Viết bài văn ngắn suy nghĩ về hai chữ: Khiêm tốn

viet-bai-van-ngan-suy-nghi-ve-hai-chu-khiem-ton

Khiêm tốn

Khiêm tốn là một phẩm chất tốt đẹp của con người biểu hiện ở sự biết đánh giá đúng mực về bản thân, không tự đề cao mình hơn người khác, không tự cho mình là hơn tất cả mọi người, không phô trương, khoe mẽ, không kiêu căng, tự mãn, luôn khiêm nhường, biết lắng nghe và học hỏi.

Khiêm tốn không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng dẫn tới thành công. Sự khiêm tốn giúp người ta gặp thuận lợi trong cuộc sống, coi thành công như là sự động viên mà không trở nên chủ quan. Sự khiêm tốn giúp tăng cường khả năng học hỏi, giúp con người dễ tìm thấy cái tốt đẹp ở người khác để noi theo và dễ chấp nhận người khác, đồng thời gắn kết bền chặt các mối quan hệ xã hội.

Nhờ biết khiêm tốn, chúng ta sẽ tự tin hơn khi giao tiếp, trò chuyện. Tính khiêm tốn giúp ta học tập và phát huy hiệu quả khả năng bên trong của mình. Người khiên tốn luôn được người khác yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ để thành công.

Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, trí tuệ của mỗi người cũng chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc rộng lớn. Hiểu được khả năng của mình sẽ là cơ sở quan trọng để ta hoàn thiện bản thân và mở mang tri thức. Đồng thời, biết khiêm nhường và lắng nghe cũng giúp ta có được sự tôn trọng, tin yêu của những người xung quanh. Khiêm tốn làm chúng ta cao quý hơn trong mặt mọi người và luôn luôn nhận được sự nể phục. Khiêm tốn còn làm chúng ta tự kiềm chế bản thân mình để không tự mãn khi thành công. Chính điều này làm chúng ta luôn thấy mình “thấp” hơn người khác để bản thân không ngừng cố gắng mỗi ngày.

Giản dị và khiêm tốn có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Người khiêm tốn chắc chắn cũng là người giản dị. Khi ta sống giản dị sẽ làm con người ta khiêm tốn và khi ta sống khiêm tốn sẽ làm cho con người ta sống bình dị hơn. Đó là những đức tính quý giá của con người. Chính đức tính ấy đã làm cho bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, cao quý hơn đối với nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Vậy nhưng, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, mải khoe khoang tự mãn, đắm chìm trong những gì đã đạt được để rồi dần thụt lùi so với dòng chảy của văn minh nhân loại.

Hiểu được giá trị của đức tính khiêm tốn mỗi chúng ta cần nói không với cách sống tiêu cực và rèn luyện đức khiêm tốn từ những điều nhỏ bé hàng ngày. Bởi “khiêm tốn là lương tri của cơ thể”, thiếu nó ta đâu thể trở thành một con người đúng nghĩa cũng như hoàn thiện bản thân.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về tính lịch sự và tế nhị - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.