Cấu trúc nghệ thuật đối lập trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
1. Sự đối lập giữa tính cách với hoàn cảnh.
Huấn Cao là một con người tài hoa nghệ sĩ, khí phách hiên ngang, thiên lương trong sáng lại bị đày ải vào chốn ngục tù. Nhưng ông luôn đứng cao hơn hoàn cảnh, không chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Với ông, không có ngục tù, không có pháp trường, ông luôn ung dung, đường hoàng, lẫm liệt trong bất kì tình huống nào. Lúc làm thủ tục nhận tù, dù bọn lính có quát nạt, đe dọa, ông vẫn thản nhiên dỗ gông. Ở trong tù, ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Khi quản ngục vào buồng giam hỏi ông có cần gì xin chu tất, thì ông xua đuổi, cố ý làm ra khinh bạc đến điều. Đến cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân.
Huấn Cao là một người chọc trời khuấy nước, trên đầu chẳng biết có ai, nhất sinh chưa không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Ông không sợ quyền uy, không sợ cái chết, chỉ sợ phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.
Nhân vật Huấn Cao kết tinh lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Qua Huấn Cao, nhà văn ngợi ca sự chiến thắng của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương trước cái xấu xa phàm tục; của khí phách ngang tang đối với thói quen nô lệ đồng thời gửi gắm tình cảm yêu nước thầm kín và tinh thần dân tộc của mình.
Bên cạnh Huấn Cao, viên quản ngục cũng là một nhân vật được Nguyễn Tuân xây dựng rất thành công khi sử dụng nghệ thuật đối lập. Quản ngục “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Ngục tù là nơi ngự trị của cái ác nhưng quản ngục lại là người say mê cái đẹp, biết kính trọng tài năng và nhân cách.
Cuộc gặp gỡ với người tù Huấn Cao đã làm ánh lên tấm lòng nâng niu, trân trọng người tài, kính trọng người có khí phách của quản ngục. Khi nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, bề ngoài quản ngục ra những mệnh lệnh cần thiết để giam giữ Huấn Cao nhưng trong lòng lại muốn biệt đãi để ông Huấn đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại. Những lời độc thoại về thầy thơ lại, về ý muốn biệt đãi Huấn Cao cho thấy động cơ biệt đãi ông Huấn của quản ngục không chỉ là niềm khao khát chơi chữ mà còn xuất phát từ tấm lòng mến mộ tài năng, kính trọng khí phách.
Tác giả còn miêu tả cuộc đấu tranh nội tâm của quản ngục để đi đến quyết định biệt đãi ông Huấn. Đối diện với ngọn đèn khuya, ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương. Thời gian dần trôi, đĩa dầu sở vơi dần mực dầu, những đường nét nhăn nheo của một bộ mặt tư lự dần biết mất. Ở đấy, giờ chỉ còn mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ. Với hình ảnh này, con người say mê cái đẹp, mến mộ kính trọng tài năng, khí phách đã chiến thắng con người công cụ của chế độ ngục tù và quản ngục đã đối xử với Huấn Cao bằng tấm lòng biệt nhỡn liên tài, bât chấp cường quyền bạo lực.
Trong những ngày giam giữ Huấn Cao, quản ngục đã làm trái với phong tục nhận tù thường ngày là không trở những trò hành hạ thường lệ mà hằng ngày còn cho thầy thơ lại dâng rượu, đồ nhắm với lời lẽ cung kính. Một hôm, đích thân quản ngục tới tận buồng giam xem Huấn Cao cần gì xin cung cấp. Bị ông Huấn đuổi khỏi buồng giam, quản ngục không giận mà còn lễ phép “xin lĩnh ý”. Chi tiết này đã làm sáng lên nhân cách cao đẹp của quản ngục.
Niềm khát khao chơi chữ nói lên tấm lòng quý mến trân trọng cái đẹp và nhân cách của người quản ngục. Nhưng quản ngục cũng hiểu rằng tính ông Huấn Cao vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông không cho chữ ai bao giờ. Vì thế, sau khi bị ông Huấn đuổi ra khỏi buồng giam, quản ngục không có can đảm gặp mặt Huấn Cao lần nữa mà chỉ mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn chịu bớt tính nết mà viết cho mấy chữ. Khi nhận được công văn giải Huấn Cao về kinh chịu án chém thì nỗi hốt hoảng khiến quản ngục tái nhợt người. Chi tiết này đã nói lên tấm lòng quý mến cái đẹp và ý thức lưu giữ cái đẹp cho đời.
Quản ngục là người có thiên lương trong sáng, có sở thích cao qúy bất chấp hoàn cảnh éo le, là bông sen giữa chốn bùn nhơ “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nhân vật quản ngục đã góp phần bộc lộ chủ đề về cái đẹp, cái cao cả chiến thắng cái xấu, cái thấp hèn, nô lệ.
2. Sự đối lập giữa ánh sáng với bóng tối; giữa cái đẹp, cái thiện với cái xấu, cái ác.
Sự đối lập giữa “ánh sáng đỏ rực của bó đuốc” với bóng tối của buồng giam “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”.
Sự đối lập giữa hoàn cảnh cho chữ với việc cho chữ. Vốn dĩ cho chữ là một hành động mang vẻ đẹp văn hóa, phải được diễn ra ở một nơi trang trọng, trong một tư thế ung dung, đường hoàng, thoải mái. Nhưng ở đây, “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Hoàn cảnh lao tù hoàn toàn đối lập với phong thái ung dung cho chữ của Huấn Cao. Điều đó càng khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao cả trước cái tầm thường, xấu xa; sự chiến thắng của khí phách, thiên lương trước cảnh ngục tù.
Sự đối lập giữa phong thái người cho chữ với kẻ nhận chữ. Huấn Cao thì hiên ngang “dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”, viên quản ngục thì “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Sau khi cho chữ, người tù thì ân cần khuyên răn “thầy Quản nên thay chốn ở đi… Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”, ngục quan thì “cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Qua sự đối lập đó, ta thấy có một sự thay bậc đổi ngôi diễn ra trong chốn ngục tù, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị mà chính tử tù mới là người làm chủ. Đó là sự lên ngôi của cái đẹp, cái thiện.
Nghệ thuật đối lập đã giúp Nguyễn Tuân khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Đồng thời phản ánh hiện thực xã hội đen tối, bất công, đày ải con người. Nhà văn đã khẳng định, ngợi ca sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối; của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn; của cái thiện đối với cái ác; của thiên lương trong sáng với cái cặn bã, thấp hèn. Đó chính là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người trong mọi hoàn cảnh. Qua đó thể hiện quan niệm, tư tưởng của tác giả, một con người suốt đời đi tìm cái đẹp, luôn ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu cái đẹp, cái thiện.
Sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập để mô tả bức tranh đời sống là một đặc trưng của văn học lãng mạn. Nguyễn Tuân là nhà văn thuộc khuynh hướng văn học lãng mạn nên thường sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập để phản ánh hiện thực cuộc sống; khắc họa tính cách nhân vật; thể hiện chủ đề của tác phẩm và tư tưởng, tình cảm của tác giả. Nghệ thuật đối lập được nhà văn sử dụng thành công tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo và gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.
Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.