình cho những đau khổ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945:

+ Bị bóc lột, đày đọa và xúc phạm: bị tước mất những niềm hạnh phúc và quyền lợi tối thiểu (không cha, không mẹ, không tấc đất cắm dùi, không một mái ấm nương thân); sống vất vả, cơ cực trong thân phận của kẻ ăn người ở cho các nhà giàu; bị lăng nhục (phải thoả mãn nhu cầu của một bà chủ dâm đãng).

+ Bị tha hoá, biến chất: bản tính Chí Phèo vốn lương thiện, nhưng khi bị bá Kiến tước quyền tự do, Chí Phèo phải vào tù. Nhà tù dạy Chí những bài học đầu tiên để trở thành một thằng du côn. Bá Kiến sau đó lại làm tiếp phần việc còn lại của nhà tù thực dân: biến thằng du côn thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Trong quá trình ấy, tình thế đơn độc và tình trạng u tối khiến Chí không thể kháng cự lại kẻ thù và cũng không đủ tỉnh táo để nhận ra sự bi thảm của số phận mình.

+ Bị từ chối quyền làm người lương thiện: cuộc gặp gỡ với thị Nở làm Chí thức tính nhân cách, thèm lương thiện và muốn làm hoà với mọi người nhưng quá khứ bất hảo khiến Chí bị từ chối. Giải pháp mà Chí lựa chọn là đâm chết bá Kiến và tự sát, kết thúc cuộc đời bi thảm của mình.

Qua tính cách và số phận của Chí Phèo, ta thấy Chí không những bị bần cùng hoá, bị lưu manh hoá mà còn bị cự tuyệt quyền làm người. Tính cách và số phận ấy vừa là của riêng Chí vừa mang những phẩm chất, đặc điểm chung để trở thành đại diện cho nhiều người thuộc giai cấp nông dân trong xã hội đương thời.

– Cuộc đời và số phận của Chí Phèo không chỉ là số phận của riêng một cá nhân, cá thể nào đó mà điển hình cho những người nông dân bị đọa đầy, đau khổ, bị tha hóa trong xã hội phong kiến đen tối. Họ bị tước đi quyền cơ bản nhất của con người là quyền được sống lương thiện, quyền được hạnh phúc. Đó là những người nông dân như Binh Chức, Năm Thọ và dự báo sẽ có những Chí Phèo con ra đời. (Phân tích thêm các nhân vật Binh Chức, Năm Thọ, dự báo Chí Phèo con)

c. Nhân vật Chí Phèo mang những nét riêng để lại dấu ấn trong lòng độc giả.

– Nhân vật có ngoại hình riêng, có ước mơ lương thiện, biết nhục khi bị bà ba gọi vào bóp chân xoa bụng…(phân tích các chi tiết nghệ thuật này)

– Chí Phèo cũng có con đường số phận riêng so với các nhân vật Binh Chức, Năm Thọ bởi vì khi đang phải sống kiếp sống cô độc của con quỷ dữ hắn đã gặp được thị Nở để sau đó hắn trở về với cuộc đời lương thiện (Phân tích chuyện tình với thị Nở và quá trình thức tỉnh của Chí Phèo)

– Khi Chí đã thức tỉnh nhân tính, khát khao được làm hòa với mọi người để trở về với cuộc sống lương thiện thì vẫn bị những định kiến nghiệt ngã của xã hội ngăn cản. Nam Cao đã xây dựng được môi trường sống, hoàn cảnh có tính điển hình với những mâu thuẫn căng thẳng, không thể giải quyết, từ đó đặt nhân vật của mình trong thế đối kháng giữa phần nhân tính và phần ác quỷ bên trong con người.

– Cái chết của Chí Phèo trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện đầy ám ảnh, có ý nghĩa tố cáo xã hội mãnh liệt và thể hiện bi kịch đầy bi thảm của người nông dân trong xã hội cũ. Những câu nói cuối cùng của Chí Phèo trước khi chết là tiếng nói đanh thép đòi quyền sống cho người nông dân để họ không còn phải rơi vào bi kịch như Chí Phèo.

d. Nghệ thuật điển hình hoá của Nam Cao.

– Xây dựng môi trường, hoàn cảnh có tính chất điển hình với những mâu thuẫn căng thẳng, gay gái.

– Đặt nhân vật trong những quan hệ vừa đối kháng, vừa gắn bó.

– Huy động tối đa sức mạnh của những chi tiết về cuộc đời, số phận, tâm lí, tính cách, quan hệ,… để làm nổi bật nét riêng, màu sắc cá biệt của hiện tượng cũng như mối liên hệ giữa hiện tượng với các hiện tượng khác.

3. Đánh giá.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật Chí Phèo được xây dựng rất thành công bằng nghệ thuật điển hình hóa. Nhân vật xuất hiện với ngoại hình gây chú ý và được miêu tả ở nhiều điểm nhìn khác nhau, lúc được miêu tả qua con mắt tác giả, lúc lại qua con mắt của thị Nở và Bá Kiến. Nội tâm của nhân vật, ngôn ngữ đối thoại và hành động được sử dụng để khắc họa tính cách, khiến nhân vật hiện lên sinh động trong trí tưởng tượng của bạn đọc. Hơn nữa, kết cấu truyện vô cũng chặt chẽ, logic; tình tiết hấp dẫn, biến hoá giàu kịch tính; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị mà sống động, linh hoạt cũng góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm. Xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao thể hiện tài năng bậc thầy trong miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật, bút pháp điển hình hoá và khả năng khái quát hiện thực cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật.

– Ý nghĩa tư tưởng và giá trị nội dung: Xây dựng hình tượng Chí Phèo, Nam Cao thể hiện tư tưởng nhân đạo mới mẻ và sâu sắc. Qua hình tượng này, nhà văn không chỉ phản ánh được nỗi thống khổ và số phận bi kịch của con người mà còn góp phần lí giải nguyên nhân của nỗi thống khổ ấy. Đồng thời, qua nhân vật, Nam Cao đã cất lên tiếng kêu cứu khẩn thiết: hãy cứu lấy nhân phẩm của con người để con người được sống lương thiện và hạnh phúc.

– Vai trò của nhân vật: Nhân vật Chí Phèo góp phần phản ánh được cuộc sống, số phận của rất nhiều người nông dân bất hạnh trong xã hội cũ, phản ánh được hiện thực mang tính xã hội sâu sắc. Nhân vật Chí Phèo vừa có nét chung đại diện cho những người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến vừa có những nét riêng rất đáng nhớ. Vì thế Chí Phèo trở thành một nhân vật văn học có sức sống lâu bền.

III. Kết bài:

– Trong tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã xây dựng được một điển hình sinh động về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với cá tính riêng sắc nét và số phận tiêu biểu cho nỗi thống khổ của con người. Chân dung Chí Phèo sinh động và chân thực đến độ nó không chỉ là hình tượng trong tác phẩm mà còn bước vào cuộc sống để sống tiếp đời sống phong phú của nó.

– Ở mảng đề tài nông thôn, nông dân, Nam Cao tuy là người đến sau nhưng đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình. Tầm vóc, tài năng cùng với sự sâu sắc về tư tưởng đã giúp Nam Cao viết nên một truyện ngắn được xếp vào hàng xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang