Cảm nhận hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy

cam-nhan-hinh-tuong-nguoi-chien-si-trong-bai-tho-tu-ay

Cảm nhận hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Cảm nhận về hình tượng người chiến sĩ trong bài “Từ ấy” của Tố Hữu (Sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập 2, NXB GD, 2010). Từ đó liên hệ với hình tượng người tráng sĩ đời Trần qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1, NXB GD 2010) để thấy vẻ đẹp của người chiến sĩ qua từng thời đại.


Gợi ý làm bài:

  • Mở bài:

Tố Hữu là nhà cách mạng, cũng là nhà thơ trữ tình chính trị tiêu biểu nhất của nền thơ ca cách mạng. Sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp thơ ca của ông. Từ ấy (1938) là bài thơ hay được trích trong tập thơ cùng tên ghi lại thời khắc đặc biệt trong cuộc đời cách mạng và nghệ thuật của Tố Hữu khi nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cách mạng, tìm thấy con đường đi cho cuộc đời mình và thơ ca.

  • Thân bài:

Hình tượng người chiến sĩ qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

Bài thơ ra đời với một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Tố Hữu. Ngày nhà thơ được kết nạp vào Đảng cộng sản, đứng vào hàng ngũ những người cách mạng chiến đấu vì một lí tưởng chung, ông đã viết bài thơ này. Đặt trong hoàn cảnh sáng tác ấy, bài thơ đã cho thấy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cách mạng và lẽ sống cao đẹp làm nên vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ.

Bài thơ thể hiện chân thật và xúc động vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ cách mạng. Đó là con người có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng cộng sản:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim… “

Lí tưởng chính là ánh nắng hạ rực lửa, là mặt trời chói sáng, soi rọi giúp cho nhà thơ nhận ra con đường đi đến với chân lí, lẽ phải, công bằng, niềm tin, hi vọng. Lí tưởng còn hồi sinh, chỉ đường, đem đến cảm xúc mới, sức sống mới cho nghệ thuật thơ ca của người chiến sĩ.

Đó là người chiến sĩ có lẽ sống nhân đạo cao đẹp. Con người ấy từ khi được giác ngộ lí tưởng, ý thức rằng cuộc sống và nghệ thuật thơ ca của mình không thuộc về cá nhân mình nữa mà thuộc về quần chúng cần lao và cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Người chiến sĩ trẻ có nhận thức đúng đắn về lẽ sống của cuộc đời mình: lẽ sống của con người cá nhân gắn liền với lẽ sống của cộng đồng, của mọi người:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời “

Người chiến sỹ trẻ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tình cảm khi có sự soi chiếu của ánh sáng cách mạng: yêu thương, gắn bó với nhân dân lao khổ bằng tình cảm hữu ái giai cấp:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ… “

Người chiến sĩ với lẽ sống lớn – hòa nhập với khối đời chung: Con người ấy từ khi được giác ngộ lí tưởng, ý thức rằng cuộc sống và nghệ thuật thơ ca của mình không thuộc về cá nhân mình nữa mà thuộc về quần chúng cần lao và cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Con người đã tự nguyện đem cái “tôi” nhỏ bé của mình gắn kết với cuộc đời để tạo nên sức mạnh đoàn kết, tranh đấu.
Người chiến sĩ với tình cảm lớn – tình cảm với nhân dân, tình hữu ái giai cấp: Người chiến sĩ cũng ý thức rằng mình sẽ là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình cách mạng của những người lao khổ, bị áp bức, chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.

Hình tượng người chiến sĩ với lý tưởng cao quý, khát khao mãnh liệt được khắc họa qua cách miêu tả trực tiếp bằng những cảm nhận của nhân vật trữ tình khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng hoặc những lời ước nguyện, lời thề quyết tâm chiến đấu vì lí tưởng chung. Bài thơ làm hiện lên chân dung của một cái “tôi” chiến sĩ không cách biệt, trốn tránh cuộc đời như cái “tôi” thơ mới mà trẻ trung, hăm hở, nhiệt huyết, tràn đầy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cộng sản, sống có trách nhiệm với cuộc đời, với nhân dân đau khổ bị áp bức, với cuộc đấu chung của dân tộc. Bài thơ mang giọng điệu vui tươi, sôi nổi, hào hứng và trẻ trung. Bài thơ thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng.

Liên hệ vẻ đẹp người tráng sĩ đời Trần qua bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.

Bài thơ được viết trong bối cảnh cả triều đại nhà Trần đang sục sôi khí thế quyết chiến, quyết thắng giặc ngoại xâm và khát khao xây dựng một vương triều vững mạnh.

Hình tượng người tráng sĩ đời Trần hiện lên với vẻ đẹp của con người lý tưởng qua tầm vóc, tư thế, hàng động lớn lao, kì vĩ.

Người tráng sĩ mang khát vọng lập công danh, lưu truyền sự nghiệp vẻ vang, xứng đáng với thời đại của mình.

Vẻ đẹp của người chiến sỹ qua từng thời đại:

Điểm gặp gỡ:

+ Những người chiến sĩ dù ở thời đại nào cũng mang trong mình những khát vọng, lý tưởng sống cao đẹp.

+ Điều đáng trân trọng là những lý tưởng ấy không vì danh vọng cá nhân mà xuất phát từ lòng yêu nước, từ ý thức trách nhiệm với dân tộc, với thời đại.

Cả hai bài thơ đều tập trung khắc họa hình tượng người chiến sĩ cách mạng, những người con ưu tú nhất của lịch sử dân tộc có tâm hồn cao đẹp, có lí tưởng sống nhân đạo, chất thi sĩ và chiến sĩ hoà quyện trong tâm hồn, lí tưởng của họ.

Điểm riêng:

+ Người chiến sỹ trong bài thơ Từ ấy là người chiến sỹ cách mạng, mang trong mình ánh sáng lý tưởng cách mạng thời hiện đại. Người chiến sỹ trong bài Tỏ lòng là người tráng sĩ tiêu biểu của tư tưởng phong kiến, lý tưởng gắn liền với sự hưng thịnh của triều đại phong kiến ấy. Đó là người chiến sĩ có tình yêu mãnh liệt với ý tưởng, có lẽ sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh, dâng hiến vì cuộc đấu tranh của dân tộc, giống nòi. Nhân vật trữ tình được khắc hoạ trực tiếp bằng những hình thơ sôi nổi, trẻ trung, tươi mới.

+ Hình tượng người chiến sỹ trong bài thơ Từ ấy được thể hiện qua nghệ thuật thơ hiện đại với giọng thơ sôi nổi, hào hứng, say mê. Người tráng sĩ trong bài thơ Tỏ lòng khắc họa qua thi pháp thơ trung đại với những hình ảnh ước lệ, những điển tích văn học cổ….

  • Kết bài:

Mỗi thời đại đều có những hình tượng anh hùng riêng, nhưng ở họ đều toát lên vẻ đẹp chung của người con dân tộc Việt giàu lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh cho đất nước.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Dàn bài: phân tích cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Từ đó liên hệ với “Từ ấy” của Tố Hữu để nhận xét điểm giống và khác nhau về cảm hứng l
  2. Viết mở bài và kết bài phân tích bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu - Theki.vn
  3. Nghị luận: Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.