Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

phan-tich-bai-tho-tu-ay-cua-to-huu

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

  • Mở bài:

Tố Hữu được xem là “lá cờ đầu” trong phong trào thơ ca Cách mạng Việt Và là nhà thơ nổi bật với phong cách thơ trữ tình – chính trị. Thơ ông viết về chính trị nhưng không khô khan, mà ngược lại, dễ đi vào lòng người bởi chất trữ tình truyền cảm. Thơ ông là lời kêu gọi, thơ chiến đấu, thơ hành động, thơ “mang cánh lửa”, “Đốt cháy trái tim con người vào ngọn lửa thần của Đại Nghĩa” (Xuân Diệu). Bài thơ Từ ấy (7/1938) nằm trong phần “Máu lửa của tập thơ “Từ ấy” (1937 – 1946). Bài thơ có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca và đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu.

  • Thân bài:

Nhan đề bài thơ mang ý nghĩa trọng đại: Từ ấy đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu: được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương đấu tranh cho lý tưởng cách mạng. Từ đây, sự nghiệp thơ ca của thi sĩ gắn liền với sự nghiệp cách mạng. “Từ ấy” đối với Tố Hữu còn là ngày “khai sinh” và là bước ngoặt quan trọng mà khi được hỏi: Còn nếu không có Từ ấy? Ông trả lời: “Không biết tôi sẽ trở thành thế nào, may lắm là một người vô tội” (Câu chuyện về thơ).

Khổ thơ 1 thể hiện niềm vui sướng say mê khi gặp lí tưởng của Đảng:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

–  Hai câu đầu viết theo lối tự sự à kỉ niệm khó quên sâu sắc trong cuộc đời. “Từ ấy” là trạng từ chỉ thời gian, đánh dấu mọt mốc son chói lọi, bước ngoặt huy hoàng. Trước khi tiếp nhận lí tưởng của Đảng, người thanh niên rất yêu nước, thương dân, đau khổ khi dân trở thành nô lệ thực dân đứng trước lựa chọn: Tiếp tục cuộc sống bình yên giả tạo hay dũng cảm đấu tranh cách mạng. Sau khi tiếp nhận lí tưởng của Đảng: yên tâm, con đường mở ra tương lai tươi sáng, sẵn sàng đấu tranh cách mạng, vui sướng hạnh phúc lí tưởng.

“Bừng nắng hạ”: hình ảnh ẩn dụ diễn tả niềm vui sướng say mê à nguồn sáng rực rỡ đầy sức sốn, tràn trề sinh lực, niềm vui sướng say mê à nguồn sáng rực rỡ đầy sống, tràn trề sinh lực, niềm hạnh phúc dâng trào mãnh liệt chan chứa trong tâm hồn nhà thơ.

“Mặt trời chân lý”: Hình ảnh ẩn dụ mới lạ, diễn tả niềm vui sướng say mê, tỏa ra ánh sáng của Đảng, chủ nghĩa Mác Lê Nin chan chứa trong tấm hồn nhà thơ, kim chỉ nam chiếu rọi chói qua tim. Hình ảnh thơ gợi ra nguồn sáng thức tỉnh lý trí đem đến cho nhà thơ sức mạnh diệu kỳ.

– Dùng động từ mạnh:

+ “Bừng”: ánh sáng đột ngột mạnh mẽ, tưng bừng rộn ràng.

+ “Chói” : sự lan tỏa xuyên thấu của nguồn sáng mọi đột ngột, ánh sáng xuyên mạnh qua trái tim nhà thơ.

→ Tác động đến thị giác mà còn tác động đến trái tim, xua tan hoàn toàn màn sương mù của ý thức hệ tiểu tư sản mang đến một chân trời mới của nhận thức và tình cảm hạnh phúc vui sướng.

– Hai câu cuối: bút pháp trữ tình lãng mạn, diễn tả trực tiếp niềm vui sướng say mê.

+ So sánh “là”: so sánh ngang bằng, mở rộng, ý thơ tràn xuống câu dưới à tâm hồn trong giây phút đón nhận ánh sáng của Đảng.

+ “Vườn hoa lá”: trở nên đậm hương rộn tiếng chim à tràn trề sinh khí, âm thanh, hương sắc à bàn tiệc mở ra thịnh soạn.

+ “Hồn tôi”: Ánh sáng của lí tưởng cộng sản à đầy sinh lực, tràn trề hạnh phúc, có ý nghĩa, dâng tặng cho đời.

– Lối vắt dòng: Không hoàn thiện ý ở một dòng thể hiện niềm hạnh phúc tràn trề, không thể diễn tả hết trong khuôn khổ hẹp phải tràn sang câu khác để thể hiện niềm hạnh phúc vô bờ.

Khổ thơ 2 thể hiện nhận thức mới về lẽ sống, lý tưởng sống cao đẹp:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời?

– Trong phong trào thơ mới cái “tôi” cá nhân phát triển rất mạnh. Nói đến cái “tôi” là cái “tôi” cá nhân thường ích kỷ và bảo thủ nhưng từ khi Tố Hữu được giác ngộ được lý tưởng cách mạng thì cái tôi của ông có sự thay đổi sâu sắc.

– Điệp từ “tôi” trong câu thơ trên nhấn mạnh đó không phải là cái tôi cá nhân mà là cái tôi đã hòa vào cái ta chung, với nhân dân, với đất nước.

– Đại từ “tôi” của người Đảng viên mới: mỗi cá nhân cần hòa nhập trong cộng đồng có ánh sáng của Đảng soi đường, gắn bó với mọi giải cấp không phân biệt.

– Cấu trúc tương đồng:

+ Bên này thuộc về cá nhân, bên kia thuộc về quần chúng nhân dân rộng lớn. Nhà thơ không tách biệt với quần chúng nhân dân, sẵn sàng phá bỏ rào cản giai cấp, cá nhân hòa nhập với cộng đồng.

– Động từ:

+ “Buộc”: tinh thần tự nguyện của Đảng viên trẻ, chủ động gắn kết lòng mình với mọi người xung quanh. Đây là tư tưởng tiến bộ.

+ “Trang trải”: diễn tả sự gửi trao tình cảm (ở bề rộng) tha thiết, nồng thắm với trăm nơi à đích đến không giới hạn tình cảm nhà thơ gửi gắm với mọi miền.

+ “Gần gũi nhau”: gắn kết ở bề sâu à tương tác hai chiều, được đón nhận trong gia đình quần chúng nhân dân.

+ “Mạnh khối đời”: trách nhiệm xây dựng, sức mạnh đoàn kết nội lực của cả dân tộc.

– Kết quả cuối cùng “mạnh khối đời”: cộng đồng lớn, không cân đo đong đếm được, cộng đồng vô hình trừu tượng trở nên hữu hình, sức mạnh phi thường, sức mạnh của sự đoàn kết.

Khổ thơ 3 khẳng định những chuyển biến về mặt tình cảm, của nhà thơ:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ… ”

“Tôi”: không bơ vơ lạc lỏng của tri thức tiểu tư sản à đứng giữa tầng lớp quần chúng nhân dân, không còn là cái “tôi” cá nhân của những nhà thơ mới “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu”.

– Lặp cấu trúc ngữ pháp: “Là….. của”: khẳng định sự chắc chắn vững vàng trong nhận thức tình cảm nhà thơ Tố Hữu

– Cách xưng hô “em – anh”: Gắn bó như ruột thịt trong đại gia đình quần chúng nhân dân.

– Đại gia đình quần chúng “Bạn bè”; “vạn kiếp phôi pha”; “vạn đầu em nhỏ”: Không phân biệt giai cấp tiểu tư sản. Đó là quan hệ hữu ái, gắn kết, ưu ái với những số phận bất hạnh

“Cù bất cù bơ”: diễn tả sự lang thang nay đây mai đó vô định không chỉ em nhỏ mà còn những kiếp sống năm tháng khi nước ta mất chủ quyền. Cảm thương với số phận khi sống chung với thực dân phong kiến.

– Dùng từ số nhiều “vạn”: con số ước lệ không cùng, không giới hạn, tình cảm không cùng, không giới hạn dâng tặng với các mảnh đời.

– Gọi thành tên kiếp sống lầm than:  xót thương cho những số phận, căm giận sự bất công ngang trái, động lực cho tác giả đấu tranh, giải phóng dân tộc.

  • Kết bài:

– Bài thơ Từ ấy thể hiện niềm sung sướng say mê của tác giả khi bắt gặp ánh sáng lý tưởng của Đảng. ác động to lớn mạnh mẽ đối với tình cảm và nhận thức của nahf thơ, đánh dấu một mốc son khởi đầu của đời người, hồn thơ Tố Hữu. Bài thơ là lời tuyên ngôn về lẽ sống, vừa là một lời tâm nguyện của người thanh niên khi giác ngộ lí tưởng cách mạng. Mỗi người chúng ta đều phải có những đam mê, phải có chí lớn để theo đuổi ước mơ khát vọng, hoài bão của mình và khi đã gặp được lí tưởng đúng đắn thì chúng ta hãy sống và chết vì lí tưởng ấy.


Tham khảo:

Phân tích bài thơ Từ ấy.

  • Mở bài:

Trong nền văn học Việt Nam, Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng. Từ một thanh niên trí thức tiểu tư sản, được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Thơ Tố Hữu gắn với cuộc sông cách mạng và chính trị, thời sự đất nước. Tập thơ Từ ấy (1937 – 1946) là chặng đường đầu của thơ Tố Hữu. Từ ấy là bài thơ có ý nghĩa mở đầu và cũng có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ trong tập thơ này. Bài thơ cũng là tâm nguyện của người thanh niên yêu nước: niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, những nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm.

  • Thân bài:

Tâm trạng nhà thơ có sự vận động qua ba khổ thơ: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng (khổ 1); những nhận thức mới về lẽ sông (khổ 2); sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ gợi cảm và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.

Hai câu thơ mở đầu được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”

“Từ ấy” là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, đang hoạt động tích cực trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ: “nắng hạ”, “mặt trời chân lí chói qua tim”, Tố Hữu khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời, và là mặt trời khác thường: “mặt trời chân lí”.

Một sự liên kết sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa: Mặt trời của thiên nhiên đem lại cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm, sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tương đúng đắn, hợp lẽ phải, báo hiệu những điều tốt lành cho cuộc sống. Cách gọi lí tưởng như vậy thể hiện thái độ thành kính, ân tình. Thêm nữa, những động từ “bừng” (chỉ ánh sáng phát ra đột ngột.), “chói” (ánh sáng có sức xuyên mạnh) càng nhấn mạnh ánh sáng của lí tưởng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mờ ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm.

Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn, cùng với hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thế niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đấu đến với lí tưởng cộng sản:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

Đó là một thế giới tràn đầy sức sông với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cáy lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với khu vườn hoa lá ấy, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đôi với tâm hồn người thanh niên đang băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời, còn gì quý giá hơn khi có một lí tưởng như có cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời làm cho cuộc sông của con người có ý nghĩa hơn. Tố Hữu là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới ấy tâm hồn cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà đã khơi dậy sức sông, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.

Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Với động từ “buộc”, câu một là một cách nói quá thế hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa với mọi người (trăm nơi là một hoán dụ chỉ mọi người sống ở khắp nơi). Với từ “trang trải” ở câu 2, có thể liên tưởng tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Câu 3 khẳng định trong mối liên hệ với mọi người nói chung, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ. Ở câu 4, khối đời là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu: khi cái tôi chan hòa trong cái ta, khi cá nhân hòa mình vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh của mỗi người sẽ được nhân lên gấp bội.

Tóm lại, Tố Hữu đặt mình giữa cuộc đời rộng lớn và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, ở đấy Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chì bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu, bằng sự giao cảm của những trái tim. Qua đó, Tố Hữu cũng khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.

Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn giúp nhà thơ vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản đế có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình thân yêu ruột thịt. Những điệp từ là cùng với từ con, em, anh và số từ ước lệ vạn (chỉ số lượng hết sức đông đảo) nhấn mạnh, khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thản thiết, cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân minh là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Tấm lòng đồng cảm, xót thương của nhà thơ còn biểu hiện thật xúc động, chân thành khi nói tới những kiếp phôi pha:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”

Những người đau khổ bất hạnh, những người lao động vất vả, thường xuyên dãi dầu mưa nắng để kiếm sống, những em nhỏ không áo cơm cù bất, cù bơ không nơi nương tựa phải lang thang vất vưởng, nay đây mai đó. Qua những lời thơ ấy, người đọc thấy được lòng căm hận của nhà thơ trước bao bất công, ngang trái của cuộc đời cũ. Chính vì những kiếp phôi pha, những em nhỏ cù bất cù bơ ấy mà người thanh niên Tố Hữu hăng say hoạt động cách mạng, và họ cũng trở thành đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ (cô gái giang hồ trong Tiếng hát sông Hương; chú bé đi ở trong Đi đi em; ông lão khốn khổ trong Lão đầy tớ; em bé bán bánh trong Một tiếng rao đêm,…

Đến đây có thế thấy, về quan điểm nhận thức và sáng tác, bài thơ là tuyên ngôn cho tập Từ ấy nói riêng và cho toàn bộ tác phẩm của Tố Hữu nói chung. Cần nói rõ: đó là quan điểm của giai cấp vô sản với nội dung quan trọng là nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa cá nhân với quần chúng lao khổ, với nhân loại cần lao.

  • Kết bài:

“Từ ấy” là lời tâm nguyện của thanh niên yêu nước giác ngộ và say mê lí tưởng cách mạng. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, bằng các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu. Từ ấy đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu và trong sự nghiệp thơ ca của óng. Bài thơ không ngừng hấp dẫn độc giả các thế hệ.


Tham khảo 2:

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

  • Mở bài:

Từ ấy là bài thơ có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca của Tố Hữu, là cái mốc đánh dấu thời điểm (1937) và được kết nạp Đảng năm 1938 – Tố Hữu giác ngộ và gặp ánh sáng lí tưởng cộng sản. Đó cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Tố Hữu. Bài thơ thể hiện tâm nguyện cao đẹp của người thanh niên trẻ trung nhiệt tình cách mạng. Đó là niềm say mê mãnh liệt và vui sướng tràn trề cùng với nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn khi gặp gỡ và được giác ngộ lí tưởng cộng sản.

  • Thân bài:

Mở đầu bài thơ là niềm vui sướng của chàng thanh niên khi bắt gặp lý tưởng sống của cuộc đời mình:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá”

Mở đầu bài thơ bằng một cột mốc thời gian không cụ thể “Từ ấy”, nhưng đối với chàng trai đôi mươi “Băn khoăn đi tìm lẽ yêu đời” thì đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa. Nhà thơ đã diễn tả giây phút gặp gỡ lý tưởng cộng sản bằng bằng những hình ảnh tươi sáng, trong trẻo như “nắng hạ”, “mặt trời”. Đối với Tố Hữu khoảnh khắc gặp được lý tưởng của cuộc đời mình, trong tâm hồn ông đầy nắng. Không phải cái nắng mùa thu dịu dàng, không phải nắng mùa xuân ấm áp mà là nắng mùa hạ. Nắng mùa hạ chói chang, nắng mùa hạ rực rỡ nhất trong các mùa. Nắng mùa hạ xua tan mọi góc tối trong tâm hồn vốn nhiều u ám, buồn đau chìm đắm trong cảnh đời nô lệ bấy lâu. Lý tưởng cộng sản đối với Tố Hữu như “mặt trời chân lý”. Chân lý là những điều đúng đắn còn mặt trời vốn cao vời, vĩ đại, mang lại sự sống, hơi ấm.

Cách nói ẩn dụ “mặt trời chân lý” thể hiện lòng thành kính, trân trọng của nhà thơ với lý tưởng của Đảng. Đối với Tố Hữu lý tưởng cộng sản cũng như thế, soi rọi mọi góc tối, mang lại hơi ấm và quan trọng là với ông gặp được lý tưởng ông như sống lại một cuộc đời nữa đầy vui tươi, lạc quan như “vườn hoa lá”. Những hình ảnh so sánh tràn đầy sức sống, tươi vui “vườn hoa lá”, đặc biệt vườn hoa lá ấy “Rất đượm hương và rộn tiếng chim”. Bút pháp lãng mạn với hình ảnh so sánh diễn tả cụ thể niềm vui sướng, say mê của nhà thơ trong giây phút gặp gỡ lý tưởng cộng sản.

Ánh sáng chân lý ấy làm cho tâm hồn tràn đầy sức sống. Những động từ mạnh như “bừng”, “chói” nhấn mạnh nguồn sáng lý tưởng cách mạng không chỉ xua tan ý thức hệ tiểu tư sản mà còn mở ra trong ông một chân trời nhận thức mới, thức tỉnh cả tình cảm trong tâm hồn ông. Nói một cách dễ hiểu, ánh sáng lý tưởng cộng sản không chỉ thuyết phục nhà thơ về mặt lý trí mà còn“chói qua tim” thuyết phục mặt tình cảm để khiến từ đây nhà thơ sống, chiến đấu và hi sinh vì lý tưởng này. Những tính từ “rất đậm”, “rộn” càng nhấn mạnh hơn lý tưởng cộng sản đã khiến tâm hồn nhà thơ vui tươi, tràn đầy sức sống như thế nào. Nếu có đọc qua “Nhớ đồng” ta cũng bắt gặp một niềm vui rộn ràng như thế: “Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi

Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say hương đồng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời…”

(Nhớ đồng – Tố Hữu)

Trong bối cảnh lịch sử khoảng những năm 1938, nước mất, nhân dân ta phải chịu kiếp sống nô lệ. Những người con Việt Nam sống trên quê hương mình, quê hương vốn là của mình nhưng phải cam chịu kiếp sống nhờ, kiếp sống của những kẻ nô lệ. Trong bối cảnh đau buồn ấy, không chỉ với Tố Hữu mà còn rất nhiều thanh niên trẻ Việt Nam khi bắt gặp được lý tưởng cộng sản như bắt gặp được một lối đi trong ngõ cụt. Giờ đây, họ tìm được hi vọng để lại được làm chủ chính quê hương mình, không vui sướng sao được!

Nhận thức mới về về lẽ sống hiểu một cách đơn giản là hiểu và chọn cách sống khác đi, mới mẻ hơn. Từ khi bắt gặp lý tưởng cộng sản, Tố Hữu đã thay đổi hoàn toàn từ cách nghĩ, tinh thần, quan niệm sống cho đến tình cảm, ý thức về trách nhiệm của bản thân. Đó là sống hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân nhân và “cái ta” chung của mọi người.

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Chân lý cộng sản đã cho nhà thơ thấy được ý nghĩa của một cuộc đời biết gắn bó với mọi người, nhất là tầng lớp lao khổ. Nên nhà thơ tự nguyện “buộc” mình với mọi người, với nhân dân lao động và cả đồng bào, dân tộc Việt Nam. Và đồng thời cùng đồng cảm, giao hòa với “bao hồn khổ” để được tiếp thêm sức mạnh từ họ. Bởi hơn ai hết, Tố Hữu hiểu rằng “một cây làm chẳng lên non”, tầng lớp lao khổ sống kiếp nô lệ dưới chế độ nửa phong kiến muốn đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do không chỉ cần phải đoàn kết, có trách nhiệm với nhau là đủ mà còn cần phải “gần gũi”, gắn bó, chia sẻ. Có như thế khối đại đoàn kết mới vững vàng tạo thành sức mạnh lớn lao thì ý nguyện chung của tất cả mọi người mới có thể thành hiện thực.

Trước khi giác ngộ cách mạng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản sống ở thành thị. Lí tưởng cộng sản giúp nhà thơ không chỉ có được lẽ sống mới, mà còn vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp, tình thân yêu ruột thịt với quần chúng lao khổ.

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ…”

Tố Hữu ý thức được bản thân mình đã trở thành thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Điệp từ “là” và các đại từ nhân xưng đa dạng: “con, em, anh” nhấn mạnh sự tự ý thức được vị trí, vai trò của bản thân trong đại gia đình lao khổ. Không chỉ là trách nhiệm mà qua các cụm từ “kiếp phôi pha”, các em nhỏ “cù bất cù bơ” ta còn thấy tấm lòng chan chứa tình cảm, lòng xót thương của nhà thơ dành cho những kiếp người thuộc tầng lớp lao khổ đang còn phải chịu nhiều thiệt thòi. Bản thân mình là thành viên của đại gia đình thì cần biết yêu thương, biết chia sẻ, biết đấu tranh để không còn những mãnh đời cơ cực, bất hạnh như thế nữa.

Bài thơ ra đời vào năm 1938, đồng thời gian một số tác phẩm văn học hiện thực đã phản ánh những kiếp sống mòn, quẩn quanh, bế tắc rất cụ thể như: “Hai đứa trẻ” với chị em Liên, bà cụ Thi điên, mẹ con chị Tí,… đó cũng là những “kiếp phôi pha” hay cả như những kiếp người vì xã hội đương thời mà trở nên tha hóa như Chí Phèo trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Tất cả họ đều cần được bảo vệ, cần được che chở, cần được “khai sáng” bởi chân lý của Đảng để cùng nhau hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Chính Tố Hữu – con người với trái tim yêu thương bao la sẽ làm điều đó.

Qua những cụm từ giàu sức biểu cảm “kiếp phôi pha”, “vạn đầu em nhỏ/Không áo cơm cù bất cù bơ” còn chất chứa lòng căm giận trước bao bất công, ngang trái của xã hội cũ. Cũng chính vì lẽ đó, mà Tố Hữu càng hang say hoạt động cách mạng, và cũng chính họ là đối tượng sáng tác chủ yếu của ông: cô gái giang hồ trong “Tiếng hát sông Hương”, chú bé đi ở trong “Đi đi em”,… Đấy chính là những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu.

Bài thơ Từ ấy diễn tả niềm vui sướng, say mê khi giác ngộ lý tưởng cộn sản, khẳng định lẽ sống mới và thể hiện sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của người thanh niên trẻ tuổi đôi mươi đang khao khát tìm lẽ sống. Từ cảm hứng đến giọng điệu, ngôn từ, hình ảnh,…tất cả đều cho thấy một niềm vui lớn khi Tố Hữu bắt gặp lý tưởng sống của cuộc đời mình. Chất men say trong lý tưởng khiến cho bài thơ có giọng điệu say sưa, náo nức và đầy sảng khoái. Nhịp thơ dồn dập, say sưa, thôi thúc đầy hăm hở… đều bộc lộ tâm trạng vui sướng, tin tưởng, say mê và khao khát hành động, dâng hiến đến quên mình của nhà thơ.

Từ ấy cũng chính là bản tuyên ngôn cho tập thơ Từ ấy nói riêng và toàn bộ các tác phẩm của ông nói chung: đó là quan điểm của giai cấp vô sản với nội dung quan trọng là nhận thức sâu sắc về mối liên hệ giữa cá nhân với quần chúng lao khổ. Đồng thời, Từ ấy tiêu biểu cho hồn thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu. Từ ấy có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca của Tố Hữu. Bài thơ còn là bản tuyên ngôn về lẽ sống, tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ.

  • Kết bài:

Bài thơ Từ ấy chứa chan tình yêu giai cấp và niềm biết ơn sâu sắc cách mạng, hướng người đọc đến chân trời tươi sáng. Tiếng nói trong bài thơ là tiếng nói của một nhà thơ vô sản chân chính, là người thanh niên trẻ trung hướng theo lý tưởng của Đảng, của cách mạng. Giọng thơ chân thành và hình ảnh thơ tươi sáng, ngôn ngữ giàu tính dân tộc. Bài thơ còn là một tuyên ngôn nghệ thuật và mang đậm phong cách thơ của Tố Hữu. Nó xứng đáng là một tiếng hát lạc quan, yêu đời, đắm say lí tưởng, ngày nay vẫn làm xúc động hàng triệu trái tim độc giả.


Tham khảo 3:

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

  • Mở bài:

Tố Hữu (1920 – 2002) là nhà thơ tiêu biểu, “con chim đầu đàn” của thơ ca cách mạng Việt Nam. Bài thơ Từ ấy là bài thơ mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca của Tố Hữu, đồng thời là một chân lí sống của tác giả trong cuộc sống. tác phẩm thể hiện tâm nguyện cao đẹp của người thanh niên trẻ trung nhiệt tình cách mạng: Niềm say mê mãnh liệt và vui sướng tràn trề cùng với nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn khi gặp gỡ và được giác ngộ lí tưởng cộng sản.

  • Thân bài:

Khổ thơ 1: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lý tưởng của Đảng:

Ở khổ thơ đầu có sự kết hợp hài hòa giữa hai bút pháp tự sự và trữ tình. Hai câu thơ đầu được tác giả viết theo bút pháp tự sự. Lời thơ như một lời kể về một kỉ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng trẻ:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”

Nhan đề của bài thơ được lặp lại ngay khổ thơ thứ nhất có tác dụng nhấn mạnh thời điểm nhà thơ giác ngộ lí tưởng cách mạng. “Từ ấy” trạng từ chỉ thời gian, đánh dấu một thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Tháng 7/1938, Tố Hữu mười tám tuổi – tuổi trẻ giàu ước mơ, khát khao lí tưởng đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” thì được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là sự gặp gỡ của hai mùa xuân: mùa xuân của tuổi trẻ và mùa xuân của lý tưởng, của tương lai. “Từ ấy” như điểm chốt của thời gian, không gian đã xác định: từ bóng đêm của cuộc đời cũ, ánh sáng lí tưởng của Đảng làm bừng sáng cuộc đời nhà thơ.

“Từ ấy” đặt ngay đầu bài thơ như bức tường vạch chia ranh giới rõ ràng giữa hai khoảng thời gian. Thời gian cuộc đời của nhà thơ tự phân làm hai nửa trước và sau “Từ ấy” cho chúng ta sự khác biệt trong một con người. Phải đặt khổ đầu của bài thơ vào trước thời điểm “từ ấy” mới thấy niềm vui đó quả thực lớn lao như thế nào. Đây là lúc người thanh niên trẻ tha thiết tìm kiếm lẽ sống:

“Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi
Bâng khuâng đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi dòng quanh quẩn
Muốn thoát than ôi, bước chẳng rời.”

(Nhớ đồng)

Trước “Từ ấy”, cuộc sống bế tắc không lối thoát, cô đơn tuyệt vọng chán chường. Đó không phải là tâm trạng của riêng mình nhà thơ mà là chung cho cả một hệ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ có tấm lòng yêu nước nhưng chưa có cơ hội để đến với cách mạng. Lớp thanh niên ấy đã rơi vào tâm trạng bế tắc, chán chường, người thì tìm đến với thế giới cô đơn, người lại tìm đến với thế giới tưởng tượng để trốn tránh hiện thực hoặc tìm quên bằng những cách của riêng mình. Tâm trạng bế tắc của lớp thanh niên ấy được thể hiện rất rõ trong Thơ mới. Tố Hữu may mắn hơn, ông đã tìm ra con đường đi cho cuộc đời mình, đó là con đường chung của cả dân tộc. “Từ ấy” khép lại chuỗi ngày dằn vặt, đau khổ, bóng tối, mở ra một cuộc sống đầy hứa hẹn. Nó toát lên từ sức sống mạnh mẽ bên trong, từ sự thức tỉnh kì diệu.

Tố Hữu ghi lại giây phút đổi thay ấy bằng những hình ảnh ẩn dụ giàu tính hình tượng“nắng hạ” và “mặt trời chân lí”. Lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là nắng thu vàng nhẹ hay nắng xuân dịu dàng mà là “nắng hạ” chói chang, rực rỡ, mạnh mẽ của ngày hè soi tỏ khắp nơi, đặc biệt soi sáng cả những ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn, trí tuệ, nhận thức của nhà thơ. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là “mặt trời chân lí” là nguồn sáng ấm nóng, bất diệt. Sự liên kết sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa, nếu mặt trời của thiên nhiên đem lại cho nhân gian áng sáng, hơi ấm, sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải, đem đến những điều tốt lành cho đời sống. Cách gọi ấy thể hiện thái độ thành kính, đầy ân tình của nhà thơ đối với cách mạng.

Phút giây bắt gặp lí tưởng cách mạng trở thành “bừng nắng hạ”, “chói qua tim”. Sử dụng các động từ mạnh:“bừng” chỉ ánh sáng phát ra đột ngột,“chói” chỉ ánh sáng chiếu thẳng, mạnh, có sức xuyên thấu mạnh mẽ. Hình ảnh “bừng nắng hạ”, “chói qua tim” đã diễn tả được niềm vui đột ngột của nhà thơ. Tố Hữu khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn ánh sáng mới đã xua tan màn sương mù của ý thức cá nhân, mở ra một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm. Dường như có một cuộc đổi thay nhanh chóng giống như người đang sống trong đêm tối, tâm hồn khô kiệt bỗng chốc đèn pha bật sáng như ngày mai lên, mọi vật hiện ra, rõ ràng đến từng chi tiết và cảm xúc nảy sinh.

Tố Hữu không chỉ đón nhận lí tưởng Đảng bằng trí tuệ mà bằng cả tình cảm rạo rực, say mê, sôi nổi nhất. Hai câu thơ sau tác giả viết bằng bút pháp trữ tình lãng mạn để diễn tả niềm vui sướng vô hạn của buổi đầu tiếp xúc với lí tưởng cộng sản:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Hình ảnh so sánh “hồn tôi – vườn hoa lá” cùng lối vắt dòng từ câu thơ thứ ba tràn xuống câu thơ thứ tư như âm thanh của một tiếng reo vui phấn khởi, hân hoan. Những xao xuyến trong tâm hồn sâu kín của nhà thơ được phơi trải ra thật sống động. Tâm hồn nhà thơ hóa thành một khu vườn tưng bừng sức sống. Niềm vui hóa thành một thế giới đầy màu sắc, âm thanh và mùi vị, có sắc tươi xanh yên bình của cây lá, có hương thơm ngọt ngào lan tỏa của các loài hoa và có âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Tất cả những âm vang của cuộc sống được nhà thơ chắt lọc để nuôi dưỡng sức sống của tâm hồn người. Nó được đẩy đến ngưỡng cao nhất bằng việc sử dụng các tính từ chỉ mức độ như “bừng”, “chói”, “rất”, “đậm”, “rộn”, Tố Hữu cho thấy sự say mê, ngây ngất của người chiến sĩ cộng sản khi bước theo ánh sáng lí tưởng đời mình. Đối với khu vườn hoa lá ấy, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời, cũng như đối với tâm hồn người thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” còn gì quý giá hơn khi có một lý tưởng cao đẹp soi sáng, dẫn dắt?

Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ hoa, cây lá đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng đã làm con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời, làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa hơn. Đối với Tố Hữu, lí tưởng cách mạng không chỉ khơi dậy một sức sống mới mà còn mang lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ. Ghi lại bước chuyển quan trọng trong đời nhưng nhà thơ không lên gân, vẫn giọng thơ nhẹ nhàng dứt khoát mà thấm đẫm cảm xúc vui tươi, tha thiết như mạch sống lan tỏa khắp nơi. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật trái lại đã khơi dậy một sức sống mới đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ Tố Hữu.

Từ ấy là sự đánh dấu một cuộc đổi đời, cao hơn là sự hồi sinh của một con người. Từ đây, sức sống đó sẽ được nhân lên mạnh mẽ, tâm hồn sẽ như một vườn hoa lá trong sáng, hồn nhiên:

Rồi một hôm nào tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời.

Khổ 2 thể hiện những nhận thức mới về lẽ sống cao đẹp của Tố Hữu:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống. Lẽ sống mới được đặt ra ở đây là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân và “cái ta” chung của mọi người, mối quan hệ hài hòa giữa riêng – chung, cá nhân – cộng đồng. Tố Hữu tự nguyện gắn bó cái tôi cá nhân của mình vào cái ta chung của dân tộc; từ bỏ cái tôi cá nhân tiểu tư sản để nhập vào khối đời chung của nhân dân lao khổ; thoát ra khỏi “cái tôi” cô đơn bế tắc để gắn bó với các giai cấp cần lao. Đó là mối quan hệ đoàn kết tạo ra sức mạnh trong cuộc đấu tranh cách mạng, hướng tới tự do.

Lẽ sống cao đẹp ấy được thể hiện qua những từ ngữ đặc sắc, có tác dụng gắn kết như: “Buộc, trang trải, hồn tôi – hồn khổ, gần gũi, khối đời”. “Buộc” nghĩa là buộc chặt, gắn bó với mọi người. Tố Hữu ý thức tự nguyện sâu sắc, quyết tâm cao độ muốn thoát khỏi giới hạn của “cái tôi” cá nhân để hướng vào cộng đồng, để sống chan hòa với mọi người. Tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với từng con người cụ thể. Trong mối liên hệ với mọi người, nhà thơ quan tâm đến quần chúng lao khổ. Từ “với” thể hiện mối liên kết chặt chẽ với nhân dân. Giữa nhà thơ và quần chúng nhân dân càng gần nhau về quan hệ tinh thần, tình cảm, đó là sự gắn bó ruột thịt.

Hình ảnh ẩn dụ “khối đời” chỉ một khối người đông đảo, cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu: khi “cái tôi” hòa trong “cái ta”, khi cá nhân hòa mình vào một tập thể cùng chung lí tưởng thì sức mạnh của mỗi người sẽ được nhân lên gấp bội. Đó là sức mạnh của tập thể nhân dân. Điệp từ “để” tạo nhịp thơ dồn dập, thôi thúc, hăm hở.

Có thể thấy  tình yêu thương con người của Tố Hữu là tình hữu ái giai cấp. Tố Hữu đặt mình vào giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ. Ờ đấy, Tố Hữu tìm thấy sức mạnh, niềm vui mới bằng nhận thức, tình cảm yêu mến, sự giao cảm của những trái tim. Qua đó, Tố Hữu cũng khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.

Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một tiểu tư sản. Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao “cái tôi” cá nhân chủ nghĩa, cô đơn, bế tắc:

“Ta là một là riêng là thứ nhất”

(Xuân Diệu)

“Hỡi Thượng đế! tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái!
Nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đàng”

(Huy Cận)

Lí tưởng cộng sản đã giúp nhà thơ không chỉ có được lẽ sống mới mà còn vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ.

Khổ thơ 3 thể hiện sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”.

Cấu trúc “Tôi đã là…” với điệp từ “là” với cách xưng hô ruột thịt: “con, em, anh” và số từ ước lệ “vạn” là lời khẳng định cho sự hoà nhập tuyệt đối. Nhà thơ cảm nhận sâu sắc bản thân mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Người chiến sĩ đã ở giữa đời và mọi người rất khiêm tốn mà không làm mất đi vẻ tự nhiên vốn có, là con của gia đình, là em của kiếp đời phôi pha, là anh của các em thơ nghèo khổ, đói cơm rách áo. Tình cảm gia đình nồng ấm, thân thiết, ruột thịt.

Hình ảnh “những kiếp phôi pha” là những người đau khổ, bất hạnh, những người lao động vất vả, dãi dầu nắng mưa để kiếm sống và những em bé “không áo cơm, cù bất cù bơ” là những đứa trẻ không có tuổi thơ, không nơi nương tựa, phải lang thang vất vưởng nay đây mai đó. Đây cũng là đối tượng sáng tác chủ yếu của thế hệ sau này.
Liên hệ: Kiếp phôi pha, người không áo cơm cù bất cù bơ ở đây được tạo nên bởi từng số phận với những cảnh ngộ riêng. Đó là em bé trong bài “Đi đi em” sớm chịu cảnh nô lệ, là cô gái giang hồ trong “Tiếng hát sông Hương”, là ông lão khốn khổ trong “Lão đầy tớ”, cả người vú em để con mình đói khát phải đi chăm con cho người khác và biết bao người khác nữa.

Cô gái giang hồ trong “Tiếng hát sông Hương”:

“Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không”

Hay chú bé đi ở trong “Đi đi em”:

“Em len lét, cúi đầu, tay xách gói
Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te
Vẫn chưa thôi lời day dứt nặng nề
Hàng giây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ!”

Ông lão khốn khổ trong “Lão đầy tớ”:

“Gánh nước, cuốc vườn cau
Đất bụi lấm đầy đầu
Mà chủ còn hất hủi!
Như cái kiếp ăn mày
Ngồi ăn trong góc xó
Buồn thiu như con chó
Áo rách chẳng ai may”.

  • Kết bài:

Bài thơ Từ ấy tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn cách mạng trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của Tố Hữu. Cái tôi trữ tình    lắng đọng trong từng ý thơ, từng hình ảnh, lúc bay bổng, lúc lắng đọng, lúc là lời bộc bạch trực tiếp, chân thành những ước vọng, tâm tư khi tìm thấy lí tưởng. Từ ấy là tiếng hát yêu thương, tin tưởng, là tiếng lòng tha thiết của một thanh niên bắt đầu giác ngộ lí tưởng, tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, gian khổ, hi sinh của toàn dân tộc. Vượt thời gian, sau hơn nửa thế kỉ ra đời, Từ ấy vẫn tươi xanh chất trữ tình cách mạng. Bài thơ đã tạo được sự đồng cảm, mến mộ của nhiều thế hệ yêu thích thơ Tố Hữu.


Tham khảo 4:

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

  • Mở bài:

Tố Hữu là nhà thơ có vị trí rất quan trọng trong nền văn học cách mạng Việt Nam. Trong thơ Tố Hữu, cái tôi trữ tình, trẻ trung, sôi nổi và đầy nhiệt huyết là cái tôi gắn với cách mạng, cái tôi mang trong mình lí tưởng cộng sản. Với tập thơ Từ ấy, Tố Hữu đã bắc chiếc cầu nối giữa hình thức thơ mới với thơ ca yêu nước và cách mạng. Giữa lúc các nhà thơ mới còn băn khoăn, còn đắm mình trong nỗi buồn đau, cô đơn tuyệt vọng, thì Tố Hữu với “Từ ấy” đã cất lên khúc hát ngợi ca lí tưởng cách mạng và tự tin khẳng định sự đúng đắn của con đường mình đã chọn. Từ ấy thể hiện tâm trạng háo hức, tràn đầy niềm tin và hi vọng của người cộng sản trẻ tuổi.

  • Thân bài:

Đặt bài thơ vào hoàn cảnh xã hội, chính trị, văn hoá thời điểm nó ra đời mới hiểu và lí giải được những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của nhân vật trữ tình. Bài thơ ra đời vào thời kì cách mạng Dân tộc dân chủ 1936 – 1939. Năm 1930, Đảng Cộng sản ra đời, lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tố Hữu thuộc lớp thanh niên sớm được giác ngộ cách mạng. Và người thanh niên với trái tim tuổi hai mươi đang căng đầy sự sống đã đến với cách mạng bằng niềm phấn khích của người vừa tìríi thấy con đường lí tưởng của đời mình. Nhân vật trữ tình của bài thơ là người cộng sản trẻ tuổi với qụan niệm cao đẹp về lí tưởng sống – lí tưởng cộng sản.

Khổ thơ đầu tiên của bài thơ diễn tả tâm trạng vui sướng của nhân vật trữ tình khi bắt gặp lí tưởng cộng sản :

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

Một vấn đề chính trị, vấn đề lí tưởng sống, nhưng đã được tác giả thể hiện bằng một hình thức “rất đỗi trữ tình”. Niềm vui được thể hiện một cách tự nhiên và thành thực. “Từ ấy” là từ khi được giác ngộ cách mạng, được dẫn dắt vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng thời với nhân vật trữ tình, những năm ba mươi ấy, khi mà cách mạng Việt Nam còn hoạt động bí mật, có rất nhiều thanh niên Việt Nam có tấm lòng yêu nước thương nòi, nhưng họ đã không thể hoặc không có cơ hội để đến với cách mạng. Lớp thanh niên ấy đã rơi vào tâm trạng bế tắc, chán chường, người thì tìm đến với thế giới cô đơn, người lại tìm đến với thế giới tưởng tượng để trốn tránh hiện thực hoặc tìm quên bằng những cách của riêng mình.

Tâm trạng bế tắc của lớp thanh niên ấy được thể hiện rất rõ trong thơ mới. Nhân vật trữ tình của bài thơ may mắn hơn. Anh đã tìm ra con đường đi cho cuộc đời mình, đó là con đường chung của cả dân tộc. Để thể hiện niềm vui ấy, nhà thơ đã chọn dùng một loạt từ ngữ gợi hình và gợi cảm : bừng (nắng hạ), chối (qua tim), rất đậm (hương), rộn (tiếng chim). Đây đều là những từ ngữ có khả năng biểu hiện trạng thái manh của sự vật, sự việc. Nó vừa đột ngột, vừa manh mẽ, vừa sôi nổi và sâu sắc. Vì thế nó thể hiện được trạng thái cảm xúc hưng phấn của nhân vật trữ tình. Khổ thơ như tiếng reo vui đầy phấn chấn. Ánh sáng của cách mạng chói sáng như “nắng hạ”, như “mặt trời” soi đường cho nhân vật trữ tình. Khi đất nước mất chủ quyền, nhân dân sống trong lầm than nô lệ, cả dân tộc như chìm trong đêm tối, mỗi người phải tự dò dẫm để tìm ra con đường sống cho mình. Cách mạng đã soi đường cho người chiến sĩ trẻ. Cách mạng không chỉ là ngọn đèn mà là “mặt trời” – nơi chân lí chói sáng. Bắt gặp ánh sáng ấy, tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi bừng dậy sức sống, nó được ví như một vườn cây đầy sức sống. Nhịp thơ dồn dập, câu thơ nối dòng đã thể hiện thành công tâm trạng vui mừng của nhân vật trữ tình. Đó là tâm trạng lạc quan tin tưởng vào con đường cách mạng của người thanh niên trẻ chưa gặp thất bại và những gian khổ trên con đường hoạt động cách mạng.

Sau giây phút đầy hào hứng và vui mừng, tâm trạng nhân vật trữ tình tạm lắng xuống, suy tư hơn. Hai khổ thơ tiếp theo thể hiện nhận thức của nhân vật trữ tình về con đường cách mạng mình đã chọn. Đó là sự thức tỉnh về mối quan hệ tình cảm cách mạng, tình cảm dân tộc.

Cùng thời với Tố Hữu, nhưng khi chưa đến được với cách mạng, nhà thơ Chế Lan Viên viết:

“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa”

Xuân Diệu thì cực đoan :

“Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta”

Còn Huy Cận thì cảm thấy bơ vơ, nhỏ nhoi trước cảnh “sông dài, trời rộng, bến cô liêu” với tâm trạng “lòng quê dợn dợn vời con nước”. Tiến bộ như người li khách ra đi vì “chí nhớn” nhưng vẫn đượm buồn và phảng phất nỗi lẻ loi đơn độc :

“Li khách ! Li khách con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không…”

Đó là tâm trạng của những thanh niên chưa tìm được vị trí của mình trong lòng dân tộc, chưa có tình cảm cách mạng, vẫn là một cái tôi cá nhân nhưng nhân vật trữ tình trong Từ ấy thì khác hẳn. Anh đã ý thức rất rõ mối quan hệ tình cảm của mình với nhân dân :

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

Khi được giác ngộ cách mạng, nhân vật “tôi” coi như mình đã thuộc về dân tộc, về nhân dân. Cái tôi ấy không còn tách rời mà hòa trong cái ta chung của cả dân tộc để tạo nên khối đại đoàn kết, làm nên sức mạnh dân tộc. Đây là một nhận thức đúng đắn, thể hiện sự giác ngộ cách mạng sâu sắc của nhà thơ. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh và từ ngữ có khả năng biểu hiện rõ mối quan hệ tình cảm cách mạng: “buộc”, “trang trải”, “gần gũi”, “khối đời”. Những từ ngữ ấy đã cụ thể hoá tình cảm cách mạng vốn là những khái niệm rất trừu tượng.

Quan niệm về lí tưởng cộng sản của nhà thơ được thể hiện rõ hơn ở khổ thơ cuối:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”

Nhân vật trữ tình đã ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với dân tộc khi anh dấn thân vào con đường cách mạng. Làm người cách mạng thì bản thân mình không còn là của riêng mình nữa. Người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đã đặt lên vai mình nhiệm vụ cách mạng cao cả. Và anh đã sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp cách mạng. Là “con”, là “em”, là “anh” của những người cùng khổ, anh đã tự nguyện gắn mình vào mối quan hệ máu thịt với họ, những người đã và đang chịu cảnh nô lệ lầm than. Và chính những con người ấy là lực lượng nòng cốt của cách mạng.

Người chiến sĩ trẻ hoàn toàn tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Thái độ của anh đầy quyết tâm và dứt khoát. Nhà thơ đã dùng biện pháp lặp từ để biểu hiện thái độ dứt khoát của nhân vật trữ tình. Nhịp thơ mạnh cùng những từ được lặp lại để, là đã thể hiện ý chí cách mạng của người chiến sĩ trẻ.

Giọng điệu nổi bật của bài thơ là giọng vui tươi, dứt khoát, hào hứng và đầy quyết tâm. Đó là giọng điệu thể hiện niềm hạnh phúc của người thanh niên đã tìm ra con đường đúng đắn của cuộc đời mình.

Bài thơ “Từ ấy” thuộc phần “Máu lửa”, phần đầu của tập thơ “Từ ấy”. Bài thơ được sáng tác trong những ngày đầu tham gia cách mạng. Dù đã đi trên con đường cách mạng, đã nhận thức được nhiệm vụ, trách nhiệm của người cộng sản và phần nào hình dung được những gian khổ của cuộc đời cách mạng, nhưng lại chưa phải trải qua những giam cầm, đày ải và sự khắc nghiệt thực sự của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì vậy giọng thơ là giọng điệu lạc quan, tin tưởng và tràn đầy niềm tin hi vọng. Nhưng cũng chính niềm lạc quan cách mạng ấy đã làm nên sức mạnh để người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi có đủ sức mạnh vượt qua những gian nan khổ cực của cuộc đời hoạt động cách mạng sau này.

  • Kết bài:

Với “Từ ấy”, nhà thơ Tố Hữu đã mang đến cho thơ ca Việt Nam một giọng thơ mới, giọng thơ trẻ trung, đầy niềm tin cách mạng. Bài thơ đã giúp cho thế hệ sau có cơ hội hiểu rõ hơn về một thời gian khổ nhưng đáng tự hào của dân tộc mình. Nó cũng góp phần lí giải vì sao dân tộc Việt Nam lại có đủ sức mạnh để chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn mình như vậy.

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cái tôi trữ tình trong bài thơ "Từ ấy" (Tố Hữu). - Theki.vn
  2. Hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật tập thơ "Từ ấy" của Tố Hữu. - Theki.vn
  3. Soạn bài: Từ ấy (Tố Hữu) - Theki.vn
  4. Dàn bài phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.