Cái tôi trữ tình trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.
- Mở bài:
Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến. Ở Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ, giữa lý tưởng trong trái tim và những câu thơ trên đầu bút. Bài thơ Từ ấy được viết năm 1938, in trong tập “Từ ấy” (1937 – 1946), tập thơ đánh dấu 10 năm đầu trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu. Bài thơ là tiếng reo vui của người chiến sĩ say mê lí tưởng, yêu nước, yêu cuộc đời, nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho nhân dân. Qua đó, thể hiện rõ nét cái tôi trữ tình và phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
- Thân bài:
Sẽ không có được thơ trữ tình chính trị Tố Hữu nếu thiếu đi cái tôi cá nhân, nếu không có con người nhiệt huyết trong thơ ca cách mạng cận hiện đại. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu là sự bày tỏ cảm xúc riêng của nhà thơ trước các vấn đề của xã hội, trước sự phát triển của lịch sử dân tộc. Biểu hiện của cái tôi trữ tình trong bài thơ Từ ấy không phải là những khám phá phong phú về thế giới mà là sự biểu hiện một cách chân thật và hồn hậu một cái tôi hết sức trong sáng, hồn nhiên của một thanh niên khát khao lý tưởng, đã bày tỏ niềm vui lớn của mình khi bắt gặp lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và được chiến đấu hy sinh cho lý tưởng ấy.
Cái tôi trữ tình trong bài thơ “Từ ấy” thể hiện trước hết là cái tôi biểu hiện của một thanh niên giác ngộ cách mạng, say mê lí tưởng và tinh thần đấu tranh kiên cường cho lý tưởng cộng sản:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
“Từ ấy” là từ khi nhìn thấy ánh sáng lý tưởng cách mạng, từ khi bắt gặp lẽ sống của cuộc đời mình. “Nắng hạ” là biểu hiện của ánh sáng đột ngột, rực rỡ và ấm áp. “Mặt trời chân lý” hay chính là lý tưởng Mác-Lênin đã soi sáng tâm hồn, đã “chói qua tim”, đem lại ánh sáng cuộc đời như “bừng” lên trong “nắng hạ”. Lí tưởng Cách mạng đã mang lại sức sống và niềm tin yêu cuộc đời cho tất cả mọi người, làm thay đổi hẳn một con người, một cuộc đời. So sánh để khẳng định một sự biến đổi kì diệu mà lí tưởng Cách mạng đem lại. Đó là một cách nói rất mới, rất thơ về lý tưởng: Nhà thơ với tấm lòng nhiệt thành của mình đã tự hào đón lấy ánh sáng của mặt trời, sẵn sàng hành động cho lý tưởng cách mạng cao đẹp.
Kể từ giây phút thiêng liêng, trong thời khắc trịnh trọng ấy, tâm hồn người thanh niên trở nên tươi vui và bừng sáng hơn bao giờ hết. Anh đã tìm được con đường đi, đích đến đúng đắn cho cuộc đời mình, ánh nắng chính là biểu trưng cho lý tưởng. Ánh nắng hạ cũng là những rực rỡ nhất trong cảm xúc, trong tình thần của người chiến sĩ lúc này, tất cả đều tươi sáng, tâm hồn ông như được soi sáng và tin yêu. Tư tưởng Mác – Lênin, lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản như ánh mặt trời xua tan đi những mây mù tối tăm của kiếp nô lệ, những lạc lối trên con đường giải phóng đất nước của những thế hệ trẻ nhiệt huyết, bản lĩnh, kiên cường, mang đến niềm hy vọng về tương lai tươi đẹp hơn cho nhân dân cho dân tộc.
Bắt gặp lý tưởng của Đảng khiến trái tim khát khao cống hiến, khát khao chiến đấu ấy sung sướng, rạng rỡ vô cùng. Nó làm thay đổi hẳn những cảm xúc lo lắng ưu tư trước đây mà thay vào đó là sự phấn khích, hào hứng, tin yêu vào Đảng. Nhà thơ ví von tâm hồn như một “vườn hoa lá” ngập tràn hương sắc, ngập tràn niềm vui, thỏa mãn những mộng ước bấy lâu. Người thanh niên ấy tràn ngập sự lạc quan, yêu đời và một niềm tin bất diệt vào cuộc sống, vào con người, vào lí tưởng cách mạng và sự tất thắng của dân tộc.
