buc-tranh-xa-hoi-thuc-dan-phong-kien-qua-truyen-ngan-chi-pheo

Bức tranh xã hội thực dân phong kiến Việt Nam trước 1945 qua truyện ngắn Chí Phèo

Bức tranh xã hội thực dân phong kiến Việt Nam trước 1945 qua truyện ngắn “Chí Phèo”.

  • Mở bài:

“Chí Phèo” của Nam Cao là kiệt tác của văn học hiện thực phản ánh đậm nét xã hội phong kiến đầy rẫy những tội ác và bất công, đồng thời khắc họa thành công hình ảnh người nông dân bị bần cùng hóa. Đọc những trang viết của Nam Cao, người đọc có thể mường tượng ra được bức tranh xã hội phong kiến nhiều ám ảnh.

  • Thân bài:

Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh nhân vật Chí Phèo – một người nông dân lương thiện nhưng bị xã hội chèn ép, chà đạp, đẩy đến bước đường cùng thành kẻ sát nhân. Nam Cao đã để cho nhân vật Chí Phèo xuất hiện ngay đầu tác phẩm bằng “tiếng chửi”. Một loạt tiếng chửi của Chí Phèo như mở màn một cuộc đời nhiều tăm tối của hắn. “Hắn chửi trời, hắn chửi đất, hắn chửi cả làng Vũ Đại. Hắn chửi đứa nào đẻ ra hắn…”.

Chí Phèo sinh ra tại một cái lò gạch cũ, được người làng truyền tay nhau nuôi, đến khi hắn đi ở cho Bá Kiến. Bá Kiến vì ghen tuông mà đã đẩy Chí Phèo vào tù, nơi đó bắt đầu hình thành những oán hận và cả nỗi đau. Chí Phèo đã dần đánh mất đi bản thân, đánh mất đi sự lương thiện. Sau mấy năm ở tù, Chí Phèo về làng, trở thành một con người khác. Nam Cao đã khắc họa rõ từng đường nét trên khuôn mặt của Chí Phèo, như phản ảnh sự đau lòng của chế độ và sự tha hóa của một đời người. Chí Phèo xuất hiện “Cái đầu thì trọc lóc, răng cạo trắng hớn, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”. Hình ảnh người nông dân hiền lành đã biến mất sau những năm tháng ở tù.

Xã hội đã cướp đi nhân cách, bản tính lương thiện và cả ước muốn làm người của Chí Phèo. Hắn trở về từ nhà tù, biến thành một kẻ chuyên đi rạch mặt ăn vạ, hắn phá tan đi bao nhiêu gia đình ở làng Vũ Đại. Cả làng ai cũng sợ hắn, vì bộ mặt gớm ghiếc và hành động tàn bạo.

Cuộc sống của một con người thay đổi hoàn toàn, hắn lấy nghề rạch mặt ăn vạ, đâm thuê chém mướn làm nghề sống. Chí Phèo bị người làng xa lánh, hắn trở về làm cho nhà Bá Kiến. Lại một lần nữa người đọc thấy được sự bế tắc, bước đường cùng của Chí Phèo. Hắn lại trở về nơi ngày xưa đã đẩy hắn vào cảnh cơ cực như bây giờ. Có lẽ đây chính là sự bế tắc của người dân thấp cổ bé họng trong xã hội phong kiến.

Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng thành công hình ảnh nhân vật Chí Phèo. Đây là hình tượng điển hình cho sự tha hóa trong xã hội phong kiến, là sự bế tắc, cùng đường lạc lối. Nhưng Nam Cao đã không để cuộc đời Chí Phèo dừng lại ở đó, tác giả đã khơi gợi sự khát thèm yêu thương, khát thèm cuộc sống như một con người nơi hắn. Tình huống truyện Chí Phèo gặp Thị Nở ở vườn chuối sau lần hắn uống rượu say khướt là một điểm nhấn, một sự chuyển hướng mạnh mẽ của cuộc đời Chí Phèo. Thị Nở xuất hiện với “bát cháo hành” đã khiến người đọc vẫn cảm thấy còn chút gì đó hi vọng cho một cuộc đời bình dị. Thị Nở xấu xí, thô kệch, nhưng lại là vết sáng trong cuộc đời tăm tối của Chí Phèo. Sự xuất hiện của Thị Nở thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với Chí Phèo, đánh thức lương tri, đánh thức bản tính lương thiện của hắn. “Bát cháo hành” là một chi tiết nghệ thuật giàu giá trị nhân văn, cho tình người còn lấp lánh giữa xã hội thối nát.

Sau khi gặp gỡ với Thị Nở, hắn thấy cuộc đời ngoài kia thật tốt đẹp, nghe thấy những người đàn bà đi chợ đang nói chuyện. Hơn hết có một chi tiết, một suy nghĩ khiến người đọc chùng xuống “Hắn thấy già yếu, bệnh tật, và cô độc còn đáng sợ hơn cả đau ốm bệnh tật… hắn khát khao làm hòa với mọi người”. Có lẽ đã đến lúc hắn nhận ra cần một cuộc sống như mọi người, không phải rạch mặt ăn vạ nữa. Cuộc sống bình dị ấy là bình thường đối với nhiều người nhưng với Chí lại quá xa vời.

Xã hội phong kiến nghiệt ngã, không để cho Chí Phèo được làm người lương thiện khi bà cô của Thị Nở xuất hiện. Bà cô phản đối chuyện Thị Nở và Chí Phèo, còn dùng những từ cay độc để mắng mỏ Chí Phèo. Bà cô là hiện thân của xã hội phong kiến, cự tuyệt khát khao làm người, quyết dồn Chí vào bước đường cùng. Chính điều này đã khiến cho hắn đau, rơi vào tuyệt vọng và quyết tìm đến nhà Bá Kiến để giết Bá Kiến.

Hình ảnh ám ảnh người đọc là hình ảnh Chí Phèo giãy đành đạch, nằm giữa vũng máu ở sân nhà Bá Kiến. Hắn giết chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình. Trước khi chết Chí Phèo còn hét lên “Ai cho tao làm người lương thiện?”, xã hội này không cho, con người cũng không cho. Đúng là một bi kịch quá đau lòng đối với người nông dân trong xã hội đầy rẫy bất công.

Qua cuộc đời và số phận nhân vật Chí Phèo, tác phẩm phản ánh những vấn đề cơ bản của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Đó là mối quan hệ của nội bộ giai cấp thống trị, những bè cánh địa chủ cường hào; mâu thuẫn giai cấp đối kháng, gay gắt giữa bọn địa chủ cường hào thống trị với những người nông dân bị áp bức, bóc lột. Tiêu biểu là mâu thuẫn giữa bá Kiến với Chí Phèo. Tác phẩm phơi bày hiện thực đời sống tăm tối, đau khổ của người nông dân, người lao động lương thiện được thể hiện tập trung qua số phận của nhân vật Chí Phèo. Chí là đại diện, điển hình cho bi kịch bị chà đạp cả nhân hình lẫn nhân tính: từ một người lao động lương thiện, bị tha hoá thành kẻ lưu manh và trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, cuối cùng chết một cách thảm khốc trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống lương thiện.

Truyện ngắn “Chí Phèo” đã đánh dấu một sự nghiệp sáng tác lớn của Nam Cao. Ông hiểu rằng phải là hiện thực, văn học mới có ý nghĩa tố cáo sâu sắc chế độ, chỉ có hiện thực mới nhìn thấy hết nỗi đau khổ, dằn vặt trong người dân lao động, và chỉ có hiện thực mới làm nổi bật tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn. Hành động quyết liệt bất ngờ của Chí Phèo trong truyện là một diễn biến hợp lí, thể hiện sự “tháo cũi xổ lồng” của người nông dân. Tuy nhiên, Nam Cao mới chỉ nhìn thấy sự phản kháng ở một con người chứ chưa có ý thức về sức mạnh tiềm tàng trong đông đảo quần chúng. Nam Cao mới nhìn vào riêng Bá Kiến, một cá nhân tàn bạo và độc đoán chứ chưa nhìn vào một hệ thống giai cấp thống trị hà khắc ở khắp đất nước Việt Nam thuộc địa. Qua truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã chứng tỏ là một cây viết hiện thực sắc sảo, là “thư kí trung thành của thời đại”, một tấm lòng nhân ái, rộng mở bị ám ảnh bởi số phận đau khổ của kiếp người nô lệ. Chính mảnh đất nơi ông sinh ra đã tác động, ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp sáng tác của ông.

  • Kết bài:

“Chí Phèo” đã khái quát hiện thực mang tính quy luật trong xã hội cũ: có áp bức, có đấu tranh, đấu tranh tự phát thường dẫn đến kết cục bi thảm. Và những cuộc đấu tranh như thế này chưa thể kết thúc được vì “tre gài măng mọc”. Bá Kiến chết còn Lí Cường, còn nhiều tên cường hào ác bá khác thì còn những “hiện tượng Chí Phèo” và còn những cuộc đấu tranh tự phát.

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang