Hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật tập thơ Từ ấy của Tố Hữu.

hoan-canh-sang-tac-gia-tri-noi-dung-va-nghe-thuat-tap-tho-tu-ay

Hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật tập thơ Từ ấy của Tố Hữu.

I. Hoàn cảnh sáng tác.

– Năm 1935, lúc Nhà thơ Tố Hữu vừa tròn 15 tuổi, cũng là lúc Phong trào Mặt trận Bình dân Pháp lên cao, lập được Chính quyền mới ở Pháp theo xu hướng cánh tả; lúc đó tác giả tham gia phong trào thanh niên cánh tả ở Đông Dương.

– Tác phẩm “Người mẹ” của Gorki, “Thép đã tôi thế đấy” của Ostrovski. Hình tượng anh công nhân Paven trong “Người mẹ” và đẹp hơn nữa là Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” dũng cảm vượt qua mọi gian khổ, chiến thắng bệnh tật, coi thường cái chết là thần tượng của tác giả. Các tác phẩm có tinh thần đấu tranh như “Khói lửa” của Barbusse, “Cơristốp” của Romain Rolland, “Mười ngày chấn động hoàn cầu” của John Reed, “Gót sắt” của Jacques London đã mang lại cho tác giả những suy nghĩ mới, ảnh hưởng đến sự nghiệp thơ, khi mà những luồng suy nghĩ mới này có ảnh hưởng lớn lúc đang độ tuổi trưởng thành. Tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Các Mác – Ăngghen và bộ “Tư bản” của Các Mác cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và suy nghĩ đang hình thành của Tố Hữu.

– Nhiều nhân vật của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ như Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Bùi San,… đã tiếp cận và giác ngộ Tố Hữu đi theo con đường cộng sản: gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ năm 1936 và 1938 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương

II. Bố cục tập thơ.

Tập thơ Từ ấy gồm 71 bài, được chia thành ba phần, phản ánh rõ nét quá trình giác ngộ và trưởng thành của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi.

1. Máu lửa.

– Gồm 27 bài, là thơ của thời kỳ Mặt trận Dân chủ, tập trung vào những vấn đề lớn của thời đại như chống phát xít, phong kiến, đòi hoà bình, cơm áo, vấn đề quyền sống con người và cách mạng giải phóng dân tộc.

2. Xiềng xích.

– Gồm 30 bài, viết trong tù, thể hiện nỗi buồn đau và ý chí, khí phách của người chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù.

3. Giải phóng.

– Gồm 14 bài, viết từ lúc vượt ngục đến một năm sau ngày độc lập, chủ yếu ngợi ca lý tưởng, quyết tâm đuổi giặc, cứu nước và niềm vui chiến thắng.

Nhận xét:  Tập thơ Từ ấy ghi lại một thời kỳ lịch sử cách mạng của nhân dân Việt Nam, thông qua chặng đường hoạt động 10 năm của người thanh niên cộng sản Tố Hữu.  Từ ấy đã đánh dấu bước ngoặt trưởng thành vô cùng qua trọng của Tố Hữu trên chặng đường cách mạng. Nó là tiếng reo mừng, sung sướng của một người thanh niên trẻ khi được lí tưởng cách mạng soi sáng, để từ đó quyết tâm đem sức mình cống hiến cho Tổ quốc. 

III. Giá trị của tập thơ.

1. Giá trị nội dung:

– Với tất cả những chủ đề có trong thi tập, theo Đặng Thai Mai, Từ ấy là tiếng nói cáo trạng nhân danh phẩm giá của con người lao khổ; nhân danh chủ nghĩa nhân đạo để chống với một chế độ tàn bạo; nhân danh cái đẹp của thiên nhiên và của nghệ thuật, của chân lý và của công lý để phản kháng với cái xấu, cái giả dối; nhân danh cái mới để chống lại cái lạc hậu. Đó cũng là bản quyết tâm thư của một chiến sĩ cách mạng không do dự trước nhiệm vụ, khó khăn, lao tù, súng gươm và sự tra tấn của kẻ thù, không tuyệt vọng trên những bước đường thử thách đau đớn nhất.

2. Giá trị nghệ thuật:

– Ở phương diện nghệ thuật, Từ ấy trở thành một trong những thành tựu của văn học cách mạng Việt Nam. Tố Hữu đã kết hợp được giữa nghệ thuật và cách mạng, giữa người chiến sĩ và thi sĩ, góp phần vào tiến trình đổi mới thi ca hiện đại Việt Nam.

IV. Nhận xét chung.

– Từ ấy là một “bó hoa lửa lộng lẫy, nồng nàn”, nở ra từ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong mười năm gian lao và anh dũng.

– Đó là một tiếng hát tha thiết yêu thương: yêu cách mạng, yêu đời, yêu quần chúng nhân dân, yêu Tổ quốc, yêu những cuộc đấu tranh cách mạng đang diễn ra trên thế giới (như ở Trung Quốc, Liên Xô, Pháp).

– Đó là bài ca hùng tráng của những người hiểu rằng chiến đấu là con đường duy nhất để giành được độc lập, tự do, sung sướng; vì thế, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho “trường đâu tranh”, không sợ gian khổ, không sợ chết.

– Đó là tiếng hát tràn ngập niềm tin tưởng, lạc quan của người biết rằng chiến thắng cuối cùng nhất định sẽ thuộc về mình.

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Bài 1. Nhớ đồng (Tố Hữu) (Ngữ văn 8, Chân Trời Sáng Tạo) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.