Cái tôi của Tố Hữu lại là cái tôi mang chất cộng đồng, là “cái tôi” cá nhân cá thể hòa hợp với “cái ta” chung nhân danh cộng đồng và hướng về giai cấp cần lao. Từ niềm vui của riêng tôi tác giả đã hoà niềm vui ấy vào trong cái ta chung của nhân dân, của nhân loại. Đó là khi trái tim ta gắn chặt với mọi người, khi cả ta và mọi người cùng chung một nhịp đập, cùng chung sống dưới một lí tưởng sáng soi. Để nơi nơi được ngập tràn ánh sáng của Đảng soi rọi. Đó là tinh thần tự nguyện gắn bó với những kiếp người cần lao, với nhân dân lao động cơ cực, một tinh thần cao đẹp, đoàn kết gắn bó keo sơn. Đó là những sự đồng cảm xót xa, cưu mang đùm bọc nhau, tôi và mọi người cùng chung một tin yêu, cùng nhau sẻ chia như gia đình thân thiết, như anh em ruột thịt, như một khối đại đoàn kết, yêu thương nhau:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.
“Buộc” có nghĩa là tự nguyện gắn kết, tự nguyện xác định nhiệm vụ của mình đối với cộng đồng và dân tộc. Cái tôi của Tố Hữu là cái tôi mang chất cộng đồng, là cái tôi cá nhân cá thể hòa hợp với cái ta chung nhân danh cộng đồng và hướng về giai cấp cần lao.
Cái tôi trữ tình trong bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu vừa thấm chất trữ tình vừa đượm màu chính trị. Cái tôi cá nhân mang lí tưởng của “cái ta” chung của cộng đồng, thay mặt giai cấp vô sản nói lên tiếng nói chung mang âm hưởng rất riêng. Cái tôi thể hiện ở tình yêu cuộc sống và con người, hướng đến cuộc sống của những kiếp lầm than, trân quý những con người bần nông, những con người vô sản.
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”
Kế thừa giọng điệu trữ tình chung của phong trào Thơ Mới, nhưng cái tôi trữ tình trong bài thơ “Từ ấy” lại là giọng điệu trữ tình chính trị khác với cái tôi nội cảm trữ tình đặc trưng trong phong trào Thơ Mới. Bên cạnh đó, cái tôi trong “Từ ấy” là cái tôi lạc quan yêu đời, mang dấu ấn riêng của Tố Hữu, khác hẳn với cái tôi bi quan cô đơn trong Thơ Mới.
Tóm lại, cái tôi trữ tình trong bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu có sự hoà nhất với “cái ta” của cộng đồng. Đó là “cái tôi” trữ tình chính trị, “cái tôi” lạc quan yêu đời, rất gần gũi với cuộc sống chiến đấu và con đường cách mạng của nhà thơ. “Cái tôi” tràn đầy niềm tin vào lí tưởng cách mạng và sự tất thắng của dân tộc. “Cái tôi” ấy luôn hướng về giai cấp cần lao, lên tiếng nói đại diện cho giai cấp vô sản.
- Kết bài:
Có thể coi bài thơ là tuyên ngôn cho tập Từ ấy nói riêng và cho toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu nói chung. Đây là quan điểm, là nhận thức sâu sắc của nhà thơ về mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân với quần chúng lao khổ, với nhân loại cần lao dưới ánh sáng chói lọi của Đảng Cộng sản.
Tham khảo:
Cái tôi trữ tình trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.
- Mở bài:
Tố Hữu là cánh chim đầu đàn, là lá cờ đầu đồng thời là đại diện xuất sắc của nền văn học cách mạng. Vinh dự của Tố Hữu trong lịch sử văn chương dân tộc là ở chỗ, với thơ ông, lần đầu tiên chủ nghĩa nhân văn cộng sản đã được biểu hiện bằng một hình thức nghệ thuật nhuần nhị, đậm đà sắc thái truyền thống và thật sự say cuốn lòng người. Bài thơ “Từ ấy” được Tố Hữu viết vào tháng 7/1938 nằm trong phần Máu lửa của tập thơ “Từ ấy”. Tác phẩm thể hiện rõ nét cái tôi trữ tình và phong cách nghệ thuật của Tố Hữu.
- Thân bài:
Trong tác phẩm “Tuỳ viên thi thoại” nhà phê bình Viên Mai (Trung Quốc) viết: “Là người thì không nên có cái tôi… Nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Có thể hiểu, “cái tôi” trong thơ ca (cái tôi trữ tình) được hiểu như là cái tôi xúc cảm, là cá tính sáng tạo của nhà thơ. Hay đó là tâm trạng, cảm xúc, cảm nhận riêng của nhà thơ về cuộc sống.
“Từ ấy” được viết lúc tác giả 17 tuổi, lứa tuổi còn “bâng khuâng đi kiếm lẽ yêu đời”. Thế nhưng, bài thơ đã thể hiện sâu sắc những nhận thức mới về lẽ sống cũng như những chuyển biến trong nhận thức và hành động của Tố Hữu.
Đặc sắc chủ yếu của thơ Tố Hữu ở chặng đường đầu không phải là những khám phá phong phú về thế giới mà là sự biểu hiện một cách chân thật cái tôi hết sức trong sáng, hồn nhiên của một thanh niên khát khao, say mê lý tưởng cách mạng. Đó là niềm vui lớn khi bắt gặp lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và được chiến đấu hy sinh cho lý tưởng ấy. Ánh sáng mới đã đến với nhà thơ không phải một cách nhẹ nhàng, đều đặn. Từ trong sách báo, từ trong cuộc đời, ánh sáng đã dội vào người anh, tràn ngập tâm hồn anh.
“Cái tôi” trữ tình trong bài thơ “Từ ấy” mang cảm hứng lãng mạn, lạc quan, yêu đời. Cái tôi mang cảm hứng lãng mạn yêu đời đến từ tình yêu cuộc sống, con người, yêu quê hương, đất nước và dân tộc. Bài thơ là thời điểm khép lại chuỗi ngày dằn vặt, đau khổ, bóng tối, mở ra một cuộc sống mới đầy hứa hẹn với niềm vui sướng, say mê toát lên từ sự thức tỉnh kì diệu. Tố Hữu ghi lại giây phút đổi thay ấy bằng những hình ảnh tươi sáng, giàu tính hình tượng:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là mộ vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”
Tác giả bày tỏ niềm vui sướng, niềm hạnh phúc của một thanh niên vừa được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Lần đầu tiên trong thơ chính trị Việt Nam xuất hiện một cái tôi chân thành cởi mở, niềm vui phấn khởi được tự do hoạt động cách mạng cùng niềm vui chan hòa trong chiến thắng. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của một thanh niên trẻ tuổi đang bế tắc chưa tìm được đường đi cho mình thì bắt gặp lý tưởng cách mạng. Chàng thanh niên đó đã giác ngộ được lý tưởng cách mạng và đi theo con đường mà mình đã tìm ra. Đó là con đường đấu tranh vì độc lập vì tự do của dân tộc.
Anh đã nói rất rõ sức mạnh của chủ nghĩa cộng sản khi nó bắt rễ được vào đất nước này, vào những lớp người lao khổ, vào những tâm hồn khao khát tự do, hạnh phúc, khao khát lý tưởng. Không có sức mạnh dị thường ấy làm sao những con người tay không, yếu đuối có thể đương đầu được với một kẻ thù hung ác nó đang nắm mọi thứ trong tay.
“Cái tôi” giác ngộ lí tưởng cách mạng và say mê đấu tranh cho lí tưởng cộng sản Tố Hữu rất cứng cỏi, kiên cường, dám hy sinh, ý chí dám tôi luyện trong đấu tranh thử thách. Niềm vui sống ấy không phải là hưởng lạc, mà là chiến đấu, hy vọng, sống với ý thức đầy đủ về nhân cách. Nếu thơ ca cách mạng thời trước đánh vào tự ái dân tộc, nòi giống vốn có trong mỗi con người thì thơ Tố Hữu tác động vào tự ái của nhân cách cá nhân mỗi người.
Ở bài thơ “Từ ấy”, “cái tôi” trữ tình chính trị có sự hòa hợp giữa “cái tôi” trữ tình cá nhân với “cái ta” của cộng đồng. Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước. Từ cuộc đời hoạt động cách mạng và tình cảm chính trị của bản thân, qua các tập thơ của mình, Tố Hữu đã khám phá đời sống ở phương diện chính trị trong mối quan hệ với đấu tranh cách mạng. Thơ Tố Hữu tập trung vào những chủ đề lớn, lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của người cách mạng, của Đảng, của dân tộc. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tập thơ Tố Hữu là con người cộng sản, lí tưởng cách mạng. Cái tôi trữ tình có mối quan hệ gần như máu thịt với đất nước, nhân dân, cộng đồng. Nhà thơ ý thức trách nhiệm trước cuộc đời, có nhận thức mới về lẽ sống:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.
“Buộc”, “trang trải” là vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống gắn bó với mọi người với thái độ dứt khoát, mạnh mẽ xác định bởi lí trí sáng suốt thể hiện. ĐIệp từ “với” khẳng định sự hòa hợp tuyệt đối với nhân dân, đất nước. Con người cá nhân đã thoát dần cái tôi vị kỉ, nhỏ bé để vươn đến cái tôi rộng lớn – cái tôi hướng đến cuộc đời và mọi người. Để từ đó, tác giả thiết lập tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ trước nỗi đau, vui buồn của bao kiếp người, đặc biệt là “bao hồn khổ”, từng bước gần gũi, gắn kết, nâng đỡ nhằm làm “mạnh khối đời” chung.
Tố Hữu đã đặt mình vào giữa dòng đời, trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ; ở đó, nhà thơ tìm thấy niềm vui, tìm thấy sức mạnh mới của “khối đời”. Đó là sức mạnh đoàn kết gắn bó rộng lớn và đông đảo của nhân dân. Lẽ sống cao đẹp khi giác ngộ lập trường giai cấp, tự nguyện gắn bó cái tôi cá nhân với cái ta chung trong ý thức đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho người thanh niên cộng sản Tố Hữu.
Con đường đấu tranh cách mạng là con đường đầy gian khổ. Hiểu được điều đó, người chiến sĩ không hề run sợ mà sẵn sàng chấp nhận hy sinh, tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết khát khao được cống hiến đến cùng cho lý tưởng cách mạng. Vì vậy mà tác giả nguyện “làm con của mọi nhà”, làm “em của vạn kiếp phôi pha”, làm “anh của vạn đầu em nhỏ” để đấu tranh và hy vọng:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”
Điệp từ “là” xuất hiện liên tiếp trong đoạn thơ như lời khẳng định chắc nịch, rắn rỏi, dứt khoát cho sự hòa nhập tuyệt đối. Người chiến sĩ đã ở giữa đời, là con của gia đình, là em của kiếp đời phôi pha, là anh của các em thơ nghèo khổ, đói cơm rách áo. Số từ được nhà thơ sử dụng tăng dần từ một, mọi, trăm, khối, vạn như mở rộng khối đời đồng thời kết nối tình cảm yêu thương gắn bó giữa quần chúng nhân dân lao khổ.
Qua các cụm từ “kiếp phôi pha”, “cù bất cù bơ” ta không chỉ thấy ý thức trách nhiệm mà còn là tấm lòng chan chứa yêu thương, sự đồng cảm xót xa của nhà thơ dành cho những kiếp người bất hạnh, vất vả, đắng cay trong xã hội cũ. Ta như nhìn thấy hình ảnh của những chú bé đi ở (“Đi đi em”, “Hai đứa bé”), những cô gái giang hồ (“Tiếng hát sông Hương),… Càng yêu thương đồng cảm với những số phận phôi pha bao nhiêu, nhà thơ càng căm hận trước bao bất công, ngang trái trong xã hội cũ bấy nhiêu. Đó cũng là động lực để người chiến sĩ hăng say hoạt động cách mạng để đem lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình, cho mọi người, cho quần chúng nhân dân còn bao cơ cực, lầm than.
- Kết bài:
Hoài Thanh cho rằng: “Sức hấp dẫn chủ yếu của thơ Tố Hữu là sức hấp dẫn của lý tưởng cộng sản”. Bài thơ “Từ ấy” đã thể hiện một cái tôi hân hoan trong niềm vui giác ngộ lí tưởng cách mạng và say mê đấu tranh cho lí tưởng cộng sản của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ chứa đựng một cá tính mạnh mẽ, một khí chất say xưa theo đuổi lí tưởng sống, niềm vui hoạt động cách mạng và niềm vui chiến thắng hân hoan trong từng lời thơ, và một ý chí chiến đấu vững vàng, một quan niệm cá nhân cởi mở giữa những người đồng chí đã làm cho cái tôi nhà thơ được bộc lộ tự do tạo nên những vần thơ cao đẹp vô cùng.
Xem thêm: