ĐẮC Ý VONG NGÔN (得意忘言) LÀ Thuật ngữ lý luận văn học. Một cách hiểu của người xưa về mối quan hệ giữa lời nói và ý nghĩ: chỉ cần lĩnh hội được ý, còn ngôn từ biểu đạt ý đó thì có thể quên đi. Xuất xứ từ sách “Trang Tử” thiên “Ngoại vật”: “Thuyên giả sở dĩ vi ngư, đắc ngư nhi vong thuyên…, ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn” (Nơm là để bắt cá, được cá rồi thì quên nơm…, lời nói là để biểu đạt ý nghĩ, biết được ý nghĩ rồi thì quên mất lời nói). Do quan niệm này chỉ ra rằng ngôn ngữ chỉ cốt dùng để biểu đạt tư tưởng hoặc ý nghĩa, lại thường hàm chứa tình cảm chủ quan dẫn đến hình tượng được miêu tả có khi quá đáng, cho nên có tác dụng hô, ứng với quan niệm tỷ hứng ký thác của Nho gia, thúc đẩy sự nghiên cứu vấn đề “biểu đạt cả tình lẫn chí” và vấn đề “miêu tả hình tượng” ở các đời sau.