Giới thiệu tác giả Nam Cao và truyện ngắn Chí phèo
I. Tác giả Nam Cao
Cuộc đời.
Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là một trong những cây bút viết truyện ngắn rất thành công của dòng văn học hiện thực phê phán thời kì trước Cách mạng. Nam Cao cũng là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của chặng đường nền văn học mới sau 1945.
Con người Nam Cao nhìn bề ngoài có vẻ lạnh lùng, ít nói nhưng đời sống nội tâm thì rất phong phú. Nam Cao là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. Ông gắn bó sâu nặng, giàu ân tình với quê hương và những con người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt trong xã hội cũ. Ông từng quan niệm không có tình thương đồng loại thì không đáng gọi là người. Đó chính là một trong những lí do dẫn Nam Cao đến với con đường nghệ thuật “vị nhân sinh” và tạo nên những tác phẩm thấm đượm tư tưởng nhân đạo sâu sắc.Sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tập trung vào hai đề tài chính người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.
Sự nghiệp văn học.
– Trước năm 1945, sáng tác của Nam Cao tập trung vào hai đề tài chính: Cuộc sống người trí thức nghèo và cuộc sống người nông dân.
+ Ở đề tài trí thức tư sản nghèo: đáng chú ý nhất là các truyện ngắn: “Những truyện không muốn viết”, “Trăng sáng”, “ Đời thừa”, “ Cười” Nước mắt”, “Mua nhà”… và tiểu thuyết “Sống mòn”. Trong khi miêu tả hết sức chân thực tình cảnh nghèo khổ, bế tắc của những nhà văn nghèo, “Giáo khổ trường tư”, học sinh thất nghiệp… Nam cao đã làm nổi bật tấn bi kịch tinh thần của họ. Những con người có ý thức sâu sắc về sự sống, muốn sống có hoài bão, phát triển nhân cách nhưng cứ bị gánh nặng cơm áo hàng ngày làm cho “chết mòn” về tâm hồn.
+ Trong đề tài nông dân: đáng chú ý nhất là các truyện: “Chí Phèo”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”, “ Mua danh”, “ Tư cách mỏ”, “ Điếu văn”, “Một bữa no”, “Lão Hạc”, “ Một đám cưới”, “ Dì Hảo”, “ Nửa đêm”, …Ở một số truyện viết về người nông dân lưu manh hóa, nhà văn kết án sâu sắc cái xã hội tàn bạo đã hủy diệt cả nhân tính của những con người vốn bản tính lương thiện đó.
– Sau năm 1945, Nam Cao sáng tác để phục vụ công cuộc kháng chiến. Truyện ngắn “Đôi mắt” (1948), “Nhật ký ở rừng” (1949) và tập bút ký “Chuyện biên giới” (1950). Đó là những sáng tác đặc sắc nhất của nền văn học sau 1945 còn rất non trẻ khi đó. Nam Cao còn là cây bút có cái gốc nhân đạo rất sâu và là một tài năng độc đáo bậc thầy. Nam Cao xứng đáng được coi là một nhà văn lớn. “Chí Phèo” và nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết của ông thuộc vào những sáng tác đặc sắc nhất của văn xuôi Viêt Nam.
Hoàn cảnh xã hội và cảm hứng nghệ thuật của Nam Cao.
– Nam Cao là nhà văn hiện thực mà những trang viết phản ánh sâu sắc bộ mặt của xã hội thời kỳ 1939-1945. Xã hội Việt Nam sau những năm dài nô lệ như dồn tụ lại những thảm họa đen tối nhất vào những năm tháng này. Chiến tranh thế giới thứ hai lan tràn đến xứ thuộc địa nghèo khổ, đã bị vơ vét đến kiệt sức từ hàng trăm năm nay. Nông thôn xơ xác như bị tàn phá sau một cơn bão lớn. Người dân thành thị điêu đứng trước nạn thất nghiệp, chợ đen. Đời sống tinh thần của xã hội như một vũng bùn tù đọng, đầy rẫy những tư tưởng nô dịch. Cơ thể xã hội đang lên cơn sốt để chờ ngày lột xác.
– Nhà văn Nam Cao xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lại ở một vùng quê bị bọn cường hào ác bá chia bè kéo cánh, đục khoét bóc lột người dân. Nam Cao am hiểu thấm thía số phận của những người nông dân nghèo khổ. Lúc Nam Cao bước vào con đường văn học cũng là lúc xã hội Việt Nam chao đảo, ngột ngạt và bế tắc. Các giai cấp bị phân hóa dữ dội. Đời sống của người nông dân bị đe dọa hơn bao giờ hết. Ông cũng thấm thía sâu sắc cuộc sống của tầng lớp tiểu tư sản. Bản thân nhà văn đã từng là “giáo khổ trường tư”. Nhà văn nghèo bất đắc chí “phải bán dần sự sống cho mình khỏi chết đói”.
– Con người Nam Cao có những nét ẩn: về bên ngoài nhạt nhẽo khó gần nhưng bên trong rất mãnh liệt. Tính cách này giúp ta hiểu được tính cánh nhân vật trong văn chương. Anh trí thức thường băn khoăn, nhăn nhó, vất vả. Nam Cao sống rất giàu tình thương. Tình thương của Nam Cao là tình thương của người trong cuộc, của kẻ cùng kiếp. Kiếp của Nam cao là kiếp của Dần, của Hộ, của Lão Hạc, của Điền… tác phẩm của Nam Cao giàu tính chân thực trong tự thú và triết lý.
– Truyện Nam cao mang sắc màu trầm tư suy tưởng trong cảm hứng sáng tạo cũng như trong nghệ thuật phô diễn. Phong cách truyện như thế được cắt nghĩa với nhiều lý do chính ở trong sâu xa. Tính cách của Nam Cao có nhiều nét đối lập. Nam Cao có tài nhưng vất vả. Những trang viết của ông bộc lộ rõ một cách nhìn đời sâu sắc, thấm thía và chua xót. Từ những nét bao quát chung đến những cảnh đời cụ thể .Nam Cao đã phác họa nhiều bức tranh đậm nét chất chứa biết bao yêu thương căm giận, xót xa. Sự kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần phê phán mặt trái xã hội với lòng yêu thương những người nghèo khổ, giữa xu hướng miêu tả cuộc sống khách quan với tính chất tự biểu hiện giữa dòng kể và mạch vận động tâm lý, là những đặc điểm khá phổ biến trong tác phẩm Nam Cao.
– Điểm xuất phát của Nam Cao là cuộc đời cụ thể. Từ một làng quê nơi chôn rau cắt rốn Nam Cao đã ghi chép chắt chiu tư liệu, đào sâu vào những mảng sống để khái quát lên bức tranh về nông thôn Việt nam thời kỳ thế giới đại chiến. Làng quê Việt Nam trong tác phẩm của Nam Cao không còn vẻ yên tĩnh lâu đời mà đang bị xáo trộn dữ dội. Bọn quan lại tay sai ra sức áp bức bóc lột, trộm cướp hoành hành khắp nơi. Các tệ nan xã hội đầy rẫy khắp nơi. Nạn đói đe dọa thường xuyên. Nam Cao đã khắc họa được nhiều bức tranh chân thực. Tác giả không thi vị cuộc sống ở nông thôn mà lấy sự thực làm tiêu chuẩn và chân lý sáng tác nghệ thuật. Nam Cao khá nhạy cảm ghi nhận những diễn biến ngày một xấu đi của cuộc sống. Tuy nhiên trên những trang viết của tác giả thì cảm hứng xót xa chua chát về cuộc đời không khỏi có lúc gây ấn tượng nặng nề bi đát.
– Từ cuộc đời riêng của một thầy giáo nghèo, một nhà văn vất vả vật lộn với nghề nghiệp, Nam Cao đã suy nghĩ, chiêm nghiệm để nêu lên những vấn đề chung của tầng lớp tiểu tư sản trí thức nghèo. Trong văn xuôi cũng rất hiếm có những trường hợp mà những chất liệu quen thuộc lại có khả năng trở thành đề tài và vấn đề chung trong nhiều sáng tác rộng rãi. Và nhà văn say mê khai thác trong suốt cuộc đời mình. Nam Cao đã luôn có ý thức khách quan hóa những cái riêng để qua từng tâm lý, từng sự việc tìm được đường dây liên lạc với cuộc đời chung. Những trang viết về nông thôn bộc lộ chủ yếu là những hoàn cảnh và tính cách chân thực điển hình. Sự thật phủ phàng đó cũng là đóng góp mới của Nam Cao qua chủ đề nông thôn.
– Bên cạnh những chủ đề quen thuộc về số phận cực khổ của người nông dân đưới chế độ thực dân phong kiến. Nam Cao đặt một vấn đề mới: tình trạng cùng cực làm biến chất, biến dạng nhiều người nông dân. Người cùng dân trong giai đoạn này đã bị đẩy quá “bước đường cùng” của cuộc sống con người. Bên cạnh anh Pha, chị Dậu…, các điển hình quen thuộc về người nông dân. Nam Cao đóng góp thêm một chân dung mới: Chí Phèo. Khi “Tắt đèn” của Ngô tất Tố và “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan ra đời, ít ai nghĩ rằng thân phận người nông dân lại có một nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao thì người ta liền nhận ra rằng: đây mới là hiện thân đầy đủ của những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người nông dân cùng ở một nước thuộc địa bị chà đạp, bị cào xé, bị hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán chó , bán con và bán sữa…nhưng chị còn được gọi là người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo, cả linh hồn mình đi, trở thành con quỹ của làng Vũ Đại “ – Chí Phèo là cột mốc cuối cùng đi tới các số phận” ( Hà Minh Đức).
Phong cách nghệ thuật của Nam Cao.
– Tác phẩm của Nam Cao ghi lại những chuyện đời thường nhưng sao lại có sức gắn đến thế với cả cuộc đời rộng lớn. Cái tiếng thì thầm của tác phẩm lại có sức ám ảnh đến đối với nhiều lớp người trong hành trình cuộc đời. Giữa bao thăng trầm của lịch sử, truyện của Nam Cao là một đối tượng đầy hấp dẫn mà mỗi lúc nghĩ đến là gợi cả một bức tranh đời. Cả một tiểu vũ trụ nhân gian với bao màu sắc vừa hài hòa vừa tương phản.
– Nhà văn Nam Cao tuy không phải là nhà văn đầu tiên của dòng văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930-1945. Đã có biết bao cây bút nổi danh. Nhưng Nam Cao đã vươn tới đỉnh cao bởi vì Nam Cao có một phong cách riêng, không lẫn với ai được. Nếu không có Nam Cao thì trong lịch sử văn học sẽ trống đi một chỗ trong việc phản ánh đất nước. Tâm hồn con người sẽ thiếu đi một cây bút xuất sắc trong nền văn học dân tộc.
– Tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao là: “Văn chương chỉ dung nạp được những ai biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có…” Nam Cao không dừng lại ở những hiện tượng bề mặt. Ông cố gắng đi sâu vào một bản chất của một sự vật và bày tỏ thái độ đồng cảm xót thương đối với những tâm hồn lao khổ. Tấm lòng yêu thương nhân đạo và sự hiểu biết sâu sắc về con người, đời sống ở thôn quê đã giúp Nam Cao xây dựng hình tượng người nông dân sinh động. Từ một làng quê heo hút của mình, nhà văn đã mở ra cả một thực trạng nông thôn đang thời kỳ lột xác.
– Nam Cao có được một thi pháp rất độc đáo. Tác phẩm Nam Cao bộc lộ một kiểu tư duy mới. Tư duy phần tính đặc biệt thể hiện xuất sắc kiểu tâm lý nhân vật lưỡng khả- một lại tâm lý dang dở giữa tỉnh- say, khóc- cười..ý thức và vô thức. Sức hấp dẫn ở sự phân tích nhân vật sắc sảo. Nam Cao chú ý đến nội tâm hơn là ngoại hình nhân vật. (trừ những trường hợp có dụng ý đặc biệt thuộc về những chi tiết nghệ thuật). Dường như mọi đặc sắc nghệ thuật của Nam cao đều gắn với sở trường ấy: vấn đề đói miếng ăn và nhân phẩm con người. Vấn đề tưởng như cũ nhưng rất mới như vấn đề “ sống mòn”, vấn đề tha hóa cho đến nay vẫn còn rất mới. Vấn đề đói ăn , thiếu mặc chưa khổ bằng vấn đề bị tha hóa nhân phẩm con người.
– Nam Cao là người thực sự viết bài ai điếu tiễn đưa người nông dân vào cõi chết. Và chỉ có Chí Phèo mới là người trôi xa nhất trong dốc trượt của cuộc đời – là “cột mốc cuối cùng đi tới của các số phận”. Ngòi bút của Nam Cao như nhỏ từng giọt nước mắt theo số phận Chí Phèo. Nam Cao đã tìm được lối viết rất riêng. Khuôn mặt nhân vật của Nam Cao rất xấu: những Chí Phèo, Thị Nở, Trạch Văn Đoành… hình thức đó phải chăng là báo hiệu sự tha hóa,bóp méo về tâm hồn của họ ( xét về mối tương đồng) mà cũng có thể dụng ý của nhà văn là ở cái xã hội ấy phải sản sinh ra những con người ấy. Nhưng xét về mối tương phản có lẽ nhà văn muốn nhắc chúng ta hãy nhìn cho kỹ kẻo lầm. Thị Nở xấu xí vậy nhưng vẫn còn chút thương người. Còn Bá Kiến không xấu về hình thức nhưng lại độc ác giã man vô cùng. Ở Chí Phèo anh vẫn có điểm sáng. Anh ước mơ được trở lại cuộc sống con người lương thiện… Anh đã giải quyết một cách thông mình cho đường đi không thể nào khác của số phận mình khi bị cuộc đời chối bỏ. Lối đặt tên nhân vật của Nam Cao lại cũng khác người. Nam Cao rất hiện thực và nhân đạo. Ở Nam Cao, cái làm nên nghệ thuật là cái bình thường hàng ngày. Như vậy có thể nói mỗi chi tiết trong tác phẩm vừa là đơn thể vừa là chỉnh thể. Mỗi giọt nước mắt được Nam Cao miêu tả cũng chính là giọt nước mắt ấy đồng thời là cả biển cả khổ đau. Nam Cao xứng đáng là nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam.
– Nam Cao ra đi để lại cho đời sau, những thế hệ người đọc một số lượng tác phẩm không nhiều nhưng đạt đến đỉnh cao của dòng văn học hiện thực phê phán. Đọc “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, chúng ta từng bắt gặp những con người bị dồn đẩy đến chân tường và cũng đã chứng kiến không ít những số phận éo le.Nhưng đến Nam Cao cảnh nghèo đã thấm thía qua từng trang sách. Và người đọc cứ day dứt không nguôi về bi kịch của con người bị đẩy đến tận đáy cùng xã hội. Không có một nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của Chí Phèo khi bị tước cả quyền làm người, quyền được lao động, quyền được mơ ước yêu thương. Do bị áp bức đè nén quá nặng nề, cờ bạc rượu chè cùng quẫn, đói ăn thiếu mặc, liều lĩnh. Chí Phèo là một kiểu nạn nhân đau khổ mà số phận của anh là một lời tố cáo mạnh mẽ, một tiếng kêu đau thương. Chí Phèo là sản Phẩm của một hoàn cảnh xã hội bế tắc.Con người bị tước đoạt hết mọi quyền sống tối thiểu nhất và bị xô đẩy vào vòng tội lỗi. Những truyện ngắn viết về người nông dân biến chất đã miêu tả quá trình suy sụp của họ trên cái dốc đời mà Chí Phèo là người trôi xa nhất nên cuối cùng rơi vào đáy tội lỗi. Nhưng điều đáng quý là anh đã mong muốn trở về con đường lương thiện.
– Con đường hoàn lương không thực hiện được vì bị kẻ thù chặn đứng lại, nhưng chính trên chặng đường ngắn ngủi này, bộc lộ bao xót xa đau đớn của nhân vật muốn khẳng định lại những ước mong chân chính được làm người. Do đó giá trị nhân đạo của vấn đề càng sâu sắc.
– Nam Cao là một nhà văn tài hoa, giàu lòng nhân ái. Chỉ tiếc rằng cụ ra đi quá sớm nhưng sự nghiệp văn chương ngắn ngủi đó đã để lại cho chúng ta một Chí Phèo và những truyện ngắn khác vẫn còn mãi với thời gian.
II. Truyện ngắn Chí Phèo.
Hoàn cảnh ra đời.
– Chí Phèo là truyện viết về người thật, việc thật ở làng Đại Hoàng – quê hương của tác giả trước Cách mạng tháng Tám. Lúc đầu, truyện có tên là “Cái lò gạch cũ”. Khi in thành sách lần đầu (1941), Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội tự ý đổi tên là “Đôi lứa xứng đôi”. Năm 1946, khi in trong tập “Luống cày”, tác giả đặt lại tên là “Chí Phèo”.
Giá trị nội dung và nghệ thuật.
– Chí Phèo là tác phẩm thành công của Nam Cao viết về đề tài người nông dân. Nhân vật Chí Phèo thể hiện tấn bi kịch tinh thần lớn nhất của con người, đó là bi kịch bị tha hoá. Những thế lực tàn bạo đã tước đoạt của người nông dân chất phác hiền lành những khát vong và ước mơ về một cuộc sống lương thiện, biến họ thành kẻ lưu manh. Và khi lương tâm thức tỉnh, họ đã phải tự kết thúc đời mình khi nhận ra rằng mình không còn con đường trở về với cuộc sống lương thiện.
Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo:
– Tác phẩm phản ánh hai mâu thuẫn gay gắt và tiêu biểu nhất trong xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám là: Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị với nhau và mâu thuẫn giữa bọn cường hào ác bá và người nông dân. Nhân vật đều đạt đến trình độ điển hình.
Tóm tắt nội dung đoạn trích.
– Chí Phèo vốn không cha không mẹ, được dân làng truyền tay nhau nuôi lớn. Lớn lên, hắn đến làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Vì nỗi ghen tuông nên Bá Kiến đã đẩy anh vào tù. Bảy tám năm sau, Chí ra tù và trở về làng với bộ dạng của một tên lưu manh. Hắn chuyên uống rượu, rạch mặt ăn vạ và chửi làng xóm, chửi trời đất. Tiếng chửi của Chí Phèo trở thành nỗi kinh hãi của cả làng. Cả làng lánh xa hắn. Hiểu tính của những kẻ côn đồ, Bá Kiến lợi dụng Chí Phèo, bến hắn thành công cụ cho mình.
– Chí gặp Thị Nở, hai người ăn nằm với nhau. Chí tỉnh rượu rồi ốm, được Thị Nở chăm sóc. Bát cháo hành và những cử chỉ chân thật của Thị Nở đã làm sống dậy khát vọng sống cuộc đời lương thiện của Chí.
– Tình yêu đang nảy nở trong lòng Chí Phèo và thị nở, hứa hẹn một tương lai tươi đẹp, thế nhưng bà cô Thị Nở ngăn cấm. Chí tuyệt vọng khi bị Thị Nở từ chối. Anh xách dao đến nhà bà cô để nói cho ra lẽ nhưng bước quen thuộc lại dẫn hắn đến nhà Bá Kiến. Tại đây, Chí phèo nhận rõ bản chất của Bá Kiến, nhận rõ cuộc đời mình. Hắn gào thét đòi lương thiện. Cuối cùng, Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và tự vẫn.
Xem thêm: